Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng tôi, những người làm Truyền Thông Dòng Tên đã có cuộc phỏng vấn với một anh em Dòng Tên đang phục vụ nhiều năm qua trên cánh đồng truyền giáo Gia Lai. 

Trả lời: “Truyền giáo” hay còn gọi là “loan báo Tin Mừng” hoặc “truyền đạo” đều mang nội dung giống nhau, dù ngôn từ khác nhau. 

 

Ban đầu, Giáo hội Việt Nam sử dụng từ “truyền giáo” bắt nguồn từ chữ “Propaganda” (thuộc Bộ “Propaganda Fide” – Truyền bá Đức tin) hoặc từ chữ Hán Việt “” (chuanjiao – truyền giáo), hoặc “” (chuandao – truyền đạo), nhưng sau này chữ “truyền giáo” mang âm hưởng tiêu cực, tựa như sự “tuyên truyền”, tức là mang tính “nhồi sọ” từ một đơn vị gọi là “tuyên giáo”, hoặc “dụ dỗ”, “chiêu dụ” người khác theo Đạo, thay vì chinh phục hoặc thu phục họ bằng gương sáng hay đời sống chứng tá, v.v.. Vì lẽ đó, Giáo hội tại Việt Nam chuyển hạn từ “truyền giáo” thành “loan báo Tin Mừng” (Evangelizatio). Hạn từ “loan báo Tin Mừng” xuất phát từ cụm từ “Pro Gentium Evangelizatione” (Bộ “Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc”, trước đó gọi là Bộ “Truyền bá Đức tin”). Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội thường sử dụng hai hạn từ “Evangelizatio” hoặc “Missio” để nói về sứ mạng truyền giáo. “Missio” trong tiếng Latin chuyển qua tiếng Anh gọi là “Mission”, ám chỉ sứ mạng truyền giáo, tức là người được sai đi (Missio); còn chữ “Missions” nghĩa là “vùng truyền giáo”, là nơi người được sai đến để rao giảng Tin Mừng.

 

Tóm lại, nếu chúng ta sử dụng hạn từ “truyền giáo” thì mặc nhiên hiểu rằng đó chính là việc loan báo Tin Mừng, là việc lên đường đi tới biên cương mới để giúp nhiều người được nghe biết Tin Mừng. Để tránh gây hiểu lầm, nên chăng có thể thay thế chữ “truyền giáo” thành chữ “thăm viếng”, vì đều giản lược ngôn từ khi nói với nhau (vẫn chỉ có hai chữ “thăm viếng” thay vì phải nói bốn chữ “loan báo Tin Mừng”), bởi lẽ Mẹ Maria cũng từng ra khỏi nhà, vội vã lên đường đi thăm viếng người chị để loan báo tin vui và san sẻ Thánh Thần cho họ (x. Lc 1:39-45), và chính Chúa Giêsu cũng rong ruổi khắp nơi để thăm viếng đủ mọi hạng người và giúp họ được giải thoát, như cuộc thăm viếng nhà ông Simon người Pharisêu (x Lc 7:36-50), nhà ông Giakêu người đứng đầu những người thu thuế (Lc 19:1-10), nhà ba chị em Matta-Maria-Lazaro (Ga 12:1-11), v.v.. 

 

Ngày nay, Giáo hội rất cần các Kitô hữu siêng năng đi thăm viếng nhau để củng cố đức tin cho nhau, đi thăm viếng những người anh em ở những nơi chưa thấy bóng dáng của Thập Giá trên các nóc nhà để giúp họ được vác thập giá theo Chúa. Cần lắm những cuộc thăm viếng. Cần lắm những con người dám lội ngược dòng xoáy của cuộc đời để can đảm lên đường, chấp nhận gian lao khốn khổ, bỏ đi những cuộc vui của riêng mình, để gặp gỡ người xa lạ và trở thành anh chị em của nhau. Cần lắm những Kitô hữu chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày, rồi “đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1:22), và có lẽ đây chính là ý nghĩa đích thực của câu tục ngữ “có thực mới vực được Đạo”, tức là có thực hành Lời Chúa, có thực thi lệnh truyền của Chúa mới hy vọng “vực được Đạo”, mới không để Giáo hội chết dần chết mòn…!

Trả lời: Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng thuở ban đầu, các Tông đồ thực thi lệnh truyền của Chúa Phục Sinh là “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15), nên sứ mạng truyền giáo là “đến với muôn dân” (Ad Gentes) giúp họ đón nhận Tin Mừng cứu độ và nhận biết Chúa yêu họ, sống chết vì họ để họ có sự sống đời đời. Như thế, có thể hiểu truyền giáo, theo nghĩa đen (nghĩa hẹp), là giúp người ta biết Chúa. Tuy nhiên, để giúp người ta biết Chúa thì bản thân nhà truyền giáo phải biết Chúa trước. Do đó, mỗi Kitô hữu cần “Tin Mừng hóa” bản thân, tức là có kinh nghiệm về Chúa và của Chúa qua việc cầu nguyện và thực hành Lời Chúa cách liên lỉ. Nói cách khác, làm thế nào mở miệng ra là tôi nói Lời Chúa và chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa trong sâu thẳm cõi lòng tôi cho người khác thì có thể tạm gọi là tôi đã Tin Mừng hóa bản thân mình. 

 

Thứ đến, sau khi nhiều người đã biết Chúa nhưng vì “chưa bám rễ sâu” nên khi gặp thử thách hoặc do thời cuộc (bách hại Đạo, ngăn cấm sinh hoạt đức tin…), nhiều người lơ là hoặc hờ hững với việc thực hành đức tin, không đến Nhà Thờ nữa, không lãnh nhận các Bí tích nữa, thậm chí đã bỏ Đạo. Vì lý do này, Giáo hội mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy thực thi sứ mạng “tái truyền giáo” (Re-Evangelization) hoặc “tái loan báo Tin Mừng”. Nói cách khác, đối tượng để “tái truyền giáo” là những người đã biết Chúa, đã theo Đạo, nhưng nay rời bỏ Hội Thánh hoặc chẳng còn sinh hoạt đức tin nữa!

 

Sau cùng, kể từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Giáo Hoàng Biển Đức XVI, các ngài sử dụng hạn từ “Tân Tin Mừng hóa” (New Evangelization) để kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa luôn ý thức sứ mạng căn cốt của người môn đệ Chúa Kitô là truyền giáo. Nhưng vì hoàn cảnh đổi thay của xã hội, sự hiện đại hóa và thế giới công nghệ phát triển mạnh, nhất là “trí tuệ nhân tạo” (AI), nên việc truyền giáo cần phải thích nghi với thời đại, cần phải tìm kiếm những phương thức mới mẻ sao cho phù hợp với thời đại và xu hướng sống của con người. Đó là lý do chúng ta bắt gặp hạn từ “Tân Tin Mừng hóa”. Như thế, “Tân Tin Mừng hóa” mở ra một không gian cho sự sáng tạo trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi người tùy khả năng hãy đem Chúa đến cho người khác, chẳng hạn như sử dụng truyền thông (mạng xã hội) đăng tải Lời Chúa, làm “videoclips” để truyền tải thông điệp Tin Mừng, tham gia các hoạt động Caritas để cộng tác hoặc mời gọi người khô khan nguội lạnh đức tin – người ngoài Công giáo – người còn cứng lòng tin… cộng tác với nhau giúp đỡ người khốn cùng, tiếp cận người chưa biết Chúa để họ nhận ra Tin Mừng Yêu Thương và Chúa yêu họ, v.v.., hoặc cùng nhau thiết lập các “cộng đoàn Hội Thánh căn bản” để chung tay Loan Báo Tin Mừng!

Trả lời: Đúng là nhiều vùng đất, nhiều nền văn hóa đã có hạt giống Tin Mừng hoặc có sự tương giao giữa Tin Mừng và văn hóa của họ. Chẳng hạn như, trong văn hóa và truyền thống của bà con sắc tộc ở Gia Lai và Kon Tum có văn hóa rượu ghè. Ghè rượu cứ đổ nước vào rồi hút nước lên thì nước đó thành rượu, và điều này có nét gì đó giống phép lạ “biến nước lã thành rượu ngon” của Chúa Giêsu ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2:2-11). Hay trong tôn giáo, niềm tin vào “vạn vật hữu linh” (Animism) của bà con sắc tộc thiểu số cũng diễn tả niềm tin của Công giáo vào các thiên thần bản mệnh. Các thiên thần che chở cho con người trên mọi nẻo đường hoặc các ngóc ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, thiên thần không phải là Chúa. Vì lẽ đó, bà con sắc tộc vẫn hoang mang, lo sợ đủ điều. Họ chưa thực sự tìm được sự giải thoát ở giữa cuộc sống bình yên và bằng lòng với thực tại. Họ là những người tự do tự tại, chẳng lo lắng cho ngày mai, ngày nào được ăn no là vui rồi. Họ sống lời kinh Lạy Cha, và cả lời khuyên Phúc Âm khá tốt:

 

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6:11), “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? […] Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:31.34).

 

Vấn đề của họ là vì chưa biết Thiên Chúa là Thần của các thần mà họ tôn thờ, kính sợ… nên họ chưa biết tìm kiếm Ngài, chưa biết trong cuộc sống còn có một vương quốc tươi đẹp hơn – vương quốc của Thiên Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33) nên họ còn ở trong “bóng tối”, tâm hồn dễ bị sợ hãi, chưa thể đạt tới đỉnh cao của sự giải thoát mà Chúa Kitô đem lại. Tương tự, thử hỏi nếu cách đây khoảng 400 năm, các nhà thừa sai không đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng, yêu văn hóa – truyền thống – ngôn ngữ của người Việt, để tạo nên chữ Quốc Ngữ và giúp nhiều người biết Chúa, thì ngày nay dân và nước Việt sẽ ra sao?

 

Bên cạnh đó, tư tưởng trên cũng phần nào ảnh hưởng bởi các thần học gia khi họ phản biện lại Lời Chúa trong Sách Công vụ Tông đồ vì không còn thức thời nữa: “Ngoài Đức Kitô Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12). Nghĩa là, nếu dựa vào câu này, ở thời đại hôm nay, chúng ta không thể đối thoại với các tôn giáo khác, hoặc vô tình loại trừ tôn giáo của họ. Tuy nhiên, thời các Tông đồ, các ngài đều kinh nghiệm rằng Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô, và nơi tôn giáo Do Thái và Hy Lạp đều có nhiều vị thần bên cạnh Đức Chúa nhưng các vị thần ấy không thể giúp con người đạt được sự giải thoát thực sự, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm:

 

“Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7:24-25)

 

Vì lẽ đó, họ rất cần có ai đó giúp họ nghiệm ra sự diệu vời này, giúp họ đi đúng hướng, thờ đúng Thần. Để giúp họ, nhà truyền giáo cần đến với họ, cần “tái sinh” trong văn hóa của họ. Vì thế, nhà truyền giáo đi đến những vùng đất mới, gặp nền văn hóa mới, thì công việc trước tiên và trước hết là phải tiếp cận văn hoá (Enculturation), tức là tôn trọng, yêu mến, và học hỏi văn hoá – ngôn ngữ – phong tục của người bản địa; sau đó, các ngài sẽ thích nghi với nền văn hóa đó (Acculturation), tức là sẽ “hội nhập văn hóa” chứ không được thôn tính văn hóa của họ, để từ đó có thể đối thoại văn hóa và đức tin với nhau, tìm kiếm điểm chung, hóa giải những bế tắc giữa nền văn hóa – tôn giáo – truyền thống của họ với Tin Mừng giải thoát; cuối cùng, để giúp họ duy trì đức tin, thăng hoa đời sống làm chứng tá cho Tin Mừng, cần có sự “Hội nhập Văn hóa trong Phụng vụ” (Inculturation in Liturgy), nếu không, họ sẽ tham dự cử hành Phụng vụ cách thụ động, nhạt nhẽo, và chưa thấy điểm chung giữa văn hóa và Tin Mừng, chưa thấy sự hòa quyện nhịp nhàng và uyển chuyển hoặc sự giao thoa giữa hai tôn giáo hoặc giữa văn hóa và Tin Mừng, để rồi họ mất dần sự cảm nghiệm thánh thiêng trong đức tin họ được lãnh nhận và họ sẽ không dễ lớn lên trong đức tin, có khả thể họ sẽ xa rời Đạo để tìm kiếm một sự phù hợp khác cho cuộc sống tâm linh của họ. 

 

Có lẽ đó chính là điều cần kíp phải thực hiện khi các thừa sai đặt chân đến vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới trong những nền văn hóa mới. Do vậy, nhu cầu truyền giáo vẫn cần phải thực hiện dù biết rằng nơi các vùng đất mới đã có sẵn hạt giống Tin Mừng nhưng hạt giống ấy vẫn còn bị chôn sâu dưới lòng đất, cần có người làm cho nó trổ sinh thành cây sự sống cho các dân tộc xa xôi. Ngày nay khoa học công nghệ len lỏi vào mọi ngóc ngách dù ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nên nếu chúng ta chậm chân, rất có thể nhiều tâm hồn sẽ thực sự không tìm thấy lối thoát và hạt giống Tin Mừng sẽ chết thối trong vùng đất của họ. 

 

Như thế, vấn đề chính cần suy nghĩ ở đây là: dù thế nào cũng cần phải “đi ra” (go forth), đừng để những suy tư hoặc khắc khoải về truyền giáo dừng lại trong tâm trí, đi ra những “biên cương mới” và nơi ấy sẽ mở ra cho nhà truyền giáo một không gian sáng tạo bên cạnh sự nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa và dấu chỉ của thời đại. Vâng, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người thường xuyên nhắc nhở mọi thành phần Dân Chúa hãy “đi ra” những “biên cương mới” (x. Tông huấn “Evangelii Gaudium” và các thông điệp Truyền Giáo hằng năm của ngài).

Trả lời: Thông thường, ai được sai đi đến vùng đất mới hay có tâm trạng lo lắng, e ngại, băn khoăn… nhiều điều. Đấy là điều bình thường trong tâm lý của một con người. Tuy nhiên, nếu để Lời Chúa dẫn dắt đi vào sứ mạng và sống sứ mạng, tôi tin rằng nhà truyền giáo sẽ dần mất hẳn tâm trạng trên. Chẳng hạn như, khi Chúa cho năm ngàn người đàn ông (không kể đàn bà và trẻ em) được ăn no nê, thì trước đó, Chúa thử lòng các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6:37), nhưng sau đó thì chính Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều, tức là các môn đệ chỉ cần phân phát lại những gì Chúa trao là giúp dân chúng được no đủ, nói cách khác, Chúa là tác nhân chính và các môn đệ là người cộng tác với Ngài mà thôi; hoặc lúc Chúa nhắc nhớ các môn đệ về đời sống tín thác để các ông toàn tâm toàn trí đi theo Ngài:

 

“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” (Mc 8:17-19), “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33), v.v..

 

Quả thế, khi Chúa về trời và Thánh Thần hiện xuống, các Tông đồ đã sống tinh thần trên: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải…” (Cv 6:2). Điều đó cho thấy rằng nhu cầu và hành trang của nhà truyền giáo là chính Chúa, là đầy ắp Lời Chúa trong tâm hồn, là Thánh Thần, là lửa nhiệt thành, là hồn tông đồ và niềm vui, lòng tín thác và niềm hy vọng đặt nơi Chúa. Như thế, nhà truyền giáo có cần nguồn tài chánh để lo việc truyền giáo không? Ai sống mà lại không dùng tiền? Tiền để đi lại, để ăn uống, để phục vụ, v.v.. Tuy nhiên, nếu lệ thuộc tiền thì sẽ không dễ lên đường, vì sẽ có nhiều vấn vương dọc đường. Nhà truyền giáo sẽ cần nguồn tài chánh để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên cánh đồng truyền giáo, hoặc đào tạo những người cộng tác để cùng làm việc trên cánh đồng này, hầu phục vụ sứ mạng tốt hơn, sinh hoa trái hơn.

 

Dẫu biết thế, như đã nói trên, Chúa cần chúng ta cộng tác với Ngài mà thôi, các thứ khác Ngài sẽ an bài. Vấn đề là chúng ta có tin Ngài đủ chưa, có tín thác đủ chưa, có hồn tông đồ và lửa truyền giáo hay không mà thôi! Đây mới là điều nhà truyền giáo thực sự cần phải có và là yếu tố quyết định khi thực thi sứ mạng Chúa trao, bởi lẽ có tiền mà không có người cộng tác hoặc cứ ở yên một chỗ thì làm sao thực thi sứ mạng Chúa trao!?

Trả lời: Năm sứ vụ – “cùng nhau loan báo Tin Mừng” – có thể gọi là năm truyền giáo (Mission), tức là truyền giáo bằng hành động cụ thể. Vấn đề cần đặt ra cho mọi thành phần dân Chúa là có bao nhiêu người đang thao thức hoặc thổn thức trước sứ mạng đặc thù này? Nếu không có sự thổn thức để loan báo Tin Mừng thì những lời mời gọi trong Năm Sứ Vụ hiện nay sẽ chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng mà thôi. 

 

Đồng ý “truyền giáo mở đường” (First Evangelization – Ad Gentes) có tính đặc thù, và người thi hành sứ mạng này có đặc sủng riêng. Thế nhưng, nếu ai cũng cảm thấy bản thân không có đặc sủng truyền giáo thì sứ mạng này sẽ ra sao? Thực ra, bất cứ ai mang trên mình danh hiệu “Kitô hữu” thì đều được mời gọi sống sứ mạng truyền giáo (x. Mt 28:20), nhưng Chúa Giêsu có nhắc nhở thêm các môn đệ rằng “anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Như thế, muốn trở thành “thợ gặt lành nghề” trên cánh đồng truyền giáo thì việc tiên quyết là phải biết kêu xin “chủ mùa gặt” ban ơn, nói cách khác, phải biết cầu nguyện với Chúa Cha để được Người ban ơn ấy cho, ơn đặc biệt. Người có tâm hồn thổn thức với sứ mạng truyền giáo sẽ khao khát gặp gỡ Chúa và xin Người trợ giúp. 

 

Bên cạnh đời sống cầu nguyện cùng với con tim thổn thức được đi truyền giáo, các Kitô hữu còn phải dám “lội ngược dòng xoáy” của xã hội này! Sự tục hóa – văn hóa hưởng thụ – chủ nghĩa cá nhân, v.v. trong xã hội hôm nay ảnh hưởng nhiều trên từng Kitô hữu. Nhiều người bằng lòng với thực tại, tìm kiếm sự an nhàn, ngại đối diện hiểm nguy, chán nản khi gặp thách đố. Có không ít mục tử mỗi ngày lo soạn bài giảng và cử hành các Bí tích là hết ngày hết giờ rồi. Có người còn lầm tưởng chức Linh Mục là cùng đích của ơn gọi. Có người chọn đi tu để hưởng bổng lộc hoặc trốn chạy xã hội. Vì những ý nghĩ lệch lạc này, nên đâu còn mấy ai tha thiết dấn thân cho sứ mạng căn bản nhất của Hội Thánh! Ngày nay đi vào các nhà xứ đều thấy khang trang, có nơi như “cung điện”, có nơi ở sân đậu xe có cả xe hơi hạng sang, v.v.. Trong khi để có thể ra khỏi căn phòng ở nhà xứ hoặc tu viện lại đòi hỏi ở những nơi ấy chẳng có gì để bám víu, để giữ chân… Với thực trạng này, có lẽ chỉ cần các mục tử thi hành sứ mạng “tái truyền giáo” là đủ thách đố các ngài rồi. Ở các vùng truyền giáo đặc thù, phần lớn các Linh mục Tu sĩ lo việc “mục vụ truyền giáo” là chính. Giá mà các ngài dành thêm giờ để “thăm viếng” dân nhiều hơn, thì hy vọng sứ mạng truyền giáo Ad Gentes cũng sẽ khởi sắc phần nào! 

 

Tóm lại, chúng ta không thể cho cái chúng ta không có! Đâu là cái chúng ta cần phải có để cho đi? Hầu chắc là kinh nghiệm ở với Chúa và gặp Chúa Phục Sinh, là cảm nghiệm sự giải thoát từ Tin Mừng nhận được, là “ngọn lửa truyền giáo” đã được Chúa ném vào mặt đất (Lc 12:49), v.v.. Suy cho cùng, gốc rễ của vấn đề vẫn nằm ở việc huấn luyện con tim, một con tim hoán cải thực sự, một con tim có cùng nhịp đập và cùng thổn thức với con tim của Chúa Kitô thì hy vọng sẽ giúp mỗi môn đệ của Ngài được “lột xác” thực sự, trở thành những “môn đệ truyền giáo” hoặc những “linh mục trên đường” của Chúa. 

 

Sau cùng, giả dụ có nguồn nhân lực chất lượng lo việc truyền giáo mà Giáo hội, nhất là các Dòng tu hoặc Cộng đoàn Giáo xứ, lại bị vướng vào “cơ chế” thì cũng không dễ thi hành sứ mạng này! Cái cơ chế đó là gì? Đó là sự vướng bận bởi không gian và thời gian, sự thiếu đồng bộ trong việc vận hành guồng máy nhân sự lo việc truyền giáo, cái mầm “giáo sĩ trị” tồn tại trong giáo quyền, sự đồng hành của chủ chăn với các nhà truyền giáo, đặc biệt là giữa linh mục với tu sĩ nam nữ, giữa linh mục với giáo hữu, v.v..

 

Ở các Dòng tu, việc thuyên chuyển nhân sự ở các cánh đồng truyền giáo thường gây ra sự “đứt mạch” hoặc tính kế thừa khi thi hành sứ mạng. Các tu sĩ không được phép “tung tăng” trên cánh đồng, không thể muốn đi đâu hoặc về lúc nào cũng được, buộc về lại cộng đoàn đúng giờ giấc, v.v.. Các cha xứ thường bận lo việc Mục vụ Bí tích, bận bịu sửa nhà xứ hoặc xây nhà thờ, v.v.. không có giờ thiết lập các nhóm Loan Báo Tin Mừng và đồng hành với các nhóm này hoặc cùng lên đường truyền giáo với họ. Làm sao thoát khỏi “cơ chế” này?

 

Bên cạnh đó, chưa có sự nối kết, liên đới, cộng tác… giữa các Dòng tu, các cộng đoàn Giáo xứ, các nhóm truyền giáo, mạnh ai nấy làm, ai thích hoặc làm được gì thì cứ làm, nên thiếu sự đồng bộ! Thậm chí, nhóm này lên đường đi tới địa bàn của giáo xứ khác hoặc làng khác thì lại bị chính các cha xứ than phiền, khiển trách, gây xào xáo hoặc làm giảm đi ngọn lửa truyền giáo đang cháy bừng nơi các thừa sai, v.v.. Trong khi, lệnh truyền lên đường truyền giáo dành cho mọi Kitô hữu, các cha xứ có quyền trên các con chiên của mình và có bổn phận chăm sóc tất cả con chiên xung quanh mình, nhưng không có quyền trên những con chiên chưa thuộc đàn chiên mình coi sóc, bởi lẽ nếu anh em Tin Lành hoặc Phật giáo đi vào vùng đất được giao cho cha xứ và gặp gỡ những người chưa biết Chúa thì cha xứ lấy quyền gì để ngăn cấm họ hoặc mời họ đi nơi khác!?

 

Sự hợp tác, nối kết, chia sẻ sứ vụ truyền giáo giữa các linh mục, tu sĩ và giáo hữu cũng diễn tả việc sống tinh thần của một Giáo hội Hiệp hành. Để đạt được một Giáo hội Đồng nghị, cùng đi trên con đường Giêsu, đòi buộc mọi thành phần Dân Chúa trở nên Một với nhau trong Chúa, cùng nhịp đập với con tim của Chúa, cùng thổn thức với Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít…” (Lc 10:2), “Thầy còn một phép rửa phải chịu…” (Lc 12:50), “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ….” (Mc 16:15)!

 

Thợ gặt đã ít mà thợ gặt lành nghề càng hiếm hoi hơn. Vậy chúng ta cần phải trân quý và nuôi dưỡng, huấn luyện và đồng hành với các “thợ gặt”, đồng thời giúp họ trở thành những “thợ gặt lành nghề” trên cánh đồng truyền giáo.

 

Hơn thế nữa, các Dòng tu và Chủng viện cần nhấn mạnh sứ mạng truyền giáo trong chương trình huấn luyện, mở thêm các khóa học về truyền giáo chuyên biệt, có thêm các buổi “workshop” để tiếp cận việc truyền giáo thực tế, để hun đúc, giữ lửa, thổi lửa cho sứ mạng cốt yếu này của Hội Thánh và của từng Kitô hữu trong Giáo hội. Trên đây là vài chia sẻ vắn tắt trong sự hiểu biết và kinh nghiệm hạn hẹp của tôi. Tôi nói lên sự thật về thực trạng đời sống truyền giáo trong Giáo hội Việt Nam. Sự thật thì hay mất lòng. Nếu tôi có điều chi sai sót, xin quý vị đọc giả thứ lỗi!

 

Lời cảm ơn và chào tạm biệt:

Vâng, chúng con cảm ơn cha đã dành giờ chia sẻ cho chúng con và quý đọc giả nghe những kinh nghiệm thực tế của cha trên cánh đồng truyền giáo. Ước mong những kinh nghiệm trên góp thêm vào ngọn lửa truyền giáo của Hội Thánh để thổi bùng lên nhiều ngọn lửa khác nơi các môn đệ Chúa Kitô và làm cho Năm Sứ Vụ thực sự được khởi sắc và thu nhiều hoa trái hơn. Kính chúc cha sức khỏe và sự bình an của Chúa Kitô cùng với ơn Chúa Thánh Thần để cha tiếp tục đi khắp nơi loan báo Tin Mừng!

 

Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất – 2025

Ban Truyền Thông Dòng Tên – JESCOM

Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, S.J.

Kiểm tra tương tự

Nhân văn, Cơ hội, Đam mê, Đồng cảm

  Xin chúc mừng người bạn của Thinking Faith, Christine Allen của CAFOD, người đã …

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …