✠Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
44 nk Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. 46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng : ✠ “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” nk Nói xong, Người tắt thở.
(quỳ gối thinh lặng trong giây lát)
47 nk Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng : m “Người này đích thực là người công chính !” 48 nk Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.
49 nk Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê ; các bà đã chứng kiến những việc ấy.
50 nk Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. 51 Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. 52 Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. 53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. 54 Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.
55 nk Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.
56 nk Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
SUY NIỆM
ĐI THEO ĐỨC GIÊSU
Đời người thì bấp bênh và mong manh,
nên con người luôn bị chi phối bởi những nỗi sợ.
Con người cố gạt bỏ mọi sợ hãi để cảm thấy an toàn.
Đi tìm an toàn cho mình là điều chúng ta vẫn thường làm.
Chúng ta cảm thấy an toàn khi có tài sản, tri thức, quyền lực.
Ít người đặt sự an toàn của mình nơi Thiên Chúa.
Bài Thương Khó của Tin Mừng Luca
cho ta thấy nỗi sợ chi phối con người mạnh đến mức nào.
Vì sợ, vì muốn được an toàn, nên con người mất tự do.
Không ai nghi ngờ Phêrô khi ông quả quyết (Lc 22,33):
“Dù có phải vào tù hay chết với Chúa, con cũng sẵn sàng.”
Nhưng đi theo Chúa thôi cũng đã là chuyện khó.
Khi Thầy Giêsu bị bắt, các môn đệ sợ hãi nên bỏ trốn.
Chỉ mình Phêrô can đảm “theo Thầy xa xa.”
Ông theo vào dinh thượng tế, vì muốn biết số phận của Thầy.
Nhưng ông theo xa xa vì sợ chịu chung số phận.
Phêrô ngồi sưởi bên đống lửa, cùng với đám người bắt Chúa.
Chính tại đây mà nỗi sợ của ông bị lộ tẩy.
Ông đã hai lần chối “không ở với” Thầy Giêsu (Lc 22,57.59-60),
một lần chối “không thuộc về nhóm” của Thầy (Lc 22,58).
Ông chối vì sợ những người đặt câu hỏi nhận ra ông.
Nỗi sợ khiến ông chối một cách tự nhiên và đầy thuyết phục.
Nếu Thầy Giêsu đã không quay lại nhìn ông,
và làm ông nhớ lời Thầy nói, chắc ông còn chối nữa.
Khi Phêrô nhận ra nỗi đe dọa bủa vây ông quá lớn,
ông đã bỏ ra ngoài và khóc nức nở.
Philatô cũng sợ chẳng kém gì Phêrô.
Ông không sợ bị bắt, nhưng sợ mất ghế tống trấn.
Ba lần ông tuyên bố Đức Giêsu vô tội (Lc 22,5.14.22),
nhưng ông không đủ can đảm để tha chết cho Ngài,
vì ông sợ đám đông đang bị giật dây bởi các thượng tế.
Nếu ông không chiều ý đám đông đang gào thét,
họ có thể nổi loạn vào dịp đại lễ Vượt Qua,
và ông sẽ bị mất điểm trước mặt hoàng đế.
Philatô đã cố làm dịu cơn cuồng nộ của dân
bằng cách hứa sẽ cho đánh đòn Đức Giêsu (Lc 23,16.22).
Nỗi sợ hãi làm ông nhượng bộ dần dần,
để rồi cuối cùng, ông đã cho đóng đinh người vô tội,
và tha Baraba, một tên nổi loạn và giết người (Lc 23,19.25).
Philatô mua sự sống của mình bằng mạng sống Đức Giêsu.
Ở núi Ô-liu, Đức Giêsu cũng sợ khi xin Cha cất chén đắng.
Qua giờ cầu nguyện ở đó, Ngài biết rõ ý của Cha,
nhờ đó Ngài thắng vượt được nỗi sợ:
sợ chết, sợ nhục nhã, sợ khổ đau.
Nỗi sợ có thể vẫn còn, nhưng nó không chi phối được Ngài.
Đức Giêsu đi Đàng Thánh Giá trong bình an.
Ngài bình tĩnh khi Giuđa nộp Thầy bằng một nụ hôn.
Ngài cấm các môn đệ dùng gươm để bảo vệ Thầy.
Ngài chạm vào vết thương để chữa cho kẻ bị chém đứt tai.
Ngài bị bắt, như bị thua trước sức mạnh của bóng tối.
Đức Giêsu dùng hiền hòa để đối lại bạo lực,
diệt sự ác bằng sự thiện, hủy sự dữ bằng bao dung.
Khi Phêrô chối, Ngài đã nhìn ông bằng cái nhìn đau buồn,
nhưng đầy tình thương, khiến ông không mất hy vọng.
Trước những lời tố cáo của giới lãnh đạo tôn giáo,
trước mặt Philatô và Hêrôđê, Ngài chẳng hề biện hộ.
Đàng Thánh Giá của Chúa Giêsu có những người không sợ.
Ông Simôn, người Kyrênê, không sợ vác thánh giá giúp Chúa.
Các phụ nữ không sợ đi theo Chúa từ Galilê đến tận Núi Sọ,
đi hết các chặng Đàng Thánh Giá của Chúa (Lc 23,49).
Anh trộm lành không sợ bênh vực sự vô tội của Chúa.
Viên đại đội trưởng không sợ tuyên bố công khai:
“Người này thực là người công chính!” (Lc 23,47).
Thậm chí ông Giô-xếp ở vùng A-ri-ma-thi-a cũng không sợ,
dù ông này là người trong giới lãnh đạo tôn giáo.
Ông đã không tán thành việc kết án Chúa Giêsu,
và ông đã đứng ra lo việc mai táng Chúa (Lc 23,50-53).
Suy ngắm cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Chúa
có thể giúp ta biết cách đối diện với chiến tranh, bạo lực,
với bất công và đau khổ của thế giới hôm nay.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin nhớ đến sáu triệu người đã bị chết vì hơi ngạt,
bị giết, bị dìm dưới nước, bị thiêu sống, bị tra tấn,
bị đánh đập hay chịu lạnh cóng cho đến chết.
Chỉ vì lòng độc ác của một người
mà cả dân tộc chúng con bị đóng đinh,
trong khi thế giới lặng lẽ đứng nhìn.
Trái tim chúng con
sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyện đó.
Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,
Xin cho tro cốt của những đứa trẻ bị thiêu ở Auschwitz,
cho dòng sông máu đổ ra ở Bab-bi Yar hay Maj-da-nek,
trở thành lời cảnh báo cho nhân loại biết rằng:
lòng căm thù dẫn đến hủy diệt, bạo lực thì dễ lây lan,
và khả năng độc ác của con người thì vô hạn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin Chúa hãy làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày,
rèn giáo mác nên liềm, nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Amen.
Alexander Kimel (người sống sót sau Holocaust)