Cuộc khổ nạn theo Thánh Inhã

Một kho tàng linh đạo rút ra từ những cội nguồn phong phú của Linh thao và một nền minh triết Ki-tô giáo Đông phương”.

Herbert Alphonso, S.J.

GIỚI THIỆU

Với bài đóng góp của mình cho Khóa học về I-nhã do Trung tâm Linh đạo I-nhã (CIS) tổ chức 1, tôi ước mong nhắm tới một vài đặc nét mang đậm tính I-nhã trong Tuần Ba của Linh Thao.

I-nhã đã nỗ lực thiết lập cấu trúc Tuần Một xoay quanh phả hệ của tội và ân sủng. Tuần Hai chứa đựng những yếu tố thiết yếu làm nên nền tảng cho linh đạo I-nhã. Trên nền tảng của Tuần Ba, có lẽ chúng ta sẽ liều lĩnh nếu lờ đi những định hướng đặc thù của I-nhã và chỉ đơn thuần chiêm ngắm mầu nhiệm Vượt qua với Tin Mừng về cuộc Khổ nạn của Chúa mà bỏ qua trình thuật Khổ nạn theo thánh I-nhã mà Tuần Ba đề ra. Nguy hại đa phần hệ ở những thực tế trong sức năng động thiêng liêng của Linh Thao khi cho rằng Tuần Ba xuất hiện chỉ là một xác chuẩn cho chọn lựa, một cuộc kiểm nghiệm có tính xác thực của quyết định được thực hiện trong Tuần Hai.

Thật ra, có đủ lý do thuyết phục cho phép người thao luyện trong Tuần Ba cầu nguyện dựa trên trình thuật cuộc Khổ nạn theo các tác giả Tin Mừng mà không cần theo trình thuật cuộc Khổ nạn theo I-nhã. Trong thời của mình, chính I-nhã đã cho thao viên của ngài cầu nguyện trên các bản văn Tin Mừng, nhưng không chú ý tới thần học đặc thù của tác giả Tin Mừng viết ra bản văn ấy: ngài tập trung hơn vào các sự kiện mà Chúa đã trải qua trên hành trình tiến về thập giá. Chắc chắn rằng, chính trong biến cố Vượt qua mà Chúa đã cứu chuộc chúng ta, chứ không phải trong hay ngang qua khoa chú giải Kinh Thánh. Tuy nhiên, liệu sẽ có lợi hơn khi gạt bỏ lối trình bày mang hơi hướng trung cổ của I-nhã và cầu nguyện về mầu nhiệm Vượt qua trong viễn tượng kerygma (loan báo) của Tin Mừng Mác-cô hay trong bản văn mang tính Giáo hội của Tin Mừng Mát-thêu, hay với tình yêu cá vị của môn đệ dành cho Thầy mà Lu-caghi lại hay với cái nhìn thần học về vinh quang của Tin Mừng Gio-an?

Tuy nhiên, lí do khác có thể làm cho chúng ta gặp nguy cơ cầu nguyện không đúng tinh thần của Tuần Ba đó là suy niệm những vấn nạn có liên hệ mật thiết tới cuộc Khổ nạn của Chúa: cảm giác về đau khổ, mầu nhiệm thập giá, sự hiện diện của thần dữ, sự ô nhục và điên rồ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã chịu đau khổ, và cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô như là hành động tiền trưng của công cuộc giải phóng. Đúng vậy, những vấn nạn như thế luôn có trong tâm khảm mỗi người Ki-tô hữu chúng ta và của nhân loại mọi thời, và thật khó chối từ mối liên kết những bận tâm nhân loại này với những biến cố của Tuần Ba; song liệu chúng có một chỗ đứng trong tiến trình thiêng liêng hay những năng động của Linh Thao? Dù vậy, những bận tâm ấy còn quá xa vời với đích nhắm của Tuần Ba như cái nhìn của cha Gil González Dávila trong bản Hướng dẫn 1587: “để tìm thấy con tim của Đức Ki-tô giữa cảnh hỗn độn của cuộc Khổ nạn và thúc giục chúng ta tiến vào sự kết hiệp với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, đến nỗi chúng ta có thể tuyên bố amor meus crucifixus est – tình yêu của tôi chịu đóng đinh” 2. Khi xem xét kỹ bản văn của Tuần Ba, chúng ta cố gắng rút ra vài đặc tính riêng biệt mà nhờ đó I-nhã đã phác họa thật sâu sắc cuộc Khổ nạn của Chúa.

VIỆC TIẾP CẬN BAN ĐẦU (“a-temporal”) CỦA I-NHÃ

Chúng ta sẽ tiếp tục ra sao trong việc đọc bản văn Linh Thao? Một bản văn luôn là kết quả của một loạt những chọn lựa do tác giả thực hiện trong số rất nhiều những khả thể khác nhau nào đó. Để nắm bắt được ý nghĩa và sự du nhập của một bản văn, điều hết sức cần là phải biết được những khả thể ấy – một số được tác giả chấp nhận, nhưng số khác lại không – để từ đó mà những chọn lựa nguyên thủy được thực hiện hầu tháp nhập nên bản văn cuối cùng. Để nắm bắt tốt nhất lối tiếp cận đặc trưng của I-nhã mà từ đó ngài hình thành nên những bài chiêm niệm về mầu nhiệm Vượt qua, tất yếu phải phân tích kỹ những khả thể xuất hiện hay vắng mặt khi giới thiệu cuộc Khổ nạn này. I-nhã luôn có trong tay các trình thuật Tin Mừng, và trong vai trò là tác giả của Linh Thao, I-nhã đã chọn lọc hợp lý những khả thể rút ra từ những trình thuật này. Tuần Ba là kết quả của những chọn lựa này và từ đó hình thành nên Cuộc Khổ nạn theo thánh I-nhã hết sức hiện thực.

Và vì thế, để đi đến cốt lõi của vấn đề, độc giả phải lưu ý ngay rằng I-nhã đã không giữ lại trong bản văn của ngài bất kỳ những chỉ dụ về thời gian như được nhắc tới trong Tin Mừng. Ngài không hề đề cập tới “chiều đến” (Mt 26,20) khi nói về bữa Tiệc Ly, hay trong đêm mà Phêrô chối Thầy (Mc 14,30), hay trong ngày sa-bát (Lc 23,54), Ngài cũng chẳng để cập gì tới giờ thứ sáu hay giờ thứ chín (Lc 23,44). Chỉ có một ngoại lệ và vì thế lôi cuốn chú ý của chúng ta: “Chúa Giê-su chịu trói suốt đêm” (292) 3. Và ở đây, I-nhã muốn nhắm tới thời lượng của những đau đớn mà Chúa gánh chịu hơn là chỉ nói tới khía cạnh thời gian. Thời gian như thế không quan trọng trừ khi nó là điểm nhấn trong cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô. Như bình thường, I-nhã sắp xếp những ngày và giờ cầu nguyện của thao viên theo bộ khung trình tự thời gian nhất định; tuy nhiên chính cuộc Khổ nạn lại diễn ra ngoài bất kỳ bộ khung trình tự thời gian nào, I-nhã muốn nêu bật: cuộc Khổ nạn là một hiện tại vĩnh hằng, ngày hôm nay của Thiên Chúa.

CON ĐƯỜNG” HAY HÀNH TRÌNH TUẦN BA

Tuy nhiên, khía cạnh “a-temporal” này không có ý gán cho cuộc Khổ nạn một đặc tính tĩnh tại, không linh động. Người cầu nguyện không còn chiêm niệm theo cách chuyển tiếp từ mầu nhiệm này sang mầu nhiệm kia trong cuộc đời Chúa Ki-tô như trong Tuần Hai. Rõ ràng I-nhã đã chỉ cho thao viên một lộ trình lần theo các “mầu nhiệm”: “Từ Tiệc Ly tới Vườn Dầu” (290), “Từ Vườn Dầu tới nhà An-na” (291), “Từ dinh Phi-la-tô tới thánh giá” (296). Khởi đầu từ Tiệc Ly (289) đi thẳng tới các mầu nhiệm đã được thực hiện “từ trên thánh giá cho đến hết khi ở trong mồ” (298), những kết nối vạch ra một con đường phải đi qua – một con đường bao gồm các mầu nhiệm khác nhau, đến cuối lại gộp tất cả các mầu nhiệm lại (209); tuy vậy vẫn luôn cho thấy cuộc Khổ nạn chính là hành trình Vượt qua của Chúa.

Như đã được I-nhã ghi nhận trong Tuần Hai (116), hành trình Vượt qua này không phải khởi đầu từ Tiệc Ly, nhưng ngay từ lúc Chúa chào đời: “Từ khi sinh ra cho đến mầu nhiệm trong cuộc Khổ nạn mà tôi đang chiêm niệm” (206). Nếu như sự thiếu vắng các chỉ dụ về thời gian đặt chúng ta vào trong thì hiện tại vĩnh hằng của mầu nhiệm Vượt qua, thì những chỉ dụ mang tính nối kết này lại đặt chúng ta vào một hành trình đến thập giá mà khởi đầu của nó là biến cố Giáng Sinh của Đấng là Con Đường. Mỗi chặng của Con Đường này đều là một mầu nhiệm dành cho những ai khao khát “được hiểu biết Ngôi Lời Hằng Sống hơn” (130) để đi tới điểm từ chặng này sang chặng khác với cường độ tương tự mà các mầu nhiệm dẫn lối tới toàn bộ cuộc Khổ nạn của “những đau đớn và thống khổ dường ấy mà Đức Ki-tô, Chúa chúng ta đã chịu” (206). Phân tích đến cùng thì con đường của “những vất vả, mệt nhọc và đau khổ” này là chính nhân vị của Đức Ki-tô Chúa chúng ta, Đấng đã gánh chịu chúng (206).

SỰ THAY ĐỔI MANG TÍNH KENOSIS TRONG DANH XƯNG

Hành trình này tác thành nên một sự chuyển đổi sâu sắc trong nhân vị của Đức Ki-tô, mà xem ra I-nhã chú ý khía cạnh xưng hô dành cho Chúa. Lối xưng hô “Đức Ki-tô Chúa chúng ta” được sử dụng nhiều lần trong các dạng thức rút gọn “Đức Ki-tô” và “Chúa” đa phần nổi trội trong Tuần Hai. Một lần nữa, khởi đầu Tuần Ba, chính “Đức Ki-tô Chúa chúng ta” là Đấng cử hành Tiệc Ly (191). Thật ra, I-nhã chỉ rõ sự tương phản giữa vẻ “uy nghi của Chúa” và “sự thấp hèn” của Phê-rô trong suốt các mầu nhiệm của Tiệc Ly này (289). Lại nữa, chính “Đức Ki-tô Chúa chúng ta” (201; x. “Chúa” – 290, 291 – và “Đức Ki-tô” – 201) là Đấng sống mầu nhiệm tại Vườn Dầu và làm nên sự hoán cải của Phê-rô sau lời chối của ông (292), nhưng từ đây về sau “thiên tính ẩn mình” (196). Việc sử dụng danh xưng như thế làm lu mờ tính uy nghi của Đức Ki-tô trước “nhân tính chí thánh” (196), vốn được định danh là “Giê-su, người Galilê” (294) và “Giê-su Nadarét” (296) cho đến khi danh xưng “Đức Ki-tô Chúa chúng ta” xuất hiện để đảm nhận mầu nhiệm Phục Sinh (299).

Sự thay đổi mang tính kenosis trong danh xưng được xác chuẩn bởi cùng một kiểu sử dụng danh tánh của Đức Giê-su trong Tuần Hai: cách thức vẫn được giữ lại nhiều lần trong dạng thức rút gọn “Giê-su trẻ nhỏ” hay “trẻ nhỏ” hay “Giê-su”, vì sự tự hủy đã bao hàm trong thời thơ ấu của Ngôi Lời Thiên Chúa. Sự thật rằng trên thập giá, Đức Chúa không còn mang một danh xưng nào cả, I-nhã đơn thuần chỉ gọi Đức Giê-su là “Ngài” (297, 298); tuy nhiên dữ kiện mang tính ngôn ngữ học này không nên được dùng để giải thích hay ám chỉ sự ẩn mình hoàn toàn của Đức Ki-tô, vì các Tuần khác cũng đã vận dụng kiểu định danh như thế (x. “Ngài hiện đến” – 299).

TỪ “TÍNH CHỦ ĐỘNG SÁNG TẠO” (“creative activity”) CỦA TUẦN HAI CHUYỂN SANG “TÍNH BỊ ĐỘNG ĐAU KHỔ” (“suffering passivity”) CỦA TUẦN BA

Điều quan trọng hơn chính là chuyển động trong nhân vị Đức Ki-tô từ tính chủ động sáng tạo thường thấy trong Tuần Hai sang tính bị động của Chúa – trải nghiệm trong thương tích và đau khổ – vốn là đặc trưng của Tuần Ba. Mười sáu mầu nhiệm về cuộc đời công khai của Đức Ki-tô (273-288) được I-nhã gợi ý để cầu nguyện trong Tuần Hai mặc khải vinh quang của Thiên Chúa, bao gồm: năm mầu nhiệm mặc khải Con Thiên Chúa; năm mầu nhiệm làm nổi bật phong cách hoạt động thần thiêng hết sức lạ lùng của Ngài; hai mầu nhiệm liên quan tới uy quyền của Chúa trên tội lỗi; hai mầu nhiệm liên hệ tới giáo huấn của Ngài và hai liên hệ tới lời mời gọi các tông đồ bước theo Đức Ki-tô. Điểm nhấn chính là hình tượng một Đấng Toàn Năng đồng hành trên con đường mà “đau khổ” của Ngài luôn xuất hiện. Cuộc Khổ nạn chưa bao giờ được tuyên bố và chỉ bộc lộ trong mầu nhiệm cuối cùng của Tuần Hai, lúc đó một sự đối lập nào đó với Đức Giê-su khi ấy mới trưng ra ánh sáng: “vì không có ai tiếp nhận Ngài ở Giê-ru-sa-lem” (288). Tuy nhiên sau mầu nhiệm Chúa lo buồn đau đớn trong Vườn Dầu, Tuần Ba đã đánh dấu một thay đổi ấn tượng: tính chủ động nồng nhiệt lan sang tất cả con người Đức Giê-su dọc theo con đường dẫn đến thập giá, song “Chúa hiền hậu” này (291) – trong bản văn của I-nhã – vẫn tiến thẳng tới sự Phục Sinh ngay cả khi là chủ thể của một hành vi bị động (“Ngài bị dẫn đến nhà An-na” – 291), hoặc thường xuyên hơn khi là khách thể của hành vi chủ động (Phi-la-tô dẫn Ngài ra ngoài trước mặt mọi người” – 295). Chính người khác đóng vai trò chủ động trong bước đường bấp bênh dẫn đến thập giá. Chúa “để chính mình cho ông Giu-đa hôn” (291) chỉ vì thần tính “để mặc cho nhân tính chí thánh phải chịu biết bao cực khổ như thế” (196). Tuy nhiên có một ngoại lệ trong bản văn của “các mầu nhiệm”: “Ngài mang thập giá trên vai”, nhưng tính chủ động này không kéo dài: “khi Ngài không thể vác được…” (296).

Việc chọn lựa này đã được I-nhã thực hiện trên các mầu nhiệm cho Tuần Hai và cách thức giới thiệu các mầu nhiệm Tuần Ba rất riêng của ngài vạch ra Con Đường vinh quang của Đấng Toàn Năng và sự đau đớn của Người Tôi Tớ Đau Khổ. “Điểm thứ năm” trong ngày thứ nhất của Tuần Ba (196) chuyển tải nội dung từ một thực tế rằng I-nhã đã chịu tác động bởi việc ngài chọn lựa các mầu nhiệm về cuộc đời Đức Ki-tô: thiên tính biểu lộ chính mình trong sự tự nguyện dấu ẩn trong nhân tính chí thánh chịu đau khổ. Đấng Toàn Năng là Người Tôi Tớ Đau Khổ. Thậm chí I-nhã nhấn mạnh hơn đến sự toàn năng của Thiên Chúa mặc khải nơi chính mình trong sự bất lực của nhân tính ngang qua việc chọn lựa các chất liệu Tin Mừng. Đức Ki-tô của các Tin Mừng thì rất chủ động trong suốt cuộc Khổ nạn hơn là Đức Ki-tô trong Tuần Ba. Thật ra, Ngài “bị đem đi làm thịt” (Is 53,7), nhưng Ngài không bao giờ thôi phản kháng trước sự bất công giáng trên Ngài, dù bằng lời nói hay bằng sự im lặng. Trong những mầu nhiệm của Tuần Ba, Đức Giê-su hoàn toàn giữ im lặng từ nhà Cai-pha (292) cho tới thập giá mà trên đó “Ngài nói bảy lời” (297). Tiếng kêu van nài sau cùng để phản kháng trong Mt 27,46 – “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Ngài bỏ rơi con?” – được I-nhã “hạ tông” thành “Ngài nói rằng Ngài bị bỏ rơi” (297). Tất cả những khởi phát trong hành động lẫn lời nói đều từ những kẻ thù nghịch Ngài, những kẻ mà “thiên tính… có thể hủy diệt… nhưng Ngài không làm” (296). Nhãn quan của việc chiêm niệm cuộc Khổ nạn theo I-nhã rõ ràng là Đức Giê-su “không làm” (196) và “không trả lời một điều gì” (294). Chính vì điều này mà Đức Giê-su đã không phản hồi những câu hỏi (294), cũng như thái độ không phản hồi trước những lời tố cáo của kẻ ám hại Ngài, rằng I-nhã cách nào đó cụ thể hóa một cách bóng bẩy trong cái “vả má” được lặp đi lăp lại trên mặt Ngài: một “cái tát” tại nhà An-na (291), một “cái tát” tại nhà Cai-pha (292), một cái nữa tại dinh Phi-la-tô (295).

Trong các Tin Mừng, Đức Ki-tô phản kháng và điều đó mặc khải chính Ngài vừa là Con Thiên Chúa, vừa là Vua; nhưng trong Tuần Ba, Đức Ki-tô không phản ứng như vậy. Tuy nhiên, nếu quyền năng tối cao của Thiên Chúa có tự dấu mình trong sự bất lực của Đức Giê-su, thì chỉ là “dường như dấu mình trong cuộc Khổ nạn” (233), vì những gì chứng tỏ ân sủng thần thiêng và sự tha thứ của “Đức Chúa hiền hậu” (291) trên thập giá – nơi mà Ngài hoàn tất việc ở lại trong chính “nhà” của Ngài, nơi vinh quang Ngài chiếu tỏa trong nghĩa cử tha thứ tên trộm và phó mình Ngài trong tay Cha (297).

Điểm nhấn của Tuần Ba về sự bất lực của thần tính ít thay đổi so với điểm nhấn của Tuần Hai khi bàn về các mầu nhiệm thời thơ ấu. Cả hai đều là kenosis – sự tự hủy của Chúa: cái bất lực của nhân tính được lồng trong các mầu nhiệm thời thơ ấu cũng như cái bất lực của nhân tính tự nguyện tùng phục trong các mầu nhiệm trong cuộc Khổ nạn. Do đó điểm qui chiếu về thập giá trong mầu nhiệm Giáng Sinh là: “nhìn ngắm và xem xét việc các Ngài làm, như đi đường xa và chịu vất vả để Chúa sinh ra trong cảnh nghèo khó tột cùng, và sau bao nhiêu lao khổ của sự đói, khát, nóng bức, giá lạnh, của những bất công và nhục nhã, Chúa sẽ chịu chết trên thập giá…” (116). Đoạn này đã chứa đựng sự bất lực trong nhiều cuộc hành trình của Đấng Toàn Năng từ khi Chúa sinh ra.

SỰ BẤT LỰC: MỘT BỊ ĐỘNG TÍNH KHỞI ĐI TỪ “ƯỚC MUỐN BỊ ĐỘNG”

Mặc dù Tuần Ba này nhấn mạnh tới mầu nhiệm của sự bất lực, song I-nhã không hề có ý xem sự bất lực ấy đơn thuần mang tính cách tiêu cực. Ba điểm đặc thù trong ngày thứ nhất của Tuần Ba, vốn bao trùm nền thần học của I-nhã về cuộc Khổ nạn, đã phản ánh một cách hiểu tích cực kiên quyết về sự bất lực này. Trong điểm thứ tư (195), Đức Ki-tô không chỉ cam chịu trong nhân tính của Ngài, nhưng Ngài còn “muốn chịu”. Trong điểm thứ năm (196), chính thần tính đã phát khởi toàn bộ “để mặc cho nhân tính chí thánh phải chịu biết bao cực khổ như thế” . Và trong điểm thứ sáu (197) I-nhã đề nghị sự đáp trả cá vị được Tân Ước phát họa, dưới ánh sáng của Is 53: tại sao Chúa chịu những sự ấy, chịu ra sao? I-nhã trả lời: “Đức Ki-tô chịu tất cả… chúng ta, tôi, tội lỗi tôi”, I-nhã giới thiệu trình thuật Tin Mừng về cuộc Khổ nạn như là một hành trình Vượt qua của các mầu nhiệm đã được loan báo, trong phần phân tích cuối cùng, rằng con đường của magis (cái hơn) chính là con đường của minus (cái kém) – bởi lẽ chính trong sự bất lực của mầu nhiệm kenosis mà vinh quang của Đấng Toàn Năng được mặc khải cho chúng ta. Lý do của mầu nhiệm Vượt qua và ý nghĩa của thập giá giống như cuốn sách niêm bảy ấn được nói tới trong Khải huyền: chỉ có Con Chiên bị sát tế mới có thể mở cuốn sách cho chúng ta – “vì đau từ một Đấng tạo hóa, Chúa đã xuống thế làm người, từ cuộc sống vĩnh cửu, Chúa đã nhận cái chết phàm trần và chế như thế vì tội lỗi chúng ta” (53).

Cuối cùng, không phải chỉ vài biến cố lịch sử thuộc quá khứ hay thậm chí là một nền thần học mà tôi phải đương đầu ở đây; nhưng đúng hơn, tôi phải đối diện với nhân vị của Đức Ki-tô trong hành trình Vượt qua của Ngài ở đây và bây giờ. Thế thì điều gợi lên trong tôi, được gợi hứng từ việc Đức Ki-tô “chịu chết trên thập giá”, tôi “suy ngắm” (53) – đó là, bước vào cõi thâm sâu hơn bao giờ hết, từ con tim đến con tim để diện kiến Ngài, ở trong mầu nhiệm Vượt qua. Nếu như bài suy niệm thứ nhất của Tuần Một khiến cho thao viên hỏi mình: “Tôi phải làm gì cho Đức Ki-tô” (53), thì Tuần Ba đi xa hơn: “Tôi phải làm gì và chịu những sự gì vì Chúa” (197). Việc đối diện với Đức Ki-tô không thể nào xác thực nếu không được “đau đớn với Đức Ki-tô thống khổ, tan nát cõi lòng với Đức Ki-tô tan nát tâm hồn…” (203); điều đó cũng sẽ giả tạo và méo mó nếu không “cố gắng giục lòng lo buồn đau đớn vì những đau đớn và thống khổ dường ấy mà Đức Ki-tô, Chúa chúng ta đã chịu” (206) như là hệ quả từ ước muốn của Ngài (195), một điều nảy sinh “vì tội tôi” (297), một hành động sáng tạo của thần tính của Đấng là tình yêu (196 và “Chúa lại còn ước muốn ban chính mình Ngài cho tôi bao nhiêu có thể, theo như quyết định thần linh của ngài” – 234).

TÌNH YÊU GIẢI THÍCH TẤT CẢ

Có lẽ Origen là người đã viết nên những gì I-nhã chưa hợp thức cách rõ ràng, điều mà vì thế chính chúng ta có thể khám phá nó trong gặp gỡ và tâm sự với Đức Ki-tô trên hành trình Khổ nạn của Ngài. Origen viết: “Giả như Ngài có xuống trần gian thì cũng chỉ vì lòng trắc ẩn dành cho nhân loại (x.107: “Chúng Ta hãy cứu chuộc nhân loại”). Vâng, Ngài đã chịu những đau khổ thậm chí trước khi trải qua kinh nghiệm đau khổ trên thập giá, thật ra là trước khi Ngài mặc lấy bản tính phàm nhân của chúng ta. Vì chưng đã không đau khổ thì Ngài đã không thể chia sẻ đời sống con người với chúng ta. Trước tiên, Ngài đau khổ, sau đó Ngài hạ cố ở giữa chúng ta (x.102: “bởi vì Ba Ngôi thấy mọi người đang sa xuống hỏa ngục, Ba Ngôi quyết định từ thuở đời đời của mình rằng Ngôi Hai sẽ làm người để cứu chuộc nhân loại”) . Tuy nhiên cuộc Khổ nạn mà Ngài đã trải qua vì chúng ta là cuộc Khổ nạn nào? Thưa là cuộc Khổ nạn của tình yêu (The Passion of Love) (x. 338: “tình yêu… từ trên đi xuống”)”. Thế thì giả như Thiên Chúa đau khổ, thì chỉ vì tình yêu vô bờ bến từ khởi đầu của Người; chỉ vì Người luôn trung tín với tình yêu mà Người dành cho chúng ta; thậm chí khi tình yêu này mang đến những đau khổ cho Con Một Người. Điểm qui chiếu về tình yêu từ bên trên và tình yêu từ khởi đầu buộc chúng ta phải kết ước chính mình với tình yêu ấy, và do đó tình yêu trở nên và vẫn còn là một lời tuyên xưng đứng tin. Ki-tô giáo Đông phương rất chuộng lối nói ám dụ của Nicholas Cabasilas về điều này là “tình yêu điên cuồng của Thiên Chúa dành cho con người là tình yêu không đơn thuần hủy diệt ma quỉ và sự chết nhưng còn thừa nhận chúng”; tuy thế lối nói này đã không để ý tới khía cạnh lời tuyên xưng đức tin như lối giải thích thần học về vấn nạn đau khổ.

Vì lý do này I-nhã không cứ nhắm đến đau khổ mà thôi, song Ngài nhắm đến Đức Ki-tô, Đấng chịu đau khổ (195). Đức Giê-su chưa bao giờ ngừng chiến đấu với đau khổ, điều mà Ngài luôn coi là một sự dữ (Mt 26,23-24), điều mà chính Ngài đã cảm nếm thật kinh hoàng trong Vườn Dầu đến độ “y phục Ngài đã nhuốm đầy máu” (290). Không phải nhiều đau khổ lôi kéo chúng ta đến gần Đức Ki-tô; nhưng điều lôi kéo chúng ta đến với Đức Ki-tô là vì chính Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng đã trải qua đau khổ và cái chết nhục nhã trên thập giá đã cận kề với những đau khổ và phiền muộn của chúng ta trong tư cách loài người. Chắc chắn khi I-nhã cảm thấy bị thúc ép để mời gọi chúng ta “đem hết sức lực và cố găng để được đau đớn, buồn sầu và khóc lóc” (195 và 206), ngài đã không có ý định đòi buộc một nỗ lực tự nguyện cá nhân kinh qua đau khổ của chúng ta, và ngài cũng không nhắm đến phải thêm vào cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô những đau khổ và buồn sầu mới mẻ sâu xa hơn làm gì. I-nhã giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương là Đức Mẹ của Trẻ Giê-su, Đấng đã cảm thương biết mấy khi nhìn thấy máu con mình đổ ra trong biến cố cắt bì (266). Để lòng trắc ấn này trở nên xác thực, I-nhã đòi hỏi một nỗ lực lớn lao để đau khổ như Ngài đã đau khổ, bởi lẽ cuộc Khổ nạn của Chúa thì không đồng bản chất (connatural) với nhân vị con người. Thật vậy, nếu đau khổ đến mức hoàn toàn phi lý khiến con người phải trốn chạy nó hoặc chắc chắn làm cho mình miễn nhiễm khỏi nó, thì việc chính mình mang lấy đau khổ như Đức Ki-tô đã mang vốn là, và vẫn còn là, một điều gì đó điên rồ và ô nhục.

Trung thành với Tin Mừng về cuộc Khổ nạn, I-nhã không hề thần thánh đau khổ hay bất hạnh, nhưng ngài gợi ra một lòng trắc ẩn có sức thánh hóa mọi đau khổ. Điểm khác biệt căn bản dựa trên tình yêu mà chỉ tình yêu đó mới bào chữa cho bấy nhiêu ước muốn chịu đau khổ của Đức Ki-tô (195), cũng như biến cố Vượt qua của thần tính đã để mặc cho nhân tính chí thánh phải chịu biết bao cực khổ như thế (196), cũng như đau khổ mà Ngài phải chịu vì tội tôi (197). Từ khóa “tình yêu”, lời đáp trả độc nhất trước mọi vấn nạn thách đố của Tuần Ba nghiễm nhiên xuất hiện trong Tuần này chỉ trong mầu nhiệm về Tiệc Ly, khi Chúa lập “hiến lễ cực thánh của Bí tích Thánh Thể, như dấu chỉ rất cao cả về tình yêu của Ngài (289); song cũng chính tình yêu ấy đã chứng thực và tra hỏi lòng trắc ẩn của chúng ta (x.197: “Tôi phải làm gì và chịu những sự gì vì Chúa”).

LÒNG TRẮC ẨN” NGHĨA LÀ TÌNH YÊU

Thuật ngữ “lòng trắc ẩn” có thể táo bạo và gây hiểu lầm trong một bối cảnh mà không có “tình yêu”, khi ấy tình yêu chỉ thuần biểu thị cho tính đa cảm, một kiểu thương xót xoa dịu mà nơi đó con người ủi an chính cái tôi của mình trước cảnh bất hạnh và đau khổ dường ấy. I-nhã không nỗ lực bằng mọi giá để khiến lòng trắc ẩn này trở thành một sự khoan hồng mỹ miều cho chúng ta bằng cách chuyển pha cho thêm phần đẹp đẽ như kiểu quan điểm của Philarète, Tổng Giáo mục Mátxcơva (thế kỷ 19) – “Thiên Chúa vinh thắng trên đau khổ bằng cách vượt qua đau khổ”, hoặc như kiểu thi sĩ Paul Claudel – “Thiên Chúa đã không đến để giải thích đau khổ, Ngài đến để lấp đầy nó với sự hiện diện của Ngài”. Tuần Ba có một bộ từ vựng phong phú để giải nghĩa cho đau khổ; không có khía cạnh hay thành tố nào của đau khổ lại che đậy. Nhưng đau khổ luôn được đặt ở hàng thứ trong tương quan với Đấng chịu đau khổ, đó là Đức Ki-tô (203 và 206): “đau khổ mà Đức Ki-tô Chúa chúng ta đang chịu – hay đã chịu – vì tôi”) và đau khổ ấy cũng xếp hàng thứ trong tương quan với sự điên rồ vì tình yêu, sự điên rồ theo I-nhã là được mặc khải trong sự bất lực đầy đau đớn của Đấng Toàn Năng. Vì thế, không thể là trắc ẩn mà không đau khổ, nhưng đau khổ cách tự do thì được tình yêu đảm nhận, một tình yêu đi tìm kiểm sự tương đồng có thật như Đức Ki-tô trong ước muốn trở nên “nghèo” và “bị cho là… điên rồ” vì vinh quang của Ngài (167), chứ đau khổ ấy không phải là bắt chước như in cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô.

Lòng trắc ẩn này đòi hỏi một “Tuần Ba vĩnh cửu”, như mô tả của cha Fesard, bởi vì trong cái tôi sâu thẳm của mình – thật ra trong nỗi đau đớn tột cùng – con người tìm kiếm sự hoàn tất chính mình. Buổi Tiệc Ly mà I-nhã xem như một kiểu nền tảng cho Tuần Ba dẫn đến một biến thể (trans-substantiation) thật sự của chính tôi trong đó A-đam cũ đã chết để một A-đam mới tái sinh trong hình ảnh và biểu diện uy nghi của Chúa ngang qua sự “hạ mình” hiện sinh của Ngài, để làm cho A-đam mới tái sinh như “chiên Vượt qua” (298). Từ vựng của I-nhã chuyển tải những cảm xúc mạnh mẽ – đau buồn, nước mắt, đau khổ, thống khổ, ưu phiền, buồn bã – và nhấn mạnh tới “đau buồn với Đức Ki-tô đau buồn” (203); từ vựng ấy là một lời mời gọi bước vào trong mầu nhiệm Vượt qua – mầu nhiệm dựa trên sự tự hủy (kenosis) của Ngôi Lời mà trong đó những đau khổ của Đức Ki-tô trên mức độ cảm giác thu tóm mọi diễn tả của đau đớn dường ấy, để rồi chúng ta có thể hoàn tất ngang qua kenosis cá nhân, nghĩa là mang vào mình những gian nan thử thách mà Đức Ki-tô còn phải chịu (Cl 1,24).

KẾT LUẬN

Phần tinh túy của Tin Mừng là mầu nhiệm Vượt qua; những gì diễn ra trước chỉ nhằm giới thiệu và chuẩn bị cho biến cố này. Có lẽ chúng ta không nên nói điều tương tự đối với Tuần Ba của Linh Thao. Nếu không có Tuần Một, sự nhận biết rằng Chúa đã chịu đau khổ vì tội tôi sẽ thiếu chiều sâu cá nhân. Nếu không có Tuần Hai, ước muốn được chọn để đau khổ với Đức Ki-tô đau khổ sẽ thiếu cụ thể hóa qua những kế hoạch và quyết định cá nhân. Tuy nhiên chỉ trong Tuần Ba, đặt nền trên hy tế Thánh Thể là cuộc Vượt qua của Đức Ki-tô, mà tội liên kết tôi một cách cá nhân với kẻ thù mà “thần tính của ngài có thể hủy diệt nhưng đã không làm” (196) thôi thúc tôi đối diện với tình yêu đích thực với Đức Ki-tô như Ngài đã thể hiện trong cuộc Vượt qua của mình và với chúng ta. Cũng vậy, chính Tuần Ba mà tất cả những đề xuất và hoạch định sống cụ thể trong ước muốn và tưởng tượng trở nên một hiện thực Vượt qua khi Uy Quyền Thiên Chúa đặt chúng ta với Ngôi Con bị đóng đinh.

Theo cách này, Tuần Ba không hề là kiểu diễn tả tâm tình cho sự gắn bó của ta với Đức Ki-tô, cũng không hề là một xác nhận đơn giản cho một một ước muốn có thật nhưng vẫn còn là tưởng tượng của việc bước theo Đức Ki-tô, Tuần Ba – không khác mấy với mầu nhiệm Vượt qua mà Tuần Ba cử hành – đã thiết lập tính cá vị hóa giữa tôi và Thiên Chúa bị đóng đinh và Phục sinh, của Chiên bị sát tế và vẫn hằng sống, cho thấy rằng tôi có thể hiểu biết cá vị về hiện hữu của mình, một tội nhân và đáp trả cá vị lời mời gọi theo Đức Ki-tô theo Ba Bậc Khiêm Nhường. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, con tim nói cho con tim biết. Nỗi buồn không còn tập trung vào tội của ai đó, thế thì niềm vui mang tính sáng tạo không còn mặc lấy dạng thức của những dự phóng và hoạch định hào phóng – những dự phóng và hoạch định đó là của tôi. Đó là cuộc Vượt qua, cuộc xuất hành khỏi cái tôi hạn hẹp riêng mình để ưu sầu và phấn khởi với Đấng và cho Đấng Toàn Năng như Ngài đã bị nhạo báng, đánh đập, khinh miệt trong một và chỉ một kinh nghiệm của quyền năng – sức mạnh và quyền năng Vượt qua của Ngài.

Và vì thế, người cầu nguyện trong Tuần Ba không vụ lợi nhưng sẵn sàng khiêm nhường và tự do đón nhận thánh giá của mình từ Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô – để vác thánh giá mình, sẵn sàng nhận lấy cuộc Vượt qua của tôi, Vượt qua của cuộc công kích của tình yêu khiêm hạ giữa Thiên Chúa và con người: để trở nên một kẻ điên rồ vì Thiên Chúa, vì vinh quang của Thiên Chúa. Cuộc Khổ nạn theo thánh I-nhã diễn tả tình yêu đầy quyền năng của Chúa, Đấng cứu độ con người trong và ngang qua sự bất lực của Ngài, bất lực như Ngài không thể tự cứu mình (Mc 15,31). Điều đó thách đố chúng ta, với lòng biết ơn mang tính cách Vượt qua, hãy nhận lấy sự khiêm nhường và chịu sỉ nhục của Chúa, vì chỉ có một con tim nghèo khó trong tinh thần mới làm cho người ta nên giàu với cái giàu của sự sống Thiên Chúa.

1 Tài liệu này do cha Bề trên cả Peter-Hans Kolvenbach trình bày tại Khóa học về I-nhã bằng Anh ngữ do CIS, Rome tổ chức vào 13-2-1987. CIS gom chung với Điên rồ vì danh Đức Ki-tô (cũng của cha Kolvenbach trình bày trước khóa học tương tự 10-2-1989) và phát hành vào 1989.

2 MI, Directoria Ex.Spir., tr.527

3 Khi không nói gì thêm thì số trong ngoặc đơn được hiểu là số Linh thao của I-nhã. Người dịch sử dụng bản dịch Việt ngữ Linh thao – bản văn A của cha Giuse Lê Quang Chủng, S.J., Tập viện Thánh Tâm – Dòng Tên Việt Nam, Thủ Đức 2008.

Peter-Hans Kolvenbach, S.J.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *