Dâng hiến sáng tạo (10)

II. ĐỘNG LỰC NHÂN LINH

Tri thức năng và năng động lực (Cognition and Dynamics)

Chúng ta được trang bị với hai loại sinh hoạt tâm thần căn bản, tuy khác nhau, nhưng không tách rời nhau: khả năng tri thức và năng động lực*, liên quan đến sự hiểu biết và hành động. Mỗi cơ năng đều thiết yếu liên đới với cơ năng khác. Khả năng tri thức bao gồm mọi tiến trình học tập: việc hình thành các khái niệm, phán đoán và suy luận và mọi hình thức giác quan của tri thức. Năng động lực bao gồm mọi tiến trình kích động (energizing processes) như: chọn lựa, quyết định, cảm xúc và mọi hình thức giác quan của hành động. Mọi sinh hoạt nhân linh đều là sự phối hợp giữa cơ năng tri thức và cơ năng động lực, tri thức và hành động. Sự suy yếu trí não và những sự sút kém trí tuệ khác, tự căn bản là những sự xáo trộn trên bình diện tri thức. Những xáo trộn, như loạn thần kinh và loạn tâm thần (névroses et psychoses) đưa đến tâm bệnh, tự căn bản là những sự xáo trộn trên bình diện năng động. Sự tăng trưởng thiêng liêng và trưởng thành tâm lý thiết yếu gắn liền với sự hội nhập các năng động lực và sự phòng ngừa các xáo trộn nơi các động lực này.

Khi cứu xét hệ thống năng động, chúng ta nhận thấy có một giai tầng năng động lực bắt đầu bằng các thúc bách thô thiển nhất và sơ đẳng nhất đến các động lực cao hơn của con người. Chúng ta có thể xếp các năng động lực thành ba loại chính, theo thứ tự từ dưới lên trên:

1/. Tự bảo vệ (self-preservative)

2/. Tự biểu thị (self-expressive)

3/. Tự hướng dẫn (self-directive)

Ba loại này tạo thành một hệ thống và ảnh hưởng trên nhau.

  1. Các năng lực tự bảo vệ

Loại thứ nhất gồm mọi hoạt động hướng về việc bảo tồn cùng truyền đạt sự sống. Đói, khát và phái tính là những năng động lực chính yếu của loại thứ nhất này, loại sơ đẳng nhất. Chúng ta không thể khinh thường mức độ quan trọng của nó. Nếu một trong các tình trạng năng động này quá mạnh, thì các sinh hoạt khác ở cấp cao hơn phải chịu thiệt hại. Thí dụ, kỷ luật trong đời tu chuẩn bị chúng ta biết chịu đói, nếu cần thiết. Nhưng thường thì chúng ta sẽ không muốn dạy cho một tập sinh học cầu nguyện bằng cách bắt họ nhịn đói. Cơn đói sẽ phá hoại các chuyển động của lòng mến, lòng cậy và của quyết tâm mà việc suy niệm đòi hỏi. Những điều tốt đẹp vốn xuất phát từ các năng động lực cao hơn. Cả đối với một tu sĩ thành thục, lão luyện trong việc suy niệm và cầu nguyện, sự ám ảnh của cơn đói, mặc dầu không nhất thiết là một ngăn trở, sẽ làm giảm sút sự chú ý.

Một vài sự kiện có thể xác nhận điều này. Nếu chúng ta đói thì các hình ảnh và tư tưởng liên quan đến thực phẩm sẽ ám ảnh tâm trí chúng ta. Những người đói tự nhiên bị lôi cuốn tưởng nhớ đến thức ăn và thích nói về điều đó. Trong thời đói khổ, người ta chỉ có nghĩ đến ăn mà thôi.

Cơn đói giả tạo

Cũng có những tương quan tinh tế hơn ở vào các mức độ khác nhau của năng động lực. Sự thiếu tình thương nhiều khi gây ra một sự tham ăn khác thường và giả tạo. Những người không cảm thấy được yêu mến đầy đủ thì có khuynh hướng trở nên háu ăn. Một giáo sư đại học cho biết: khi vợ ra ngoài, ông ở nhà một mình lúc tối, ông cảm thấy như cần phải bù trừ sự thiếu vắng người khác bằng cách ăn thật nhiều, mặc dầu không cần thiết, vì vừa mới dùng bữa xong.[1]

Nhiều thỉnh sinh và tập sinh, vì nhớ nhà, nên có khuynh hướng ăn nhiều hơn thường. Và thường mau chóng trở nên béo phì. Những tu sĩ lớn tuổi hơn, buồn lòng bởi thấy mình bị bỏ quên, cũng tìm bù trừ bằng cách ăn nhiều. Có một tương quan huyền nhiệm giữa nhu cầu ăn uống và nhu cầu yêu mến, và nhiều khi thực phẩm được sử dụng như phương thức thay thế cho tình thương. Nhiều lúc khác thì ngược lại, vì một vài lý do phức tạp, một người nào đó có thể phản ứng một cách ý thức về sự thiếu tình thương bằng cách từ chối dinh dưỡng như thường lệ. Người ta có thể nhận thấy tương quan tâm lý này bằng nhiều cách khác nhau. Kẹo bánh được dùng như phần thưởng. Sự thiếu thốn tình thương và mặc cảm bị bỏ rơi có thể tạo nên một sự thèm muốn kẹo bánh cách mãnh liệt. Sự thỏa mãn một khía cạnh nào đó có thể làm giảm bớt một vài căng thẳng nơi khác có liên quan. Cơn đói có nhiều liên hệ với các loại căng thẳng thần kinh khác. Có nhiều người ăn thường xuyên không phải vì họ đói, nhưng bởi vì việc ăn có thể làm giảm bớt căng thẳng. Bởi đó trong thời kỳ thi cử, một vài sinh viên ăn nhiều hơn lúc thường.

Thuốc viên như thức ăn

Đói khát, phái tính và các năng lực sơ đẳng khác trước tiên có tính chất hữu cơ, nhưng luôn luôn bao hàm những kinh nghiệm tâm lý rất mạnh, như bằng chứng sau đây. Trong chiến tranh Triều Tiên, nhiều nhà bác học muốn thay thế phần ăn của binh sĩ bằng các thuốc viên. Các viên này có mọi chất cần thiết cho cơ thể như khoáng chất, chất sắt, calcium, sinh tố v.v…. Mội vài hóa chất có thể làm no dạ dày và làm giảm bớt cơn đói. Người ta phát các viên thực phẩm cho lính. Binh sĩ nuốt các viên hóa học này không cảm thấy thiếu sức khỏe cũng chẳng thấy đói. Tuy nhiên họ mất đi khoái cảm tâm lý kèm theo việc ăn. Họ than phiền là có nhiều sự căng thẳng, khó chịu, bực bội, khó ngủ. Và họ chỉ cảm thấy bớt căng thẳng khi có lại những phần ăn như cũ. Điều này cho thấy: việc giảm bớt cơn đói hàm chứa một điều gì khác hơn là xoa dịu một sự đau khổ; nó đáp ứng một nhu cầu tâm lý: sự vui thú khi được ăn. Không được thỏa mãn nơi các nhu cầu cao hơn, người ta tìm bù trừ ở bữa ăn. Vì thế tại sao thức ăn có thể được sử dụng để thay thế cho tình thương; thức ăn và tình thương là những nhu cầu song song nhau. Đói và khát là những năng lực hữu cơ lớn nhất, vì chúng liên hệ tới việc bảo vệ đời sống.

Thúc bách giới tính

Mặc dầu việc duy trì sự sống không tùy thuộc nó, phái (giới) tính cũng là một thúc bách sinh lý rất mãnh liệt. Cần phải để ý: phái tính là một năng lực hữu cơ chứ không phải một xúc cảm, nhưng mật thiết liên quan đến năng động lực tự biểu lộ như: tình yêu và ước muốn. Tình yêu có thể được biểu lộ mà không cần phái tính và cách biểu thị của thúc bách phái tính không phải luôn luôn gắn liền với tình yêu. Các vấn đề liên quan đến phái tính có thể được xây dựng trên sự sợ hãi và xao xuyến, hay trên những cảm xúc khác hơn là tình yêu, phạm vi biểu thị bình thường của nó.

Cũng như sự thất đoạt* tình cảm nhiều khi có thể được bộc lộ trong cơn đói giả tạo hay chứng khát nước quá mức, thì nó cũng có thể được diễn tả bởi một sự gia tăng năng lực tính dục. Trong những giai đoạn sợ hãi và âu lo, một vài người cảm thấy cách mãnh liệt hơn thúc bách loại này loại kia hay tất cả mọi thúc bách sinh lý. Dưới ảnh hưởng của cô độc hay lo âu, có người cảm thấy một cơn đói giả tạo, người khác thì thấy một sự gia tăng các xung lực phái tính.

Cường độ gia tăng của thúc bách phái tính có thể gây ra nhiều sự xung đột nội tâm nơi một tu sĩ, nhất là nếu họ không biết rằng các sự căng thẳng tính dục nhiều khi phát xuất từ những lo âu, sợ hãi và các tình trạng cảm xúc khác. Tu sĩ nam nữ cần phải được dẫn giải rõ ràng về các hiện tượng này. Chỉ khi nào được chỉ vẽ về những sự phát hiện đủ loại của thúc bách phái tính trong vai trò bình thường của nó và như một sinh hoạt bù trừ, họ mới có thể tích cực hướng năng lực này về các mục đích cao hơn.

Tự bảo vệ chính mình là một động lực căn bản và mạnh mẽ dưới mọi hình thức của nó. Người đang đau khổ khó mà cầu nguyện. Khi đau ốm, chúng ta chỉ có thể sử dụng các công thức cầu nguyện đã thuộc lòng từ lâu. Trong cơn nguy tử, chỉ có các phản xạ đạo đức thường năng mới có thể hoạt động. Chúng ta không nghĩ ra điều gì mới mẻ khi đời sống chúng ta bị đe dọa hay khi những nhu cầu thiết yếu quá trỗi vượt. Những lo âu mãnh liệt và ám ảnh về nhu cầu sinh tồn hay giới tính làm cho chúng ta mất an bình. Tu sĩ, nhất là những người trẻ, có khả năng lãnh hội một đời sống thiêng liêng lành mạnh và sâu sắc, khi họ tương đối được giải thoát khỏi các căng thẳng nội tại và sự thống lĩnh của các nhu cầu căn bản.

[1] (Xem: Robert Leeper và Peter Madison, Towards Understanding Human Personalities, New York, Appleton-Century-Cropts Inc., 1959).

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *