Chương 20
TÁN THÀNH HƠN LÀ ĐẢ KÍCH
Ba linh mục giáo sư lịch sử Giáo Hội, – một triều, một Đa-minh và một Dòng Tên, đang ngồi nói chuyện với nhau:
- “Có điểm nào chung giữa Dòng Đa-minh và Dòng Tên?”, Cha triều hỏi.
- “Cả hai đều được một người Tây Ban Nha thành lập”, Cha dòng Đa-minh trả lời. “Thánh Đa-minh thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, Thánh I-nhã thành lập Dòng Chúa Giê-su.”
- “Cả hai thành lập Dòng để đấu tranh chống người lạc giáo”, Cha Dòng Tên tiếp lời. “Tu sĩ Dòng Đa-minh chống người lạc giáo Cathar, tu sĩ Dòng Tên chống người Tin Lành.”
- “Vậy sự khác nhau giữa hai Dòng là gì?”, Cha triều hỏi tiếp.
- “Có bao giờ cha gặp người lạc giáo Cathar chưa?”, Cha Dòng Tên hỏi.
Trở lại với chủ đề Linh Thao, tác phẩm rường cột dẫn vào trường cầu nguyện theo Thánh I-nhã, ta bắt gặp một xác tín “gây bão”. Ngài nói, trong Linh Thao, “chính Đấng Tạo Dựng và là Thiên Chúa sẽ tự bày tỏ mình cho linh hồn khát khao Ngài, ôm ấp linh hồn ấy đến độ linh hồn ấy có thể yêu Ngài và làm vinh danh Ngài”. Nói cách khác, Thánh I-nhã khẳng định rằng, lối cầu nguyện mà ngài triển khai có thể đưa đến một trải nghiệm trực tiếp với Chúa. Ai đã làm Linh Thao thì sẽ chứng thực điều I-nhã muốn nói.
Vào đầu thế kỷ 16, một tuyên bố như vậy có thể dễ dàng bị nghi ngờ ở Tây Ban Nha và Pháp. Phong trào Cải Cách, hay còn gọi là Tin Lành, vốn đang lan nhanh vào thời đó, đã đặt lại vấn đề vai trò của Giáo Hội, như là trung gian ân sủng giữa Thiên Chúa và con người. Ai dám nói rằng mình có một kinh nghiệm trực tiếp với Chúa, nếu không phải là kẻ theo chủ trương “thiên cảm”, tức người có một “hotline riêng” để gặp Chúa. Ai chủ trương như vậy nếu không phải là một kẻ Tin Lành ngầm, và cũng có nghĩa là kẻ thù của Công Giáo “phe ta”!
Thánh I-nhã đã phải nhiều lần bị điều trần trước Toà Dị Giáo và cũng đã từng phải ngồi khám. Thậm chí có khi Thánh I-nhã còn tự động ra trình diện ở toà này. Thực tình, ngài muốn sống và làm việc trong truyền thống Giáo Hội. Cả ngài và sách Linh Thao đều được xử trắng án, mỗi khi bị buộc tội là dị giáo, lạc đạo. Vào thời đó, các tu sĩ Dòng Đa-minh giữ một vai trò quan trọng ở Tòa Dị Giáo. Nên các ngài giữ một thái độ hơi khắt khe đối với Dòng Tên. Nhưng bây giờ thì anh em hiểu nhau rồi. Bằng chứng là có phong tục Bề trên tổng quyền Dòng Đa-minh cử hành tang lễ cho Bề trên tổng quyền Dòng Tên và ngược lại!
Cũng có một hiểu lầm khác bắt nguồn từ giai đoạn này. Phong trào chống cải cách của Công Giáo không phải chỉ nhắm đối tượng những người Cải Cách Tin Lành. Trước tiên đó là một phong trào cải cách bên trong Giáo Hội, hướng về nội bộ. Vì thế Dòng Tên không xuất hiện như một tổ chức nhằm để chống các người Tin Lành. Dòng Tên không thành lập để chống một cái gì hay chống một người nào, nhưng để dấn thân: cho Chúa và cho nhân loại mà Ngài đã dựng nên. Điều này phù hợp với tính lạc quan và trên hết là sự tin tưởng hoàn toàn của Thánh I-nhã. Dấn thân cho một điều gì đó sẽ có ý nghĩa hơn là chiến đấu chống lại ai đó. Sẽ tốt và hữu ích hơn nếu để đời mình hướng về những gì kiến tạo niềm vui và sức mạnh, hơn là bám vào những chuyện gây hoang mang, lo lắng và giận hờn.
Cải thiện quan hệ với Dòng Đa-minh ngày nay cũng đúng trong việc cải thiện tương quan với người Tin Lành. Nhiều nơi và nhiều dịp, các tu sĩ Dòng Tên cộng tác với người Tin Lành, anh chị em của mình trong đức tin. Cũng không ít người Tin Lành đã làm Linh Thao.
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.