Dâng hiến sáng tạo (44)

Sáng tạo tính trong tương quan với hữu thể chúng ta

Sáng tạo tính tùy thuộc hữu thể của chúng ta nhiều hơn là công việc của chúng ta và tùy thuộc cách thức hành động hơn là nội dung hành động. Trong cộng đoàn, chúng ta có những mục đích chung: sống hạnh phúc với Thiên Chúa, sứ vụ của Hội thánh, nhiệm vụ đặc biệt của hội dòng, lợi ích của những người chung quanh, nhưng những con đường đưa đến mục đích thì khác nhau. Cũng như những người muốn thành lực sĩ: mục đích là chung nhưng phương thế thì khác biệt.

Các tu sĩ theo đuổi một mục đích chung là sự toàn thiện Kitô giáo qua nhiều ơn gọi khác nhau. Nhiệm vụ giáo dục có thể thích hợp cho người này hơn, hành động mục vụ cho người khác, công tác xã hội cho người khác nữa. Nhưng các đường lối tu đức giúp triển nở đời sống tu trì còn phong phú hơn. Tùy theo tính tình, khả năng và nhân cách, mỗi tu sĩ sẽ khai triển đời sống nội tâm cách dễ dàng hơn bằng cách tăng cường việc suy niệm, người khác bằng việc học hỏi Thánh Kinh, người khác nữa bằng cách dấn thân vào những công việc bác ái từ thiện. Họ làm tất cả những điều này mà không bỏ quên đối tượng chung của hội dòng. Trong mức độ mà họ thấu hiểu loại tu đức vốn có ý nghĩa nhiều hơn và thích hợp hơn đối với mình, sự nhiệt tâm của họ cũng trở nên sâu xa hơn. Vì ơn sủng gia tăng thì đức tin được củng cố và ngược lại, những hành vi đức tin thường xuyên làm chúng ta mạnh sức suốt hành trình cá vị. Những hành vi thường gọi là “vâng lời tối mặt” là hành vi đức tin, và người ta cho các tu sĩ nhiều dịp để thực hành nhân đức này. Tuy nhiên nếu chúng ta có một nguyên động hữu hiệu hơn thì chúng ta sẽ được thêm ân sủng là thấu hiểu sâu xa hơn dưới cái nhìn đức tin.

Những mục đích dài hạn phải được thực hiện bằng những mục đích ngắn hạn. Chúng ta đi từng bước trên con đường trưởng thành thiêng liêng và tâm lý, vì sự đồng hóa và chín muồi là một tiến trình chậm chạp. Một đời sống thiêng liêng phong phú hơn và một đời sống cộng đồng rộng rãi hơn là động lực thúc đẩy người tu sĩ sáng tạo, vì họ đã dần dà đồng hóa các luật lệ của hội dòng và hội nhập theo cách thức riêng của mình.

Sự kiện một tu sĩ gặp được một bề trên giống Chúa Kitô hay một người anh em chân thành, bất vụ lợi, có thể hữu hiệu hơn là những bài giảng dông dài về luật lệ của hội dòng. Đó là cách đi từ lý thuyết đến thực tại. Chúng ta luôn chậm chạp và bướng bỉnh trước các lược đồ do người khác đưa ra, nhưng một khi lược đồ ấy trở thành của chúng ta, và bởi vì được chính chúng ta chọn lựa, thì chúng ta ôm ấp chúng với hết năng lực sáng tạo. Sáng tạo tính có một sự vững chắc nội tại, nó dựa trên một sự sáng suốt luôn gia tăng, luôn thức tỉnh. Biết điều gì thôi thì chưa đủ, còn phải cảm nghiệm cái động lực của nó và biểu thị nó cách cụ thể. Người tu sĩ sáng tạo có một ý thức sắc bén và một cái nhìn toàn diện, khi đề cập đến những chiều kích mới của kiến thức, các nguyên động mới của sinh lực thiêng liêng và của tầm vóc tâm lý. Sáng tạo tính là tình yêu sống động và người tu sĩ sáng tạo là một người yêu mến Chúa Kitô.

Sự chân thành là tự do nội tại, để tự biết mình và tự chấp nhận mình, để có thể chấp nhận kẻ khác theo thực trạng của họ và cho họ một cơ hội triển nở. Theo một nghĩa thiêng liêng, chúng ta phải chết cho chính mình, nhưng với điều kiện là phải biết chúng ta từ bỏ điều gì. Chúng ta không thể cho điều chúng ta không biết. Tự hiến chính mình là một sự dâng hiến tự do; đó là tặng phẩm của một con người yêu mến. Theo một nghĩa tâm lý, chỉ có một nhân cách hoàn toàn hội nhập mới có thể tự hiến cho kẻ khác, và thực hiện một sự dấn thân toàn diện, trong sự kết hợp với Chúa Kitô.

Hiểu người khác và được họ thấu hiểu làm phát sinh sáng tạo tính, vốn hiển lộ và thịnh đạt nhờ sự cởi mở đối với người khác. Nó không bao giờ bị cưỡng bách. Càng cố gắng tiêu diệt những xao xuyến và căng thẳng nội tại, xuất phát từ các xung khắc trong đời tu, chúng ta càng dẹp bỏ được các cao vọng của mình và chúng ta giải thoát được các năng lực sáng tạo. Người ta có thể bắt đầu kinh nghiệm về tiến trình sáng tạo vào lúc hai mươi tuổi cũng như chín mươi. Người ta không trở thành sáng tạo bằng cách xem xét các sự thất đoạt của ấu thời để đáp ứng những nhu cầu hiện tại, hoặc bằng cách buồn phiền về điều đã qua hay có thể đã xảy ra. Chính tính cách hiện tại thiết yếu của sáng tạo tính làm cho nó thành một sự liên tục đổi mới chính mình, một cuộc phiêu lưu cá vị trong cái mới mẻ, một sự phóng mình vào hy vọng; đó là sự rung chuyển nhẹ nhàng của cái mới trong mọi sự: một tri thức mới, một nhận định mới, của những niềm vui trực tiếp. Sáng tạo tính làm cho một tu sĩ ý thức về những chiều kích mới trong các thử thách của mình, về nét đẹp trong những sự xâu xé của đau khổ, về sự phong phú trong lo âu, thay vì sự sợ hãi làm tê liệt, sự chờ đợi như cực hình, mà các kinh nghiệm này thường đưa tới.

Sáng tạo tính không đơn thuần là một sự chiến đấu hay một sự hoàn thành; nó có tính cách hiện sinh, tự do, phát khởi, độc nhất và thống nhất, tự diễn và không biên giới. Nó là hiện sinh tuôn tràn, nó là mỗi sinh vật trong đà tiến đến viên thành, nó là tiềm năng được hiện, sự nâng đỡ vững chắc, chuyển động trung thực và thanh thoát của thụ tạo đến cùng Đấng tạo dựng nên mình


GLOSSARY

 

Từ ngữ đối chiếu

VIỆT – ANH – PHÁP

Một số thuật ngữ tâm lý hay từ chuyên môn thường gặp trong tập sách này được người dịch giải thích để việc tiếp cận được dễ dàng. Phần ngữ vựng bổ túc cho phần giới thiệu, nhằm mục đích làm sáng tỏ một số vấn đề thuộc lãnh vực tâm lý.

Trong trường hợp có sự đồng âm giữa Anh và Pháp ngữ, thì chỉ ghi một từ duy nhất.

                                     

************

 

Áy náy, âu lo: Anguish / Angoisse.

Băn khoăn, xao xuyến: Anxiety / Anxiété.

Những từ này cùng với những từ tương tự như: “lo lắng, bồn chồn, thất đảm”, ám chỉ những tình trạng bất an tâm lý vốn biểu lộ sự lo sợ trước những vấn đề quá lớn, khó giải quyết, không có lối ra, như khi đứng trước vực thẳm.

Cảm tính (X. Tâm cảm): Affect / Affectivité.

Một từ rất khó định nghĩa.

Cách chung, đó là ấn tượng sơ đẳng về sự cuốn hút hoặc đẩy lui, vốn là nền tảng của cảm tính. Ngoài ra, nó còn ám chỉ tình trạng bị ảnh hưởng, đụng chạm, kích động về phương diện tâm lý. Lúc đó, nó đồng nghĩa với: feeling, mood, sentiment, emotion.

Cảm xúc: Emotions  (danh từ).

(X. Xúc cảm): Emotive / Emotif (tính từ)

Ở trong tình trạng giao động vì cảm xúc.

Cảm thức trực thuộc: Feeling of belongingness /

                                     Sens  d’appartenance.

Trong xã hội học và tâm lý học, đó là tình trạng tâm lý của một người thấy mình được thâu nhận hay chấp nhận trong một nhóm hay tập thể.

Căng thẳng thần kinh (X. Chấn động tâm lý):  Stress.

Tình trạng xáo trộn tâm lý ít nhiều mãnh liệt do những áp lực: thể lý, nhất là tâm lý và xã hội, với hậu quả là một sự thay đổi trong cách suy nghĩ, ứng xử và sinh hoạt. Nếu áp lực vượt trên khả năng chịu đựng của đương sự, và thường xuyên trở lại, hay liên tục kéo dài, thì có thể đưa đến tình trạng “suy nhược thần kinh”.

Cấu trúc: Structures.

  1. Cách chung, một sự sắp xếp những thành tố riêng lẻ thành những tổng thể hoà hợp tương đối ổn định.
  2. Theo nghĩa vật lý, một cái sườn, một cái khung để xây dựng.
  3. Theo nghĩa tâm lý: “Có tổ chức, được sắp xếp” là một đặc tính nổi bật của cấu trúc hay cơ cấu.
  4. Bất cứ một hệ thống phức tạp nào mà được cứu xét dưới viễn tượng toàn thể.

“Cấu trúc của một hữu thể là điều làm cho hữu thể ấy thực hiện trong sự duy nhất sâu xa của mình và với toàn thể chính mình, lý tưởng của bản tính và ơn gọi của mình… Mỗi thành phần phải ở vào vị trí của nó, không bao giờ cô lập…và phải được cứu xét trong tương quan với những thành phần khác, cao hơn, thấp hơn, trong một chuyển động” (J. Laplace).

Chức năng: Functions / Fonctions.

Sinh hoạt đặc loại hay tác phong dành riêng cho một người, một cơ năng, một cơ cấu, một cơ chế hay một vai trò được xã hội ấn định.

Cơ năng: Faculty / Faculté.

Thường được sử dụng để chỉ “khả năng tổng quát của trí tuệ”, hay một khả năng tinh thần như: trí tuệ, ý chí, ký ức, trí hiểu….

Cơ quan: Organ / Organe  (danh từ).

Cách chung, một phần thuộc cấu trúc tổng thể với một (hay nhiều) chức năng đặc loại cần phải chu toàn.

(X. Hữu cơ): Organic / Organique  (tính từ).

Cơ chế: Mechanism / Mécanisme.

Ở đây nói đến một hoạt động tâm lý vốn liên hệ đến nhiều cơ năng, nhưng có tính cách tự động máy móc như một phản ứng cơ khí.

Cơ chế tâm não: Mental mechanism / Mécanisme mental.

Tiến trình đều đặn và ổn định nhằm điều chỉnh các xu hướng trong tương quan với các sự kiện tâm lý, với môi trường, với hoàn cảnh.

Để tránh những suy nghĩ không cần thiết, trước những sự va chạm thường hằng trong cuộc sống, tâm não con nguời có xu hướng “cài đặt” một số phản ứng, thường là vô thức. Chúng cũng giống như những lối “xoay sở” giúp cho nhân cách dễ thích ứng với môi trường, như khí cụ chống lại những tâm tình bất an, sợ hãi, âu lo. Cơ chế tâm não theo nghĩa này, thì không tốt cũng không xấu. Chúng có thể giúp chúng ta- không chỉ biết chính mình nhiều hơn,- mà còn giảm nhẹ những va chạm đau đớn, vốn có lúc xảy ra trong đời sống.

Việc sử dụng một vài hình thức cơ chế là thiết yếu cho sự quân bình của trí não, cũng như cho một đời sống lành mạnh và chín chắn, nếu người ta phát triển chúng cách thích hợp (nội phóng các giá trị (introjection), thăng hoa, lý tưởng hoá, chế ngự…). Một số khác có thể là dấu chỉ của ấu trĩ cảm xúc (phóng giọi, đồng hoá, bù trừ, giải biện…).

Nếu là cách phản ứng thường xuyên và không lành mạnh vì có tính cách tự vệ, thì được gọi là một “cơ chế tự vệ”.

Cơ chế tự vệ: Defense mechanism / Mécanisme de défense.

Cách hoạt động của một tâm lý luôn đặt mình trong tình trạng phòng thủ, mất đi sự hồn nhiên và sáng tạo. Trong ý nghĩa này, nó còn được gọi là «cơ chế hay động năng điều ứng».

Cơ chế điều ứng (X. Động năng điều ứng):

Adjustment mechanism / Mécanisme d’adaptation.

Cách chung thuật ngữ này được sử dụng để chỉ một cách ứng xử tương đối ổn định, với hai chức năng:

                        1- làm thoả mãn các xung lực (drives) và nguyên động.

                        2- bảo vệ chính mình khỏi áp lực tâm lý (stress) và những bất an khác.

Cưỡng chế: Compulsive / Compulsif.

Có tính cách áp bức, bắt buộc. Bị thúc đẩy làm một điều gì mà đương sự không muốn.

Thường được sử dụng trong các tình trạng thần kinh loạn. Vd: ám ảnh cưởng chế : obsessive – compulsive.

Dồn nén (X. Ức chế): Repression / Refoulement.

Sự cấm đoán hay kềm hãm một xung động, bản năng, một thúc bách, hay ước muốn… nhưng có tính cách cách máy móc và vô thức.

Điên loạn: Delirium / Délire mental.

(X. Psychosis / Psychose)   Tình trạng tâm bệnh trầm trọng, khi một người không còn làm chủ ý thức của mình, thường có những biểu hiện như ảo giác, nhận thức sai lệch, và không còn khả năng chú ý đúng mức đến môi trường chung quanh.

Động lực nhân linh (X. Năng động lực): Psychodynamics hay còn gọi là Behavior dynamics / Dynamique humaine.       

Từ chuyên môn trong tâm lý năng động, lấy lại ý niệm động lực trong vật lý, để diễn tả trạng thái năng lực và chuyển động trong một nhân cách. Nhân cách không ở trong tình trạng tĩnh mà ở tình trạng động. Các động lực này giải thích những cách ứng xử khác nhau của con người. Các động lực này rất quan trọng, nhưng nhiều khi ít được biết đến, vì thường các động lực hoạt động cách vô thức.

Cách chung khi nói đến “năng động lực” người ta muốn ám chỉ những động lực tâm lý vốn được cấu thành bởi các cảm xúc, thúc bách hay đam mê (Emotions). Kế đến là các thúc bách sinh vật (Biological drives) và cuối cùng là các nguyên động xã hội (Social motives).

Động năng: Dynamisms / Dynamismes.

Có nơi dịch là tính năng động.

Cách chung, trong tâm lý năng động, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ một cách ứng xử tương đối ổn định, mà chức năng tiên quyết là thoả mãn các thúc bách và các động cơ tâm lý (= nguyên động) đồng thời với việc bảo vệ nhân cách khỏi tình trạng căng thẳng (stress) và khó chịu (discomfort).

Động năng điều ứng: Adjustment dynamisms (X. Defense mechanisms) / Dynamisme d’adaptation.

Cơ chế điều chỉnh và thích ứng – vô thức – nhằm mục đích bảo vệ nhân cách khỏi sự tan rã của các thành tố toàn hợp, mất đi sự quân bình phải có của nhân cách, vì phải thay đổi môi trường và hoàn cảnh sống. Cũng còn được gọi là: Động năng thích nghi. Động năng lẩn tránh: Escape mechanisms / Dynamismes de fuite.

Phản ứng tự vệ của nhân cách trước những đe dọa từ bên ngoài, bằng cách lẩn tránh hay đào thoát.

Hội nhập cá nhân (X. Toàn nhập): Personality integration / Intégration personnelle.

Khái niệm tổng quát về tình trạng hài hòa của nhân cách khi điều phối, tổ chức hay thống nhất các đặc tính riêng lẻ, các thái độ tác phong, các nguyên động, cảm xúc, v.v. vốn làm thành nhân cách. Trong tiến trình thể hiện chính mình, toàn nhập là sự phát triển của các cơ năng tiến đến hoàn thành viên mãn.

Hướng dẫn: Guidance, Counseling / Direction.

Nghĩa rộng: tư vấn, cố vấn, nâng đỡ tinh thần, khuyến khích ủy lạo.

Nghĩa hẹp:    1- trong tâm lý trị liệu: một phương pháp chữa trị tâm lý bằng cách lắng nghe và hướng dẫn thân chủ chấp nhận một số thái độ, tác phong,…

                         2- hướng dẫn tâm linh: spiritual guidance / direction spirituelle. Việc linh hướng trong các tôn giáo, nhất là Công giáo, hầu giúp một người thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, đời sống cầu nguyện.

Kích thích – phản ứng: Stimulus – Response (S.R.).

Cách chung, đó là sơ đồ đơn giản của lý thuyết phong cách (behaviorism) trong tâm lý. Có một tương quan tất yếu giữa kích thích và phản ứng.

Loạn tâm thần: Psychosis / Psychose.

Tình trạng tâm bệnh trầm trọng, khi chủ thể mất ý thức về chính mình. Những người loạn tâm thần luôn sợ hãi về một điều gì đó không có thật, luôn diễn dịch thực tại bằng một số kinh nghiệm hay điều kiện mà người đó đã trải qua trong quá khứ. Do đó, họ không sống trong hiện tại, không có khả năng đối diện với hiện thực.

Lược đồ (X. Cấu trúc): Scheme or Schema/ Schemata.

Chương trình, kế hoạch hay cơ cấu có tổ chức về kinh nghiệm. Một lược đồ cung cấp ý nghĩa của những biến cố, để chủ thể có thể nhanh chóng đáp ứng.

Dựa trên nền tảng của những kinh nghiệm với kẻ khác, chúng ta xây dựng trong nơi sâu thẳm của chính mình những sự “mong chờ”: chúng ta nhìn kẻ khác và họ nhìn chúng ta như thế nào. Những sự mong chờ này là những mô hình tổ chức kinh nghiệm riêng của chúng ta với kẻ khác. Cũng như mọi cấu trúc khác của nhân cách, vốn thường không được nhận biết, các lược đồ này hoạt động ở mức độ vô thức.

  1. “Lược đồ tâm não làm tan rã nhân cách”: một tình trạng vô trật tự phát xuất từ tư duy nhưng bắt nguồn từ những tác phong thiếu thích ứng, một tâm lý thiếu quân bình, từ cái nhìn lệch lạc, không phù hợp với thực tại. Hậu quả là nhân cách bị xáo trộn, mất đi sự thống nhất cần thiết cho sự tăng trưởng lành mạnh.

[Nhiều tác giả dành từ “Schema” cho những cấu trúc tri thức cụ thể vốn được thành hình cách có ý thức.]

Mộng tưởng: Daydreaming or Fantasy /                            Rêve éveillé ou Rêveries.

Những sự tưởng tượng, mơ tưởng dông dài trong khi chủ thể vẫn còn thức, khác với những giấc mơ hiện ra khi chủ thể đã đi vào giấc ngủ.

Năng động lực tự bảo vệ: Self–preservative dynamisms / Forces dynamiques auto– conservatrices.

Bao gồm những năng lực, xu hướng, thúc bách tâm lý nhằm bảo vệ sự tồn tại của cá thể hay của giống nòi. Ví dụ: nhu cầu ăn uống, thúc bách phái tính.

Khi nói đến một chức năng tự bảo vệ (Ego-defensive function) của một thái độ thì điều này lại có ý nghiã khác, tức là tiến trình ý thức hoặc vô thức bảo vệ cái ngã của chủ thể khỏi các đe dọa từ bên ngoài.

Năng động lực tự biểu thị: Self–expressive dynamisms / Forces dynamiques auto–expressives.

Trong tâm lý năng động, thuật ngữ này ám chỉ những tình cảm, và xúc cảm, vốn là những năng lực quan trọng trong việc thành hình nhân cách.

Năng động lực tự trị: Autonomous self–regulating dynamisms / Forces dynamiques auto–directrices.

Đây là những năng động lực đặc loại của hữu thể lý trí, bao gồm: những hành vi của ý chí (quyết ý) để chọn lựa, những quyết định có tính cách tự do, những biểu hiện cuả tình yêu nhân linh.

Nhân cách: Personality / Personnalité.

Nhân cách là một khái niệm khó xác định. Bởi thế, cũng khó tìm được một định nghĩa mà mọi nhà tâm lý đều đồng ý. Nhân cách là một khái niệm trừu tượng nhằm xếp loại, hệ thống hoá các đặc điểm của hữu thể lý trí để có thể giúp tìm hiểu và giải thích tác phong của mỗi chủ thể. Điểm cốt yếu của khái niệm nhân cách là đặc tính độc đáo hay duy nhất (uniqueness) và thường tồn (consistency) của hữu thể nhân linh.

Trong viễn tượng tâm lý năng động, nhân cách được hiểu như những thành tố làm thành cấu trúc của một cá thể, vốn được tỏ hiện qua các tiến trình năng động. Các thành tố này giải thích tác phong của một cá thể trong tương quan với môi trường sống.

Nhu cầu: Needs / Besoins.

Những thuật ngữ tương tự: Thúc bách (Drives). Khát vọng (Cravings).

Về phương diện tâm lý, thuật ngữ “nhu cầu” có nhiều ý nghĩa, khá phức tạp.

                        1/ một điều gì cần thiết cho sự sinh tồn hoặc tăng trưởng của một cơ thể. Có thể đó là: nhu cầu căn bản và sinh vật (thức ăn) hay nhu cầu phức tạp hơn bao gồm nhiều yếu tố cá nhân và xã hội (nhu cầu thành đạt, uy tín).

                        2/ tình trạng nội tại của một cơ thể đang hướng đến một điều gì mà nó cần để hoạt động tốt. Tức là hành động nhằm thể hiện một tiềm năng hay bù đắp một sự thiếu thốn.

           

Nguyên động: Motivations.

Một từ rất quan trọng nhưng cũng rất khó định nghĩa.

Một tiến trình hoạt động hay động lực của một cơ thể vốn thúc đẩy nó hoạt động. Theo nghiã này nguyên động là chất xúc tác, là năng lực thúc đẩy một cách ứng xử nào đó. Người ta thường phân biệt ba loại nguyên động:

                                    -sinh lý (physiological) như: đói, khát, phái tính, v.v…   

                                    -tác phong (behavioral) như: các thúc bách phức tạp hơn và tiến trình học tập.

                                    -tâm lý xã hội (psychosocial): những cách ứng xử phức tạp, có suy nghĩ và được tập luyện của con người.

Phong cách (X. Cung cách, tác phong): Behavior / Comportement

Từ chuyên môn tổng quát bao gồm nhiều động tác như: hành vi, sinh hoạt, phản ứng, chuyển động, tiến trình v.v… Vắn tắt, trong tâm lý (nhất là trường phái “phong cách” của Mỹ) đó là một đáp ứng của cơ thể cho những nhu cầu mà người ta có thể đo lường. Hay một cách đơn giản hơn, cách ứng xử bên ngoài nhằm biểu lộ những đặc tính bên trong và khó thấy của một hữu thể sống động.

Phối tán: Disintegration / Désintégration.

Từ này được sử dụng để chỉ những hoàn cảnh mà nhiều thành tố khác nhau của nhân cách (tác phong, xúc cảm, nguyên động) mất đi đặc tính thống nhất, hội nhập hay cơ cấu hoá của chúng.

Thường được sử dụng trong thuật ngữ: “sự tan rã của nhân cách” (personality disintegration). Tình trạng xáo trộn, đổ vỡ, bất hòa hợp giữa các thành tố khác nhau của một cấu trúc. Sự tan rã của nhân cách là một điều nguy hại cho sức khỏe tâm thần; đối nghịch với sự hội nhập của nhân cách.

Quyết ý: Volition.

Quyết ý là việc thi hành ý chí hay tìm đến mục đích được trí tuệ chọn lựa. Đơn giản là hành vi quyết định hay chọn lựa của ý chí. Đó là sinh hoạt riêng biệt của cơ năng tinh thần đặc loại là ý chí. Ý chí hay ý muốn là là tiến trình thuộc trật tự trí tuệ qua đó một con người quyết định hay dấn thân làm một hành động nào đó

Trong khi hành vi của trí tuệ hay nhận thức qua tư duy được gọi là: cognition.

  1. Theo nghĩa rộng, quyết ý đưa về xu hướng hoàn toàn ý thức của trí tuệ tìm đến điều đã được trí tuệ nhận thức như tốt đẹp hay đáng quý. Trong thực tế nó có nghĩa là: khát vọng trí tuệ.
  2. Theo một nghĩa hẹp hơn, đó là hành vi chấp nhận hay đồng ý theo một nguyên động hay một sinh hoạt nào.

Tâm bệnh học: Psychopathology/  Psychopathologie.

Một nhánh của y học nhằm nghiên cứu và chữa trị các chứng bệnh tâm thần. Hoặc cách minh thị, tức là khi có các triệu chứng bên ngoài như các bệnh loạn thần kinh và loạn tâm thần. Hoặc cách mặc nhiên hay tiềm ẩn, khi không có triệu chứng rõ ràng, như những xáo trộn nhẹ trong nhân cách.

Tâm cảmAffective / Affectif.

Tình trạng nhạy cảm hay bị chi phối bởi một đối tượng. Thuật ngữ được sử dụng nhiều trong Tâm lý học Tây Phương hiện đại, chứng tỏ tầm quan trọng của nó trong đời sống, nhưng rất khó chuyển dịch sang Việt ngữ và cũng khó định nghĩa, vì nó ám chỉ nhiều điều. Có thể coi đây là lãnh vực rộng lớn bao gồm những “Tâm tình và Cảm nhận”, những chuyển động bên trong, thuộc về cái “tâm”.

Cách tổng quát, từ này được sử dụng theo nghĩa: cảm xúc, cảm thụ tính (sensitivity), tình cảm, tính cách.

Ý nghĩa tùy theo mạch văn và theo ý người sử dụng.

                        Trong lịch sử tâm lý, còn có hai nghĩa riêng biệt:

                        1/ một trong ba chức năng tinh thần:

  1. a) hành vi nhận thức bằng trí tuệ (cognition);
  2. b) hành vi xác định của ý chí: muốn, quyết định (volition);
  3. c) cảm nghiệm điều gì xảy ra bên trong (affect).

                        Hiện nay trong ngữ vựng tâm lý người ta thường dùng từ: affection thay cho affect. Nhưng affection cũng còn có nghĩa đặc loại là tình thương nhẹ nhàng, lòng cảm mến, vốn là nghĩa thường được người bình dân sử dụng cách phổ cập.

                        2/ Sau này, Titchener sử dụng từ affect theo nghĩa: khía cạnh thích thú hay khó chịu của cảm xúc. (Nguyên ngữ latin: afficior, bị đụng chạm, bị thay đổi bên trong và cuối cùng cả bên ngoài cũng bị biến đổi).

                       

Tâm căn (X. Thần kinh loạn): Neurosis / Névrose.

Nhiều nơi, người ta sử dụng từ “tâm căn” để chỉ chứng loạn thần kinh, vốn là một xáo trộn tâm thần mà đặc điểm là sự áy náy tỏa lan. Những cơ chế tự vệ vốn được sắp xếp trong tiềm thức để đương đầu với hoàn cảnh, nhưng trong tình trạng áy náy, chúng không còn hoạt động cách thích hợp, bởi đó các triệu chứng của sự xáo trộn bộc lộ ra ngoài nhưng chưa có phương thế để giải quyết. Các tương quan với thế giới bên ngoài và với thực tại bị tổn hại ít nhất là một phần nào.

Các xáo trộn này, mặc dầu mang tên thần kinh loạn nhưng thường là hậu quả của các cảm xúc không thích hợp chớ không phải do các thương tổn ở thần kinh hệ. Tuỳ theo sự xuất hiện của năng động tự vệ hay các triệu chứng khác mà người ta có nhiều bệnh tâm căn khác nhau, như: ám ảnh, sợ sệt, v.v…

Các chứng loạn thần kinh khác với loạn tâm thần hay thác loạn tâm thần (Psychoses) cốt ở điểm này là: trong trường hợp của loạn tâm thần, các động năng tự vệ hoàn toàn bất lực, không còn hoạt động nữa. Chủ thể mất liên lạc với thực tại, sống trong thế giới riêng tư của mình nhất là thế giới mộng tưởng của mình.

Mặc dầu loạn thần kinh và loạn tâm thần đều là tâm bệnh, nhưng xáo trộn của loạn thần kinh thì nhẹ hơn. Các triệu chứng bên ngoài của loạn thần kinh không có tính cách báo động, vì thế nó được coi là tâm bệnh tiềm ẩn và các cơ chế tự vệ còn hoạt động tốt nên sự xáo trộn còn bị che giấu dưới sự ổn định tương đối của tác phong bên ngoài.

Tâm linh: Psychic / Psychique.

Cách chung, từ này chỉ điều liên can đến tâm trí, điều gì thuộc về phần tâm não, thuộc về nhân cách hay những chiều kích vô hình của nhân cách. Trong viễn tượng này, nó đồng nghiã với tâm lý (Psychological).

Hiểu theo nghiã hẹp, nó chỉ những phần thượng đẳng và vô hình trong con người và cũng được đồng hoá với thiêng liêng (Spiritual).

Tâm thần loạn (X. Loạn tâm thần): Psychosis / Psychose.

Một hình thức xáo trộn tâm lý nghiêm trọng, nhất là vì chủ thể mất ý thức về sự lệch lạc của mình. Còn gọi là tình trạng “thác loạn tâm thần”.

Tâm thần phân liệt (X. Phân đôi nhân cách): Schizophrenia / Schizophrénie.

Tình trạng tâm thần loạn, khi nhân cách biểu lộ những tác phong bất thích ứng, như: thái độ vô cảm, suy nghĩ lệch lạc, trốn tránh xã hội. Một người ứng xử như một cái xác không hồn, hay tưởng mình là một nhân vật khác.

Tâm thể lý: Psychosomatic / Psychosomatique.

Có một tương quan chặt chẽ giữa tâm lý và thể lý đến độ khi có một sự xáo trộn ở mức độ tâm lý thì cũng có ảnh hưởng đến thể lý và ngược lại.

Tập quán: Habit / Habitude.

Một lề lối sinh hoạt đặc loại nhằm đáp ứng những nhu cầu, nhưng thường được lặp lại dưới những hình thức luôn giống nhau, nên trở thành tự động, cố định và được thực hiện mà không phải cố gắng.

Tập quán tâm não: Mental habit / Habitude mentale.

Thói quen suy nghĩ theo một chiều hướng nào đó.

Các tập quán tâm lý như: tư duy, cảm nghĩ, yêu mến, thường là những hành vi được tập luyện.

 

Thần kinh loạn: Neurosis / Névrose.

Cách chung trong tâm lý, thuật ngữ này ám chỉ một sự xáo trộn nhân cách, rối loạn chức năng, làm cho chủ thể bất an khó chịu, nhưng vẫn còn duy trì sự tiếp xúc với thực tại và không có dấu chứng bệnh lý trên cơ năng (thần kinh hay não bộ không bị tổn thương).

Vắn tắt, một sự xáo trộn nhân cách, tương đối nhẹ, vì chủ thể ý thức là mình có những lệch lạc và tìm cách chữa trị.

(Bác sĩ Nguyễn khắc Viện gọi “nevroses” là “chứng nhiễu tâm”)

Thất đoạt: Frustration.

Tình trạng “hụt hẫng”, ấm ức, khi không đạt được điều mà người ta mong ước, đợi chờ. Có thể hiểu như đồng nghĩa với thất vọng, nhưng trong bối cảnh của vấn đề tâm lý chớ không phải triết lý.

Thành thục (X. Thuần thục): Competence.

Không chỉ là tình trạng của một con người có khả năng mà còn có kinh nghiệm. Một người được rèn luyện, nên trở thành điêu luyện hay lão luyện trong việc sử dụng tài năng của mình.

Thể hiện chính mình: Self-realization / Réalisation de soi même.

Thuật ngữ thường được sử dụng trong tâm lý hiện đại để chỉ sự khai triển các tiềm lực của một hữu thể đến mức tối ưu.

Người ta cũng sử dụng những diễn ngữ tương tự, như: Sự hoàn thiện chính mình hay kiện toàn chính mình (self-fulfillment). Trong tâm lý nhân cách hiện đại, mục đích nhắm tới luôn là sự tăng trưởng, phát huy chính bản thân để đạt đến trình độ viên mãn.

Thích ứng (cá nhân): Adjustment / Adaptation.

Cách chung, đó là tình trạng quân bình khi mọi nhu cầu được đáp ứng và mọi chức năng trong cơ thể được thực hiện cách tốt đẹp.

  1. Thường, người ta dùng chữ “thích ứng” để chỉ một sự hội nhập tích cực trong chính nhân cách.
  2. Trong bối cảnh tâm lý xã hội, người ta nói đến tình trạng “thích nghi”, khi một cơ năng ứng phó cách thích hợp với môi trường chung quanh nó.

Thiếu thích ứng: Maladjustment / Non-adaptation.

Tình trạng bất hoà hợp hay không triển nở trong một nhân cách, không thích nghi được với môi trường do những nguyên nhân tâm lý sâu xa, vốn có thể đưa đến tình trạng tâm bệnh (loạn thần kinh hay loạn tâm thần)…

Thiếu trưởng thành (X. Ấu trĩ): Immaturity / Immaturité.

Tình trạng tâm (thể) lý chưa được phát triển đầy đủ hay chưa được hội nhập cách hài hoà.

Thoái hồi: Withdrawal / Retrait.

Một lối trốn tránh thực tại bằng cách rút lui vào cái “tôi”, sống trong ảo tưởng và mơ mộng.

Tiến trình thích nghi: Adjustment Process / Processus d’adaptation.

Ngụ ý nói một cá thể đang ở trong tiến trình phát huy các tiềm lực của mình, bằng việc phản ứng cách lành mạnh và hữu hiệu đối với môi trường, cũng như có thể biến đổi môi trường cách tích cực và ích lợi cho chính mình, cho tập thể.

Toàn nhập (X. Hội nhập): Integrated / Intégré.

Cách chung, thuật ngữ “toàn nhập” được sử dụng như một tính từ, để chỉ tình trạng một cơ năng hay bộ phận được nối kết, phối hợp cách hài hoà với các bộ phận khác trong sự duy nhất của nhân cách. Khi nói đến hành vi, thì dùng động từ “hoà nhập”

Tình trạng toàn nhập luôn có nghĩa tích cực và cũng đồng nghĩa với: viên thành, trưởng thành khi được áp dụng cho nhân cách.

Tự chế (ý thức): Suppression of desires / Répression.

Ức chế (vô thức) (X. Dồn nén): Repression / Refoulement.

Thuật ngữ của phân tâm học để chỉ tiến trình tâm lý, qua đó một thực tại không thể chấp nhận được vì một lý do nào đó, bị loại ra ngoài vòng ý thức của chủ thể. Nếu đó là hành vi vô thức thì gọi là: ức chế hay dồn nén. Nếu đó là tiến trình có ý thức thì gọi là tự chế.

Thực tại bị dồn nén vẫn còn đó, luôn hoạt động trong thế giới tâm linh của chủ thể và làm phát sinh một loạt những tiến trình tự vệ khác làm cho nhân cách dồn nén bị xáo trộn, lệch lạc,

Tự quy (X. Quy ngã): Self-centered / Egocentrique

Trong tâm lý, đây là tính từ chỉ tình trạng khách quan của một chủ thể luôn đưa mọi sự về mìmh, lấy mình làm trung tâm.

Trong khi từ “ích kỷ” (selfish/egoiste) thường mang ý nghĩa tiêu cực, bao hàm một sự phê phán về tác phong đạo đức của một nhân cách thiếu trưởng thành.

Vô thức: Unconcious / Inconscient.

Cách chung, đó là tình trạng thiếu ý thức, không được sự kiểm soát của trí não, không đủ tỉnh táo trước thực tại. Trong tâm lý chiều sâu, nhất là trong phân tâm học, đây là địa hạt bao gồm những chức năng của “cái đó” (Id) bị dồn nén, tức là: các xung lực, ước muốn nguyên thủy, các ký ức, hình ảnh và khát vọng. Những năng lực này sẽ là nguyên nhân của sự xao xuyến áy náy, nếu được chấp nhận vào phần ý thức, bởi thế chúng bị chôn vùi vào trong phần vô thức.

Một số tâm lý gia phân biệt hai mức độ ý thức trong tiến trình tâm lý:

                        1/ Ý thức (conscious).

                        2/ Tiềm thức (subconscious)

a- tiền ý thức hay tiền thức (preconscious)

b- vô ý thức hay vô thức (unconscious)

Mức độ ý thức là sự thức tỉnh của nhân cách vốn tiềm ẩn trong những hành vi thấy, nghe, tưởng tượng, tư duy, v.v…

Mức độ tiềm thức trái lại, nằm trong địa hạt của kinh nghiệm tâm linh vốn không hiện diện đối với ý thức hiện năng của chủ thể.

Tiềm thức còn được phân ra làm hai thành phần ở hai mức độ khác nhau:

a- Tiền ý thức, vốn bao gồm các thành phần trong hiện tại không ở dưới ảnh hưởng của ý thức nhưng có thể đưa vào ý thức bằng việc tự ý gợi lại như: cố gắng suy tư, hồi tâm, xét mình, suy niệm, v.v…

b- Vô thức, bao gồm các nội dung tâm lý vốn chỉ có thể đưa vào ánh sáng ý thức bằng các phương tiện chuyên nghiệp như: phân tâm hay các phương thế tâm lý trị liệu khác chớ không phải do sự tự ý gợi nhớ của chủ thể.

 

Xáo trộn tâm thể lý: Psychosomatic disorders / Désordres psycho-somatiques.

Một thuật ngữ để chỉ bất cứ sự xáo trộn hay bệnh tật nào với những biểu hiện trên thân xác, nhưng được coi như ít nhất là có nguồn gốc tri thức và xúc cảm, nghĩa là trong một mức độ nào đó chúng là những xáo trộn trên bình diện tâm lý kéo theo những phản ứng sinh lý.

Xung động (X. Thúc bách): Impulses/ Impulsions.

Từ này được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng ý nghiã cơ bản xoay quanh ba điều:

1/ Mọi hành vi hay biến cố được “bật” lên bởi một kích thích ngấm ngầm và ít được hoặc không được ý thức kiểm soát. Từ đó, có thể nói:

2/ Bất cứ một thúc bách bất thần nào để hành động. Ví dụ: xung động trốn chạy.

3/ Trong phân tâm học, mọi hành vi do bản năng, do “cái đó” (Id) thúc đẩy.

Xung đột: Conflicts / Conflits.

Tình trạng đối kháng giữa các động năng trong một cơ thể hoặc giữa cá thể và tập thể.

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN 6PS: “Ở lại trong tình thương của Thầy”

Các bạn thân mến!   Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *