Chương 14
THÁCH ĐỐ CỦA HỘI NHẬP VĂN HÓA
Một tu sĩ Dòng Tên đến Rôma. Cha muốn đến đền thờ Thánh Phêrô và hỏi đường một cha Dòng Đa-minh. Vị này trả lời:
- Thưa cha, tôi sợ cha sẽ không bao giờ tìm ra. Đơn giản lắm, cứ đi thẳng.
Chúng ta thường nghĩ cách bộc trực rằng con đường ngắn nhất là con đường hiệu quả nhất. “Việc gì phải đi vòng vòng? Cứ nhắm đích đến và phóng thẳng, đừng làm cho đời thêm rối.”
Dù muốn dù không, thường kinh nghiệm cuộc sống cho thấy mọi việc không hề xảy ra đơn giản. Một cầu thủ bóng rổ đột nhiên dồn banh thật nhanh, thì hoặc do anh ta muốn chơi chiêu hung hăng, hoặc hù đối thủ. “Nói thẳng vào mặt” trong giao tiếp có thể đưa đến kết quả ngược với những gì mình toan tính. Con người không phải là các robot đã được lập trình sẵn. Trước hết bạn phải tạo sự tin tưởng và gây lòng tin, rồi sau đó thận trọng đi vào câu chuyện với người đối diện và từ từ vun đắp mối quan hệ. Muốn làm được điều này, cần không gian và thời gian… và rất nhiều kiên nhẫn. Bạn không thể thành người ăn mì cay cấp độ 7 ở tô đầu tiên được.
Còn về việc loan báo Tin Mừng, Thánh I-nhã thường dặn anh em nên đi vào bằng cánh cửa của người khác, để đi ra bằng cánh cửa của mình.
Bạn chỉ có thể tiếp cận với người khác chỉ khi bạn sẵn sàng làm “phượt thủ” trong thế giới sống của họ, trong các diễn tả văn hóa và ngôn ngữ. Cần nhất là biết tiếp xúc, cả già lẫn trẻ, thăm viếng và chia sẻ điều kiện sống và thông hiểu tâm thức của họ. Nhưng nếu bạn đi vào cách gượng gạo, miễn cưỡng, thì bạn sẽ thất vọng và hậm hực đi ra. Nếu bạn không tìm hiểu trước, cũng không thích ứng với lối sống một xã hội hoặc một đoàn thể hay ban nhóm mà bạn muốn tiếp xúc, thì xác suất đổ bể chương trình của bạn sẽ rất cao.
Qua đó, bạn học được cách dự đoán hệ quả cũng như hình dung được con đường vòng mà bạn phải chọn để mong đạt được mục đích của mình. Ví dụ, chẳng phải vô tình mà các tu sĩ Dòng Tên đã soạn thảo rất nhiều tự điển, từ xưa và hôm nay vẫn còn. Học ngôn ngữ và am hiểu văn hóa là điều kiện đầu tiên để có thể thật sự tiếp xúc với người khác.
Thánh Phanxicô Xaviê, một trong các thành viên sáng lập Dòng Tên, năm 1549 đã viết về vấn đề này cho một cha ở Ấn Độ, trong khi thánh nhân đang trên đường vào Trung Hoa:
Người dân sẽ lắng nghe anh, chỉ khi anh biết nói với họ bằng một ngôn ngữ đụng chạm sâu thẳm tâm hồn họ. Nếu anh muốn thu hút họ, thì phải để họ tự ý đến gần. […] Nếu anh muốn diễn đạt bằng con chữ của họ, anh phải thuần thục với chúng; và anh chỉ làm được điều này khi anh chia sẻ cuộc sống của họ, học hỏi từ họ và không ngừng tìm cách đi vào những quan tâm sâu thẳm nhất của họ. Họ là những cuốn sách sống động mà anh cần phải đọc.
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.