Một lần nếm trải đau khổ là một lần chúng ta được vững vàng hơn, và một lần vượt qua được đau khổ là một lần chúng ta thấy được giá trị đích thực của đau khổ. Đau khổ là cách mà Thiên Chúa vẫn dùng để dạy dỗ và tôi luyện chúng ta, bởi con đường chật hẹp luôn là con đường đi tới vinh quang. Thế nên, đừng vì lo sợ mà né tránh đau khổ, nhưng hãy xem đau khổ như là món quà Thiên Chúa trao ban để chúng ta được thông phần với Ngài.
Nói đến đau khổ thì ai trong chúng ta cũng ngán ngẩm và mong ước chúng đừng bao giờ đến với mình. Đau khổ vật chất làm cho chúng ta thường quy hướng về sự no thỏa, còn đau khổ tinh thần thì làm cho tâm hồn chúng ta luôn tha thiết đến sự bình an. Dù là đau khổ kiểu gì, chúng ta vẫn luôn sống trong sự khao khát được lấp đầy những điều thiếu thốn; và chính cái khao khát đó mới làm cho con người chúng ta luôn phải tìm kiếm. Giá trị của những đau khổ không phải là sự chứng tỏ khả năng của mỗi con người khi đương đầu với đau khổ, và tìm mọi cách để vượt qua; nhưng là một sự khám phá ra Thiên Chúa trong nhiều chiều kích khác nhau.
Nếu nhìn đau khổ như một tai ương phải đón nhận vì hệ quả của việc chúng ta đã làm, thì trong suy nghĩ của chúng ta luôn mang nặng tư tưởng của một sự trừng phạt. Tâm trí của chúng ta sẽ không bao giờ thanh thoát bởi sự giằng co giữa cái thiện và cái ác; việc thiện hay việc ác chúng ta làm không còn mang những giá trị vĩnh cửu nữa, mà chỉ vì hệ quả của chúng mà thôi. Như thế, đau khổ hoàn toàn là sự tiêu cực và vô ích đối với con người.
Nếu nhìn đau khổ như một hành trình huấn luyện cần phải có, chúng ta sẽ từng bước khám phá những điều thật tuyệt vời nơi Thiên Chúa. Chẳng bao giờ Thiên Chúa lại gởi đến cho chúng ta sự đau khổ để đòi hỏi chúng ta phải chịu đựng trong đau đớn. Chúng ta đau khổ thì chính Ngài còn đau khổ gấp bội và chúng ta đau đớn vì chịu đựng thì chính Ngài còn đau đớn hơn nhiều. Trong mỗi đau khổ, hình ảnh của Thiên Chúa chẳng khác gì những bóng râm phủ trên đỉnh đầu, để chúng ta nhận ra sự che chở của Ngài; hay những cơn mưa rào đẩy lui sự oi bức, để chúng ta được tắm gội trong tình Ngài. Bóng râm và mưa rào là những cách mà Thiên Chúa làm dịu bớt những căng thẳng và những thiêu đốt trong lòng chúng ta khi phải đối diện với đau khổ. Có khi đó chỉ là một niềm vui nho nhỏ bất chợt ập đến, xóa đi những phiền muộn của chúng ta; cũng có khi chỉ là một cử chỉ bác ái của tha nhân làm cho lòng chúng ta được thanh thản. Để rồi từ đó, chính Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta nơi đau khổ ấy. Khám phá ra được điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta nơi đau khổ là một hành trình thú vị mà Thiên Chúa rất thích chúng ta thực hiện.
Khởi đi từ sự thinh lặng là điều hết sức cần thiết! Thinh lặng ở đây không có nghĩa là chúng ta không buồn nói chuyện với ai, hay không quan tâm đến ai; nhưng là dành những giờ phút đối diện với Thiên Chúa trong thinh lặng. Chính những giờ phút này giúp chúng ta nhìn lại mọi sự trong tương quan với Thiên Chúa, và cách thức Ngài dẫn chúng ta đi. Nếu chúng ta càng ngỡ ngàng bao nhiêu trước sự hướng dẫn của Ngài, thì chúng ta càng phải dành nhiều thời gian hơn để được sáng tỏ ý Ngài. Đau khổ luôn luôn để lại trong chúng ta những dấu ấn. Nếu chúng ta gắng sức giải quyết đau khổ bằng khả năng của riêng mình; thì những dấu ấn ấy thường nghiêng về chiều hướng hận thù, ghen ghét và thậm chí mất hết niềm tin. Ngược lại, nếu chúng ta để Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, thì tâm hồn chúng ta lại được khắc nét bởi chính dấu ấn tình yêu của Ngài.
Đau khổ sẽ còn tiếp diễn trong hành trình sống của mỗi người chúng ta nơi trần gian này. Thiên Chúa mong muốn chúng ta đón nhận đau khổ như những món quà bổ dưỡng trên con đường về quê trời. Vì thế, chúng ta hãy biết giang rộng đôi tay để đón nhận và sẵn sàng tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Đó là cách để chúng ta sống niềm vui thật trong đau khổ, và đón nhận đau khổ trong niềm tin vững bền.
Therese Trần Thị Kim Thoa