Điều gì đã diễn ra trong 4 tháng dịch bệnh?

Chúng ta đang sống tại đỉnh điểm của dịch bệnh virus Covid–19. Nói như thế để hy vọng đại dịch sẽ giảm dần. Nhưng không ai biết chắc, không ai đoán được dịch sẽ hoành hành đến khi nào, mức độ tác hại của nó ra sao. Chúng ta chỉ biết các quốc gia đang phải áp dụng biện pháp cực mạnh để hy vọng kiểm soát được tình hình.

Dịch bệnh virus Corona xuất hiện đầu tiên vào tháng 12 tại thành phố Vũ Hán, bên Trung Quốc. Căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và lây từ người sang người. Khi đó, Corona vẫn còn xa lạ với phần còn lại của thế giới. Các nước lúc đó vui mừng tổ chức lễ hội Giáng Sinh. Người người trở về nhà để chào đón năm 2020. Bầu không khí vui tươi hạnh phúc đó lấn át mọi thông tin liên quan đến con virus nào đó bên Trung Quốc.

Bước sang tháng 1, người Trung Quốc trở về quê hương đón Tết cổ truyền. Tại Việt Nam, người dân chúng ta cũng nô nức đón Xuân. Cũng như phần còn lại của thế giới, chúng ta nghe loáng thoáng về nước hàng xóm đang có dịch bệnh nào đó. Nhà nhà ăn Tết, người người vui Xuân. Tạ ơn Chúa vì mỗi người đã chào đón Chúa Xuân trong bình an. Trong bầu không khí rộn ràng ấy, thỉnh thoảng truyền thông loan tin về một con virus Corona đang lan rộng tại nhiều thành phố bên Trung Quốc. Thế giới bắt đầu lên tiếng trợ giúp, để ý và hy vọng Trung Quốc thành công trong việc chống lại con virus này.

Bước vào tháng 2, tình hình càng xấu đi. Số người chết theo thông cáo từ phía nhà nước Trung Quốc tăng lên đáng sợ. Nhiều người cho rằng con số ấy còn khủng khiếp hơn nhiều! Thêm vào đó, trong tháng này người Trung Quốc trở về nơi làm việc sau thời gian mừng Tết cổ truyền. Các sân bay rộn ràng đón khách, mọi máy bay tấp nập tới lui. Theo đường đó, virus Corona cũng âm thầm lây truyền nhanh hơn. Thực ra trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã đề phòng. Nhiều biên giới đã được thắt chặt. Người ta vẫn hy vọng dịch bệnh có thể được kiểm soát.

Ở những nước lân cận như Việt Nam, tác động của virus đã thấy. Người ta phòng ngừa dịch bệnh bằng cách đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh, rửa tay. Nhiều trường học phải cho các em ở nhà. Các nơi công cộng cũng được khuyến cáo người ta phòng dịch. Nhiều người Trung Quốc cũng bị cách ly khi trở lại Việt Nam làm việc. Lúc này, nhiều quốc gia đích thân cử máy bay sang Trung Quốc đón người mình về nước. Họ muốn bảo vệ người dân được bình an giữa dịch bệnh. Số người mắc bệnh trên thế giới tăng lên từng ngày. Mọi nước đang bừng tỉnh. Nhiều biện pháp đã được khởi động. Không ai nghĩ dịch virus Covid–19 lại trở nên nỗi kinh hoàng cho nhân loại tại thời điểm tháng 2.

Trong tháng 3, nỗi kinh hoàng ấy đã thành hiện thực. Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố đây là đại dịch. Nghĩa là mọi quốc gia cần vào cuộc để phòng chống dịch bệnh. Tháng vừa qua, người ta chẳng còn giờ để tâm đến những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Nước nào cũng rối bời tập trung lo cho dân mình. Rất nhiều biên giới cửa đóng then cài. Nếu như trước dịch, vận tải hàng không như những đàn ong bay náo nhiệt, thì trong tháng qua, các máy bay phải nằm yên tại phi trường. Giao thông đi lại bị hạn chế. “Hãy ở nhà!” là lời mời gọi mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Cuối tháng 3, Việt Nam cũng đã áp dụng biện pháp: “cách ly toàn xã hội”. Nghĩa là thực hiện theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.” Điều ấy đã bắt đầu áp dụng từ ngày hôm nay (1–4–2020).

Dĩ nhiên ai cũng thấy đại dịch bệnh Covid–19 đã và đang tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống. Nó ảnh hưởng đến kinh tế là điều đương nhiên, đến chuyện đi lại là điều tất yếu. Hậu quả nặng nề nhất là dịch bệnh đã và đang cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Số người nhiễm bệnh đến báo động. Số người cách ly ngày càng gia tăng. Kéo theo đó là hệ thống y tế phải gồng mình phòng chống dịch. Thương nhất là các y bác sĩ phải làm việc ngày đêm, với hy vọng cứu càng nhiều người càng tốt.

Về phía Giáo Hội Công Giáo thì sao? Dịch đã khiến thành Rôma tráng lệ phải thực hiện thời gian giới nghiêm. Mọi chương trình, thánh lễ cộng đoàn đều phải hủy bỏ. Các cuộc họp, gặp gỡ đều phải tạm ngưng. Hầu hết tại các nơi, thánh lễ được cử hành qua Internet, online. Còn tại các địa điểm hành hương, dĩ nhiên vắng lặng như tờ. Trong đại dịch, Giáo Hội đã có những hướng dẫn và biện pháp kịp thời để đồng hành với con cái mình. Nhất là về đời sống thiêng liêng, Giáo Hội không nguôi thôi thúc mỗi người trở về với Thiên Chúa. Dù không thể cùng nhau dâng thánh lễ trong nhà thờ, dù phải hủy các chương trình đại lễ, nhưng Giáo Hội vẫn tin rằng Thiên Chúa luôn ở với mỗi người.

Lời van xin cấp bách

Trước tình hình u ám, phức tạp và đau buồn này, chúng ta không mất hy vọng hoặc tin tưởng. Ngược lại, càng trong gian nan thử thách, Chúa càng mời gọi chúng ta chạy đến với Người. Hãy tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay (x Tv 37). Theo đó, chúng ta đã có nhiều buổi cầu nguyện chung trên toàn thế giới. Mỗi người cũng đang khấn xin Thiên Chúa ban cho đại dịch sớm đi vào hồi kết. Không phân biệt tôn giáo, chính trị hoặc dân tộc, mọi người đang van xin và chờ mong Vắc–xin và phương thuốc chữa trị căn bệnh khủng khiếp này. Là người Công Giáo, chúng ta tin Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động nơi các nhà nghiên cứu. Hy vọng họ sớm báo tin vui cho toàn nhân loại.

Bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch, những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không thừa. Nếu nhớ lại những biến cố đau thương trong lịch sử, thì lời cầu nguyện, van xin cấp bách luôn cho kết quả tuyệt vời. Đây là lời hứa chắc nịch của Thiên Chúa: Ai xin thì sẽ được, tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. (Mt 7,7).

Xin đừng để mình rơi vào chỗ tuyệt vọng. Thiên Chúa vẫn có đó, chúng ta vẫn sát cánh cùng nhau, nhân loại đang đoàn kết lại. Đây là thời gian đặc biệt cho sự tồn vong của nhân loại. Hoặc nói như Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 29–3: “Ước gì việc chúng ta cùng nhau chiến đấu chống lại đại dịch, giúp chúng ta nhận ra việc cần phải củng cố mối tương quan huynh đệ như những thành viên trong một gia đình nhân loại.” Nơi đó, Thiên Chúa sẽ chữa lành những vết thương, bệnh tật của mỗi người anh chị em chúng ta.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *