Hải Hà

(Truyện ngắn)

1.

Ông Tư hước mấy hơi ráng kháp ra tiếng bên tai thằng Hà, giọng đứt quãng:

-“Kêu thằng… Hải về… đi con!”

Hà với đôi mắt còn đỏ hoe trước cơn hấp hối của cha. Nhìn đăm đăm mà chẳng đáp tiếng nào trước lời của cha. Rất lâu sau ông Tư lại yêu cầu lần nữa, lần này có vẻ yếu hơn, ngắt khúc và nguy cấp hơn lần trước:

-“Thằng… Hải!… Kêu… nó… về!”

Hà bất đắc dĩ không muốn cãi lời cha trước cơn hấp hối này, vả lại nó nghĩ thằng Hải- anh hai của nó cũng có quyền được gặp cha lần cuối, nên nó móc điện thoại gọi. Tiếng chuông đổ vài ba tiếng, giọng một người đàn ông bên đầu máy bên kia lên tiếng “Alo!”, Hà vội nói với giọng cố kìm đầy sượng sùng:

-“Về đi! Cha hấp hối!”

Tiếng “Tít! Tít! Tít!” của máy bị cúp reo lên, chẳng biết bên nào cúp trước nhưng chỉ biết là rất vội.

2.

Ông Tư có mỗi hai thằng con trai. Thằng lớn tên Hải, thằng út tên Hà. Út cách anh hai mười tuổi. Năm bà Tư sanh thằng hai đã ba mươi tuổi, còn thằng út sinh năm bà bốn mươi tuổi. Sống với ông và hai thằng con thêm mười năm nữa thì bà Tư ra đi vì một trận tai nạn giao thông. Một thanh niên xỉn rượu đâm trúng người bà đang khi bà gánh mớ rau ra chợ bán. Từ đó, một mình ông Tư tần tảo chăm mảnh ruộng và miếng vườn rau để nuôi hai thằng con.

Ông Tư nay đã ngoài bảy mươi, nghĩa là hai thằng con trai của ông xa mẹ cũng hơn ba mươi năm. Trong ba mươi năm đó, đã hơn hai chục năm hai thằng không dòm mặt nhau.

Chuyện là thằng Hải nghe lời bè bạn rủ rê sa vào đam mê cờ bạc và đá gà, nên trong cơn túng quẫn vì thua cá độ, nó đã lén ăn cắp sổ nhà đất đem đi cầm cố. Nhưng bọn người cho nó cầm cố lại là những tay giang hồ khét tiếng, nên cơ hội lấy lại cuốn sổ nhà đất gần như không còn.

Thằng Hải không dám cho cha biết, thằng Hà nghe phong thanh làng xóm đồn thổi về chuyện anh mình, nên hôm đó Hải và Hà lớn tiếng với nhau trong nhà. Cuối cùng chuyện đã được lôi ra và kết quả là ông Tư nhập viện vì lên cơn đau tim. Trước đó, Hà đã học xong lớp mười hai đã học xong trường trung cấp nghề, Hà chọn ngành điện làm môn yêu thích của mình. Khi ông Tư ngã quỵ là lúc Hà đã đi làm mưu sinh được vài năm và quen biết đôi chút với những công ty điện lực lớn. Nhờ tay nghề và lòng tận tụy, thêm vào đó tính tình thực thà và chỉnh chu của Hà nên ai cũng quý mến, vì thế mà nó có thể ngỏ lời vay mượn vừa lo chữa bệnh cho cha, vừa lo giữ lại miếng đất. Gần hai chục năm trời nó quần quật lo tối mặt mũi để mong cha hạnh phúc trong tuổi già, cuối cùng sức khỏe ông Tư dần hồi phục dù không linh hoạt như trước nữa. Miếng đất cũng được giữ lại nhờ số tiền những người thân quen cho Hà mượn. Lấy lại tất cả nhưng cũng đồng nghĩa mất đi tương quan với người anh trai, Hà cực kỳ khó chịu và ghét cay đắng Hải. Từ ngày gây ra chuyện, chưa bao giờ Hà coi Hải là anh hai, với lý do đơn giản: “Ổng không đáng làm anh tui! Thứ khốn nạn!” Ông Tư đau đớn biết nhường nào trước sự chia ly này.

3.

-“Hải nè! Nghe lời cha mà bỏ qua cho anh hai con đi! Nó ân hận lắm rồi!”

Hà đỏ bừng mặt nhìn ông Tư trước lời khuyên, cố kìm nén lối nói lớn tiếng nhưng gằn giọng với thái độ hằn học:

-“Cha ơi! Ổng chưa đủ khốn nạn sao cha? Sao cha còn nói về ổng!”

Ông Tư muốn khuyên thêm vài câu nữa:

-“Nhưng dù sao cũng là con của cha mẹ, là anh hai…”

Vừa nghe hai tiếng “anh hai” thì Hà đã cướp lời ông Tư nhưng vẫn giữ thái độ kính trọng cha mình:

-“Cha! Lần cuối cùng con nói với cha, con không có thằng anh hai nào như nó cả. Cha có thương thì đưa nó về sống với cha còn con sẽ đi. Có nó không có con! Được chưa cha!”

Hà vừa nói vừa bấu chặt hai bàn tay, khuôn mặt đỏ bừng và đôi mắt long lên sòng sọc, ông Tư biết Hà đã quá sức chịu đựng, ông ngưng và bỏ đi ra nhà sau, châm điếu thuốc hút để lấy lại bình tĩnh.

4.

Ông Tư đang ngồi ăn cơm ở bàn giữa, thằng Hải ngồi ăn cơm bên cạnh, thằng Hà đi làm về thấy vậy thì giật chén cơm và ly nước của thằng Hải quăng xuống đất. Tiếng ly và chén thủy tinh vỡ chát chúa, cơm trắng và nước đổ tung tóe. Hà xỉ thẳng tay vào mặt Hải:

-“Má nó! Mày ra khỏi nhà tao! Thằng khốn nạn! Nhà tao mày đã bán một lần rồi. Nhà này là nhà tao mua bằng tiền của tao! Má! Khốn nạn! Đi!”

Mỗi tiếng nói là mỗi tiếng chửi chát chúa khiến hàng xóm cũng sợ hãi. Chưa bao giờ bà con thấy Hà lên cơn nóng như thế này.

Hải cũng bừng lên lửa nóng giận muốn tiến tới xốc áo Hà mà xán cho vài tát tay. Vừa túm áo Hà đã kênh mặt kề sát bàn tay Hải, thách thức:

-“Nè! Tát đi! Mày tát đi! Tao nói sai hay sao mà tát tao? Bớ người ta lại đây mà coi! Nó làm cha tui chết lên chết xuống, nó làm cái nhà này biến mất theo cái máu cờ bạc của nó. Giờ nó quay về còn tát tui! Bà con lại đây mà coi!”

Hải dần buông tay đang nắm ngực áo Hà ra, không ngó ngàng tới Hà nữa. Nó quay sang ông Tư đang cúi gầm mặt xuống bàn cơm, nước mắt lã chã.

-“Cha! Con… con xin lỗi…!”

Hà đứng bên cạnh khoanh tay, chân nhúng nhúng thách thức, bộc ra vài câu nói xốc:

-“Đồ quân đạo đức giả! Giả tới cỡ đó là cùng. Ngày nào làm ông già muốn chết đứng đó sao không biết quỳ xuống xin lỗi. Má! Khốn nạn!”

Hải quay lưng cầm chiếc áo tay dài ra khỏi nhà, bà con đứng lặng nhìn, ông Tư ngồi thút thít, Hà bỏ vô buồng đóng cửa cả ngày hôm đó.

5.

Chiều tối hôm đó Hà bước ra khỏi buồng, lương tâm nó thấy có lỗi với ông Tư và nó quên cả giờ uống thuốc của ông Tư. Bước ra tới cửa rèm thấy ông Tư gục đầu trên bàn cơm. Ngất lịm, hay tay buông thõng và hơi thở rất yếu.

Tiếng xe cứu thương hú liên hồi, nhân viên y tế đẩy ông Tư trên băng ca ra xe, bà con tụm lại xem, Hà vội nhảy lên xe. Cửa nhà toang hoác, bãi chiến sự sáng nay vẫn còn y nguyên.

Trong bệnh viện, Hà ngồi cạnh giường bệnh của ông Tư, tiếng nấc nghẹn pha lẫn giọng nài nỉ:

-“Cha… Cha ơi! Con… Hà nè!”

Ông Tư rướn đôi mắt yếu ớt nhìn, Hà bật khóc, van vỉ:

-“Cha tha lỗi cho con cha ơi! Con xin lỗi cha!”

Ông Tư ráng nhấc bàn tay giăng đầy dây nhợ lên vuốt đầu thằng Hà. Vuốt vài cái rồi ông buông thõng, thằng Hà khóc quá sức, miệng kêu bác sĩ, tay ôm chầm lấy người ông Tư.

-“Xin lỗi anh! Chúng tôi đã cố hết sức rồi! Có lẽ cha của anh chỉ còn sống thời gian ngắn nữa thôi! Trong thời gian này xin anh đừng để bất cứ chấn động nào xảy ra với ông nữa,…”

Xe cứu thương một lần nữa hú còi đưa ông Tư trở về nhà, khuôn mặt của Hà tái mét. Nó nhận ra lỗi lầm của nó trong cái chết của cha lần này là quá lớn. Nếu nó đã không quá đáng nặng lời với Hải, nếu nó không chửi mắng hay khua tay múa chân với anh, nếu nó đã không bao nhiêu lần gằn giọng với cha mỗi khi cha nhắc tới anh của nó, nếu nó không giận lẫy bỏ vô buồng một hơi tới chiều mà quên người cha già ngoài bàn cơm với đống đổ nát… chắc cha không ra nông nỗi.

Nhìn mớ chén ly bể toang nằm trên sàn nhà mà nó chính là nguyên nhân gây ra, nó tự hỏi nếu… nếu mình đã không làm thế, thì cha… đã…

6.

Tiếng mấy bà hàng xóm xúm quanh nhìn cái cảnh quá đau lòng, thằng con úp mặt vào thân thể yếu ớt của người cha. Lấy bàn tay nắm lấy những ngón tay trơ xương của cha, nó nhớ lại bàn tay ngày nào đã bồng ẵm, đã dắt hai anh em nó đi chơi đầu làng cuối xóm. Hà nhớ đôi vai cha cõng mình còn bàn tay cha dắt anh Hải, nhớ từng lời cha nói thủ thỉ vô đôi tai của hai anh em.

Chợt nhớ vì sao cha đặt tên hai anh em là Hải – Hà. Có lần cha đã giải thích rằng: “Nhà mình nghèo vật chất thiệt, nhưng cha muốn lòng yêu thương của anh em tụi con phải rộng, rộng như biển, như sông vậy.”

Cha nằm thoi thóp, từng hơi thở có vẻ khó khăn dần. Bà con xì xầm: “Thằng Hải về kìa!”

Hải bước vào cạnh Hà, quỳ mọp xuống cạnh người cha của mình đang cơn hấp hối. Hải vừa khóc vừa van từng tiếng:

-“Cha ơi! Con xin lỗi cha! Cha tha lỗi cho con!”

Hà quỳ bên cạnh vẫn khóc nhưng chẳng nói gì, cũng chẳng nhìn anh. Ông Tư gắng chút sức lực cuối nắm tay Hải đặt trên bụng mình, rồi ông dùng bàn tay đó níu tay Hà lại gần chỗ tay Hải, nhưng chưa được nửa đường thì ông buông thõng, hước vài tiếng rồi ra đi.

Hải và Hà đều kêu cha thảm thiết, rồi Hà ôm vai anh, khóc sướt mướt:

-“Anh Hai! Cha bỏ anh em mình rồi! Anh!”

Hải ôm Hà sát đầu mình, bà con chứng kiến khung cảnh ấy cũng không cầm được nước mắt. Hai anh em đưa bàn tay vuốt mắt cha. Quỳ trước thi hài của cha, Hải nằm bàn tay Hà thủ thỉ:

-“Anh xin lỗi em! Em trai!”

Hà cũng thỏ thẻ như ngại ngần vì đã nặng lời mắng nhiếc anh mình hôm trước:

-“Em… Em… xin lỗi anh!”

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Dọn đường cho Chúa

  Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta …

Thánh Lucia – Ánh sáng dẫn lối cho Mùa Vọng

  Ngày 13 tháng 12 là ngày kính thánh Lucia, một trinh nữ tử đạo. …