“… Cuộc Hoán Cải Trở Về với Nước Thiên Chúa” (Giáo Huấn về Năm Đức Tin, kỳ thứ 17, 13-02-2013)

NĂM ĐỨC TIN“…Chúa Giê-su biết rất rõ rằng chẳng có quyền lực trần gian nào có thể cứu rỗi thế giới cả, mà chỉ có sức mạnh của Thập Giá, của khiêm nhường, của yêu thương thì mới cứu được thế gian mà thôi (x. cc 5-8)”

PHẦN A: 

PHẦN B: 

Trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sáng thứ Tư 13-2-2013 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ thứ 17 với chủ đề “Những cơn cám dỗ của Chúa Giê-su và cuộc hoán cải trở về với Nước Thiên Chúa”. Điều đặc biệt trong buổi Tiếp Kiến Chung lần này là trước bài huấn từ, ĐTC Benedict XVI chia sẻ vắn gọn tâm tình về biến cố từ nhiệm chức vị Giáo Hoàng của mình như một lời cáo biệt chung với mọi người. Các tham dự viên điều xúc động và bảy tỏ sự đồng cảm của họ với ĐTC bằng những tràn pháo tay kéo dài. Sau những tâm tình ấy, ĐTC đã đi vào bài giáo huấn của mình, bằng cách xoáy sâu và làm rõ ý nghĩa từ những cơn cám dỗ mà Chúa Ki-tô phải chịu, và những lời mời gọi được gợi lên từ cuộc chiến đấu của Chúa Giê-su trước những cám dỗ. Các câu hỏi quan trọng mà ĐTC nêu lên để làm căn cớ cho bài huấn giáo của mình: trong đời sống của tôi đâu mới là điều thực sự quan trọng? Đâu là chỗ của Thiên Chúa trong đời sống của tôi? Và Ngài là Chúa của tôi hay ngược lại? Những mẫu gương và những khích lệ từ những cuộc hoán cải vĩ đại nói với chúng ta điều gì?

 

CHIA SẺ TÂM TÌNH CỦA ĐTC BENEDICT XVI

Anh chị em thân mến!

Anh chị em biết là tôi đã quyết định … (vỗ tay hoan hô, “cám ơn sự cảm thông của anh chị em, xin cám ơn!). Tôi quyết định từ nhiệm mà Thiên Chúa đã phó cho tôi ngày 19 tháng Tư năm 2005. Tôi quyết định như vậy với lòng đầy tự do vì lợi ích của Giáo Hội, sau khi cầu nguyện lâu giờ và xét lương tâm mình trước Chúa. Tôi ý thức rõ sự nghiêm trọng của quyết định ấy, thế nhưng tôi cũng ý thức là mình không còn đủ sức để thực thi sứ vụ Giáo Hoàng nữa vì áp lực mà sứ vụ ấy đòi hỏi. Tôi được nâng đỡ và được soi sáng là nhờ sự đoan chắc rằng Giáo Hội là của Chúa Ki-tô, thế nên Giáo Hội sẽ không bao giờ bị Ngài bỏ quên mà không dẫn dắt và chăm sóc. Tôi cảm ơn anh chị em nhiều lắm vì tình yêu mến và vì lời cầu nguyện mà qua đó tôi thấy mình được anh chị em cùng tháp tùng (vỗ tay, “Cám ơn, cám ơn!”) Tôi cảm thấy thể chất mình không dễ dàng trong những ngày này, chính sức mạnh từ lời cầu nguyện của anh chị em và tình yêu mến Giáo Hội đã giữ đứng tôi đây. Xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, cho Giáo Hội, và cho vị Giáo Hoàng tương lai. Xin Thiên Chúa thương dẫn dắt hết thảy chúng ta.

 

BÀI GIÁO HUẤN

Những cơn cám dỗ của Chúa Giê-su và cuộc hoán cải trở về với Nước Thiên Chúa

Anh chị em thân mến!

Hôm nay thứ Tư Lễ tro, chúng ta bắt đầu Mùa Chay. Mùa Chay kéo dài suốt 40 ngày để chúng ta chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Mùa Chay là thời gian chiến đấu đặc biệt trong hành trình thiêng liêng. Con số 40 được nhắc đến nhiều lần trong Thánh Kinh. Cách riêng, như chúng ta biết, số 40 gợi nhắc chúng ta về số năm mà dân Ít-ra-en hành trình trong sa mạc: một khoảng thời gian đủ dài để dân được huấn luyện trở thành dân Thiên Chúa, thế nhưng 40 năm ấy cũng là khoảng thời gian đủ dài mà nơi đó những cám dỗ phản bội lại giao ước với Thiên Chúa đã luôn hiên diện đầy rẫy. Số 40 cũng là số ngày mà tiên tri Ê-li-a hành trình để đến được Núi Chúa, Núi Khô-rép; rõ nhất, con số 40 là số ngày mà Chúa Giê-su ở trong sa mạc trước khi khởi đầu đời sống công khai của mình, và sa mạc là nơi mà Ngài chịu ma quỷ cám dỗ. Trong bài giáo lý hôm nay tôi muốn đề cặp thẳng vào thời dương thế của Chúa Giê-su, đó là điều mà chúng ta sẽ đọc thấy trong Tin Mừng Chủ Nhật tới đây.

Trên hết sa mạc là nơi Chúa Giê-su lui vào, là chốn của tĩnh lặng, của nghèn khó, nơi mà con người được cất khỏi những ưu đãi vật chất và tự tìm đến những câu hỏi nền tảng của hiện hữu, thế nên phải nói rằng được đẩy vào sa mạc là để con người đến được với cái cốt lõi và cái đúng đắn của điều này, là để con người dễ gặp gỡ Thiên Chúa hơn. Thế nhưng sa mạc cũng là nơi chết chóc, bởi lẽ nơi ấy thiếu nước, nghĩa là thiếu sự sống. Sa mạc cũng là nơi tĩnh mịch, nơi mà con người có thể cảm nhận được cám dỗ mạnh mẽ nhất! 

Chúa Giê-su đi vào sa mạc, và tại đó người chịu cám dỗ là hãy bỏ con đường mà Chúa Cha đã định trước, để theo con đường dễ hơn và thế tục hơn (x. Lc 4,1-13). Thế nên Chúa Giê-su tự gánh chịu những cơn cám dỗ của chúng ta, mang lấy vào mình những đau khổ của chúng ta, để rồi chiến thắng sự ác và mở ra một hành trình để chúng ta tiến về với Thiên Chúa, đó là hành trình hoán cải. Phản tỉnh lại những cơn cám dỗ được đặt ra với Chúa Giê-su trong sa mạc, chính là một lời mời để ứng đáp một câu hỏi rất ư nền tảng: đâu mới là điều thực sự quan trọng trong đời sống của tôi? Trong cơn cám dỗ đầu tiên, ma quỷ đề nghị Chúa Giê-su là hãy biến hòn đá thành bánh để giải tỏa cơn đói. Chúa Giê-su đã trả lời rằng con người sống cũng cần đến cơm bánh, nhưng không chỉ là cơm bánh không đâu: vì cơm bánh không thỏa được cơn đói chân lý, cơn khát Thiên Chúa, nghĩa là cơm bánh không có thể cứu rỗi con người (x. cc 3-4). Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đề nghị với Chúa Giê-su một con đường quyền lực: nó đưa Ngài lên cao và đặt Ngài trên chóp đỉnh của thế giới; thế nhưng đấy lại không phải là con đường của Thiên Chúa: Chúa Giê-su biết rất rõ rằng chẳng có quyền lực trần gian nào có thể cứu rỗi thế giới cả, mà chỉ có sức mạnh của Thập Giá, của khiêm nhường, của yêu thương thì mới cứu được thế gian mà thôi (x. cc 5-8). Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ thách đố Chúa Giê-su là hãy nhảy từ nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xuống để thử xem Thiên Chúa có sai các thiên thần đến để che chở cho mình không, ấy là thứ cám dỗ làm điều vô nghĩa để thách đố chính Thiên Chúa; thế nhưng câu trả lời là Thiên Chúa đâu phải là một vật dụng để phục dịch cho các điều kiện của chúng ta: Thiên Chúa là Chúa của mọi sự mà (x. 9-12).

Thế thì đâu là điểm trọng tâm trong cả ba cám dỗ mà Chúa Giê-su phải gánh chịu? Thưa đó là lời đề nghị hãy “công cụ hóa Thiên Chúa” (nghĩa là hãy biến Thiên Chúa thành công cụ), để rồi mặc sức dùng Ngài cho những sở thích riêng, dùng Ngài để có được vinh quang riêng, và dùng Ngài để có được thành công cho riêng mình. Và như vậy, nói tắt một lời, là đặt chính mình vào thế chỗ của Thiên Chúa, loại Ngài ra khỏi chỗ của Ngài, và biến Ngài thành điều có vẻ dư thừa. Từ điểm này, mỗi người tự vấn mình xem: đâu là chỗ của Thiên Chúa trong đời sống của tôi? Và Ngài là Chúa của tôi hay ngược lại?

Vượt qua cám dỗ để đặt mình phục tùng Thiên Chúa, cũng như vượt qua những sở thích riêng hay đặt chúng vào một góc để rồi sắp đặt lại cho đúng vị trí vốn có, nghĩa là đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất của đời sống mình, ấy chính là một hành trình mà mỗi người Ki-tô hữu luôn phải đi trở lại. “Hoán cải” là một lời mời mà chúng ta sẽ được nghe nhiều lần trong Mùa Chay này. “Hoán cải” có nghĩa là hãy bước theo Chúa Giê-su theo cách thức mà Phúc Âm của Ngài đã chỉ dẫn cụ thể cho cuộc sống chúng ta. “Hoán cải” có nghĩa là hãy để Thiên Chúa biến đổi chúng ta, và đừng nghĩ thế này nữa rằng chính chúng ta mới là nhà kiến tạo sự sống cho chính mình. Và “Hoán cải” nghĩa là hãy chân nhận chúng ta là phận thụ tạo mà thôi, chúng ta được sống là nhờ Thiên Chúa, nhờ vào tình yêu của Ngài, thế nhưng không đơn thuần là “phó mặc” đời sống chúng ta cho Ngài, mà là chúng ta cũng phải trông chừng/trách nhiệm với đời sống của mình. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết đưa ra những chọn lựa của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa. Mỗi ngày hãy trở nên Ki-tô hữu hơn, cũng như đừng coi mình chỉ là một hậu quả đơn thuần của sự kiện sống trong một xã hội có gốc Ki-tô giáo, nghĩa là với những ai được sinh ra trong gia đình Ki-tô giáo và được giáo dục tôn giáo, thì mỗi ngày, hãy canh tân quyết chọn làm Ki-tô hữu của mình, đó là hãy dành cho Thiên Chúa chỗ đầu trong đời sống của mình; nghĩa là đứng trước những cám dỗ mà một nền văn hóa bị tục hóa đang lôi kéo, trước những tiêu chuẩn phán đoán rất ư tạm bợ, người Ki-tô hữu hãy canh tân lại chọn lựa làm Ki-tô hữu của mình.

Những thử thách mà xã hội đương thời đặt ra cho người Ki-tô hữu, quả thực quá nhiều, và chúng chạm tới đời sống cá nhân cũng như xã hội. Chẳng dễ gì để trung tín trong đời sống hôn nhân Ki-tô giáo; chẳng dễ gì để mang gánh nỗi khổ đau trong đời sống thường nhật; chẳng dễ gì để dành một không gian cho kinh nguyện và cho sự tĩnh lặng nội tâm. Cũng vậy, sẽ chẳng dễ dàng gì để người Ki-tô hữu kháng cự lại cách công khai những lựa chon mà nhiều người cho là được quyền làm, chẳng hạn như: phá thai trong những trường hợp có thai ngoài ý muốn, rồi nào là chết êm dịu trong những ca bệnh nặng, hoặc chọn lọc phôi thai để ngăn bệnh di truyền. Cám dỗ gạt đức tin sang bên lề cuộc sống hễ còn là cơn cám dỗ luôn hiện diện, và cuộc hoán cải những điều ấy trở nên câu trả lời với Thiên Chúa, cần được xác nhận nhiều lần trong cuộc sống.

Có những mẫu gương và những khích lệ từ những cuộc hoán cải vĩ đại như trường hợp của thánh Phao-lô trên đường đến thành Đa-mát, hay thánh Âu-gút-ti-nô. Dầu ngay trong thời đại vắng bóng ý nghĩa của sự thánh thiêng như ngày nay, thì ơn sủng của Chúa vẫn hoạt động và làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Chúa không bao giờ mệt mỏi gõ cửa lòng con người trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay mà xem ra chúng đang bị nuốt chửng bởi sự tục hóa. Đây chính là kinh nghiệm của một tín hữu Chính Thống người Nga, có tên Pavel Florenskij. Sau khi được đón nhận một nền giáo dục hoàn toàn vô ngộ, đến độ thách thức và thù nghịch với các giáo huấn tôn giáo ở trường học, nhà khoa học Florenskij thốt lên rằng: “Không, không thể sống mà không có Thiên Chúa được!”, và cuộc sống của ông đã hoàn toàn biến đổi đến nỗi ông đã trở thành một đan sĩ.

Tôi cũng nghĩ đến gương mặt của chị Etty Hillversum, một thiếu nữ Hà Lan gốc Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz. Ban đầu chị sống xa Thiên Chúa, nhưng khi nhìn sâu vào chính mình, chị đã khám phá ra Người, chị viết: “Một cái giếng rất sâu ở trong tôi. Và trong cái giếng ấy có Thiên Chúa. Đôi khi tôi có thể vươn đến Người, nhưng thường khi thì đá và cát che phủ Người: khi đó Thiên Chúa bị vùi lấp. Cần phải đào Người lên” (Nhật Ký, 97). Trong cuộc sống phân tán và bất an, chị tìm lại được Thiên Chúa giữa thảm cảnh của cuộc diệt chủng Do thái Shoah của thế kỷ XX. Người thiếu nữ mảnh khảnh và thất vọng này đã được đức tin biến đổi, và chị đã trở thành một phụ nữ tràn đầy tình yêu, an bình nội tâm, nên chị có khả năng khẳng định như sau: “Tôi sống liên lỉ trong sự thân tình với Thiên Chúa”.

Khả năng chống lại các ve vãn ý thức hệ thời của chị để quyết chọn tìm chân lý và mở ra với cuộc khám phá đức tin, đã được minh chứng từ một phụ nữ khác trong thời đại chúng ta: đó là chị Dorothy Day, một người Mỹ. Trong cuốn sách tự thuật của mình, chị tuyên bố một cách công khai rằng chị đã bị rơi vào trong cám dỗ giải quyết tất cả bằng chính trị, bằng cách chạy theo đề nghị Mác-xít: “Tôi đã muốn đồng hành với những người biểu tình, vào tù, viết, ảnh hưởng trên người khác và để lại cho thế giới giấc mơ của tôi. Trong tất cả những điều đó là biết bao tham vọng và tìm kiếm chính mình của tôi!” Con đường tiến về đức tin trong một môi trường bị tục hóa như vậy quả là khó khăn, nhưng Ân sủng vẫn hoạt động trong chị, như chính chị đã nhấn mạnh: “Chắc chắn là tôi cảm thấy có nhu cầu đi đến nhà thờ thường xuyên hơn, rồi quỳ gối xuống và cúi đầu cầu nguyện. Có thể nói có một bản năng mù lòa trong tôi bởi vì tôi đã không ý thức về việc cầu nguyện. Nhưng tôi đã đi, tôi đã đặt mình trong bầu khí cầu nguyện… ”. Thiên Chúa đã đưa chị tới việc ý thức gắn bó với Giáo Hội, trong một cuộc sống tận hiến cho những người đau khổ.

Trong thời đại chúng ta, có không ít các cuộc hoán cải được hiểu như sự trở về của những người vì lãnh nhận một nền giáo dục Ki-tô hời hợt, đã xa rời đức tin biết bao nhiêu năm, và rồi tái khám phá ra Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người. Trong sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúng ta phải chuẩn bị con người nội tâm để được Thiên Chúa viếng thăm, và chính vì thế không được để cho mình bị xâm lấn bởi các ảo ảnh, những gì bề ngoài và những điều vật chất.

Trong Mùa Chay này, trong Năm Đức Tin, chúng ta cần làm mới lại hành trình hoán cải của chúng ta, để chúng ta có thể vượt qua khuynh hướng khép mình lại và nhờ đó mở ra cho Thiên Chúa, bằng cách nhìn thực tại đời sống thường ngày với ánh mắt của Ngài. Sự lựa chọn giữa việc khép mình lại trong sự ích kỷ của chính mình và việc mở ra cho tình yêu Thiên Chúa và cho tha nhân, có thể nói là tương ứng với sự lựa chọn giữa những cám dỗ của Chúa Giê-su. Sự lựa chọn giữa khả năng của con người và tình yêu thập giá, giữa ơn cứu độ chỉ được nhìn dưới khía cạnh của những lợi ích về vật chất và ơn cứu độ như là một hành động của Thiên Chúa, nơi trao ban cho chúng ta tính ưu việt của đời sống. Hoán cải nghĩa là không còn khép mình lại trong việc tìm kiếm thành công, danh vọng và địa vị, nhưng là để cho chân lý, niềm tin vào Thiên Chúa và tình yêu trở nên điều quan trọng trong những điều nhỏ bé thường ngày.

Từ RadioVaticana, 13-12-2013

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J.

Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J.

chuyển ngữ và giới thiệu.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *