Những gốc đa trầm lặng

­ Chiều Sài Gòn sau cơn mưa, nặng những hạt buồn. Buồn bên ngoài thấm cả bên trong. Từ trên cao nhìn xuống thành phố quả thật tráng lệ sầm uất, nhưng nhìn dòng người sống vội vã, đua với thời gian trên các ngã đường con hẻm – dường như mong được đổi đời giữa Xì Phố tráng lệ nà – thì quá xô bồ.

Bing boong! Bing boong! Bing boong!!!

Hồi chuông vang lên kéo tôi quay lại ngôi Thánh đường, nơi tháp chuông đang đung đưa theo nhịp của người giật. Tiếng chuông thời bình thánh thót hân hoan lời ca tụng Thiên Chúa. Các mẹ các em thướt tha áo dài, các ông các chàng xúng xính sơ mi cùng nhau dập dìu hân hoan bước theo tiếng chuông. Từng hồi chuông ngân nga, ngân nga. Từng hồi chuông như vọng lại thuở ban sơ còn chiến tranh loạn lạc… Giáo xứ giờ đã “đổi thịt thay da”. Tháp chuông giờ đã vút cao giữ trời thanh sau cơn mưa rào bất chợt.

Dòng người tạm gác lại công việc để trở về mái nhà xưa, trở về nơi đã gắn bó từ khi biết chạy, biết chơi. Tạm gác lại công việc để hồi cố, để biết ơn những người đã đóng góp cho cuộc đời ai ai. Những người ấy giờ đã… về vườn ẩn dật! Vì ẩn dật nên họ hiện hữu âm thầm, chẳng bóng chẳng hình bên nhịp sống ồn ào tấp nập này. Nói đến đây bỗng dung tôi nhớ lại những dịp đi thăm các Cha hưu nhà thờ Chí Hòa. Tuổi trẻ hăng hái lo toan cho Giáo hội xây dựng Giáo xứ, xây dựng con người; bóng xế chiều các Cha âm thầm gửi thân nơi nhà hưu dưỡng.

Hồi chuông cũng vọng lại trong tôi mái nhà không xưa lắm: tu viện. Tu viện của một buổi chiều Chúa Nhật tĩnh lặng và bình yên sau một tuần náo nhiệt cùng trẻ thơ. Tĩnh lặng tới mức tôi nghe được tiếng con ong mật đang say sưa hút những bông hoa Dạ Lý Hương trắng ngào ngạt thơm. Tĩnh lặng như các Bà ở góc nhỏ nhà hưu trong tu viện. Nhà hưu chỉ còn ba Bà, những cây cổ thụ một thời bôn ba đang dần dần rời tu viện. Các Bà bây giờ “sức trẻ đã hết”, những việc cá nhân rất đơn giản cũng trở thành một thách đố lớn. Sau khi đã dâng hết cả tuổi xuân cho Giáo Hội lữ hành, tuổi già của các Bà là bốn bức tường, chỉ đợi chờ ngày hợp đoàn với các chị đã ra đi.

Có Bà đã dâng hiến trọn đời với ước mong góp phần nhỏ bé của mình để đem đến bình an trong lòng mỗi người qua lời kinh tiếng hát. Đến tuổi lẫn, đêm giật mình bật dậy đọc kinh. Lời kinh khuya làm cho Bà khác giật mình tỉnh giấc khó chịu, song vẫn thương người chị em mình đang rơi vào cõi lãng quên. Bà Hồng thì cứ kể mãi những hồi ức khó khăn vất vả thuở xưa và những người bạn đường thân thiết thuở nào. Bà Hai đôi chân giờ đã héo hắt gầy mòn sau bao năm thời trẻ đã rảo khắp hang cùng ngõ tận mang những gánh thuốc tễ để nâng đỡ bao phận người. Đôi chân đi ấy chưa mỏi nên cũng không quên đồng hành cùng Giáo xứ dạy giáo lý cho thiếu nhi.

Tôi học được các bà những mảnh ghép của hình ảnh Chân Tu đích thực. Nhìn cơ ngơi ngày nay, tôi thường thầm thốt lên: Tạ ơn Chúa đã gửi các Bà cho hội dòng con. Tinh thần của các bà mang lại linh hồn cho học viện của chúng tôi.

Sự âm thầm ẩn dật sau bao năm chinh chiến không thể không khiến tôi khắc khoải về cách mình phục vụ các Bà khi có cơ hội chăm sóc nhà hưu. Điều đó khiến tôi thêm niềm vui và sự dấn thân trong đời tu. Tinh thần của các Bà cũng giúp tôi bớt chạnh lòng trước những lời mời mọc ngọt ngào của ai kia. Đứng trước những tấm gương cao cả của Giáo hội, tôi cảm thấy mình nhỏ bé xiết bao.

Chiều nay, tôi tiếp tục đứng bên gốc đa đang bật gốc vừa vun ít đất cho cây vừa nghe tiếng lá vi vu vọng về một thuở xa xưa. Chiều nay, lòng ấm áp lạ kỳ.

(Mừng lễ Suy tôn thánh giá)

Mạ non

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

 

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *