Đau khổ có nghĩa là được yêu?

Sợ đau khổ là tâm trạng rất đỗi bình thường của con người. Né tránh đau khổ là cách thức phải cố gắng thực hiện của bất cứ ai. Và, giải quyết đau khổ là điều quan trọng mà ai ai cũng muốn đạt được. Tuy nhiên, dẫu là bình thường, nhưng nỗi sợ của mỗi cá nhân thì chẳng ai có thể hiểu; cố gắng né tránh bao nhiêu, thì lại làm cho con người tăng thêm sợ hãi bấy nhiêu; và kết quả là, chúng ta chẳng thể có câu trả lời cho những nỗi đau của mình một cách tuyệt đối.

Chúa Giêsu cũng không thoát được nỗi sợ đến đổ mồ hôi máu khi biết giờ của Ngài đã đến. Nhưng ở nơi Ngài toát lên một sự khác biệt rõ ràng với chúng ta, đó là: Ngài không né tránh và không làm mọi cách để thoát khỏi sự đau khổ ấy; bởi vì Ngài xác tín rằng: Vì tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, nên Chúa Cha đã gởi Ngài đến thế gian mang lấy tất cả những đau khổ của con người. Điều đó cũng có nghĩa là: Đón nhận đau khổ là đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Có gì đó thật phi lý chăng khi nói rằng: Đau khổ có nghĩa là được yêu? Chẳng lẽ Thiên Chúa lại thích nhìn thấy con người sống trong đau khổ hơn là hạnh phúc ở trần gian? Chẳng lẽ chỉ có đau khổ mới làm cho con người đạt đến quê trời mai sau? Chẳng lẽ đau khổ là thước đo tình yêu mà con người dành cho Thiên Chúa?

Con người ai cũng thường mơ ước những gì mà mình chưa có hay không có. Một đứa bé mồ côi chỉ ước một lần được gặp lại cha mẹ ruột, một sinh viên đại học mơ có được một việc làm tốt đẹp sau khi tốt nghiệp, một đôi bạn trẻ mơ ngày tình yêu đơm hoa kết trái, một cụ già neo đơn mơ về một gia đình hạnh phúc và sum vầy bên con cháu… Có những ước mơ thật dễ dàng thực hiện, nhưng cũng có những mơ ước chẳng bao giờ xảy đến. Cuộc sống của con người luôn đầy những ước mơ, nhưng rất ít khi chúng ta dám can đảm đeo đuổi một ước mơ mà đôi lúc bản thân còn bán tín, bán nghi về tính hiện thực của nó: Đó là mơ ước hạnh phúc Nước Trời. Và cho dẫu chúng ta hoàn toàn tin tưởng một cách tuyệt đối, thì chúng ta cũng rất khó chấp nhận đi trên con đường chông gai để đạt đến hạnh phúc ấy, hay nói cách khác là đón nhận và chấp nhận đau khổ như một sự thanh luyện bản thân mình. Chính Chúa Giêsu đã dùng đau khổ để đạt đến vinh quang, tại sao chúng ta có thể đi ngược lại con đường mà Ngài mời gọi? Ngài chắc chắn chẳng thích nhìn thấy chúng ta đau khổ đâu; nhưng Ngài thích chúng ta cùng khóc lóc, cùng than van, cùng ở lại bên Ngài để Ngài an ủi, đỡ nâng và cho chúng ta một câu trả lời về đau khổ ấy.

Để được hạnh phúc Nước Trời, đòi hỏi mỗi người phải chiến đấu như một chiến sĩ kiên cường. Cuộc chiến ấy nhiều khi khiến cho người chiến sĩ phải bị thương tích nặng nề, giống như những đau đớn của bệnh tật; phải bị tổn thương ê chề, chẳng khác gì mất tất cả của cải vật chất; phải bị đòn roi tới tấp, hệt như những lăng mạ sỉ nhục; và phải bị phơi thây ngoài chiến trường, làm trò cười cho thiên hạ hả hê. Tất cả những đau thương ấy đều khắc trên mình của người chiến sĩ hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh. Đó chẳng phải là vinh dự cho tất cả chúng ta khi được mời gọi nên đồng hình đồng dạng với Ngài đó sao?

Tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chính là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, để gánh lấy tất cả tội lỗi của loài người. Chúng ta được mời gọi đón nhận đau khổ như là cách thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa. Khi con tim chúng ta biết quy hướng về Chúa, bệnh tật hay những mất mát chẳng thể cản trở chúng ta yêu Ngài và yêu cho đến cùng. Khi chúng ta biết yêu Ngài, chẳng có cái gì gọi là rào cản để chúng ta nên giống Ngài từ việc đón nhận đau khổ cho đến sự hy sinh chính mình. Ước muốn được nên một trong tình yêu Ngài sẽ giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận và chịu đựng đau khổ. Cho đến một ngày nào đó, đau khổ được trở nên như là con đường thiêng liêng của chúng ta và là cánh cửa thiên đàng sẵn sàng mở ra chào đón chúng ta.

Ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần đau khổ, và cũng chẳng ai dám tự hào mình là người giỏi chịu đựng đau khổ. Chúng ta đều yếu đuối khi phải đối diện với chúng, và chỉ biết cầu xin Thiên Chúa cho mình được thoát khỏi những đau khổ ấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để ý thức thêm rằng: Cần phải biết đón nhận và chấp nhận đau khổ như là món quà tình yêu mà Thiên Chúa gởi đến, để con cái của Ngài được trưởng thành hơn trong đức tin và nhờ đó, đức cậy và đức mến được bồi đắp thêm.

Therese Trần Thị Kim Thoa  

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Hành hương Kansas: 5 địa điểm không thể bỏ qua

  Nếu bạn tình cờ ghé thăm Wheat State hoặc định cư tại tiểu bang …

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *