Người dẫn đường hay kẻ tìm về?

 

 

Giữa những bộn bề của cuộc sống, làm việc, học tập và thi cử, chợt nhận ra nay đã bước sang Chúa Nhật III Mùa Chay, tức hành trình 40 ngày chay Thánh đã đi được một nửa chặng đường. Trong khoảng thinh lặng cuối ngày sống, tự nhủ, tôi đã, đang và sẽ sống Mùa Chay này như thế nào đây, hay cũng như bao Mùa Chay khác, đến rồi đi.

Mùa Chay. Có lẽ ai cũng biết và cũng nghe lời mời gọi: “Hãy xé lòng, đừng xé áo. Hãy trở về cùng Đức Chúa” (Ge 2,13). Đó là câu khẩu hiệu mà gần như ai cũng thuộc và cũng có thể nói ra được, thế nhưng sống thái độ trở về thực sự trước lời mời gọi của Thiên Chúa thì không hẳn ai cũng đã sống.

Ngay từ thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhấn mạnh tới một thái độ cần thiết để thực sự trở về. Tiên tri Giôen nói về một sự trở về chân thật nơi tâm hồn chứ không phải nơi những vẻ bề ngoài: “Hãy xé lòng, đừng xé áo. Hãy hết lòng trở về với Ta.” Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô bày tỏ sự cấp thiết trở về trong đời sống của người Kitô hữu, “nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Còn trong bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Thầy Giêsu chỉ cho thấy 2 mẫu người với 2 thái độ trở về khác nhau. Thái độ trở về của những người Pharisêu, những người vẫn tự coi mình là hơn người khác, những người vẫn được dân chúng nhìn nhận là những kẻ dẫn đường trong đời sống đạo đức; và thái độ trở về của những người tìm kiếm sự công chính đích thực, những người không cho thấy sự trở về nơi vẻ bề ngoài nhưng sống sự trở về cùng Cha trong sự thầm kín.

“Trở về” là điều ai cũng biết, ai cũng thấy cần, nhưng không hẳn ai cũng sẵn sàng để trở về. Những ai thấy mình đã đi xa quá thì dễ dàng để trở về hơn, còn những người cứ tưởng mình vẫn ở “trong nhà” thì sống lời mời gọi trở về lại càng khó hơn (x. Lc 15,11-32). Những ai đang lần bước mò mẫm tìm đường thì dễ sống sự trở về hơn, còn những ai thấy mình như một kẻ dẫn đường thì sự trở về gần như là dành cho những người khác chứ không phải tôi (x. Lc 18,9-14). Những ai cho rằng mình đã đủ khỏe, mạnh thì không cần thầy thuốc, thầy dạy nữa, còn những ai ý thức về sự yếu kém và giới hạn của bản thân thì mới khao khát được học, được giúp để sửa chữa và tăng tiến.

Chia sẻ với người khác về sự trở về thì vẫn dễ hơn là sống sự trở về nơi chính mình. Cũng vậy, cho lời khuyên thì nhanh, dễ hơn là sống trước để làm gương. Là một tu sĩ hay một người trẻ năng động mang trong mình tâm thế của một người tông đồ, chắc hẳn rằng Mùa Chay này ít nhiều tôi cũng sẽ chia sẻ cho người này người kia về sứ điệp của Mùa Chay, về hành trình trở về, thế nhưng chính tôi thì lại chưa hẳn đã sống sự trở về. Có những lúc tưởng rằng mình đã quá quen thuộc với “đường về nhà” rồi và cứ vậy dấn thân cho tha nhân mà quên đi chính mình cũng là thân tro bụi, cũng là một người cần trở về, một cuộc trở về thực sự để quen thuộc với đường về nhà để sau đó mới có thể đồng bước với những người khác, để không như “mù mà lại dắt mù,” kẻo “cả hai lại lăn cù xuống hố” (x. Lc 6,39-42).

Vì thế nên trước khi là người dẫn đường cần là kẻ đi tìm đường. 

Trước khi là thầy dạy cần là người học trò, người thợ học việc.

Trước khi nói cần học cách lắng nghe và cảm thông.

Còn tôi, đâu là thái độ mà tôi chọn để sống lời mời gọi trở về trong Mùa Chay 2021 này, để tôi thực sự trở về với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, trở về chính mình trong ăn chay hãm mình, và đến với tha nhân bằng việc lành phúc đức?

Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, “xin cho con đừng giả điếc làm ngơ với tiếng Ngài kêu gọi, nhưng được mau mắn hơn và nhiệt tâm hơn chu toàn Ý cực thánh của Ngài.” (Linh Thao, số 91).

Gió Biển

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *