Cười với Dòng Tên (số 6)

Chương 6

TỰ TRẢI NGHIỆM, TỰ KHÁM PHÁ

Một sinh viên hỏi một cha Dòng Tên:

  • Thưa cha, người ta nói mấy cha Dòng Tên hay trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác. Cha thấy có đúng không?
  • Vậy hả … mà ý con là sao?

 

Tự trải nghiệm, tự khám phá. Ai đã từng làm nghề “gõ đầu trẻ” thì hẳn biết điều này. Nó cũng đã trở nên một trong những nguyên tắc trụ cột của khoa tâm lý trị liệu. Người nào thích học hỏi và muốn triển nở sẽ không thể bỏ qua yếu tố này. Những bậc cha mẹ quan tâm đến việc giáo dục con cái hoàn toàn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tự trải nghiệm. Thánh I-nhã có thể được coi là một nhà sư phạm thiên phú, ngài đã áp dụng nguyên tắc này từ hồi thế kỷ thứ 16: những gì bạn tự học hỏi, tự khám phá, những trải nghiệm mà bạn muốn tự viết ra, tự diễn tả, những gì tự bạn làm được, dù bất cập hay còn vụng về, chỉ những điều đó mới để lại một dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng lâu dài trên bạn, hơn là những gì người khác làm cho bạn, cho dù chúng có “vi diệu hay vô đối” đến cỡ nào.

Các tu sĩ Dòng Tên có thể sở hữu tầm kiến thức cao trong quá trình đào tạo, vừa dài vừa rộng, vừa lâu vừa nhiều. Đó là một sức mạnh và lợi thế, nhưng nó cũng tiềm ẩn một nguy cơ. Một đàng, đó là ý nghĩ: việc tự coi mình hơn người khác nào có đáng chi! Giữ thái độ vô chấp, cho dù người khác đó là một kẻ đầu xanh hay một người đầu bạc. Lại càng không tìm cách “dìm hàng” họ bằng tài năng, hiểu biết hay sở trường của mình. Đàng khác, thái độ “chảnh”, làm sao để mình trở thành trung tâm “gây bão” chú ý của người khác, sẽ chẳng đem lại cho bạn một giá trị bền vững nào cả, huống chi là hữu ích trong việc giáo dục và hình thành nhân cách.

Làm việc “cho” hay cộng tác “với” những người bạn chịu trách nhiệm trong khuôn khổ cơ sở giáo dục hay đồng hành thiêng liêng sẽ trở nên một công việc thú vị, nếu bạn sẵn sàng đặt người khác ở trọng tâm, đồng thời thực sự muốn học được một điều gì đó từ người ấy. Bởi theo một cách như vậy mà người kia mới có cơ hội triển nở, thăng tiến, trong lời nói và trong hành động của họ. Bạn sẽ học trượt băng nhanh và tốt hơn, nếu người ta để cho bạn tự dò dẫm ở những nơi bạn chưa biết. Khi đó, bạn mới cảm được niềm vui của việc tự mình đứng thẳng trên hai chân. Bạn sẽ ngã và bạn sẽ đứng lên. Nhưng, đương nhiên, trong quá trình đó bạn luôn có một huấn luyện viên giỏi đứng gần.

Phương thức giáo dục này có thể tạo nên sự ngạc nhiên, hoặc thậm chí khơi lên sự kháng cự, đặc biệt nơi những cá thể đang được đào tạo. Cung cấp những câu trả lời cực kỳ rõ ràng, dạng “fast food”, cho những người trẻ đang hiếu kỳ hiếu tri thực ra là một điều dễ chịu và chỉ làm thỏa mãn tâm trí trong một thời gian ngắn. Cũng vậy, cho đủ loại lời khuyên tốt và bình luận những gì đang xảy ra trong quả tim, trong tâm hồn của người đến thổ lộ với mình thì hẳn luôn tạo cho họ một cảm giác an toàn. Dầu vậy, các tu sĩ Dòng Tên thường hay giữ thinh lặng, không nói gì, đặc biệt trong khuôn khổ đồng hành thiêng liêng. Đối với họ, điều cần cố gắng để đạt được là làm sao để người kia khám phá ra cách tự nắm lấy và làm chủ cuộc đời mình.

“Lui về hậu trường” một cách có ý thức, có tính toán, đòi hỏi nhà giáo hay vị đồng hành một khả năng quan sát chăm chú, một tay nghề rất “lụa” và sự tinh tế “không phải dạng vừa”. Thêm vào đó là sự khiêm tốn, xả kỷ, nhẫn nại. Cứ sự thường, vì là nhà đào tạo hay nhà chuyên môn, bạn thông hiểu hoàn cảnh và biết rõ trình trạng vấn đề đang đối diện hơn. Thường, bạn biết mình có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều. Nhưng nếu bạn muốn làm cho người kia được lớn lên, bạn phải sẵn sàng làm cho mình nhỏ đi, giữ im lặng và tạo một không gian lớn hơn để gây ý thức cho người kia. Nhờ đó, sau cùng cả hai bên đều được phong phú trong quá trình thực tập này.

Nói cách khác, trong truyền thống giảng dạy và đồng hành theo tinh thần I-nhã, thì việc cung cấp kiến thức, chắc chắn là quan trọng, nhưng không là ưu tiên hàng đầu. Truyền thụ tri thức đúng hơn chỉ là một phương tiện để đào tạo nhân cách cho thanh thiếu niên. Dĩ nhiên, việc có đội ngũ giáo viên giảng dạy đúng chuyên môn là một điều đáng ao ước, nhưng suy cho cùng, nó không phải là điều bất khả nhượng bộ.

Thái độ căn bản của việc tôn trọng tiến triển riêng của người khác còn nghiêm ngặt hơn khi đụng đến những chọn lựa quan trọng trong đời. Trong trường hợp này, vị đồng hành thiêng liêng còn phải tự kiểm duyệt mình mạnh hơn. Đương nhiên, một khi đã tạo được tương quan tin tưởng, người được đồng hành thường có khuynh hướng tán thành quá nhiều những dự cảm nơi vị đồng hành của mình. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, bạn không thể nào trung thành với chọn lựa của mình, nếu bạn đã không tự làm lấy, và làm nó hoàn toàn trong thái độ tự do. Chính xác hơn, lúc bạn cần quyết định, bạn sẽ chú tâm đến tiếng nói sâu thẳm trong lòng mình: một tiếng nói vừa nói lên ước muốn của chính tâm hồn bạn, vừa đến từ chính Chúa. Vì thế Thánh I-nhã khuyên những người làm công việc đồng hành các khoá Linh Thao như sau:

Người giảng Linh Thao không được nghiêng bên này hay nghiêng bên kia, nhưng phải ở chính giữa, như cây kim của bàn cân. Họ phải để Đấng Tạo Hoá tiếp xúc trực tiếp với thụ tạo và thụ tạo với Đấng Tạo Hoá và là Chúa của mình.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *