Chương 8
NHỮNG CHIẾN SĨ TIỀN TUYẾN CỦA QUYỂN TIN MỪNG THỨ 5
Một bà mẹ dắt con trai lên gặp cha sở để xin ngài tư vấn cho cháu việc đi tu:
- Nếu con chị muốn làm cha triều như tôi thì phải mất khoảng 6-7 năm chủng viện. Còn nếu muốn làm cha đi giảng đại phúc như Dòng Chúa Cứu Thế thì hơn một chút, chắc phải 8 -9 năm đào tạo. Còn muốn vào Dòng Tên thì giá chót không dưới 12 năm.
Mắt bà mẹ sáng rực:
- Cha giới thiệu cho cháu nó vào cái Dòng cuối cùng á. Nói thiệt dzới cha, cháu nhà con nó hơi chậm trí một chút!
Hành trình huấn luyện của một tu sĩ Dòng Tên nói chung là … hơi bị dài. Ngoài chương trình căn bản thường lệ để trở thành linh mục, tức triết và thần học, rất nhiều thành viên trong Dòng được gửi đi học các ngành vốn không dính dáng gì đến đức tin. Trong những năm đào tạo ấy, họ cũng thử sức mình qua thời gian thực tập trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Các tu sĩ Dòng Tên sẵn sàng làm việc trong phạm vi Giáo Hội. Nhưng rất nhiều lần, người ta sẽ bắt gặp các Giê-su hữu hoạt động ở “bên lề” Giáo Hội, trong những công việc bạn không nghĩ là sẽ gặp một tu sĩ, như các ngành khoa học chính xác, nghệ thuật, truyền thông, tham luận với những dòng tư tưởng cấp tiến hay đối thoại với tín hữu tôn giáo khác.
Để làm được những công việc này, nhất thiết cần phải có chuyên môn. Trong một lĩnh vực nào đó, nếu bạn muốn đồng nghiệp hay đối tác xem trọng, bạn phải có khả năng phát biểu như một chuyên viên “xứng tầm”. Đức tin là một ơn sủng và sức mạnh rất lớn; nhưng trí thông minh và hiểu biết cũng là những món quà Chúa trao. Vì vậy, “thật là chính đáng và phải đạo” khi tận lực phát triển các tài năng và áp dụng chúng cách điêu luyện. Thánh Têrêsa Avila, nhà thần nghiệm cùng thời với Thánh I-nhã, đã nói: nếu bà phải chọn một cha giải tội đạo đức hay một cha giải tội uyên bác, bà sẽ chọn vị uyên bác.
Linh đạo của Thánh I-nhã bắt đầu từ nguyên tắc “yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự”. Noi gương I-nhã, các Giê-su hữu và nhiều Kitô hữu khác cố gắng để tâm hồn mình nhạy bén với sự hiện diện của Chúa trong mọi sự: không chỉ trong lời cầu nguyện hay trong phụng vụ, nhưng cả trong mọi chuyện thường ngày. Đó là lý do vì sao các tu sĩ Dòng Tên không ngần ngại làm việc lâu giờ trong các lãnh vực thế tục, hay đặt vấn đề từ một góc nhìn rộng mở hơn.
Nhưng họ cũng sống thái độ như thế trong những công việc bé mọn nhất. Đó là gương mẫu của biết bao nhiêu tu huynh, tức các tu sĩ không làm linh mục, từ nhiều thế kỷ nay, họ sống ơn gọi của mình cách khiêm tốn, lặng thầm như việc nhà cửa, bếp núc; hoặc các tu huynh là chuyên viên trong lĩnh vực hoàn toàn dân sự như kiến trúc, quản trị hay phòng thí nghiệm. Họ là bằng chứng sống động của việc tìm và gặp Chúa trong đời sống hàng ngày cũng như khi dâng thánh lễ. Không có một công việc nào bị cho là không đáng kể.
Cách nhìn cuộc sống như thế là cốt tủy của linh đạo I-nhã. Nó được diễn tả qua cách nói của cha Jérôme Nadal, phát ngôn viên lưu động của Thánh I-nhã: “Chiêm niệm trong hoạt động”. Để sống được phương châm này, Thánh I-nhã yêu cầu bạn “đọc lại đời mình trong cầu nguyện”, có nghĩa là xem xét những gì mình ý thức và những gì lôi kéo sự chú ý của mình. Ngày nay, hình thức cầu nguyện đặc thù của linh đạo I-nhã này có một “avatar” mới với tên gọi “Phút hồi tâm”.
Đọc lại đời mình trong cầu nguyện rất đơn giản. Đó là nhìn lại một ngày đã qua trong cầu nguyện. Bạn làm theo ba bước. Bắt đầu bằng cám ơn Chúa về sự hiện diện của Ngài trong đời mình: vì những gì tốt đẹp, những gì mình hài lòng vì đã thực hiện được trong tin tưởng hoàn toàn. Đôi khi đó là những điều quan trọng, nhưng cũng lắm khi là những sự kiện nho nhỏ, bình dị. Nếu đó là những niềm vui gây âm vang lâu dài trong bạn, thì rất có thể đó là dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa. Chính vì vậy, cám ơn là chuyện quan trọng nhất. Sau đó, bạn có thể xin Chúa tha thứ cho những giây phút trong ngày mà bạn cảm thấy mình có lỗi. Thường thường, đó là những trải nghiệm lớn nhỏ trong ngày vốn đã làm cho bạn không cảm thấy thoải mái. Đó là dấu hiệu của sự vắng bóng hoặc sự loại trừ Chúa trong ngày sống này. Cuối cùng, trên cơ sở của việc nhận thức được những ánh sáng và bóng tối trong ngày sống, bạn xin Chúa thêm sức mạnh cho bạn vào ngày mai. Ba bước: thank-you, sorry, please – cảm ơn, xin lỗi, xin giúp.
Đôi khi người ta cũng gọi việc “đọc lại đời mình trong cầu nguyện” là “cầu nguyện với quyển Tin Mừng thứ năm”: cầu nguyện với câu chuyện của Chúa trong đời mình. Trước khi đi ngủ, bạn có thể dành ra năm phút để cầu nguyện, nhưng bạn cũng có thể cầu nguyện cả giờ. Bạn có thể thinh lặng cầu nguyện trong nhà nguyện, khi đi dạo hoặc lái xe. Thành quả là bạn sẽ sống có ý thức hơn vì bạn liên kết với Chúa hơn.
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.