Cuộc hành hương của Roos

 

Lm. Mark Link, S.J.

Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và chữa lành, Người ban cho họ một huấn lệnh bất thường: “Anh em đừng mang theo bất cứ gì.”

  • Tại sao Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ đừng mang theo bất cứ gì nhưng hãy đi xin?
  • Nếu sống trong thời đại ngày nay, liệu Chúa Giêsu có ban cho cùng một huấn lệnh ấy hay không?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu Người làm như vậy?
  • Thiên hạ sẽ phản ứng ra sao nếu có một môn đệ gõ cửa và xin ăn?
  • Và ngay cả nếu người ta cho ăn ở đi nữa, làm thế nào môn đệ ấy có thể mời gọi chủ nhà hãy ăn năn sám hối và được chữa lành-tối thiểu là phần tinh thần?

Một vài năm trước đây, một linh mục trẻ tuổi dòng Tên, Richard Roos, cũng thắc mắc những câu hỏi trên. Người quyết định đi tìm câu trả lời. Người được bề trên chấp thuận cho thực hiện 40 ngày Chay bằng cuộc hành hương đi bộ 800 dặm từ San Diego đến San Francisco. Các Kitô Hữu thời tiên khởi cũng hành hương với nhiều lý do-tỉ như, để bày tỏ sự tín thác vào Chúa, để thực sự tin tưởng vào lòng tốt của người dân, để cảm nghiệm thế nào là nghèo khổ. Và vì thế người lên đường theo con đường truyền giáo xưa-bây giờ là xa lộ-của các thừa sai Tây Ban Nha đến truyền giáo tại California trong khoảng 1700.

Cha Roos đi bộ qua mưa nắng, gió to. Người tiếp tục đi, hết ngày này sang ngày nọ, bất kể đôi chân sưng vù và rướm máu-giống như các nhà thừa sai trước đây đã thi hành. Tuy nhiên, có một sự khác biệt. Người chỉ xưng mình là một Kitô Hữu đang làm cuộc hành hương mùa Chay.

Người đã được câu trả lời gì cho những thắc mắc của người? Cha Roos viết: Mỗi buổi chiều vào lúc hai hay ba giờ là tôi bắt đầu lo lắng không biết sẽ ngủ đêm như thế nào… Và dĩ nhiên, tôi cảm thấy bất lực vì nghèo. Khi bạn phải gõ cửa từng nhà… và xin tá túc cũng như thực phẩm… bạn sẽ thấy mình thật khiêm tốn. Bạn hoàn toàn trông nhờ vào người khác. Bạn không còn quyền lợi và sức lực gì.

Người ta phản ứng thế nào khi thấy Cha Roos? Người viết:

Tôi chưa bao giờ bị đối xử cách tệ hại hay thiếu tử tế. Những người tiếp đãi tôi đều là Kitô Hữu thuộc đủ mọi giáo phái và ngay cả những người không có tôn giáo gì cả. Tất cả đều bàng hoàng với ý nghĩa của cuộc hành hương.

Người kết thúc bài tường trình với một nhận xét không ngờ. Nó liên hệ trực tiếp đến cách người rao giảng Phúc Âm. Người viết: Nói chung, tôi thấy rằng sự hiện diện của tôi và cuộc đối thoại đã đem đến cho họ cũng như kiên cường niềm hy vọng của họ vào Thiên Chúa và vào sự tốt lành của con người.

Tôi không quen biết với Cha Roos. Nhưng từ những gì người viết, tôi biết Cha Roos là một người siêng cầu nguyện với đức tin sâu đậm và tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa và vào con người. Tôi nghĩ ngay ở đây chúng ta đã có câu trả lời về cách Cha Roos rao giảng Phúc Âm trong cuộc hành hương. Người đã rao giảng bằng đức tin và gương mẫu của người. Chính đức tin này và gương mẫu này đã lộ ra khi người nói chuyện với dân chúng. Nói cách khác, người không rao giảng Phúc Âm bằng lời. Người rao giảng bằng một phương cách mạnh mẽ hơn: bằng sự hiện diện, đức tin, và gương mẫu của người.

Một vài năm trước đây, một số Kitô Hữu trẻ tham dự một cuộc cắm trại quốc tế. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một vấn đề được đặt ra cho họ là hãy nghĩ ra các phương cách hữu hiệu nhất để rao giảng Phúc Âm trong thế giới hiện đại ngày nay.

Sau khi các người trẻ nói về việc sử dụng đến truyền hình, truyền thanh, trình diễn nhạc kích động, và các đại siêu thị, một cô gái người Phi Châu đã đánh động tâm hồn mọi người khi cô nói: Khi Kitô Hữu ở quê hương tôi nghĩ rằng một làng ngoại giáo nào đó sẵn sàng để theo đạo, họ không gửi sách vở hay các nhà truyền giáo. Họ gửi đến một gia đình Kitô Hữu tốt lành. Đời sống gương mẫu của gia đình này hoán cải cả làng.

Và điều đó đưa chúng ta đến việc áp dụng bài Phúc Âm hôm nay cho mỗi một người trong chúng ta ở đây. Chúa Giêsu muốn chúng ta rao giảng Phúc Âm trong thế giới ngày nay. Người muốn chúng ta thi hành việc ấy giống như Cha Roos đã làm, nhưng với một ngoại lệ.

Người không muốn chúng ta thi hành điều đó trong một cuộc hành hương mùa Chay. Người muốn chúng ta thi hành điều đó ngay trong gia đình, nơi sở làm, và trong cộng đoàn chúng ta. Người muốn chúng ta thi hành điều đó theo phương cách mà cô gái Phi Châu đã đề nghị.

Người muốn chúng ta thi hành điều đó bằng đời sống của một người có đức tin sâu xa vào Chúa và vào con người. Người muốn chúng ta thi hành điều đó bằng sự hiện diện và bằng gương mẫu của chúng ta hơn là bằng lời nói.

Và nếu chúng ta thi hành theo phương cách đó, không những chúng ta sẽ kiên cường đức tin của những người chung quanh chúng ta, nhưng còn mời gọi họ bắt chước đức tin và đời sống cầu nguyện của chúng ta.

Thi sĩ Edgar Guest đã có lý khi ông nói:

Tất cả sẽ là phù phiếm khi rao giảng chân lý
Cho những đôi tai muốn lắng nghe của người trẻ…
Lời nói có thể chải chuốt cho sự khuyên giải
Nhưng người trẻ sẽ học từ cách bạn sống.

Và một người Bà La Môn ở Ấn Độ đã có lý khi nói với nhà truyền giáo Kitô Hữu như sau: Nếu Kitô Hữu các anh ở Ấn, ở Anh Quốc, hay ở Hoa Kỳ mà giống như trong Phúc Âm, anh sẽ chinh phục nước Ấn này trong năm năm.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu của Đức Hồng Y Newman:

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con lan tỏa hương thơm của Người ở bất cứ đâu con đến.Xin hãy tràn ngập linh hồn con với thần khí và sự sống của Người. Xin hãy thấm nhập toàn thể con người con. Xin hãy chiếu tỏa qua con và trong con để bất cứ linh hồn nào con tiếp xúc sẽ cảm thấy sự hiện diện của Chúa…

Không có gì là của con, tất cả đều là của Chúa soi sáng người khác qua con. Con xin ca tụng Chúa theo cách Chúa ưa thích nhất… Không bằng lời rao giảng, nhưng bằng đời sống gương mẫu của con.

Lm. Mark Link, S.J.
Theo: Tập các bài giảng Chúa nhật 15 Thường niên B

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *