Tâm sự với cha I-nhã

Lm. Antôn-Phaolô, SJ

: Du khách đến Roma không thể nào bỏ qua thánh đường “Il Gesù” (Chiesa del Gesù, Thánh Danh Chúa Giêsu), nhà thờ “mẹ” của dòng Tên ở Roma.  Nhưng bên cạnh ngôi thánh đường nguy nga xây dựng theo kiểu Baroque là một khu nhà nhỏ, nơi thánh I-nhã và các cộng sự viên tiên khởi của người đã sinh sống và làm việc từ năm 1544, sau khi dòng Tên được chính thức hoạt động từ năm 1540. 

Căn nhà này (góc đường Via d’Ara Coeli và Via di San Marco, khoảng 100 mét phía nam của Il Gesù) là cư sở thứ năm và cuối cùng của thánh I-nhã.  Trong căn nhà đơn sơ xây bằng gạch và đá trát vôi, với những cột gỗ thấp lè tè và nền gạch đất nung thô sơ, cha I-nhã đã điều hành tất cả các hoạt động của hội dòng cho đến khi người qua đời năm 1556.  Nơi đây người đã cặm cụi viết và trả lời trên 7000 lá thư về đủ mọi đề tài, từ việc thiêng liêng cho đến xây dựng trường ốc.  Đây cũng là nơi người soạn thảo Hiến Pháp dòng (the Constitutions, 1549-1553) đặt nền tảng hoạt động cho dòng. 

Cuộc đàm thoại sau đây dựa trên lời kể của thánh I-nhã cho cha Luis Gonçalves da Câmara (trong những năm 1553-1555) qua bản dịch của cố linh mục Quercestti Hoàng văn Lục, SJ cộng với những nghiên cứu của linh mục Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ.  Người viết cố gắng trung thành với bản văn, chỉ thêm chi tiết hoặc tóm lược khi nào cần thiết để người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện

*****

Bước lên những bậc cầu thang ọp ẹp, tôi rẽ vào một hành lang nhỏ dẫn đến căn phòng của người.  Căn phòng khá đơn sơ, ngăn làm đôi.  Bên ngoài là phòng làm việc, bên trong là phòng ngủ.  Một chiếc bàn cũ với một vài cái ghế gỗ đã bạc mầu thời gian.  Đằng sau, ánh sáng vàng vọt chiếu lên bức tường.  Giữa căn phòng làm việc có trưng bày một tượng của thánh I-nhã bằng đồng đen, lấy mẫu từ gương mặt của người lúc mới qua đời (death mask).  Tôi quỳ xuống và nhắm mắt lại cầu nguyện…

Nghe có tiếng động khe khẽ, tôi mở mắt ra và nhìn về bàn làm việc.  Đằng sau ngọn đèn dầu leo lét, một người đàn ông đang cặm cụi viết.  Chiếc trán hói và cái mũi khoằm chỉ gặp một lần chắc khó quên.  Tôi nhận ra người ngay.  Tôi rụt rè tiến đến.  Người đàn ông ngửng lên, mỉm cười và nói với tôi: “Anh đến thăm cha hả?  Đợi cha một tí nhé!”  Nói xong, người ký tên vào miếng giấy còn đang viết dang dở — Ignatius.  Chữ viết khá đẹp, sắc nét.

“Ngồi xuống đây”, người khoát tay bảo tôi ngồi, rồi đứng dậy bước về chiếc ghế gỗ gần đó.  Cha I-nhã không cao lắm, người gầy gò, đi lại hơi khập khiễng.  Hỏi han tôi một hồi rồi người nheo mắt nhìn tôi:  “Anh đến tìm cha có việc gì không?”  Tôi ấp úng: “Con biết cha rất bận.  Nhưng con xin cha, nếu có thể được, cho con phỏng vấn một tí cho báo Đồng Hành được không ạ?”  Người cười xoà: “Phỏng vấn à, thế anh muốn biết điều gì?”

Tôi móc sổ tay và liếc qua những câu hỏi đã dọn sẵn.  Nhưng không hiểu tại sao tôi lại thưa với người: “Xin kể cho con nghe về cuộc đời của cha.”  Cha I-nhã nheo mắt: “Điều này thì cha trợ lý Luis Gonçalves da Câmara đã viết lại rồi mà.”  Tôi phản đối: “Con biết thế, nhưng con vẫn muốn nghe từ cha cơ!  Cha có thể kể một chút về thời niên thiếu của cha không?”  

• • •

1- Thiếu thời (1491-1521)

Cha I-nhã lim dim đôi mắt: “Cha sinh ra ở Azpeitia miền Guipúzcoa xứ Basque trong một gia đình trung lưu thuộc dòng tộc Loyola.  Cha là con út của một gia đình khá đông anh chị em – 13 người cả thảy.  Tên cúng cơm của cha là Iñigo López.  Mẹ mất sớm, cha lớn lên dưới sự chăm sóc của bà vú Maria.  Năm 7 tuổi, lúc anh hai Martín Garcia của cha kết hôn, cha về sống với anh chị.”

Tôi hỏi dò: “Con nghe nói hồi trẻ cha cũng quậy lắm?”   

Người cười xoà: “Đúng thế.  Hồi nhỏ cha rất ham chơi và biếng học.  Tuy nhỏ con, nhưng cha hay họp bạn với bọn nhóc ở gần lâu đài Loyola, chia phe đánh trận.  Sợ cha lêu lổng không nên thân, nên năm cha được 16 tuổi, gia đình gửi cha vào học việc với công tước Juan Velázquez de Cuellar, thủ quỹ của triều đình Castile (Tây Ban Nha).  Sẵn môi trường giao tiếp với quan chức triều đình cha được học nhiều thứ: quản trị, kiếm thuật, khiêu vũ, giao tiếp, ca nhạc, văn thơ.  Nhưng cha mê nhất là đánh bạc, đấu gươm và tán tỉnh các tiểu thư.

Tính cha cũng nóng nảy và hay gây gỗ lắm.  Cha còn nhớ có lần cha và ông anh kế gây lộn với một gia đình quý tộc khác.  Tụi cha phục kích họ, làm cho mấy người bị trọng thương.  Cha phải đi trốn.  Vụ này khá rắc rối vì bên kia thưa kiện ra tòa.  Cha nại lý do cha đã chiụ “phép cắt tóc” thuộc về hàng giáo sĩ nên được miễn trừ khỏi toà đời.  Có mấy người làm chứng rằng cha luôn mặc giáp phục, đeo dao kiếm, nào có thấy cha mặc áo chùng thâm.  Vụ này kéo dài cả tháng.  Nhưng vì thế lực gia đình của cha khá mạnh, nội vụ cũng chẳng đi đến đâu.

Thật ra có bao giờ cha muốn làm giáo sĩ đâu, cha thích võ nghệ và công danh hơn!   Chẳng qua là theo phong tục Basque, người con trai cả trong gia đình hưởng quyền thừa kế.  Những người con khác được cha mẹ thu xếp hoặc tự lo lấy.  Con gái thì dễ: về nhà chồng.  Con trai có ba đường tiến thân: triều đình, hàng hải và giáo hội. Thường người con trai út làm linh mục để hưởng giáo bổng.  Đúng ra là người anh kế cha Pédro López đã được gia đình chỉ định làm linh mục rồi, nhưng gia đình cha “bảo trợ” giáo xứ Azpeitia, nên cũng muốn cha gia nhập hàng giáo sĩ để “phòng hờ” giáo bổng khỏi lọt ra người ngoài, nếu anh Pédro chết sớm.”

Tôi hỏi: “Vậy nên cha chọn đường binh nghiệp?  Con nghe nói cha đã từng chỉ huy trận đánh với quân Pháp ở thành Pamplona tháng 5 năm 1521.”           

Người lắc đầu: “Cũng không hẳn là như thế.  Cha cũng chẳng phải là một nhà binh chuyên nghiệp.  Chỉ được cái gan lì.  Năm đó, cha đã gần 30 tuổi, cái tuổi ‘tam thập nhi lập’ ấy mà.  Cũng muốn có tí công danh để đời chứ.  Mà con đường nhanh nhất để tiến thân là chiến công.  Mấy năm trước đó cha đã đến phục vụ cho hầu tước Najéra, phó vương xứ Navarra.  Lúc đó xứ Navarra là một vương quốc độc lập, nằm trong vùng tranh chấp giữa Pháp và Tây Ban Nha.  Vì có nội loạn trong triều, nên người Pháp thừa cơ chiếm thành Pamplona, thủ phủ của Navarra.  Cha xung phong giữ thành Pamplona dù biết lực lượng quân Pháp khá mạnh – một chọi mười.  Người Pháp nã đại bác vào thành, tổn thất khá nặng.  Chỉ huy trưởng của cha định đầu hàng, nhưng cha nhất định tử thủ đến cùng.  Vì danh dự và vinh quang: sĩ khả sát, bất khả nhục.  Cha bị trúng một quả đại pháo bị thương nặng, tưởng chết luôn.

Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang ở nhà.  Thì ra người Pháp đã băng bó và cho người đưa cha về lâu đài Loyola.  Không hiểu tại sao họ lại không bắt cha làm tù binh.  Có lẽ vì họ thấy cha gan lì chăng hay tội nghiệp cha thì cũng không rõ.  Chỉ biết rằng lúc bấy giờ chân phải cha bị gãy lìa đang bó bột, chân trái thì bị dập xương.”

Tôi hỏi tiếp: “Vậy cha phải mất bao lâu mới đi lại được?”           

Cha I-nhã kể: “Người Pháp chỉ băng bó sơ nên vết thương làm độc và không lành.  Bác sĩ gia đình phải mổ chân ra kéo xương ống ra sắp lại.  Không có thuốc tê, đau muốn chết nhưng cha cắn răng chịu.  Lúc đó cha bị sốt cao, bác sĩ sợ cha không qua khỏi, nói người nhà chuẩn bị hậu sự.  Nhưng mà Chúa cũng thương nên chân rồi cũng lành.  Nhưng khi tháo bột thì cha buồn kinh khủng.  Mẩu xương ống quyển lòi ra khỏi đầu gối, chân phải ngắn hơn chân trái, rất khó coi.  Hồi đó trang phục của các công tử là áo phồng tay, quần chẽn để hở đầu gối, mang giày và đội mũ.  Phải là mũ đỏ, vì đó là dấu hiệu đặc biệt của dòng họ Loyola.  Lại phải cài một cái lông ngỗng trên mũ phía tay trái và đeo kiếm bên hông trái.  Cái chân kiểu đó thì làm sao mặc quần chẽn được.  Thà chết còn hơn!  Cha bắt bác sĩ phải cưa cái mẩu xương lòi ra và dùng dây và kẹp gỗ kéo ra cho chân phải dài ra.  Cũng không có thuốc tê.  Nhưng cha nhất định phải làm cho được.  Đúng là phù phiếm hão hề của tuổi trẻ.”

Nói rồi người vén ống quần, đưa chân cho tôi coi.  Một vết sẹo sâu hoắm dưới đầu gối.  Bây giờ tôi mới hiểu rằng tại sao người đi khập khiễng, chân thấp chân cao.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *