IV. THÍCH ỨNG CÁ NHÂN
Tương quan giữa đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng
Trong đời sống tu trì, vì không thấu hiểu những nhu cầu trong tiến trình đưa đến viên thành mà nhiều vị hướng dẫn đã nhầm lẫn khi chọn các phương pháp huấn luyện chỉ đưa đến kết quả giả tạo. Họ có thể khuyến khích, nhiều khi chỉ là một cách vô ý thức, những thái độ và tập quán tâm lý có hại cho sức khỏe tâm thần cũng như đời sống thiêng liêng.
Tự bản tính, đời sống tu trì mật thiết gắn liền với đời sống tâm lý. Kinh nguyện, suy niệm, các lời khấn, các nhân đức, và những thực tại thiêng liêng khác trước tiên mang tính chất tâm lý chứ không phải thể lý. Chúng là nền móng để xây dựng tòa nhà đời sống tu trì. Vì phải tập trung cao độ vào các sinh hoạt siêu nhiên nhiều hơn ở ngoài đời nên đời sống tu trì cũng đòi hỏi một sự quân bình tâm não vững chắc hơn và phải chú ý nhiều hơn đến các tiến trình tâm lý.
Các nhu cầu căn bản của con người, mặc dầu mang nhiều dạng thức khác biệt nhau, nhưng có thể được tóm lược vào hai loại chính: thích ứng cá nhân và thích nghi xã hội. Hẳn nhiên, các nhu cầu hướng về việc tự-điều-ứng (hay thích ứng cá nhân) thì căn bản hơn. Khi mà chúng được ổn định và có tổ chức, thì mỗi cá nhân đều hướng về việc tìm kiếm những con đường bình thường và các phương tiện bình thường để thỏa mãn những nhu cầu xã hội. Nếu một tu sĩ biết tự điều chỉnh cách tốt đẹp, thì người ta có thể dạy cho họ biết thích nghi vào môi trường xã hội trong khuôn khổ đời sống tu trì. Nếu đương sự không thích ứng được như vậy, thì việc giáo dục tâm lý của người đó đòi hỏi quá nhiều thời gian đến độ sẽ không còn cơ hội cho việc phát triển đời sống thiêng liêng. Việc phát huy đời sống thiêng liêng đòi hỏi một cấp độ hội nhập cá nhân nào đó, mà nếu không có, thì chính sự tập trung vào sinh hoạt thiêng liêng có thể càng củng cố sự thiếu thích ứng cá nhân. Trong khung cảnh khắc khổ và đóng kín của đời sống tu trì, các xu hướng tâm bệnh càng gia tăng và làm tê liệt mọi sinh hoạt tâm linh. Đời sống tu trì không phải là một phương thế để tái lập sức khỏe tâm thần; trái lại, một cuộc sống tu trì tích cực (có tính cách xây dựng), tùy thuộc sức khỏe tâm thần còn nhiều hơn sức khỏe thể lý.
Vì các nhu cầu tâm lý của chúng ta xuất phát từ những năng lực sinh động, nên chúng cũng được xếp loại theo một đẳng trật từ dưới đi lên. Một vài nhu cầu thì thiết yếu hơn một vài thứ khác. Các nhu cầu thượng đẳng có thể bị các nhu cầu hạ đẳng lấn áp, nếu loại sau này quá mạnh, như kinh nghiệm cho thấy. Người ta ít quan tâm đến việc tán thưởng của kẻ khác, khi bị đau yếu hay suy kiệt về phương diện thể lý. Người ta không còn hăng hái làm việc, khi biết sinh mạng của mình bị đe doạ. Trong thời chiến tranh người ta nhanh chóng vất bỏ mọi của cải để thoát chết.
Tuổi thơ triển nở
Cũng cần biết rằng sự viên thành của con người tiên vàn tùy thuộc sự thỏa mãn các nhu cầu của tuổi thơ. Nhiều sự rắc rối trong cuộc đời là hậu quả của những nhu cầu chưa được thỏa mãn. Khi các nhu cầu căn bản không được thỏa mãn trong khoảng thời gian dài, thì sẽ đưa đến những lệch lạc tâm thần, và sự thất đoạt ở bất cứ lãnh vực nào trong những nhu cầu tâm lý cũng đều phát sinh những què quặt tâm lý. Người ta chỉ phát huy những đức tính xã hội và chỉ lưu tâm đến hạnh phúc của kẻ khác khi chính mình đã cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và quý chuộng cách đầy đủ. Lúc đó người ta mới có khả năng nhận ra những mục đích ở ngoài mình. Đây là một điểm quan trọng để hiểu sự trưởng thành. Sự thích ứng không tự nhiên mà đến. Đó là một tiến trình tăng trưởng và học tập. Chúng ta học yêu mến kẻ khác vì người khác đã yêu mến chúng ta. Chúng ta học mở rộng tâm hồn, đại lượng và vô vị lợi đối với kẻ khác, sau khi đã thủ đắc lòng tự tin và cảm thức về phẩm cách cá vị của mình.
Một trẻ em đã sống lâu năm trong một bầu khí gia đình xáo trộn, thì cách này hay cách khác sẽ mang lấy dấu ấn ấy trên mình. Trẻ con xuất thân từ các gia đình bất hòa thường mang thương tích trong tâm cảm. Sự thích ứng nơi người lớn phải có nền tảng đầu tiên là hạnh phúc ở giữa gia đình. Và để hiểu những tu sĩ gặp nhiều vấn đề động năng, nhiều khi cần phải dò xét hậu cảnh ấu thời. Như chúng ta đã nhắc đến, đời sống tu trì không phải là một trung tâm cải huấn tốt. Khi một ứng viên xin gia nhập một cộng đồng mà không có một cấp độ thích ứng cá nhân và xã hội bình thường, thì có nhiều lý do để nghĩ rằng người ấy không có những khả năng cần thiết. Sự định hướng và thích nghi vào đời sống tu trì đòi hỏi một sự trưởng thành tương ứng với tuổi thời gian.
Một sự sai lầm trong việc hướng dẫn và huấn luyện vào thời gian tập viện và những năm đầu của đời sống tu trì nhiều khi có thể làm phát triển một vài tâm bệnh gây phương hại cho sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên có thể là một tu sĩ bị tâm thần, trước khi gia nhập cộng đồng đã mang chứng bệnh ấy, mà người ta đã không chú ý đủ. Các yếu tố tâm lý thì khó nhận thấy, và bởi thế nhận biết những người thiếu khả năng tâm thần thì khó hơn là nhận ra những người bị tật bệnh thể xác.