V. ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG
Ba con đường của đời sống Kitô hữu
Đối với đa số Kitô hữu, sự tiến đến hoàn thiện như mục đích cuối cùng là một cuộc hành trình chậm chạp và lâu dài và bằng những con đường khác nhau tùy theo từng người. Như vậy, trên nguyên tắc, có nhiều ơn gọi theo tài năng và khí chất; nhưng nếu xét kỹ, thì chỉ có ba lối dấn thân cơ bản: quyết định hoàn bị đời sống thiêng liêng một mình; chọn đời sống lứa đôi trong hôn nhân; hay tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì. Không có giải pháp khác: sống một mình, với một người khác hay với nhiều người. Các tu sĩ đã chọn đời sống cộng đồng; chính bởi lối sống tập thể mà họ thể hiện con đường tiến bước thiêng liêng. Họ nhắm đến sự kết hợp với Chúa Kitô bằng các tương quan liên vị trong gia đình tu viện và họ không thể đạt đến mục đích bằng cách nào khác. Những ai tìm kiếm một con đường khác, ở ngoài tương quan với cộng đồng mà họ trực thuộc, thì cố gắng đưa tay nắm lấy một sự thiện vốn không hiện hữu đối với họ. Chính vì thế mà chúng ta có trách nhiệm rất lớn về sự tiến bộ thiêng liêng của nhau. Chúng ta không thể tăng trưởng một mình. Chúng ta tùy thuộc nhau, vì đã chọn con đường tìm Chúa qua đời sống cộng đồng. Nếu chúng ta loại trừ một người anh chị em ra khỏi tập thể cộng đồng của mình, thì cũng bỏ đi con đường duy nhất được dành cho họ để tiến tới đời sống thiêng liêng. Sự dấn thân theo Chúa Kitô trong đời sống tu trì là một công việc của trách nhiệm hỗ tương. Nếu có thất bại thì cùng nhau thất bại; nếu thành công, thì cùng thành công. Không có một sự thất bại hoàn toàn cá nhân, cũng như không có sự thành công hoàn toàn cá nhân. Điều này có vẻ thật khắt khe và cứng rắn, nhưng sự chọn lựa của chúng ta từ đầu có tính cách tự do; các tu sĩ tự hiến cho Thiên Chúa qua đời sống cộng đồng.
Các dòng tu trình bày những quan niệm khác nhau về đời sống cộng đồng. Trong một vài hội dòng, nhất là các dòng chiêm niệm, đời sống cộng đồng rất chặt chẽ; trong dòng khác, đời sống cộng đồng bao gồm nhiều công việc khác nhau vốn đòi hỏi các thành viên sống riêng lẻ thường ngày trong một thời gian nào đó. Có bao nhiêu dòng tu thì cũng có bấy nhiêu sự khác biệt. Nhưng cũng nên có một vài ý tưởng về các thích nghi xã hội cần thiết cho đời sống tu trì, nếu không thì chắc không tránh khỏi những xung đột tâm lý và những thiệt hại thiêng liêng. Một tu sĩ phải hiểu được các lợi ích thiêng liêng của đời sống cộng đồng và nhờ thế họ mới ham thích sống chung và cũng làm cho kẻ khác cảm nếm được lợi ích của lối sống này. Họ rất tận tình hành động để siết chặt mối dây thân hữu giữa các đồng bạn và khi thông hiệp với kẻ khác, họ cũng thông hiệp với Chúa Kitô.
Con người có nhiều giới hạn và khuyết điểm. Luôn nhìn thấy những sự yếu đuối loài người nơi kẻ khác, có nguy cơ làm chúng ta phải mù quáng về những phẩm tính và đức hạnh thực sự của họ. Một tu sĩ phải biết giá trị nội tại và tầm quan trọng của sự tham gia vào sinh hoạt cộng đồng trước tiên như phương thế hữu hiệu cho sự tăng trưởng thiêng liêng của mình rồi sau đó mới đến sự viên thành tâm lý. Hiện nay người ta rất khổ sở vì sự cô độc trong một xã hội mà mỗi người có cảm tưởng mơ hồ là mình “bị bỏ rơi”. Một nền văn hóa kỹ thuật đương nhiên đòi hỏi cạnh tranh và bởi thế cá nhân rất dễ bị xóa mờ trong đám đông đến độ làm mất nhân phẩm của mình. Đời sống cộng đồng không phải là trốn tránh những sự đấu tranh cho cuộc sống, nhưng là một nơi luyện lọc để các đức tính cao quý nhất của sự cởi mở cho tha nhân và và xã hội tính đích thực có thể tạo một bầu khí đặc biệt thuận tiện cho đời sống thiêng liêng.
Thăng tiến thiêng liêng nhờ cộng đồng
Mỗi người phải giả thiết rằng đồng bạn của họ có thể thông cảm với họ và với nhau. Ai cho rằng không thể có đời sống hạnh phúc trong môi trường của họ thì hoặc họ sẽ đau khổ vì một mặc cảm bị bỏ rơi hay vì một lý do nào khác, họ sẽ thấy mọi sự với cái nhìn đen tối. Người ta không thể kiên trì trong đời sống cộng đồng và tìm sự cứu độ nơi đó, mặc dầu có những kẻ khác nhưng bởi vì có kẻ khác và với kẻ khác: vận mạng chúng ta được trao phó cho anh chị em.
Sự chú ý và tôn trọng lẫn nhau phải là những đặc điểm của cộng đồng chúng ta. Cộng đồng không phải là một thể thức hiện hữu bị áp đặt bằng võ lực và được bảo vệ bằng các vòng rào chống lại sự tự do hay một hệ thống những hạn chế được quy định bằng hình luật. Trưởng cộng đồng nào thích sử dụng các phương pháp tiêu cực và sửa trị, và là đồ đệ nhiệt thành của một loại tương quan liên vị khắc khổ (theo kiểu Jansénius), thì có thể thông giao não trạng này cho các môn sinh của mình, nhất là những người trẻ tuổi. Nhưng cách chung, các tu sĩ ước muốn cảm nếm niềm vui của ơn gọi và các đặc ân của đời sống cộng đồng. Các tu sĩ thích nghi với đời sống cộng đồng thường không biết đến những sự giằng co trong nhóm của họ. Không thể tránh là người này hay người kia thường cãi cọ với nhau, không đồng ý với kẻ khác, nhưng không vì thế mà tình cảm của họ đối với toàn thể cộng đoàn bị thay đổi. Họ biết đánh giá những sự cố gắng và công việc của kẻ khác, cả đối với những người mà họ không cảm thấy đặc biệt lôi cuốn. Việc thích nghi cộng đồng tùy thuộc ước muốn chân thành và thích thú được ở chung với nhau. Người tu sĩ trưởng thành cố gắng nhìn thấy trong các buổi hội họp, cơ hội đến gần nhau trong cách suy nghĩ để có thể cộng tác thân mật hơn trong tư tưởng cũng như hành động. Có lẽ nếu xét bên ngoài thì không thấy nếp sống cộng đồng đem nhiều lợi ích, nhưng năng động tập thể cũng ảnh hưởng một cách tinh vi và các hậu quả vô hình có thể rất sâu xa hơn hình thức bên ngoài. Cốt yếu là làm sao mọi tu sĩ đều phải vun trồng thái độ cộng tác này, một tình trạng tinh thần hữu ích và ý nghĩa cho mỗi người cũng như cho tất cả, còn hơn là các thành quả khả nghiệm. Chớ gì không ai nghĩ là đã mất đi lý tưởng cộng đồng khi thấy tính chất nghèo nàn của các kết quả. Tinh thần của mỗi người để tham gia vào sinh hoạt của kẻ khác còn quan trọng hơn mọi đóng góp cụ thể. Điều đáng kể cho sự liên đới của một cộng đồng, trước tiên là sự nâng đỡ tinh thần mà mỗi người đóng góp vào đó chớ không phải là tiền của hay cả tài năng của họ.
Nòng cốt của một nhóm cộng đồng được gầy dựng bằng sự tụ họp của thiện chí, tương trợ và các tài nguyên của các phần tử. Điều gì phân chia sự trực thuộc hỗ tương của các phần tử cũng làm cho nó yếu đi. Môi trường cộng đồng là nơi nương náu đặc tuyển của người tu sĩ thích ứng. Họ không cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở ngoài cộng đồng. Chắc chắn họ cũng thích có cơ hội để nghe diễn thuyết, gặp gỡ các tu sĩ khác và những người ngoài đời, giải trí đôi chút và có dịp để ra ngoài, nhưng bình thường họ phải luôn luôn vui thích khi ở lại cộng đồng, mái ấm đích thực của họ, nơi duy nhất hoàn toàn thuận lợi cho sự sung mãn thiêng liêng của họ. Không phải là họ không biết những điều gì xảy ra nơi khác, lợi ích thiêng liêng và giáo dục cao đẳng mà các tu hội khác hiến cho tu sĩ của mình, nơi đó sự tiến bộ có thể được nhanh chóng hơn và ít khó nhọc hơn. Dầu vậy, đối với riêng họ, với tính cách tu sĩ, không có điều gì khác tốt đẹp hơn cho việc phát huy nhân cách ngoài gia đình tu viện của họ. Dấu ấn đặc trưng của tu sĩ thích ứng là tinh thần đồng đội (hay cộng đồng) của họ.