Chương 11
LINH ĐẠO CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Một tu sĩ Xi-tô, một Phan-sinh, và một Dòng Tên chết và lên trời. Gặp họ, Chúa Giê-su hỏi:
- Nếu Thầy cho anh em về lại trần gian, thì điều lớn nhất anh em muốn làm là gì?
Vị tu sĩ Dòng Xi-tô suy nghĩ một lát và trả lời:
- Thưa Thầy, dưới trần còn nhiều tội lỗi. Nếu trở về, con sẽ tận hiến đời mình lần nữa để cầu nguyện cho thế gian.
Rồi vị tu sĩ Dòng Phan-sinh lên tiếng:
- Còn con, nếu có thể trở về trần thế, con sẽ lại khuyến khích giáo dân chia sẻ của cải của mình với người nghèo.
- “Còn anh, tu sĩ Dòng Tên, anh sẽ làm gì?”, Chúa Giê-su hỏi.
- Nếu trở lại trần gian lần nữa, con sẽ đi kiếm một bác sĩ điều trị khác.
Trong tập Hồi Ký của mình, Thánh I-nhã kể vào cuối đời, suy nghĩ đến cái chết làm cho ngài chan chứa niềm vui. Ngày được đoàn tụ với Đấng Tạo Hoá và Chúa của mình làm ngài tuôn trào nước mắt.
Cũng chính vì thái độ với cái chết như vậy nên Thánh I-nhã lại càng thêm say đắm cuộc sống. Linh đạo I-nhã hướng dẫn ta con đường tìm kiếm, tìm thấy và phục vụ Chúa trong mọi trạng huống và sinh hoạt hàng ngày. Tâm tình này tạo cho chúng ta khả năng xem từng ngày trong đời như là cơ hội trải nghiệm cái trọn vẹn của kiếp người. Nói nôm na theo phong cách “sến”: sống như thể ngày mai sẽ chết, sống trọn tình ân nghĩa nhân gian. Không cần phải chờ đến chết mới nếm được niềm vui đứng trước sự hiện diện của Chúa.
Vì am hiểu bản chất con người, Thánh I-nhã căn dặn phải cẩn thận với hai cái bẫy tâm trạng: hoài niệm quá khứ, mơ mộng tương lai.
Hoài niệm quá khứ: nhìn lại những kinh nghiệm sống trong quá khứ chắc chắn không là điều vô nghĩa. Bởi trong kho quá khứ ấy có dấu vết hiện diện của Chúa. Đa phần chúng là những khoảnh khắc của sức mạnh nội tâm, bình thản, vui vẻ và tin tưởng. Những cảm hứng dẫn chúng ta đến chọn lựa hay quyết định trong quá khứ làm nên “lò luyện” đường đời cho ta. Chúng định hướng hành trình cuộc sống hiện tại gần hơn với dự án mà Thiên Chúa thiết kế cho ta. Ngược lại, ta cũng có lúc chúng ta tự giam mình vào quá khứ, đọc những gì đã xảy ra cho mình cách phiến diện, sáo mòn. Hoặc “ăn mày dĩ vãng”, “selfie” đi “selfie” lại đúng một sự kiện huy hoàng trong quá khứ, hoặc cay cú, than thở triền miên vì một nhát chém, một vết thương trong đời. Trong cả hai thái độ, hệ quả để lại đều như nhau: “mất sóng” với giây phút hiện tại và “rớt mạng” khỏi ngày hôm nay của mình.
Mơ mộng tương lai: Thánh I-nhã không muốn các thầy tập sinh, tức những tu sĩ mới gia nhập Dòng, được nghe trước những gì họ sẽ phải làm vào ngày hôm sau. Nếu không, điều này có thể dẫn đến một vài hệ quả khác, gây sao nhãng với đòi hỏi quan trọng nhất mà người ta phải chu toàn: sống phút hiện tại. Dĩ nhiên một người muốn làm cha mẹ tốt thì phải biết chuẩn bị tương lai cho con cái đúng lúc. Nhưng cũng có cám dỗ không hề “bé hạt tiêu” chút nào, đó là suốt ngày loay hoay mộng ảo một tương lai phù phiếm, mà coi nhẹ cuộc sống thật, ở đây và lúc này của bản thân.
Thánh Gioan Berchmans, một tu sĩ Dòng Tên qua đời khi con trẻ (lúc mới 22 tuổi) đã nhận thức rõ điều này. Ngày nọ anh đang chơi bi-da. Có người hỏi anh sẽ làm gì nếu anh chỉ còn vài phút để sống. Berchmans trả lời: “Thì tiếp tục chơi bi-da thôi.”
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.