Đại học Giáo hoàng Gregorian – Kỳ 1: Những thay đổi lớn

Đại học Gregorian, trường đại học lớn nhất và theo lịch sử là trường đại học Giáo hoàng đầu tiên ở Roma, sẽ mang diện mạo mới vào Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 19 tháng 5. Đây là kết quả của việc sáp nhập Học viện Kinh thánh và Học viện Đông phương vào cơ cấu hiện nay của Đại học Giáo hoàng Gregorian. Cả ba trường này đã được các Giáo hoàng trước giao cho Dòng Tên phụ trách.

 

Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Ảnh: Gregoriana Foundation

 

Để hiểu tầm quan trọng của sự thay đổi này và ý nghĩa của nó đối với Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, tạp chí America Magazine đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với cha Mark Lewis, SJ, là hiệu trưởng của trường Đại học Gregorian. Cha Lewis, 64 tuổi, sẽ trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Gregorian mới.

 

Cuộc phỏng vấn được chia làm hai phần. Trong phần đầu, cha Lewis nói về sự sáp nhập giữa ba cơ sở giáo dục của Dòng Tên. Ngài tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang thúc đẩy sự hợp tác giữa tất cả các trường Đại học và Học viện Giáo hoàng ở Roma và giải thích những điểm mấu chốt của kế hoạch chiến lược mà hiện tại trường Đại học Gregorian đã thực hiện.

 

Ở phần sau, cha Lewis lý giải mục đích của việc sáp nhập này là nhằm đảm bảo môi trường học tập tối ưu và để giáo dục sinh viên biết “mở ra với sự thay đổi”.

 

PHẦN I

 

Tôi có dịp phỏng vấn cha Lewis lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 9 năm 2022, ngay sau khi ngài nhận bài sai làm hiệu trưởng trường Đại học Gregorian. Ngài cho biết rằng vào ngày 17 tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra tuyên bố rằng ba Học viện Giáo hoàng do Dòng Tên phụ trách ở Roma sẽ được liên kết lại thành một thể chế giáo dục. Cha Lewis cho rằng một trong những thách thức đối với ngài trong cương vị hiệu trưởng chính là nỗ lực hiện thực hóa việc sáp nhập này. 

 

Khi tôi gặp lại ngài trong cuộc phỏng vấn thứ hai tại văn phòng của ngài ở Đại học Gregorian, cha Lewis nói với tôi rằng vào ngày 15 tháng 3, ngài nhận được một văn bản từ cha Arturo Sosa, SJ, Bề trên Cả Dòng Tên, thông báo rằng những quy chế chung điều tiết việc sáp nhập vĩnh viễn Học viện Kinh thánh và Học viện Đông phương vào Đại học Gregorian đã được Bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican phê duyệt vào ngày 11 tháng 2 năm 2024 và “sẽ có hiệu lực từ ngày 19 tháng 5”. Hai học viện này sẽ trở thành một phần của Đại học Gregorian nhưng vẫn giữ lại tên gọi và sứ mạng riêng của mỗi trường.

 

Cha Mark Lewis, SJ, hiệu trưởng của trường Đại học Gregorian. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Đại học Gregorian được thành lập bởi thánh Inhaxiô Loyola vào năm 1551, là một phần của Đại học Rôma. Đã có 28 vị thánh và 16 Giáo hoàng từng học ở trường này. Học viện Kinh Thánh (thường được gọi là “Biblicum”) được thành lập vào năm 1909 bởi Đức Thánh Cha Piô X.  Học viện Đông phương (thường được gọi là “Orientale”) được thành lập vào năm 1917 bởi Giáo hoàng Benedict XV.

 

Về quy chế sáp nhập đã được thông qua, cha Lewis bình luận như sau: “Lý thuyết là vậy; thực tế lại là chuyện khác. Tôi nghĩ chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành một trường đại học tích hợp với Orientale và Biblicum.” Cha Lewis cho rằng phải hết nhiệm kỳ hiệu trưởng của ngài, việc sáp nhập mới có thể được “định hình”.

 

Với tư cách là hiệu trưởng của trường Đại học Gregorian, cha Lewis sẽ được hỗ trợ bởi một hội đồng gồm sáu thành viên bao gồm các viện trưởng hiện tại của Biblicum (cha Peter Dubovsky, S.J.), của Orientale (cha Sunny Thomas Kokkaravalayil, S.J.) và của Collegio Maximum, (cha Giuseppe Di Luccio, S.J.), “là những người sẽ chia sẻ trách nhiệm quản lý toàn bộ trường đại học.” Giám đốc hành chính của trường sẽ là cha David Nazar, S.J., cựu hiệu trưởng của Orientale, trong khi thành viên thứ sáu của hội đồng sẽ là ông Luigi Allena, một giáo dân và là tổng thư ký của Đại học Gregorian.

 

Cha Lewis gọi ba đơn vị của trường Gregorian mới là các “sứ mạng” bởi vì “mỗi đơn vị hoạt động theo một đường hướng mà Giáo hoàng đã giao phó trong tiến trình lịch sử”. Học viện Kinh Thánh “được thành lập để thực hiện các nghiên cứu mang tính khoa học và chú giải về Kinh Thánh”; Học viện Đông phương “lại theo hướng khác, là nơi nghiên cứu về tất cả các Giáo hội Đông phương, từ Ấn Độ đến Trung Đông. Thư viện ở đó có bộ sưu tập tài liệu không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; nó giúp thành viên của các Giáo hội Đông phương hiểu biết về truyền thống và căn tính của họ.”

 

Cha Lewis chia sẻ rằng trong khi sứ mạng của Biblicum và Orientale là “rất cụ thể và độc đáo, sứ mệnh của Collegio Maximum (tiền thân của Gregorian hiện tại) lại mang tính truyền thống nhiều hơn: chuẩn bị người cho sứ vụ trong Giáo hội và nghiên cứu thần học đương đại. Không giống như các khóa học mang tính hàn lâm của Biblicum, khoa thần học Kinh thánh của Collegio Maximum mang tính mục vụ nhiều hơn, nhắm đến việc đào tạo các giáo sư chủng viện và những người thuyết giảng”.

 

Một kế hoạch chiến lược

 

Kể từ khi Cha Lewis làm hiệu trưởng, Đại học Gregorian đã tiến hành thảo luận rộng rãi để đưa ra kế hoạch chiến lược cho 5 năm tới. Cha Lewis nói: “Chiến lược này cần sự tham gia đầy đủ của các thành phần trong trường đại học bao nhiêu có thể, bao gồm cả đại diện sinh viên, bởi vì kế hoạch chiến lược của một trường đại học phải thuộc về toàn trường, chứ không phải của riêng hiệu trưởng, vị cố vấn hay một ủy ban nào đó.”

 

Cha Lewis cho biết họ được hỗ trợ bởi một chuyên gia từ bên ngoài – giáo sư Francesco Cesareo, từng là hiệu trưởng Đại học Assumption ở Massachusetts. Họ cũng sử dụng kết quả báo cáo lượng giá hoạt động của AVEPRO, một cơ quan của Tòa thánh chuyên đánh giá và nâng cao chất lượng trong các trường đại học và ngành học của Giáo hội.

 

 

Cha Lewis cho biết bản kế hoạch chiến lược này có bốn “lĩnh vực ưu tiên”.

  1. Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu và trải nghiệm của sinh viên
  2. Xác định nguồn hợp tác tiềm năng cho lợi ích của nhà trường
  3. Bảo đảm sự phát triển và đa dạng nguồn lực cho trường
  4. Tăng cường việc phối hợp và cam kết chia sẻ sứ mạng giáo dục ở từng lĩnh vực trong nhà trường, thông qua quá trình không ngừng tích hợp Học viện Kinh thánh và Học viện Đông phương vào Đại học Gregorian.

 

Trong kỳ nghỉ Giáng sinh, cha Lewis đã có cuộc gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và trao cho ngài bản kế hoạch. “Đức Thánh Cha rất quan tâm đến kế hoạch chiến lược và kế hoạch cải thiện trường Gregorian” – cha bật mí thêm.

 

‘Hòa ca trong một dàn hợp xướng’

 

Cha Lewis cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự quan tâm đến những bước phát triển như thế. Ngài nhắc lại rằng vào ngày 25 tháng 2 năm 2023, Đức Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với các hiệu trưởng, ban giám hiệu và sinh viên của các trường đại học và học viện Giáo hoàng ở Roma và nhấn mạnh đến “nhu cầu tự lượng giá và tìm ra những cách thức mới để hợp tác với nhau”.

 

Trong dịp đó, Đức Giáo Hoàng cũng nhắc lại rằng “qua nhiều thế kỷ, sự đa dạng và tầm nhìn xa của các dòng tu, do các đặc sủng tạo ra, đã làm phong phú cho Roma bởi số lượng đáng kể các khoa và trường đại học”.

 

Đức Giáo Hoàng nhắc nhở: “Tuy nhiên, ngày nay, khi phải đối mặt với việc sụt giảm số lượng học viên và giáo viên, chúng ta có nguy cơ phân tán nguồn lực quý giá của mình do có quá nhiều trung tâm học tập. Bằng cách này, thay vì nuôi dưỡng niềm vui học tập, giảng dạy và nghiên cứu theo tinh thần Phúc Âm, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ quá tải.”

 

ĐTC Phanxicô nói: “Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần khẩn trương khởi động một tiến trình hướng tới sự hợp tác hiệu quả, ổn định và có tổ chức giữa các học viện, để đề cao hơn mục đích cụ thể của mỗi trường và sứ mạng phổ quát của Giáo hội.”

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến thành viên của các trường đại học giáo hoàng Roma. Ảnh: Ansa

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến thực tế là trong năm học 2021-2022, có 22 học viện thuộc Giáo hoàng ở Roma, với 15.634 học viên từ 125 quốc gia và được giảng dạy bởi 2.056 giáo sư.

 

Gregorian là trường Đại học Giáo hoàng lâu đời nhất và lớn nhất ở Roma. Trường có 2.844 sinh viên đến từ 125 quốc gia, với 344 giáo sư giảng dạy. Trường đại học lớn thứ hai là Laterano (thành lập năm 1773), tiếp theo là Salesiano (được thành lập bởi dòng Salêdiêng năm 1940), Urbaniana (thành lập năm 1627), Santa Croce (được thành lập bởi Opus Dei năm 1984), Angelicum (được thành lập bởi dòng Đaminh năm 1577) và Antonianum (được thành lập bởi các Tu sĩ Phan Sinh dòng Anh em hèn mọn năm 1887).

 

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi 22 học viện hãy “hòa ca trong một dàn hợp xướng” và tha thiết mời gọi “Làm ơn đừng bao giờ hát solo một mình”. Cha Lewis bày tỏ sự đồng tình: “Chúng ta không thể có 22 nghệ sĩ độc tấu cùng lúc được.” Ngài lưu ý rằng “khuynh hướng của các trường đại học là muốn độc tấu… bởi vì mỗi trường đều có đặc sủng riêng của mình”. Tuy nhiên, ngài nói: “Theo nghĩa nào đó thì chúng ta đang làm cùng một việc và vì vậy chúng ta có thể hợp tác; chúng ta không cần phải lặp lại các khóa học hay giáo sư.”

 

Thông điệp của Đức Phanxicô đó là “hãy xem mục tiêu chung ở đâu”, cha Lewis nói. “Đó cũng là những gì chúng tôi đã nghe từ bề trên của các dòng tu: tìm cách cộng tác, tìm cách bảo tồn tài nguyên, sử dụng nhân sự hiệu quả hơn. Đó là một vấn đề đang được CRUIPRO, Hội đồng hiệu trưởng của 22 trường đại học và học viện Giáo hoàng ở Roma, xem xét.”

 

Cha Lewis nói rằng kiểu hợp tác này chính xác là ưu tiên thứ hai trong kế hoạch chiến lược của Đại học Gregorian. Ngài nói: “Chúng tôi thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu tiến hành, nhưng khi bắt đầu tìm kiếm sự hợp tác, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta tạo ra những nơi tốt hơn ở mỗi học viện… Sau đó, chúng ta sẽ sẵn sàng cho bất cứ điều gì mà chỉ số phân tích nhân khẩu học chỉ ra.”

 

Những thách đố về mặt nhân khẩu học

 

Nhìn về tương lai 10 hoặc 15 năm tới, cha Lewis cho biết ngài đang xem xét hai thách đố về mặt nhân khẩu học. Đầu tiên, ngài nói rằng “số ơn gọi Dòng Tên đã suy giảm trong thời gian gần đây”. Ngày nay, Dòng Tên chỉ có khoảng 17.000 thành viên so với khoảng 30.000 người khi cha Lewis gia nhập Dòng. Cha cũng lưu ý rằng có ít tu sĩ Dòng Tên có bằng tiến sĩ hơn, “vì vậy càng khó kiếm đội ngũ giảng dạy hơn.”

 

Ngài nói thách thức thứ hai xuất phát từ thực tế là “hiện nay hơn 20% học viên của chúng tôi không phải là chủng sinh hay linh mục mà là giáo dân và tu sĩ”. Vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Roma, số lượng học viên giáo dân sẽ khó tăng thêm, và “số lượng chủng sinh không ổn định mãi. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt đầu cân nhắc quy mô phù hợp”. Ngài cho biết: “Vấn đề hợp tác nảy sinh từ đây: Nếu 9 học viện ở Roma đều dạy thần học căn bản, liệu tất cả các học viện đó có thể có đủ số học viên để tiến hành một chương trình hiệu quả không? Và liệu có thể có đầy đủ giảng viên cho khóa thần học căn bản ở tất cả những trường đó không?

 

Đại học Gregorian không chỉ có chủng sinh hay linh mục mà còn có giáo dân và tu sĩ. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Cha cũng cho biết rằng “CRUIPRO đã bắt đầu tạo ra một hệ thống mới, trong đó sinh viên có thể học các khóa đại cương ở một trường khác. Và chúng tôi muốn mở rộng điều đó hơn nữa bởi vì sau đó nó trở thành sự hợp tác. Bạn có thể trải nghiệm chương trình học của những trường khác, đó sẽ là một lợi thế thực sự khi học tập ở đây. Đó sẽ là bước đầu tiên trong việc hợp tác. Có thể 10 năm nữa, những thay đổi về nhân khẩu học sẽ đòi hỏi phải thống nhất các khóa học đại cương, nhưng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho điều đó.” 

 

Đặc sủng Dòng Tên

 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ấn bản Mùa đông 2023 của tạp chí La Gregorian, giáo sư Cesareo cho biết: “Lúc này là cơ hội tuyệt vời cho trường đại học, cũng là lúc để nhìn về Gregorian theo một cách mới, luôn bén rễ trong truyền thống I-nhã, với tầm nhìn và sứ mạng đặc thù của nó.”

 

Khi tôi nhờ cắt nghĩa rõ hơn, cha Lewis giải thích rằng đặc sủng của Đại học Gregorian chính là đặc sủng Dòng Tên. Đó là tập trung vào chất lượng giảng dạy. Đây là ưu tiên hàng đầu bởi vì khi chúng tôi làm điều gì đó, chúng tôi muốn dùng hết khả năng của mình. Thần học Dòng Tên luôn rất cởi mở với thế giới. Vì thế nó là một nền thần học thực tiễn, và tôi nghĩ đó là một khía cạnh rất quan trọng của những gì chúng tôi làm ở đây khi tham gia đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo khác, qua đó đào sâu đức tin khi học thần học. Đó chính là điểm mạnh của Dòng Tên; nó xuất phát từ kinh nghiệm truyền giáo của Dòng. Thực tế là Dòng Tên hiện diện trên toàn thế giới và luôn cố gắng hòa nhập vào nền văn hóa của những nơi chúng tôi đặt chân đến.

 

Cha Lewis chia sẻ: “Phương pháp sư phạm được phát triển vào thế kỷ 20, đến từ kinh nghiệm làm linh thao theo thánh Inhaxiô, và các yếu tố sư phạm được rút ra từ đó, đặc biệt là trong các trường trung học của Dòng Tên. Vì vậy, việc hiểu đối tượng mình đang dạy, họ đến từ đâu, hoàn cảnh của họ như thế nào, đón nhận họ với những trải nghiệm họ có, giúp họ phản tỉnh về những trải nghiệm đó…. Tất cả những điều này dẫn đến việc họ chủ động rút ra ích lợi từ những gì học được.”

 

 

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên vào năm 2022, cha Lewis nhấn mạnh rằng “mục tiêu chất lượng ở đây rất quan trọng bởi vì hầu hết các giáo sư đều giảng dạy theo cách họ từng được dạy. Vì vậy, nếu chúng tôi có thể cải thiện phương pháp sư phạm ở đây, chúng tôi cũng có tác động đến phương pháp sư phạm của trường đại học và chủng viện trên khắp thế giới.”

 

Trong cuộc phỏng vấn thứ hai này, cha nói thêm rằng chúng ta đang ở trong một thời điểm rất quan trọng. Cơn đại dịch chỉ rõ rằng chúng ta cần phải để ý hơn đến việc giáo dục từ xa, dù các khóa học thần học trực tuyến không phải là hình thức học chính. Xét về mặt đào tạo, nó không đúng lắm. Thế nhưng việc bắt đầu sử dụng Internet nhiều hơn xét như là một nguồn học liệu sẽ dần dần thay thế hệ thống bài giảng trên lớp. Điều quan trọng hơn có thể sẽ là có những người nghe giảng trực tuyến; và sử dụng thời gian trên lớp để thảo luận, phản tỉnh về kinh nghiệm đó và học thần học theo cách riêng. Vì vậy, đó là một sự thay đổi lớn về mặt sư phạm.

 

Tuy nhiên, cha nhấn mạnh rằng “các học viện có xu hướng khá bảo thủ trong việc thay đổi cách giảng dạy, vì vậy điều này đòi hỏi cuộc cải tổ thực sự. Nó đòi hỏi sự sáng tạo và sẽ mất kha khá thời gian để mang đến giới thiệu cho mọi người những lựa chọn mới.”

 

Cha Lewis nhớ lại thời gian khi còn giảng dạy ở Mỹ, một trong những điều ngài quan tâm là ý tưởng “đảo ngược lớp học”. Ngài giải thích rằng “trong lớp học truyền thống bạn được nghe bài giảng, sau đó bạn về nhà và viết về nó.” Trong khi ở lớp học đảo ngược, “bạn nghe bài giảng trực tuyến, đọc sách bên ngoài lớp học, và khi vào lớp học thì bạn viết, thảo luận với giáo sư nếu bạn muốn. Như thế nó làm thay đổi năng động của tiến trình. Kết quả là giáo sư tương tác tốt hơn với sinh viên. Nó mang tính đối thoại nhiều hơn và bạn có thể tìm ra điều sinh viên cần biết hoặc điều họ muốn biết.”

 

Cha cũng chia sẻ thêm: “Khuynh hướng của một chương trình giảng dạy luôn là đến ‘từ trên xuống’, và đặc biệt là trong những việc như đào tạo linh mục, nó vẫn còn khá áp đặt: bạn cần phải học Kitô học, bạn cần phải học Giáo hội học. Có rất nhiều thứ mà bạn thực sự cần phải thành thạo để trở thành một linh mục giỏi. Đồng thời, mỗi nền văn hóa sẽ hiểu điều đó theo một cách khác nhau, và kinh nghiệm sống ở thế giới của họ sẽ tạo ra những cách hiểu khác nhau về những môn học áp đặt này.

 

Một trường đại học cho các quốc gia

 

Khi tôi hỏi liệu với tư cách là hiệu trưởng, cha có thấy sự khác biệt lớn về trình độ [học tập] của sinh viên từ các nơi khác nhau trên thế giới đến học ở Gregorian hay không, Cha Lewis nói: “Kinh nghiệm của tôi ở đây phần lớn là như vậy, các giám mục, bề trên các dòng có xu hướng gửi những người tốt nhất và thông minh nhất của họ đến Roma để học tập.” Tuy nhiên, cha Lewis nói rằng vẫn có sự khác biệt lớn, chẳng hạn như kiến thức về lịch sử của họ. “Vì vậy, chúng ta cần phải trở về yếu tố đầu tiên của phương pháp sư phạm Inhaxiô: Bạn phải biết bối cảnh của sinh viên mình. Vì vậy, tôi nghĩ đó luôn là thách thức mà chúng tôi gặp phải tại Gregorian. Ngay từ đầu thì nơi đây đã là một trường đại học cho các quốc gia, nhưng nó đã chuyển biến, ngay cả trong thời gian tôi ở đây, nó đã chuyển rất nhiều từ sinh viên phương Tây sang [sinh viên từ] các nước đang phát triển hơn.”

 

Khi tôi nhận xét rằng điều này hầu như không có gì đáng ngạc nhiên, “vì trục của Giáo hội Công giáo đang thay đổi”, cha Lewis nói: “Đúng. Nó đang thay đổi và sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta cứ khăng khăng coi Châu Âu là trung tâm vào thời điểm này, điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Do đó, chúng ta phải tìm ra cách xác định và khẳng định trí thông minh cũng như kinh nghiệm mà sinh viên mang đến từ những nơi khác trên thế giới, và cách họ hiểu về thần học, lịch sử và triết học.

 

Tôi nhận thấy rằng Gregorian cũng đang tuyển dụng giáo sư từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Cha Lewis thừa nhận điều này nhưng chỉ ra rằng “đối với chúng tôi đây là một thách thức khác, bởi vì chúng tôi có thể dễ dàng mời các tu sĩ đến giảng dạy vì chúng tôi có mạng lưới, có các địa chỉ liên hệ. Cha tổng quyền có thể dễ dàng triệu tập các tu sĩ Dòng Tên đến Roma. Thế nhưng khi mà chúng tôi bắt đầu có các giáo sư là giáo dân, và chúng tôi đang có một số như vậy, họ thường là người châu Âu bởi vì họ phải có thị thực, họ phải quen với văn hóa châu Âu, họ phải tìm được chỗ ở. Vì vậy, đây là một thách thức khác, không phải là không thể giải quyết được, nhưng nó là một phần khác của vấn đề.”

 

Tác giả: Gerard O’Connell

Người dịch: Hoàng Quân

Nguồn: America Magazine

Kiểm tra tương tự

Sự thinh lặng của Thiên Chúa – Kỳ 1: Câu hỏi đầy đau đớn

Nhiều người bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra trong thời đại chúng …

Quan niệm của thánh Augustinô về ý nghĩa thực sự của bình an

Cách đây một thời gian, khi phong trào bình an trong trường đại học đang …