Dâng hiến Sáng tạo (1)

Nhân năm Đời sống Thánh hiến, Truyền thông Dòng Tên xin hân hạnh giới thiệu cùng độc giả ,đặc biệt là các tu sĩ nam nữ,  cuốn sách “Dâng hiến Sáng tạo” của sơ Marian DOLORES, S.N.J.M, nói về đời sống dâng  hiến dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II và Tâm lý hiện đại, do cha Ngô văn Vững, S.J. chuyển dịch và chú thích.

 

LỜI GIỚI THIỆU

 I. ĐỜI SỐNG DÂNG HIẾN

Dưới nhiều hình thức và qua nhiều văn kiện khác nhau, Công đồng Vaticanô II, khi bàn đến đời sống tu trì, luôn khẳng định: yếu tính của đời sống tu trì trong Giáo Hội công giáo là sự thánh hiến.

1/ Giáo luật vốn thường chú trọng đến khía cạnh pháp lý của sinh hoạt Giáo Hội, nhưng khi đề cập đến đời sống tu trì lại mở đầu bằng một định nghĩa tín lý, dựa trên giáo huấn của Hiến chế Lumen Gentium về Giáo Hội và Sắc lệnh Perfectae Caritatis về việc canh tân thích nghi đời sống tu dòng: “Đời sống tu trì, xét vì là sự dâng hiến toàn thể con người, nên biểu lộ trong Giáo Hội cuộc hôn nhân huyền diệu mà Thiên Chúa đã thiết lập như dấu chỉ của đời sau. Như vậy, tu sĩ hoàn tất sự trao hiến trọn vẹn như hy lễ dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó tất cả cuộc đời của họ trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa liên lỉ trong đức ái” (GL #607; x: LG 44; PC 1,5,6).

Nếu yếu tính của đời sống tu trì là sự dâng hiến cho Thiên Chúa, thì đời sống đó phải được gọi là đời sống dâng hiến. Người ta có thể nhận thấy rằng: sau Công đồng Vaticanô II, đã có một sự chuyển hướng trong cách suy nghĩ về đời tu trong Giáo Hội. Bằng chứng là: các văn bản thần học về đời tu dần dà thay thế cụm từ: ‘đời sống tu’ bằng thuật ngữ: ‘đời sống dâng hiến’. Sự kiện ý nghĩa nhất vẫn là Tông huấn sau Thượng Hội Đồng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II mang tên: Vita Consecrata (VC), được ban hành ngày 25.3.1996. Tựa đề: ‘Đời thánh hiến’ (hay: Đời sống dâng hiến) của Tông huấn tóm lược tất cả ý nghĩa mà Giáo Hội muốn gán cho đời tu trong thời đại hậu công đồng Vaticanô II. Sự thánh hiến này, hoặc được hiểu như một sự can thiệp của Thiên Chúa để đóng ấn những kẻ thuộc về Người[1], hoặc như một sự dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa, thì trong cơ bản nó luôn bao hàm ý nghĩa: trực thuộc Thiên Chúa, được biến đổi và thánh hóa bởi ân sủng. Tuy nhiên đời sống dâng hiến cho Thiên Chúa không vì thế mà có nghĩa là từ khước trần gian và xa lánh loài người. Chính để nhấn mạnh đến chiều kích Giáo Hội và xã hội của đời dâng hiến mà Vaticanô II không ngừng nhắc đến khía cạnh dấu chỉ của nó, đến độ trong các tài liệu công đồng người ta luôn thấy ý niệm “dâng hiến” gắn liền với ý niệm “dấu chỉ”.

2/ Trong khi Lumen Gentium tuyên bố rằng: “Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm xuất hiện như một dấu chỉ vốn có thể và phải gây một ảnh hưởng hữu hiệu trên các phần tử của Hội thánh” (LG 44) thì Perfectae Caritatis còn khẳng định rõ: “đời sống tu xuất hiện như một dấu chỉ sáng ngời của Vương quốc Thiên Chúa” (PC 1). Và giáo huấn của Công đồng còn được Giáo Luật tóm kết cách rõ ràng: “Đời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các LKPA là một lối sống bền vững […], tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa […] và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo hội, tiên báo vinh quang trên trời” (GL #573, 1).

Như vậy, đời dâng hiến trong Giáo Hội phải là dấu chỉ hữu hiệu cho Dân Chúa, cũng như cho mọi người, nhưng dấu chỉ ấy là gì nếu không là dấu chỉ về Vương quốc Thiên Chúa? Hay nói cách khác, người dâng hiến phải sống thế nào để trở nên dấu chỉ cho mọi người nhận thấy rằng: Nước Thiên Chúa đã đến. Một cách cụ thể, Nước Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô. Và đời sống dâng hiến mật thiết gắn liền với Đức Kitô, đến độ người ta có thể nói: đời dâng hiến là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Kitô ở trong Hội Thánh và bởi thế, cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới.

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đặc biệt yêu thích khía cạnh dấu chỉ này của đời tận hiến. Trong cuộc hành hương Lisieux vào năm 1980, ngài đã hai lần sử dụng hình ảnh “hiển linh” để nhắc nhở về thực tại dấu chỉ này, khi đề cập với các tu sĩ về đời sống tu trì. Lần thứ nhất, với các bề trên thượng cấp: “Hãy hết sức chú ý để đời sống tu phải là một sự ‘hiển linh’ của Chúa Kitô. Thế giới hiện nay cần những dấu chỉ. Đêm vắng sao là nguồn mạch của lo âu”. Lần thứ hai, với các nữ tu sống đời chiêm niệm: “Phải làm sao, để khi gặp chúng con hay khi thấy chúng con, mỗi người đều có thể nói hay ít nhất cảm nghiệm rằng họ đã gặp Thiên Chúa, họ đã biết được một cuộc hiển linh của mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn là ánh sáng và là tình yêu! Thời đại mà chúng ta đang sống cũng cần những chứng nhân như cần những nhà hộ giáo! Về phần chúng con, hãy trở nên những chứng nhân khiêm tốn và trong suốt này!”

Ý niệm dấu chỉ càng rõ ràng hơn trong Tông Huấn Vita Consecrata, khi Đức Thánh Cha viết: “Việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm làm cho họ trở thành những dấu chỉ ngôn sứ cho cộng đoàn của anh em họ và cho thế giới” (số 15). Hoặc: “Đời thánh hiến trở nên lời tuyên xưng và dấu chỉ về Ba Ngôi” (số 21). Cùng với ý niệm dấu chỉ, Đức Thánh Cha nói đến chức năng hiển thị hay bày tỏ của đời dâng hiến: “Đời thánh hiến có nhiệm vụ bày tỏ Con Thiên Chúa làm người…” (số 16).

3/ Gắn liền với ý niệm dấu chỉ của đời dâng hiến, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II thường nhắc đến thực tại chứng nhân: người dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa phải đặt mình trong thế giới như một chứng nhân có ý nghĩa, hữu hiệu và trung tín. (x. Diễn từ, ngày 07.5.1985).

Đời sống tu trì chỉ có thể là dấu chỉ khi nó là một thực tại nhân linh, nhưng đồng thời lại đưa về những thực tại vô hình. Hay nói cách khác: thực tại nhân linh phải viên mãn, tốt đẹp và chiếu tỏa đến mức độ người ta thấy được nơi đó sự hiện diện của ân sủng vô hình. Khi nói về ý nghĩa của việc độc thân thánh hiến, Cha A. Chapelle viết: “Nếu độc thân thánh hiến không có ý nghĩa tích cực nào ở mức độ nhân loại học, thì làm sao nó có thể bộc lộ sự thật thần học và thần nhiệm của nó? Thiên Chúa không nói với chúng ta qua các dấu chỉ vô nghĩa.”[2] Điều có ý nghĩa đối với độc thân thánh hiến cách riêng thì cũng có ý nghĩa đối với đời sống tu hành cách chung. Trở thành dấu chỉ của Nước Chúa, đó là một niềm vinh hạnh và cũng là một đòi hỏi lớn lao đối với đời sống dâng hiến. Điều này giả thiết đời dâng hiến phải sáng ngời giữa lòng Hội Thánh. Tuy nhiên, trong thực tế, đời dâng hiến không luôn là một dấu chỉ rạng ngời. Có những vùng ánh sáng nhưng cũng có những miền tăm tối. Hay nói cách đơn giản, là có những bất toàn, khiếm khuyết trong đời tu, làm cho sự dâng hiến không được trọn hảo. Và một khi sự dâng hiến bị hà tì thì dấu chỉ cũng mờ nhạt.

Nếu có những vùng tăm tối trong đời dâng hiến thì cũng có nhiều nguyên do. Ở đây, chúng ta không thể kê khai tất cả những lý do làm cho đời dâng hiến mất đi tính cách dấu chỉ của nó, nhưng chỉ mạo muội đưa ra một nghi vấn có tính cách thực nghiệm: “Nếu đời dâng hiến không thành tựu phải chăng vì có sự thiếu hiểu biết? Hiểu biết về chính mình, hiểu biết về ơn gọi, hiểu biết về chính đời sống dâng hiến?”

Khi chúng ta có một bộ máy tinh xảo, mà không biết cách sử dụng nó, thì không thể đạt kết quả mong muốn. Cũng thế, đời dâng hiến là một lý tưởng cao đẹp, nhưng nếu chúng ta không biết sống thế nào cho phù hợp với lý tưởng đó thì phải mất nhiều thời giờ và sức lực mà không đạt mục đích. Người ta sẽ mệt mỏi vì luôn dẫm chân tại chỗ hay nhiều khi còn là thụt lùi, thoái bộ nữa!

4/ Để phục vụ những người dâng hiến trong việc tìm hiểu và biết rõ hơn về chính mình, chúng tôi cống hiến một số tài liệu dựa trên những nguyên tắc tâm lý nhưng được thích nghi vào đời sống tôn giáo cách chung và đời sống dâng hiến cách riêng. Đời dâng hiến luôn bao hàm hai chiều kích: ân sủng và tự nhiên, Thiên Chúa và con người. Nếu người ta bỏ quên một trong hai yếu tố, thì sẽ không còn là đời dâng hiến, hay ít nhất lúc đó đời dâng hiến sẽ không còn là dấu chỉ rạng ngời. Vì lẽ đó, trong khi Công đồng luôn đề cao ý nghĩa của sự dâng hiến như: “việc tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” (PC 6), thì Công đồng cũng không quên lưu ý đến chiều kích nhân bản của sự dâng hiến này: “Chớ gì tất cả mọi người nên nhận biết rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm, mặc dù đòi hỏi sự từ bỏ các của cải vốn đáng được quý trọng, nhưng không ngăn trở sự thăng tiến con người, trái lại, tự bản chất còn rất thuận lợi cho việc phát triển nhân cách” (LG 46).

Theo kinh nghiệm, một sự dâng hiến trọn vẹn và hoàn toàn ý thức là một yếu tố tích cực cho sự triển nở nhân cách. Tức là khi một người chấp nhận cho đi chính mình ở mức độ thấp thì sẽ tìm thấy chính mình ở mức độ cao hơn. Hay nói cách khác, sự dâng hiến tốt đẹp tự nó có tính cách sáng tạo, tức là làm cho người dâng hiến thể hiện chính mình cách viên mãn và hoạt động có kết quả tốt đẹp. Người ấy sẽ không bị mòn hao cạn kiệt vì một lối sống khô cằn, máy móc. Không kéo lê một cuộc đời vô nghĩa, chỉ biết đến việc tuân thủ các hình thức hoặc kỷ luật bên ngoài. Người ấy sẽ không bị gò bó bởi các thể chế, qui luật, vốn bị áp đặt từ bên ngoài nhưng không được thấu hiểu từ bên trong. Sự tự do nội tại của một nhân cách viên mãn cho phép họ biết rõ chính mình và cũng biết tại sao mình hành động. Người ấy biết rằng qui luật hành động tốt nhất của người trưởng thành là: nếu không thể làm điều mình muốn thì hãy muốn điều mình làm. Người ấy cũng sáng suốt nhận thấy rằng: có một số việc mình thích nhưng không có khả năng thực hiện, bởi đó không nên mất thời giờ và sức lực vào những chương trình không thực tế ấy.

5/ Một nhân cách viên mãn, thành toàn luôn mang tính sáng tạo. Chúng ta gọi đó là một cuộc đời thành tựu. Thành tựu không có nghĩa là được người đời biết đến và ca tụng. Cũng không đồng nghĩa với hiệu năng trong công việc làm ăn sản xuất, mà hậu quả thấy được là có nhiều tiền của, nhiều quyền lực. Thành tựu ở đây đúng hơn là triển nở mọi khả năng và tiềm năng của hữu thể. Thành tựu là luôn sống trong tự do, theo nghĩa: động lực thúc đẩy hành động là tình thương chớ không phải sợ hãi. Hay nói cách khác, một nhân cách thành toàn là một giá trị ở mức độ hiện hữu, chớ không ở mức độ chiếm hữu.

Đời sống dâng hiến trên lý thuyết phải đưa đến việc triển nở nhân cách theo nghĩa trên.Vì theo Thánh Tôma, thì ân sủng không hủy hoại nhưng hoàn chỉnh tự nhiên. Nhưng trong thực tế có những sự thất bại.Vậy, cần phải can đảm và sáng suốt tìm ra nguyên nhân của những thất bại này. Những nguyên nhân nhiều khi được ý thức nhưng thường là vô thức. Khoa tâm lý chiều sâu sẽ giúp chúng ta nhận ra những ngăn trở vô thức để một khi nhận diện được chúng, mỗi người sẽ có cơ hội tốt để tự giải thoát chính mình.

Khi một con người được giải thoát từ bên trong, tức là được tự do nội tâm, người ấy sẽ sống nhẹ nhàng, hạnh phúc. Người ấy sẽ luôn thanh thản trong cuộc sống hàng ngày, luôn tin tưởng tiến về phía trước và luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Họ có khả năng làm chủ trong mọi cảnh huống chớ không bị các hoàn cảnh đè bẹp, khiến họ bị tê liệt, thụ động. Với tâm hồn lạc quan cởi mở, người ấy luôn sống trong sự tươi mới, khám phá những điều mới và không ngừng sáng tạo những tác phẩm mới.

Nhân cách sáng tạo là một cuộc sống tốt đẹp. Khi một người dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa thì phải dâng cho Chúa một cuộc sống tốt đẹp. Trong thực tế, đời dâng hiến tốt đẹp cốt ở việc hoàn toàn phó nộp hữu thể của chính mình cho Thiên Chúa, để Người biến đổi nó thành một tạo vật mới. Chỉ khi nào đời dâng hiến được Thiên Chúa biến đổi thành một điều gì mới mẻ, trong sáng, thì mới thành dấu chỉ Nước Trời cho những con người đồng thời. Dấu chỉ, bởi vì tự mình, con người không thể đổi mới. Khi một người “đi tu” mà không bị thiệt thòi, mất mát gì nơi nhân cách, mà còn trở thành một nhân cách sáng tạo, thì quả là một dấu chỉ rạng ngời của ân sủng Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ban ơn tái tạo để biến đổi chúng ta thành người mới, nhưng Chúa đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta. Bởi thế, chúng ta phải ý thức xây dựng một nền tảng tự nhiên lành mạnh vững chắc, để ân sủng Thiên Chúa không gặp trở ngại mà trái lại, còn tìm thấy những hoàn cảnh thuận tiện hầu làm cho thửa đất tự nhiên nơi con người chúng ta được trở nên phong nhiêu, sung mãn.

[1] “Thánh hiến” theo đúng nghĩa của từ latin là: “consecratio”; trong khi “dâng hiến” là “mancipatio” hay “oblatio”.

[2] A. Chapelle, ‘Pour une intelligence chrétienne du célibat’, in: Vie Consacrée 48 (15 nov 76), p. 325.

(còn tiếp)

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *