Cười với Dòng Tên (số 13)

Chương 13

THEO KIM CHỈ NAM CỦA LÒNG MÌNH

Ba tu sĩ Đa-minh, Phan-sinh và Dòng Tên qua đời và đến trước cửa Thiên Đàng. Vị tu sĩ Dòng Phan-sinh được Thánh Phêrô đón và mời một bữa ăn ngon do đầu bếp giỏi nhất thiên đàng nấu. Vị tu sĩ Dòng Đa-minh cũng được đấng thánh gác cổng nước Trời đón và cũng được thết một bữa thật thịnh soạn. Hai công dân mới của nước Trời lấy làm hoan hỉ.

Cuối cùng đến lượt tu sĩ Dòng Tên đến cổng. Cha cũng được Thánh Phêrô đón. Nhưng sau đó chính Chúa Giê-su làm bếp và đích thân phục vụ. Hai vị kia kinh ngạc, phản đối sự ưu đãi dành cho vị kia. Thánh Phêrô nhã nhặn giải thích:

  • Ở đây có rất nhiều tu sĩ Dòng Đa-minh và Dòng Phan-sinh rồi. Nhưng còn tu sĩ Dòng Tên, thì đây là người đầu tiên.

Những gì ngày xưa đúng với Thánh I-nhã thì bây giờ đôi khi cũng đúng với các môn đệ của ngài. Các tu sĩ Dòng Tên thường có tiếng là khô khan tình cảm và duy lý, là những kẻ cứng đầu hơn là bậc thánh hiền.

Nhưng nếu bạn đọc Nhật ký thiêng liêng của Thánh I-nhã, – một tập ghi chép nhỏ vào cuối đời ngài, bạn sẽ để ý rằng trong các giờ suy niệm buổi sáng và giờ chầu Thánh Thể sau đó, Thánh I-nhã hay tuôn trào “suối lệ hân hoan với ân tình”. Một chi tiết nên biết là hành trình huấn luyện của các tu sĩ Dòng Tên có đến hai lần nhà tập. Kỳ nhà tập đầu kéo dài 2 năm. Kỳ thứ hai được gọi là Năm Tập Ba (sau khi đã trải qua tất cả các giai đoạn huấn luyện): đó là một giai đoạn cầu nguyện sâu đậm, học hỏi lại những vấn đề nòng cốt, xen kẽ với nhiều chuyến thực tập đủ kiểu. Các Giê-su hữu gọi giai đoạn này là trường đào luyện trái tim.

Ở đây nghe có vẻ như ai đó cần được chữa trị hội chứng tâm thần phân liệt?!

Thật ra năng động linh đạo và nhân sinh quan I-nhã dựa trên một số nút đồng quy giữa các lực căng. Một trong số đó là sự thăng bằng giữa ba tiềm lực gốc của con người: quả tim, khối óc và ý chí.

Thật ra Thánh I-nhã là một người sống rất tình cảm. Trước khi được Chúa hoán cải, ngài đã trải qua những thăng trầm trắc trở trong tình yêu. Thời còn làm hiệp sĩ, đeo đuổi nghiệp võ biền, I-nhã thích “mần thính” và “thả thính”, ngài biết mình có khả năng quyến rũ và không ngại tung chiêu quyến rũ. Sau khi sám hối, khao khát yêu thương này không hề giảm, nhưng chuyển hoá toàn toàn, nhất là khi ngài khám phá ra rằng đời tận hiến giúp ngài yêu và được yêu nhiều hơn đến mức nào. Khi trau dồi và tinh luyện nhận thức thiêng liêng, ngài đã học sống, điều tiết và quản lý các sinh hoạt của mình, múc năng lượng từ tình yêu của Chúa.

Theo dòng thời gian trưởng thành thiêng liêng, Thánh I-nhã hiểu rằng khối óc và quả tim không phải là đối thủ hay “không hợp rơ” nhau. Một trí tuệ được đào tạo chỉn chu, được trau dồi kỹ lưỡng sẽ làm cho vị tu sĩ tế nhị và nhạy bén hơn khi lắng nghe tiếng Chúa trong chính quả tim mình, và giải thích được những chuyển động nội tâm ấy. Những gì Thánh I-nhã lưu ý chúng ta vào thế kỷ 16 đến bây giờ vẫn còn giá trị: nghiên cứu và học hỏi sẽ cung cấp đường dẫn vào các lãnh vực tri thức và các vấn đề liên ngành, mà những người không có bằng cấp hoặc không có chứng chỉ thích hợp sẽ có thể bị loại trừ. Tin Mừng cũng cần phải được loan báo trong những chốn như vậy.

Trí tuệ, kiến thức và lý tính là những cấu tố của lĩnh vực khách quan. Các khả năng này đều được phú bẩm cho mọi con người, dù người này nhiều hơn hay người kia ít hơn. Nhưng kỳ thực, Chúa lại nói trong tâm hồn con người, trong chính chủ quan tính của trái tim. Chính trong vị thế ưu tiên của tâm hồn mà chúng ta có thể tìm thấy ý Chúa muốn.

Vậy thì vai trò của ý chí sẽ là gì? Thánh I-nhã có một sức mạnh ý chí phi thường. Tuy vậy, ý chí phi thường này không làm cho ngài thành người cứng nhắc hay duy ý chí. Cho đến những ngày cuối đời, ngài vẫn lắng nghe tiếng Chúa trong tận sâu thẳm tâm hồn mình và tâm tư của anh em. Bằng trí tuệ, ngài cố gắng mô tả rõ nhất các trạng thái tâm hồn của mình. Sau đó, qua các cuộc chọn lựa, sức mạnh ý chí giúp ngài tiến hành cụ thể những gì quả tim và trí tuệ ngài đã được mách bảo, và hết sức trung thành với tiến trình ấy. Theo đó, đóng góp của ý chí là giúp cho dòng chảy cuộc sống xuôi về thượng nguồn của mình, về nguồn cội của quả tim sâu lắng.

Kinh nghiệm của Thánh I-nhã dạy cho thấy quả tim, trí tuệ và lý tính hoàn toàn hỗ trợ cho nhau, nhưng với điều kiện: quả tim là kim chỉ nam.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *