- Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn. Niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta được thương yêu vô bờ. Tôi hiểu được nỗi ưu phiền của những người phải chịu đau khổ nặng nề, nhưng tuy chậm mà chắc chắn, tất cả chúng ta phải để cho niềm vui của đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông cậy âm thầm nhưng kiên vững, ngay cả giữa những thử thách nặng nề nhất: “Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi… Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!… Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của Đức Chúa, đó là một điều hay” (Ac 3:17, 21-23, 26).
Chay tịnh – là để tôi biết mình không thuộc thế gian này. Chúa Giêsu đã không xin Cha cất chúng ta khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ khỏi ác thần.
Cái thế gian nhiều cay độc, cõi vô thường luôn đổi thay. Cuộc sống lắm ưu phiền dẫn đến những những tình huống tột cùng.
Người nhà phật khi lâm trọng bệnh cố giữ lòng an nhiên đón nhận cái quả trổ ra từ vô lương kiếp, sẵn sàng sống cho qua kiếp nạn đến từ kiếp nào không biết – cuộc sống như thế chỉ có mùa chay.
Người công giáo khi lâm trọng bệnh, hay gặp gian nan khốn khó, chỉ biết tự nhủ thầm vui lòng vác thánh giá theo chân Chúa cho trọn – phúc bất trùng lai mà họa thì lại vô đơn chí – gian nan khốn khó dồn dập thì cuộc sống như thế chỉ có mùa chay.
Anh trộm cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, anh CHỈ BIẾT CÓ KIẾP NÀY, một đời người đã gây nên bao tội lụy, mùa chay của anh là những tháng ngày tù tội và thập giá, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì không đủ đền bù bao tội lỗi anh đã gây nên giữa nhân thế. Và rồi, chuyện cứ như thể tình cờ, anh đã gặp được Giêsu ngay trên thập giá, hay đúng hơn, Giêsu đã tìm đến với anh ngay trên thập giá, Ngài nắm lấy tay anh dắt vào Vương Quốc vĩnh cữu: một đời tột lỗi nhiều đớn đau tủi nhục kết thúc trong ơn thánh.
Trong Công Vụ Tông Đồ, khi Phêrô và Gioan đang giảng thì lãnh đạo Do Thái sai người đến bắt và tống ngục, lúc đó trời đã về chiều. Lần đầu tiên bị tống ngục, trời đã về chiều, tâm trạng hai vị tông đồ lúc này ra sao ? Phải chăng là lo âu lẫn buồn phiền, một đêm khó ngủ …
Không, trái lại, một niềm vui dâng trào vì biết bao kỷ niệm về thầy Giêsu ùa vào lòng hai ông…và nhất là quyền năng và sức mạnh của Đấng vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình tiếp tục hành động trong các ông nhờ Thánh Thần, làm bừng cháy trong các ông niềm tin, tình yêu và sức mạnh: mùa phục sinh diễn ra ngay trong ngục tối.
Một bước đường, sau nhiều năm tìm đến với bà con sắc tộc để chia sẻ cuộc sống và loan báo Tin Mừng cho họ, lúc này đây, khung trời trước mặt cứ như bị thu nhỏ lại, bước đi chậm chạp, xương cốt già cỗi theo qui luật của năm tháng, hay qui luật của người có làm có chịu? Lạy Chúa, khi gieo mình vào lòng Chúa thương xót, một niềm hoan lạc thấm nhập con tim, lan tỏa khắp thân, một niềm vui trào lên từ những cơn đau nơi xương khớp, như dấu ấn tín trung của người thợ trên cánh đồng. Dù con yếu đuối và lỗi lầm. Xin hãy cùng tôi ca ngợi Chúa…
Chúng ta hãy nghe lời Đức Thánh Cha nhắn gửi hôm nay: Tôi hiểu được nỗi ưu phiền của những người phải chịu đau khổ nặng nề, nhưng tuy chậm mà chắc chắn, tất cả chúng ta phải để cho niềm vui của đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông cậy âm thầm nhưng kiên vững, ngay cả giữa những thử thách nặng nề nhất.
Chính Đấng vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình cũng đang lên tiếng kêu mời: Hỡi tất cả những ai mệt nhọc gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Trong Chúa, niềm vui luôn đầy tràn, không gì ngăn nổi niềm vui nơi lòng người kitô hữu.
MM Tân, S.J. chia sẻ