Đại học Giáo hoàng Gregorian – Kỳ 2: Thay đổi vì lợi ích sinh viên

Linh mục Dòng Tên người Mỹ, cha Mark Lewis, SJ, hiện là hiệu trưởng của trường Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rome, sẽ trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Gregorian sau khi trường này chính thức hợp nhất với Học viện Giáo hoàng Thánh Kinh (Biblical Institute) và Học viện Giáo hoàng Đông phương (Oriental institute) vào Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, ngày 19 tháng 5, 2024.

 

Cha Lewis cùng với sinh viên trường Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Trong phần phỏng vấn thứ hai, cha Lewis thảo luận về những thay đổi sẽ diễn ra sau sự hợp nhất của ba cơ sở học thuật do Dòng Tên điều hành và cần có những điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh giáo dục đang thay đổi ngày nay, đồng thời mong muốn đào tạo sinh viên, những người “sẵn sàng mở ra để phát triển”.

 

Những thay đổi ở Gregorian

 

Khi tôi hỏi cha Lewis về những thay đổi cụ thể ở trường Gregorian sau khi tái cơ cấu là gì. Điểm đầu tiên cha nói đến chính là chi phí giáo dục. Cha cho biết thế giới học thuật “đã trở nên hòa hợp hơn một chút với các mô hình kinh doanh và kinh tế” của giáo dục, “vì vậy, luôn có ý thức về việc chi phí giáo dục cho một học sinh sẽ là bao nhiêu?”

 

Ở Gregorian có gần 3.000 sinh viên nên “chi phí cho mỗi sinh viên tương đối thấp,” cha nói. Mặt khác, ở Học viện Đông Phương và Học viện Thánh Kinh, mỗi trường đào tạo khoảng 300 sinh viên, như thế chi phí cho mỗi học sinh cao hơn nhiều.

 

“Khi hợp nhất lại, không có gì thay đổi nhiều, ngoại trừ việc mọi thứ sẽ quy về một mối. Vì thế chúng tôi sẽ có khoảng 3.600 sinh viên. Chi phí sẽ khá tương đồng nhau, nhưng chi phí cho mỗi sinh viên sẽ được điều chỉnh một chút.”

 

“Đó không phải là thay đổi chính” cha Lewis thừa nhận. “Nhưng chúng tôi bắt đầu nghĩ tới tầm mức kinh tế: Chúng tôi có một kho tàng chung, chúng tôi có hệ thống tuyển sinh chung, chúng tôi có rất nhiều thứ có thể kết hợp lại với nhau và nó làm cho việc lập ngân sách trở nên thực tế hơn.”

 

Nói một cách khác, cha Lewis cho rằng: “Đó là tìm cách làm cho cả ba sứ vụ sinh nhiều lợi ích. Tôi không muốn làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng thực thi ba sứ vụ này”.

 

Một lớp học ở trường Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Cha dẫn chứng về việc giảng dạy ngôn ngữ trong cấu trúc mới có thể giảm chi phí cho mỗi sinh viên như thế nào. “Vì cả ba trường đều dạy nhiều ngôn ngữ cổ như tiếng Hy Lạp, nên thay vì có 5 người học tiếng Hy Lạp ở Biblicum và 5 người học ở Gregorian, chúng tôi có thể mở một khóa học duy nhất cho 10 người.”

 

Cha nói thêm rằng “Những ngôn ngữ hiện đại mà sinh viên cần chủ yếu được “nhào nặn” trong các trung tâm ngoại ngữ, bởi vì mọi người đều phải học tiếng Ý khi tới đây vì đó là ngôn ngữ chung của cả ba học viện. Nó sẽ không phải là tiếng Ý của Dante, nhưng nó là tiếng Ý thực dụng”.

 

Cha Lewis cũng nhấn mạnh một điểm phong phú khác khi học tập tại Rome: Sinh viên xây dựng mối tương quan với những sinh viên đến từ nhiều nơi trên thế giới. “Học về Giáo hội tại Ấn Độ, Indonesia hay Giáo hội ở Châu Phi là một chuyện; nhưng sẽ là chuyện khác nếu bạn biết ai đó đang làm việc ở những vùng ấy vì hai bạn đã học cùng nhau.” Bằng cách này, cha nói, “bạn hấp thụ được tinh thần phổ quát của Giáo hội”.

 

‘Lăn trái bóng đến nơi sẽ đến’

 

Với kế hoạch chiến lược cho việc hợp nhất Đại học Gregorian đã có, thách thức của cha Lewis là biến kế hoạch này thành hiện thực trong nhiệm kỳ hiệu trưởng của ngài. Cha kể lại rằng khi tham gia hoạch định chiến lược cho các tỉnh Dòng Tên ở Hoa Kỳ, cha thường trích dẫn câu nói của Wayne Gretzky, cựu vận động viên khúc côn cầu nổi tiếng người Canada, ông ấy thường nói rằng: con đường dẫn đến thành công là “lăn trái bóng đến nơi sẽ đến.”

 

Cha Lewis nhận xét rằng: “Thách thức ngày nay đó là xem Giáo hội và thế giới học thuật sẽ đi đến đâu trong 10 hoặc 15 năm nữa và chúng ta phải nỗ lực hướng tới điểm đó”. Tuy nhiên, cha nói thêm, “thông thường, các tổ chức không thay đổi nhanh chóng nên bạn phải có kế hoạch 5 năm để dẫn đến kế hoạch 10 năm và sau đó xa hơn”.

 

 

Với tư cách là nhà lịch sử Giáo hội, trong khi tìm cách định hướng con đường phía trước cho trường đại học trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, cha Lewis rút ra kiến thức của mình về Công đồng Trentô khi lưu ý rằng nhiều người coi đây là “một công đồng rất bảo thủ”, nhưng trên thực tế, nó có tư tưởng cải cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cha nói, “phải mất ít nhất 100 năm để các thể chế thực sự đi vào đúng vị trí và đi theo những hướng dẫn mà công đồng Trentô đã chỉ ra”. Ngài nói: “Điều này cũng đúng với Công đồng Vaticano II (1962-65). Nó vẫn chưa được thực hiện. Phải mất một thế kỷ. Và chúng ta vẫn chưa ở đó.”

 

Một sự khác biệt đáng kể giữa thế giới hậu Công đồng Trentô và thế giới hậu Vatican II là tốc độ thay đổi trong công nghệ. Cha Lewis nói: “Chúng ta có internet, máy tính, trí tuệ nhân tạo và tất cả những thứ này xuất hiện trong khoảng 20 năm”. “Vì vậy, sự thay đổi đang diễn ra nhanh hơn. Chúng ta phải có khả năng suy nghĩ về cách chúng ta thích nghi với những thay trong thế giới hiện nay và vẫn trung thành với Công đồng cải cách Vaticano II.”

 

‘Sinh viên mở ra để phát triển”

 

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên vào năm 2022, cha Lewis nói rằng việc nâng cao và thúc đẩy sự xuất sắc trong học thuật và trải nghiệm của sinh viên sẽ là ưu tiên hàng đầu của ngài. Khi được hỏi về cách đo lường sự xuất sắc, cha trả lời:

 

“Chỉ cần ghi nhớ mọi thứ và có thể kể lại trong bài giảng về bản chất của Chúa Kitô là một chuyện. Nhưng nếu bạn có thể thực hiện và đưa nó vào nền văn hóa của chính bạn, vào trải nghiệm của chính bạn và sử dụng nó để thích ứng với nhu cầu của thời điểm này trong thế giới của bạn, dù đó là bất cứ nơi nào, thì đó là cách tôi nói về sự xuất sắc. Và những kết quả đó thường được đánh giá bằng những gì học sinh của chúng tôi đang làm cho 5 hoặc 10 năm tới”.

 

Sinh viên trường Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Trong cuộc phỏng đầu tiên này, cha Lewis cũng cho biết ngài đang tìm kiếm những sinh viên sẵn sàng mở ra để phát triển. Cha nói rằng mặc dù sinh viên có thể đến với quan điểm rất chắc chắn và thậm chí có những ý tưởng cố định về một số vấn đề nhất định, nhưng nếu họ mở ra để phát triển, bạn có thể làm việc với họ và tiến về phía trước.

 

 

Cha nói: “Nếu bạn có một người không cởi mở với sự phát triển, không quan tâm đến bất cứ điều gì hơn những gì họ đã có, thì người đó sẽ rất khó dạy”. “Điều ngược lại cũng đúng: Nếu bạn có một người thông minh và sẵn sàng mở ra để phát triển, bạn không cần phải làm gì nhiều để có được một cựu sinh viên xuất sắc. Họ đã sẵn sàng rồi. Tôi nghĩ, ở một mức độ nào đó, chúng tôi có những sinh viên mong muốn lối giáo dục đó. Chúng tôi chỉ cần đảm bảo rằng chúng tôi cung cấp nền giáo dục đó với chất lượng cao nhất, nghĩa là ở mức độ mà họ có thể tiếp thu, hấp thụ và phát triển từ đó.”

 

Tại Thượng Hội đồng vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối quan ngại rằng nhiều linh mục trẻ xuất thân từ các chủng viện hoặc học viện ngày nay dường như khép kín với thế giới hoặc cứng nhắc. Chia sẻ về mối quan ngại của Đức Thánh Cha trong bối cảnh của trường Gregorian, cha cho biết:

 

“Điều chúng tôi phải cố gắng làm ở đây là khiến mọi người nhận ra rằng… chúng ta vẫn phải sống trong một thế giới nơi mọi người đang chết dần chết mòn, nơi mọi người đang phải giải quyết những vấn đề rất lớn trong tòa giải tội,” ngài nói. “Bạn phải đủ mở ra để giúp đỡ họ ở nơi họ đang ở và đưa họ đến nơi Chúa muốn họ. Và đó là một quá trình đòi hỏi sự sáng tạo và trí thông minh. Theo suy nghĩ của tôi, đó là những gì chúng tôi đang cố gắng làm”.

 

Đối với những sinh viên thực sự cứng nhắc hoặc khép kín, cha nói: “Tôi nghĩ rằng đó sẽ chỉ là thiểu số. Bạn có những người bảo thủ, có quan điểm truyền thống hơn, nhưng điều đó cũng không sao cả. Nhưng bạn phải có khả năng diễn đạt nó rõ ràng và có thể áp dụng nó vào thế giới nơi bạn đang sống. Nếu bạn có thể làm được điều đó thì cuối cùng, bạn sẽ phát triển cùng với những người bạn phục vụ.”

 

Tìm kiếm sự đồng thuận

 

Khi được hỏi về, liệu có sự ủng hộ hoàn toàn [của tất cả mọi người] cho kế hoạch chiến lược của trường hay không, cha mỉm cười và nói: “Tôi nghĩ bất kỳ ai từng sống hoặc làm việc trong thế giới học thuật sẽ cho bạn biết nếu bạn có sự ủng hộ hoàn toàn cho điều gì đó, bạn thực sự nên xem xét lại vì có thể nó sai.” Trong trường hợp kế hoạch chiến lược của trường Gregorian, cha nói, “Có sự đồng thuận, nhưng sẽ không bao giờ có sự nhất trí [hoàn toàn] vì chúng ta có khả năng suy nghĩ.” Cha nói thêm, sự nhất trí hoàn toàn “sẽ cho thấy sự thiếu tự do”.

 

Nhà trường tìm kiếm sự đồng thuận từ nhiều phía. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Tôi kết thúc cuộc phỏng vấn bằng việc hỏi cha Lewis về những gì ngài mong muốn thực thiện được sau sáu năm làm hiệu trưởng.

 

Cha nói rằng khi cha biết mình sắp được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, cha đã cầu nguyện rằng cha hy vọng sẽ “rời khỏi một nơi tốt hơn so với những gì đã nhìn thấy”. Cha nói, phần quan trọng của mục tiêu đó là thành lập một trung tâm để chuẩn bị giáo sư trẻ “học những cách thức giảng dạy mới vì tôi nghĩ đó sẽ là yếu tố then chốt về lâu dài. Làm thế nào để chúng ta giảng dạy cách hiệu quả cho thế hệ này?”

 

Thứ hai, ngài hy vọng rằng 22 Học viện Giáo hoàng ở Roma “trở nên hợp tác hơn và tìm được sự hợp tác. Tôi nghĩ đó là hai điều mà trong vài năm tới chúng ta có thể đạt được, và tôi mong muốn ở vị trí mà hiệu trưởng tiếp theo trong vòng 5 đến 10 năm tới sẽ có thể bắt đầu chuẩn bị cho bất cứ điều gì trong tương lai, và như vậy, chúng ta sẽ lăn quả bóng về phía trước.”

 

Tác giả: Gerard O’Connell

Chuyển ngữ: Văn Cương, SJ

Nguồn: America Magazine

 

Kiểm tra tương tự

Con có giận Chúa không, khi con phải chịu đau như vậy?

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa …

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …