ĐỨC THÁNH CHA THĂM MỤC VỤ GIÁO XỨ THÁNH TÂM Ở RÔMA
RÔMA. Ngày 19.1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã thăm mục vụ giáo xứ Thánh Tâm, một giáo xứ ở Rôma, gần trạm Termini, đang đặt dưới sự quản lý của các cha dòng Don Bosco.
Trong bài chia sẻ trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã triển khai ý tưởng của bài Tin Mừng kể về việc ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu với mọi người chung quanh rằng: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Đức Giêsu đã đến trong trần gian này làm người và mang lấy trên vai mình tất cả tội lỗi của nhân gian. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh ở bờ sông, nơi ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu và hãy lắng nghe câu nói của Gioan Tẩy Giả. Hãy chiêm ngắm Giêsu trong thinh lặng, và thưa lên cùng Chúa điều gì đấy từ con tim mình.
Giáo xứ Thánh Tâm là giáo xứ thứ tư trong các cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha và là giáo xứ đầu tiên ở Rôma. Trong cuộc viếng thăng kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ này, ngoài thánh lễ, Đức Thánh Cha còn gặp gỡ các tín hữu trong giáo xứ, gặp những người tị nạn, vô gia cư, các gia đình, thăm cộng đoàn các cha Don Bosco và gặp gỡ các bạn trẻ.
ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI HƯỚNG ĐẾN SỰ HIỆP NHẤT CÁC TÍN HỮU KITÔ
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung các khách hành hương diễn ra vào sáng thứ 4, 22.1 vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về vấn đề hiệp nhất trong các Giáo Hội Kitô và gợi nhắc mọi người về tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô.
Lấy gợi hứng từ thư thứ I của Thánh Phaolo gửi Tín Hữu Côrintô: “Chẳng lẽ Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy sao?”, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng “Đức Kitô không bị chia năm xẻ bảy nhưng chúng ta phải thành thật nhìn nhận rằng các cộng đoàn của chúng ta đang tiếp tục trải qua những chia rẻ vốn là nguồn của mọi cớ vấp phạm và làm yếu đi khả năng làm chứng cho Tin Mừng của chúng ta. Thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu Côrintô hãy vui hưởng những ơn thiêng lớn lao mà họ đã lãnh nhận.” Đức Thánh Cha cho rằng để có thể làm được điều này chúng ta phải có lòng khiêm nhường, óc nhận định và luôn luôn hoán cải.
Cuối cùng, ngài nhắn nhủ các tín hữu: “Anh chị em thân mến, lời giáo huấn này của thánh Phaolô gợi nhắc chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhờ Bí tích Thánh Tẩy, và chúng ta là những người môn đệ của Đức Giêsu vác thập giá. Ngoài những cộng đoàn của chúng ta, còn có những cộng đoàn khác, cũng là con cái Thiên Chúa, những người môn đệ, cũng như chúng ta, được mời gọi để nên thánh.”
ĐỨC THÁNH CHA SẼ THĂM MỘT SỐ NƯỚC Ở CHÂU Á
VATICAN. Năm nay2014, Đức Thánh Cha có thể sẽ viếng thăm Hàn Quốc và năm tới 2015, ngài sẽ viếng Sri Lanka và Philippines. Đó là những gì mà cha Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết.
Liên quan đến chuyến đi Hàn Quốc, cha Lombardi cho hay chuyến đi này “đang được xem xét” và Đức Thánh Cha đã nhận được lời mời từ các Giám Mục Hàn Quốc mời ngài đến nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Á Châu, sẽ diễn ra tại nước này vào giữa tháng tám năm nay. Liên quan đến chuyến đi Sri Lanka và Philippines, cha Lombardo nói rằng “Đức Thánh Cha cũng đã nhận được lời mời rồi nhưng vẫn còn đang suy xét, và nếu có thì chắc là không thể thực hiện vào năm này. Khi được hỏi về việc Đức Thánh Cha có suy xét đến việc viếng thăm một số nơi khác như Sarajevo hay Uganda, cha Lombardi không tiết lộ gì thêm.
Trên chuyến bay trở về từ Rio nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vừa qua, Đức Thánh Cha chia sẻ với giới báo chí rằng ngài chắc chắn sẽ có những chuyến viếng thăm châu Á, vì điều này rất quan trọng. Tiếc là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chưa thể đến đó được gì không sắp xếp được thời gian.
ĐỨC THÁNH CHA GỬI LỜI ĐẾN DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI
VATICAN. Thông qua Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, Đức Thánh Cha đã gửi một thông điệp ngắn đến Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới diễn ra từ ngày 22 đến 25.1, tại Thụy Sĩ. Trong đó, ngài chia sẻ rằng chúng ta không thể làm ngơ trước hiện trạng hàng ngàn người chết đói hàng ngày, trong khi nhiều nơi lương thực bị lãng phí. Ngài xin các thành viên tham dự hãy cố gắng để đảm bảo rằng sự giàu có phải phục vụ chứ không thống trị con người.
Ngài chia sẻ rằng đà tiến lên của sự bình đẳng đòi hỏi những quyết định, cơ cấu và tiến trình hướng đến sự đóng góp tốt hơn của cải, tạo ra những nguồn nhân lực. Dựa trên những suy tư của mình về những thay đổi của thời đại, ngài thỉnh cầu những ai có khả năng hãy cống hiến cho sự sống của nhân loại, phục vụ người nghèo. Theo Đức Thánh Cha, chỉ khi nào chúng ta mở ra với siêu việt thì các chính sách mới có thể thành hình và hướng dẫn các hoạt động kinh tế, tài chính trong phạm vi của luân lý, vốn là cái rất nhân văn, mang tính con người.
CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN 48
VATICAN. Hôm 23.1 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 48, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 1.6.2014, với đề tài “Truyền thông phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực.
Khởi đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha đánh giá cao vai trò của truyền thông trong việc giúp con người trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Sau đó, ngài nói đến những mặt xấu của truyền thông, chẳng hạn như việc truyền thông quá nhanh, vượt qua khả năng suy tư phán đoán của con người khiến cho thông tin thiếu đi sự chính xác. Truyền thông có thể lái sự chú ý của độc giả để phục vụ cho những lợi ích cá nhân nào đó. Đôi khi, nó cũng làm cho chúng ta mất đi định hướng. Tệ hại hơn, nó có thể gạt một số người không đi vào guồng máy ấy ra bên ngoài.
Cuối sứ điệp, Đức Thánh cha chia sẻ rằng “ước gì hình ảnh người Samari nhân lành, băng bó các vết thương cho người bị đánh hướng dẫn chúng ta. Ước gì sự truyền thông của chúng ta là dầu thơm xoa dịu đau khổ và là rượu ngon mang lại hoan lạc…Cuộc cách mạng các phương tiện truyền thông xã hội và thông tin là một thách đố lớn lao và đầy thú vị, đòi phải có những nghị lực mới mẻ và óc sáng tạo để thông truyền cho tha nhân vẻ đẹp của Thiên Chúa.”
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP TÒA THƯỢNG THẨM ROTA
VATICAN. Ngày 24.1 vừa qua, nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, Đức Thánh Cha đã dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Rôma buổi tiếp kiến đầu tiên. Hiện diện trong buổi tiếp kiến có khoảng 150 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phám của tòa Rota thuộc nhiều quốc tịch, các luật sư và viên chức khác, dưới sự điều động của vị niên trưởng là Đức Ông Pio Vito Pinto.
Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đã phác họa ba đặc tính thiết yếu của vị thẩm phán tòa án Giáo Hội. Về mặt nhân bản, vị thẩm phán phải trưởng thành, phán đoán đúng đắn, không thiên tư, hiểu rõ những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng mình phục vụ để không cứng nhắc, duy luật. Về mặt pháp lý, phải nắm vững kiến thức về Giáo Luật và Thần Học, khi đưa ra phán quyết thì nhắm tới công bình và chân lý. Về mặt mục vụ, vị thẩm phán phải đóng vai trò như một vị mục tử nhân lành chăm sóc con chiên của mình. Thế nên, thẩm phán phải được đức bác ái mục tử linh hoạt.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN TỔNG THỐNG PHÁP
VATICAN. Ngày 24.1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp kiến lần đầu tiên với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Vị tổng thống có cuộc gặp gỡ riêng với Đức Thánh Cha khoảng 35 phút, sau đó, đoàn tùy tùng của ông cũng được mời vào gặp Đức Thánh Cha. Trong đó có bộ trưởng nội vụ Manuel Valls, cha Georges Vandenbeusch, thừa sai tại Camerun bị bắt cóc rồi được giải thoát hồi tháng 12 năm ngoái.
Sau đó, Tổng thống Pháp đã gặp Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và gặp Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Dominique Mamberti. Trong các cuộc hội kiến này, hai bên đã trao đổi với nhau về nhiều vấn đề: về mối quan hệ tốt đẹp giữa Pháp và Tòa Thánh, các vấn đề nổi cộm như gia đình, đạo đức sinh học, nạn nghèo đói, di dân, môi sinh, đặc biệt là cuộc xung đột ở Trung Đông và một số miền ở Phi Châu. Hai bên cũng nhắc lại với nhau quyết tâm duy trì cuộc đối thoại đều đặn giữa Giáo Hội Công Giáo và nhà nước Pháp.
TRƯỞNG PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH TẠI GENÈVE 2 KÊU GỌI TRÁNH DÙNG BẠO LỰC
GENÈVE. Trong phiên học tại Montreux, Thụy Sĩ, hôm 22.1 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, trưởng phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị quốc tế Genève 2 về hòa bình, đã kêu gọi các vị lãnh đạo quốc tế và đại diện các phe lâm chiến ở Syria nên bước vào thương thuyết hơn là dùng bạo lực và hãy quan tâm đến dân chúng nhiều hơn.
Theo Liên Hiệp Quốc, đã có hơn 130 ngàn người bị giết và gần 9 triệu người tản cư trong và ngoài Syria kể từ khi các nhóm đối lập tìm cách lật đổ tổng thống Bashar Assad. Trong khi hội nghi Genève 2 đang diễn ra thì các cuộc xung đột và chém giết tại Syria vẫn còn tiếp diễn. Đức TGM đã đề nghị một số việc cần phải làm để cứu vãn tình hình: ngưng bắn vô điều kiện, cấm chuyên chở và cung cấp vũ khí; trợ giúp nhân đạo cho người dân; trợ giúp công ăn việc làm cho giới trẻ Syria; đối thoại và hòa giải giữa các cộng đồng tôn giáo tại nước này; các cường quốc trong vùng và quốc tế hỗ trợ cho công cuộc đối thoại để Syria có thể trở thành một động cơ hòa bình cho cả các nơi khác trong vùng.
LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO HOÀNG HẬU CRISTINA
NAPOLI. Ngày 25.1 tại Vương Cung Thánh Đường thánh Clara của dòng Phanxicô ở Thành Phố Napoli, nam Italia, , Đức Hồng Y Angelo Amato đã chủ sự thánh lễ phong chân phước cho Hoàng Hậu Cristina di Savoia.
Năm 20 tuổi, vị công chúa kết hôn với Vua Fernando II di Bourbon, vua của hai miền Sicilia. Lúc ấy, với sự đồng ý của chồng, Hoàng Hậu đã dành một phần tiền tổ chức lễ cưới để cấp tiền hồi môn cho 240 thiếu nữ kết hôn và chuộc lại phần lớn các đồ họ mang đi cầm. Nơi hoàng cung, Hoàng Hậu cũng đã nêu gương sống đạo rất tốt: dịu hiền, khiêm nhu, khuyên bảo và cứu giúp dân nghèo, cải án cho nhiều tử tội và giúp đỡ các gia đình túng thiếu. Ngài qua đời khi mới 24 tuổi, do một biến chứng hậu sản.
Chia sẻ về chân phước hoàng hậu Cristina, Đức Hồng Y Amato nói rằng: “Chân phước Cristina đã thức tỉnh thế giới, làm cho họ ra khỏi tình trạng ươn lười của sự tầm thường và sự ác để mở cho họ năng động của điều thiện hảo… Sự trọn lành của đức tin không phải là đặc ân của giai cấp nào, nhưng là cơ hội được ban cho tất cả mọi người, nếu họ đầu tư những nén bạc thiêng liêng tin cậy mến của họ để làm điều thiện”
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ