ĐTC cử hành thánh lễ Hiển Linh 06.01.2016

hien linhVATICAN. Các Đạo Sĩ đại diện con người thuộc mọi phần trên trái đất được tiếp nhận vào nhà của Thiên Chúa. Trước Chúa Giêsu không còn có chia rẽ chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa nào nữa. Đây là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ Hiển Linh, được cử hành lúc 10 giờ sáng hôm 06.01.2016, tại Đền Thờ Phêrô. Lễ Hiển Linh hay lễ Chúa tỏ mình cũng thường được gọi Là lễ Ba Vua.

Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có mấy chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và hơn 100 linh mục. Tham dự thánh lễ ngoài ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh còn có nhiều tu sĩ nam nữ và 8.000 giáo dân.

Sau Phúc Âm, có một phó tế đã loan báo ngày lễ Phục Sinh và nói: “Anh chị em rất thân mến, xin hãy biết cho rằng như chúng ta đã vui mừng vì Chúa Giêsu Kitô sinh ra, thì nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng tôi cũng loan báo cho anh chị em  niềm vui sự sống lại của Chúa Cứu Thế chúng ta. Ngày mùng 10 tháng 2 sẽ là lễ Tro, bắt đầu việc chay tịnh của mùa Chay thánh. Ngày 27 tháng 3 anh chị em sẽ tươi vui cử hành lễ Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Ngày mùng 5 tháng 5 lễ Chúa lên Trời. Ngày 15 tháng 5 lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngày 26 tháng 5 lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Ngày 27 tháng 11 sẽ là Chúa Nhật thứ I mùa Vọng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Xin dâng Ngài danh dự và vinh quang đến muôn đời Amen.”

Tiếp đó, ĐTC đã bắt đầu bài giảng của mình. Nguyên văn bài giảng của ĐTC như sau, Ngài nói:

“Những lời của tiên tri Isaia, ngỏ với thành thánh Giêrusalem, mời gọi chúng ta hãy đứng dậy, hãy bước ra, bước ra khỏi sự đóng kín của chúng ta, bước ra khỏi chính mình, và để nhận ra vẻ huy hoàng của ánh quang đang chiếu soi cuộc sống của chúng ta: “Hãy đứng lên, hãy mặc lấy ánh sáng, vì ánh sáng ngươi tới, vinh quang Chúa chiếu sáng trên ngươi” (60,1). Ánh sáng của ngươi là vinh quang của Thiên Chúa. Giáo Hội không thể tự huyễn hoặc khi chiếu toả ảnh sáng của chính mình, không thể nào. Điều này được nhắc nhở nhờ một cách thức diễn tả cực kỳ đẹp đẽ của thánh Ambrogio, khi ngài sử dụng vầng nguyệt như là phép ẩn dụ của Giáo Hội: “Vầng nguyệt thực sự là Giáo Hội: […] rực sáng không phải nhờ ánh sáng tự thân, nhưng là nhờ ánh sáng của Đức Ki-tô. Nhận lấy vẻ huy hoàng từ Vầng Dương Công Chính, vì thế Giáo Hội phải nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, nhưng là Đức Ki tô sống trong tôi”(Exameron, IV,8,32). Đức Ki-tô là ánh sáng đích thực vốn chiếu sáng; và chính trong chừng mực này mà Giáo Hội vẫn tiếp tục bám chặt vào Ngài, chính trong chừng mực này mà Giáo Hội được Ngài chiếu sáng, để rồi Giáo Hội có thể chiếu sáng đời sống của mọi người và muôn dân. Chính vì điều này các thánh Giáo phụ nhận ra nơi Giáo Hội “mầu nhiệm ánh sáng”.

Chúng ta cần ánh sáng này, thứ ánh sáng đến từ trời cao để đáp trả một cách phù hợp với ơn gọi mà chúng ta đã nhận lãnh. Loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô không phải là một chọn lựa giữa muôn vàn chọn lựa chúng ta có thể thực hiện, và cũng chẳng phải là một nghề nghiệp. Đối với Giáo Hội, trở nên thừa sai không có nghĩa là thực hiện việc nhiệt tình lôi kéo; đối với Giáo Hội, trở nên thừa sai tương ứng với việc diễn tả chính bản chất của Giáo Hội: đó là để cho mình được Thiên Chúa chiếu sáng và phản chiếu ánh sáng của Người. Đây là bổn phận của Giáo Hội. Chẳng có con đường nào khác. Sứ mạng là ơn gọi của Giáo Hội: làm cho ánh sáng của Đức Ki-tô được chiếu toả là bổn phận của Giáo Hội. Biết bao người đang chờ đợi từ chúng ta bổn phận thừa sai này, bởi vì họ cần Đức Ki-tô, họ cần nhận biết Dung Nhan của Thiên Chúa Cha.

Các đạo sĩ mà Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu nói với chúng ta, là những nhân chứng sống động của sự kiện là những hạt mầm của chân lý hiện diện ở bất cứ nơi đâu, bởi vì chúng là tặng phẩm của Tạo Hoá vốn kêu gọi tất cả hãy nhận ra Ngài là Cha thiện hảo và trung tín. Các đạo sĩ đại diện cho những người từ khắp mọi nơi trên mặt đất được đón nhận vào ngôi nhà của Thiên Chúa. Đối diện với Đức Ki-tô sẽ chẳng còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá: nơi Hài Nhi đó, tất cả nhân loại tìm thấy sự thống nhất. Và Giáo Hội có nhiệm vụ phải nhận ra và làm nổi bật trong cách thức rõ ràng hơn ý muốn của Thiên Chúa mà mỗi người ủ ấp nơi chính mình. Cũng giống như các đạo sĩ, biết bao người, ngay cả trong thời đại của chúng ta, đang sống với “tâm hồn khuấy động” vốn tiếp tục đặt nghi vấn mà chẳng tìm thấy những đáp án chắc chắn, đây là sự khuấy động của Chúa Thánh Thần vốn lay gọi những tâm hồn. Những tâm hồn ấy cũng đang tìm kiếm ánh sao vốn chỉ đường hướng về Bét-lem.

Có biết bao vì sao trên bầu trời! Thế mà, các đạo sĩ đã chỉ bước theo một vì sao khác biệt, mới mẻ, và đối với họ vì sao ấy chiếu sáng ngày một hơn. Họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng rất lâu cuốn sách vĩ đại của bầu trời để tìm ra một câu trả lời cho những nghi vấn của bản thân họ, cõi lòng họ đã được khuấy động, và cuối cùng ánh sáng đã xuất hiện. Ngôi sao đó đã biến đổi họ. Ngôi sao ấy đã làm họ quên mất những quan tâm hằng ngày, và dấn mình ngay vào cuộc hành trình. Họ đã lắng nghe một tiếng nói tận thâm tâm đã thúc đẩy họ và dõi theo ánh sáng ấy, đó là tiếng nói của Chúa Thánh Thần, vốn hoạt động nơi tất cả mọi người, và tiếng nói ấy đã hướng dẫn họ cho đến lúc họ tìm thấy vì vua Do Thái trong một ngôi nhà nghèo hèn ở Bết-lem.

Tất cả điều này là một giáo huấn cho chúng ta. Hôm nay, nếu chúng ta lập lại câu hỏi của các đạo sĩ thì tốt biết bao: “Vì vua Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy ánh sao của Người toả sáng và chúng tôi đã đến để triều bái Người” (Mt 2,2). Chúng ta bị thúc giục, trên hết là trong thời đại của chúng ta, để dấn thân vào cuộc tìm kiếm những dấu chỉ Thiên Chúa tỏ bày, vì biết rằng những dấu chỉ ấy tái đòi hỏi nhiệm vụ của chúng ta để giải mã chúng và nhờ đó thấu hiểu ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta bị chất vấn để đi đến Bết-lem nhằm tìm gặp Chúa Hài Đồng và Thân mẫu của Ngài. Chúng ta hãy bước theo ánh sáng Thiên Chúa đã soi tỏ cho chúng ta. Ánh sáng đó  chiếu toả từ khuôn mặt của Đức Ki tô, đầy tràn lòng thương xót và sự trung tín. Và, khi đã được diện kiến trước nhan của Người, chúng ta hãy triều bái Người với tất cả tâm hồn, và dâng kính Ngài những tặng phẩm của chúng ta: sự tự do, sự thông minh và tình yêu của chúng ta. Sự khôn ngoan đích thực ẩn nấp nơi khuôn mặt của Hài Nhi này. Và cũng tại đây, trong sự đơn sơ của Bét-lem, sự tổng hợp của đời sống Giáo Hội được tìm thấy. Và cũng tại đây, nguồn khởi phát của ánh sáng ấy, vốn lôi kéo đến với mình tất cả mọi người trên trái đất và định hướng cuộc lữ hành của muôn dân trên đại lộ của hoà bình.”

Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *