“Điều răn của Thiên Chúa” và “truyền thống của người phàm” (29.8.2021 – Chúa Nhật XXII Thường Niên, năm B)

 

“Điều răn của Thiên Chúa
và “truyền thống của người phàm”
(Mc 7, 1-8a.14-15.21-23)

 

1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận;4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.

5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.

7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

  1. Nghi thức rửa tay

Các môn đệ đã không rửa tay trước khi dùng bữa, nhưng người ta lại đi chất vấn vị Thầy của họ, là Đức Giê-su :

Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? 

(c. 5)

Như thế, các môn đệ làm điều không đúng dưới mắt của những người tuân giữ và bảo vệ Truyền Thống, nhưng người nghe lời than trách, lại là vị Thầy. Điều này có nghĩa là lời giảng của Thầy, cung cách hành xử của Thầy và chính bản thân của Thầy có vấn đề !

Đối với người Do Thái, rửa tay trước bữa ăn không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là một nghi thức thanh tẩy. Bởi vì, lương thực là ân huệ Thiên Chúa ban, nên phải chuẩn bị mình để đón nhận. Hiểu như thế, nghi thức thanh tẩy này thật là có ý nghĩa trên bình diện thiêng liêng và cũng là một nghi thức tôn giáo nên bảo tồn. Và thật ra, chính chúng ta cũng làm như thế : trước bữa ăn, chúng ta làm dấu Thánh Giá, đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành ; khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta xin Chúa thanh tẩy để trở nên xứng đáng lãnh nhận Lời và Mình của Đức Ki-tô như là lương thực ; và theo Phụng Vụ Thánh Lễ, linh mục phải rửa tay trước khi cử hành nghi thức truyền phép, đồng thời đọc thầm : « Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm xin Ngài thanh tẩy » (x. Tv 51, 4).

Như thế, những người Pha-ri-sêu và Luật Sĩ thật có lí, khi lưu ý Đức Giê-su rằng, các môn đệ của Ngài đã không rửa tay trước bữa ăn. Cũng tương tự như các nhà chuyên môn về phụng vụ của chúng ta, hay những người yêu thích phụng vụ vẫn thường lưu ý hay phê phán người này người kia đã làm sai hoặc không làm một qui định chữ đỏ nào đó trong Sách Lễ Roma. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại bênh vực các môn đệ của mình. Vậy, đâu là vấn đề của những người Pha-ri-sêu và Luật sĩ ? Và phải chăng, vấn đề của họ cũng có thể là vấn đề của chúng ta ?

Nghi thức thanh tẩy dù có ý nghĩa và quan trọng, nhưng cũng chỉ là một cách diễn tả của con tim, là một lời mời gọi hướng tới một thái độ nội tâm. Thật vậy, giữ nghi thức và giữ thật đúng qui định nói lên điều gì hay sẽ đem lại hoa trái nào, khi mà trong lòng trống rỗng, hay có những tâm tình hay cảm nghĩ bất xứng hay không phù hợp ? Như Đức Giê-su đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : « Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình » (Mt 5, 23-24). Sai lầm là ở chỗ, người ta bị xét đoán là thanh sạch hay nhơ uế tùy theo việc giữ hay không giữ nghi thức rửa tay hay những nghi thức khác ; như thế, nghi thức trở thành tiêu chuẩn xét đoán về tương quan giữa con người và Thiên Chúa, và do đó, giữa con người với nhau, bởi vì người ta sẽ cư xử đặc biệt với những « người nhơ uế », những « người tội lỗi ». Đối với Đức Giê-su, điều làm cho người ta trở nên thanh sạch hay nhơ uế không phải là điều ở bên ngoài, nhưng là điều trong nội tâm. Đức Giê-su đã trích lời ngôn sứ này trong Kinh Thánh :

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

(c. 6-7)

Và trong các Mối Phúc, Đức Giê-su nói : « Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa » (5, 8). Xin Chúa làm cho con tim của chúng ta luôn biết lắng nghe Lời của Người ; vì đó là con đường duy nhất làm cho con tim của chúng ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa, làm cho các việc làm, các thực hành đạo đức của chúng ta trở nên đáng yêu dưới mắt Chúa. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất lực trong nỗ lực điều khiển con tim, trong việc làm chủ những diễn biến nội tâm, và nhất là những diễn biến ở những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn. Chỉ có Thiên Chúa, ngang qua Lời và Mình của Đức Giê-su, mới có thể làm cho con tim của chúng ta nên thanh sạch, mới có thể tái tạo và làm cho con tim của chúng ta nên mới. Xác tín này làm cho chúng ta bình an và khiêm tốn.

* * *

Trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su nói hai lần về cùng một điều, đó là tương quan giữa truyền thống và Lời Chúa :

  • Lần thứ nhất về chuyện rửa tay trước khi dùng bữa : “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm » (c. 8)
  • Lần thứ hai, nghiêm trọng hơn, vì liên quan đến luật thảo kính cha mẹ của Mười Điều Răn : « Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa » (c. 13). Và Đức Giê-su còn nói thêm : “Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !” (Mc 7, 13)

Truyền thống là một giá trị qui chiếu quan trọng, hơn nữa là một ơn huệ, bởi vì đó là một cách sống giới răn của Chúa, sống Lời Chúa của một cộng đoàn trong một thời gian và nơi chốn đặc thù. Nhưng với thời gian, các việc thực hành tốt đẹp này chỉ còn vẻ bề ngoài, không xuất phát từ, hay không diễn tả, tâm tình của con tim, và có khi trở thành quan trọng hơn cả Lời Thiên Chúa, nghĩa là trở thành ngẫu tượng.

Chúng ta cũng có rất nhiều truyền thống ở mọi cấp độ: Giáo Hội, Dòng tu, tu hội, dân tộc, cộng đoàn, nhóm… Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận định lại toàn bộ dưới ánh sáng của Lời Chúa.

 

  1. Lương thực và ô uế

Trong phần còn lại của bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, Đức Giê-su đặc biệt nói về truyền thống liên quan đến lương thực và qua đó giải thoát chúng ta khỏi quan niệm lệch lạc về lương thực, đó là coi khinh lương thực, nhìn lương thực như một thứ cám dỗ, làm cho người ta ra ô uế hay như dịp tội hoặc cạm bẫy. Vì thế, để đền tội hay trở nên thánh thiện, phải ăn chay, nhịn ăn nhịn uống[1]. Tuy nhiên, Đức Giê-su tuyên bố:

Mọi thức ăn đều thanh sạch !

(Mc 7, 19)

Mọi thức ăn đều thanh sạch, bởi vì đó là ơn huệ Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa, như các trình thuật sáng tạo mạc khải (x. St 1 và 2), nhất là Thánh Vịnh 136:

Chúa ban lương thực cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(Tv 136, 25)

Và ơn huệ lương thực nhắc nhớ nhưng ơn huệ khác : trời đất, sự sống muôn loài, sự sống con người… Thật vậy, trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, sự sống dồi dào rồi, “sự sống dồi dào”, không phải là sự sống “ăn no mặc ấm” và “êm trôi êm trôi”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10).

Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực, được Thiên Chúa ban cho loài người từ thủa tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày; bởi lẽ khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” trong kinh Lạy Cha, Chúa không chỉ ban cho chúng ta lương thực làm cho chúng ta sống mỗi ngày, nhưng còn ban Lương Thực mang lại sự sống đích thực hôm nay và mãi mãi: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

Lương thực chỉ trở nên cạm bẫy, khi chúng ta sử dụng như những sự vật nhằm thỏa mãn nhu cầu và lòng ham muốn ; và lòng ham muốn thì không cùng, không cần tương quan tình thương và mù quáng với tương quan tình thương.

 

  1. Biết ơn và ca tụng

Chính tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là tình yêu đến cùng của Người được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, và tình yêu đến cùng chúng ta ước ao dành cho Chúa, chứ không thể là bất cứ điều gì khác, giúp mỗi người chúng ta giữ được lệnh truyền, nghĩa là làm chủ được lòng ham muốn. Bởi vì, theo thánh Phao-lô, lệnh truyền đặc trưng là « ngươi không được ham muốn » (Rm 7, 7).

Thế mà, ham muốn chính là đặc điểm của thú tính và là nguồn phát sinh ra mọi ý định xấu, như Đức Giê-su kể ra trong bài Tin Mừng : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

 

* * *

Vì thế, Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy niệm, chiêm ngắm và cảm nếm ơn huệ lương thực. Của ăn của uống hằng ngày, nhất là các bữa ăn: chúng ta có đón nhận như ơn huệ của Thiên Chúa không? Và qua ơn huệ lương thực, chúng ta có đón nhận sự sống mỗi ngày ở mức độ căn bản nhất như là hồng ân, như lời diễn tả tình yêu và lòng bao dung của Chúa không, để cho mỗi ngày sống của chúng ta trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa? Như lời mở đầu Giờ Kinh Sáng mời gọi:

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Người.

Chính việc ghi nhớ ơn huệ sẽ làm phát sinh nơi con tim của chúng ta tình yêu và lòng ước ao đáp trả trong tâm tình tạ ơn, ca tụng và dâng hiến (x. Tv 104 và Tv 139).

Suốt cuộc đời tôi sẽ ca tụng Chúa,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.

(Tv 104, 33)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Một Cha Giáo nói với các tập sinh: “Các anh cứ tưởng là khi ăn chay, các anh sẽ thánh thiện hơn; nhưng thật ra các anh chỉ gầy đi hơn thôi!”

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 06-01-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 6/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG San sẻ niềm hân …

Mến Yêu Hằng Ngày, 06-01-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 06-01-2025 (Mt 4, 12-17.23-25) Khi Đức Giê-su nghe tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *