Đại hội giới trẻ thế giới – Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ bế mạc đại hội

2“Các bạn trẻ thân mến, các bạn đến Krakow để gặp gỡ Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay cũng
nói với chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và một người tên là Za-kêu, tại Giêrico (x. Lc 19,1-10). Tại đó, Đức Giêsu không chỉ rao giảng hay chào hỏi mọi người, nhưng như thánh sử kể cho chúng ta, Ngài đi băng qua thành phố. Nói cách khác, Đức Giêsu muốn đến gần chúng ta một cách cá vị, muốn đồng hành với chúng ta cho đến cuối hành trình, để cuộc sống của Ngài và của chúng ta được thật sự gặp nhau.

Một cuộc gặp gỡ thật ấn tượng đã diễn ra tại đây, với Za-kêu, trưởng thu thuế. Za-kêu hẳn là một người thu thuế giàu có, đã hợp tác với kẻ chiếm nước Roma đáng ghét, một người đã bóc lột chính dân tộc mình, một người mà bởi danh tiếng không mấy tốt đẹp không thể tiến gần đến Thầy Giêsu. Cuộc gặp gỡ giữa ông với Đức Giêsu đã thay đổi cuộc đời ông, cũng như đã thay đổi và vẫn tiếp tục thay đổi cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nhưng Za-kêu đã đối diện với rất nhiều ngăn cản để có thể gặp được Giêsu. Ít nhất là ba trong số những ngăn trở này có thể nói với chúng ta điều gì đó.

Ngăn trở đầu tiên là thân hình nhỏ bé. Za-kêu không thể nhìn thấy được Thầy Giêsu vì ông nhỏ con. Thậm chí ngày nay, chúng ta cũng cảm thấy mình không thể đến gần Giêsu vì chúng ta thấy mình không đủ lớn, vì chúng ta nghĩ mình không xứng đáng. Đây là một cám dỗ rất lớn; đến với Giêsu không phải bằng lòng tự tôn nhưng bằng chính niềm tin. Vì niềm tin nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. 1 Ga 3,1). Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; Đức Giêsu đã mặc lấy nhân tính và con tim của Ngài sẽ không bao giờ tách lìa khỏi chúng ta; Thánh Thần muốn ngự trong chúng ta. Chúng ta được mời gọi để vui hưởng niềm hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa!

Đó là “thể trạng” thực sự của chúng ta, căn tính thiêng liêng của chúng ta: chúng ta là những người con yêu dấu của Thiên Chúa, luôn luôn như thế. Vì thế, các bạn có thể thấy rằng không chấp nhận chính mình, sống một cách buồn tẻ, trở nên thụ động có nghĩa là không nhận ra căn tính sâu thẳm nhất của mình. Nó giống như việc mình bỏ đi chỗ khác khi Chúa muốn nhìn đến chúng ta, cố gắng phá tan giấc mơ Ngài dành cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như chúng ta là, và không có tội lỗi, nết xấu hay sai lầm nào có thể khiến Ngài thay đổi tình yêu thương này. Như Tin Mừng cho chúng ta thấy, đối với Giêsu, không ai lại không xứng đáng, hay xa cách với Ngài. Không ai là vô nghĩa với Ngài. Ngài yêu thương hết tất cả chúng ta với một tình yêu đặc biệt; với Ngài, tất cả chúng ta đều rất quan trọng: các con rất quan trọng! Ngài quan tâm đến các con vì chính các con, chứ không phải vì những gì các con sở hữu. Trong mắt Ngài, quần áo các con mặc hay loại điện thoại di động mà các con đang sử dụng hoàn toàn không có nghĩa lý gì. Ngài không quan tâm đến phong cách thời trang của các con. Ngài chỉ quan tâm đến chính con người các con mà thôi. Trong mắt Ngài, các con rất quý giá và mang một giá trị không thể đong đếm được.

Bất cứ khi nào trong cuộc sống chúng ta cảm thấy bị trì xuống, hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn trung thành, thậm chí là ngoan cố, trong tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Sự thật là, Ngài yêu thương chúng ta còn hơn chúng ta yêu thương mình. Ngài đặt niềm tin vào chúng ta còn hơn chúng ta đặt niềm tin vào mình. Ngài luôn cổ võ chúng ta; Ngài là một người cực kỳ hâm mộ chúng ta. Ngài luôn ở đó với chúng ta, đợi chờ chúng ta với sự kiên nhẫn và hy vọng, ngay cả khi chúng ta cứ quay về với chính mình và gặm nhấm mãi những phiền muộn và nỗi đau của quá khứ. Kiểu gặm nhấp ấy không xứng đáng với phẩm giá thiêng liêng của chúng ta. Nó là một loại virus xâm nhập và ngăn chặn mọi thứ; nó đóng kín các cánh cửa và không cho chúng ta thức dậy và bắt đầu. Thiên Chúa thì khác, Ngài luôn tràn trề hy vọng. Ngài tin rằng chúng ta có thể luôn thức dậy, và Ngài chẳng muốn nhìn thấy chúng ta buồn phiền thiểu não, bởi vì chúng ta luôn là những người con yêu dấu của Ngài. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ điều này vào mỗi ngày mới. Thật tốt khi chúng ta cầu nguyện như thế nào vào mỗi sáng: “Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài đã luôn yêu thương con; xin hãy giúp con luôn biết yêu bằng chính cuộc sống của con, không phải bằng những lỗi lầm cần được sửa đổi, nhưng bằng chính cuộc sống của con, món quà lớn lao, vì đây là thời gian để yêu và được yêu.

Ngăn trở thứ hai của Za-kêu là: thân bại danh liệt. Chúng ta có thể hình dung điều gì đang diễn ra trong lòng ông trước khi ông treo lên cây sung. Hẳn là một cuộc đấu tranh nội tâm – một mặt là sự tò mò và khao khát muốn gặp Đức Giêsu, mặt khác, ông có thể trở thành kẻ hoàn toàn ngớ ngẩn. Za-kêu là một nhân vật công chúng, một người có quyền lực. Ông biết rằng, khi cố trèo lên cây sung, ông có thể trở thành trò cười cho thiên hạ. Tuy nhiên, ông đã chiến thắng được sự xấu hổ, vì sức lôi cuốn của Đức Giêsu quả rất mạnh mẽ. Các bạn đã biết rõ chuyện gì xảy ra khi có ai đó hết sức lôi cuốn khiến chúng ta phải yêu mến họ: chúng ta sẽ sẵn sàng làm mọi thứ mà ta chưa bao giờ dám nghĩ là mình có thể làm được. Điều gì đó tương tự đã xảy ra trong lòng Za-kêu, khi ông nhận thấy rằng Đức Giêsu quá quan trọng với ông đến nỗi ông có thể làm bất cứ điều gì cho Ngài, vì chỉ có Đức Giêsu mới có thể kéo ông ra khỏi vũng lầy tội lỗi và buồn phiền. Chuyện “danh liệt” của ông còn đáng kể gì nữa. Tin Mừng kể cho chúng ta thấy rằng Za-kêu đã chạy lại đàng trước, leo lên cây và rồi, khi Đức Giêsu gọi ông, ông vội vàng leo xuống. Ông đã đánh liều, ông đánh cược cuộc đời mình. Chúng ta cũng vậy, đây là bí quyết của niềm vui: đừng bóp nghẹt sự tò mò tốt lành của mình, nhưng hãy đánh liều, vì cuộc đời không phải để giấu kín. Khi chúng ta đến với Giêsu, chúng ta không thể ngồi khoanh tay chờ đợi; Ngài đã trao ban cho chúng ta một cuộc đời, chúng ta không thể đáp lại chỉ bằng việc nghĩ về nó hay gõ một vài từ.

Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ khi mang mọi thứ đến với Chúa nơi toà giải tội, đặc biệt là những yếu đuối của chúng ta, những đấu tranh, những tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên bằng sự tha thứ và bình an của Ngài. Đừng sợ khi nói “vâng” với Ngài với tất cả con tim, đáp lại Ngài một cách quảng đại và bước theo Ngài! Đừng để linh hồn của mình bị co cụm nhưng hãy nhắm tới đích là một tình yêu tuyệt đẹp đòi hỏi sự hy sinh. Hãy nói “không” với cơn nghiện thành công bằng mọi giá và chỉ biết quan tâm đến bản thân và sự thoải mái của bản thân.

Ngăn trở thứ ba của Za-kêu không phải là cái đến từ bên trong nhưng là những gì đang ở chung quanh ông. Đó chính là tiếng bàn tán lùm xùm của đám đông, những người đã đóng kín ông và phê phán ông: làm sao Giêsu có thể vào nhà người này, nhà của một người tội lỗi! Thật là khó khăn để chào đón Giêsu, thật khó để đón nhận một Thiên Chúa giàu lòng từ bi (Ep 2,4)! Người ta luôn cố gắng ngăn cản bạn, làm cho bạn nghĩ rằng Thiên Chúa rất xa cách, cứng nhắc, khô khăn, đối xử tốt với người tốt và đối xử xấu với người xấu. Thế nhưng, Cha của chúng ta ngự trên trời “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Ngài muốn chúng ta phải có dũng lực: dũng lực để mạnh hơn sự dữ bằng cách yêu thương người khác, ngay cả kẻ thù mình. Người ta có thể chế giễu bạn vì bạn tin vào sức mạnh vô biên và huyền diệu của lòng thương xót. Nhưng các bạn đừng sợ. Hãy nghĩ tới châm ngôn của những ngày này: “Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) Người ta có thể cho rằng các bạn là những kẻ mơ mộng, vì các bạn tin vào một nhân loại mới, một nhân loại loại trừ sự ghét bỏ giữa người với người, một nhân loại không muốn xem biên giới là rào cản và một nhân loại biết nuôi dưỡng những truyền thống của riêng mình mà không biến mình trở thành trung tâm và có đầu óc hẹp hòi. Đừng bao giờ nản chí: với nụ cười và đôi bàn tay rộng mở, các bạn hãy loan truyền niềm hy vọng và trở thành ân phúc cho một gia đình nhân loại mới mà các bạn là những đại diện tuyệt vời!

Ngày hôm đó, đám đông xét đoán Za-kêu; họ dò xét ông từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Nhưng Đức Giêsu thì khác: Ngài nhẹ nhàng nhìn ông. Cái nhìn của Giêsu vượt qua những lầm lỗi và thấu đến con người. Ngài không để ý đến những điều xấu xa của quá khứ nhưng nhìn đến tương lai tốt đẹp. Ánh nhìn của Ngài vẫn luôn còn đó dù có khi mình không thấy; nó tìm kiếm sự đoàn kết và hiệp thông. Nó không chú ý đến cái bên ngoài nhưng thấu tận con tim. Với ánh nhìn này của Giêsu, các bạn có thể giúp mang đến một nhân loại khác, không tìm kiếm sự thừa nhận nhưng là điều thiện hảo, giữ vững con tim trong sạch và chiến đấu cách hoà bình cho lòng chân thực và công lý. Đừng bao giờ chỉ dừng lại ở bề mặt của mọi sự, đừng bao giờ tin vào bề mặt của thế gian, không chịu cải thiện tầm nhìn của bạn. Thay vào đó, hãy download những đường link tốt nhất, giúp con tim biết nhìn thấy và chuyển tải những điều tốt đẹp mà không lo lắng gì. Hãy trao ban niềm vui mà các con đã nhận lãnh cách nhưng không cho người khác một cách nhưng không (x.Mt 10,8): rất nhiều người đang chờ đợi điều này. Cuối cùng, chúng ta hãy cùng nghe những lời Đức Giêsu đã nói với Za-kêu, nó rất có ý nghĩa với chúng ta ngày nay: “Hãy xuống đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c.5). Đức Giêsu cũng nới rộng lời mời gọi này đến chúng ta: “Ta phải ở lại nhà con hôm nay”. Chúng ta có thể nói rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới bắt đầu hôm nay và còn tiếp diễn vào ngày mai, tại nhà của các con vì đó là nơi mà Đức Giêsu muốn gặp các con từ giờ trở đi. Chúa không muốn ở lại trong thành phố tươi đẹp này, hay chỉ trong những kỷ niệm được ôm ấp. Ngài muốn đi vào nhà của các con, muốn cư ngụ trong đời sống thường ngày của các con: trong việc học, trong những năm đầu làm việc, trong tình bạn, tình yêu, cảm xúc, niềm hy vọng và giấc mơ của các con. Ngài mong muốn xiết bao khi các con dám mang tất cả đến với Ngài trong lời cầu nguyện! Ngài hy vọng xiết bao rằng, trong tất cả những “contacts” và “chats” mỗi ngày của các con, có chỗ cho lời cầu nguyện! Ngài mong muốn biết bao cho lời của Ngài có thể nói với các con ngày từng ngày, để các con có thể biến Tin Mừng của Ngài thành của các con, để lời ấy có thể là la bàn chỉ lối cho các con trong hành trình cuộc sống.

Khi mời gọi các con về nhà, Đức Giêsu đã gọi các con bằng tên, giống như Ngài đã gọi Za-kêu. Tên của các con rất có giá trị với Ngài. Cái tên “Za-kêu”, vào thời đó, gợi nhắc đến ý nghĩa “Thiên Chúa ghi nhớ”. Hãy tin vào trí nhớ của Thiên Chúa: trí nhớ của Ngài không phải là ổ cứng, lưu và thu thập tất cả những dữ liệu của chúng ta, nhưng là một con tim đong đầy sự êm ái dịu ngọt, một con tim luôn tìm niềm vui bằng cách xoá bỏ mọi dấu vết của sự dữ trong chúng ta. Bây giờ, ước gì chúng ta cũng biết cố gắng noi theo trí nhớ trung tím của Thiên Chúa và xem mọi thứ chúng ta đã và đang lãnh nhận trong những ngày này là tài sản quý giá. Trong thinh lặng, chúng ta hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ này, chúng ta hãy bảo tồn ký ức về sự hiện diện của Thiên Chúa và lời của Ngài, và chúng ta hãy một lần nữa lắng nghe tiếng nói của Đức Giêsu khi Ngài gọi chúng ta bằng tên.

Vì thế, lúc này đây, chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, nhớ lại và tạ ơn Thiên Chúa vì đã muốn chúng ta ở đây và đã đến đây để gặp gỡ chúng ta.”

3

Vào giờ Angelus, sau lời cảm ơn và lời nhắn nhủ dành cho các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã công bố rằng Kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần tới, lần thứ 32, sẽ được tổ chức vào năm 2019 tại PANAMA, một quốc gia nhỏ ở Nam Trung Mỹ.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *