“Đức Giê-su chạnh lòng thương” (Ngày 18 tháng 07 năm 2021 – Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm B)

“Đức Giê-su chạnh lòng thương”

(Mc 6, 30-34)

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.

31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.

33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

« Nơi thanh vắng » được nói tới hai lần, và làm nên phần trung tâm của bản văn Tin Mừng (c. 31 và c. 32). Phần đầu (c. 30) và phần cuối (c. 33-34) kể về « việc làm » đã hay đang thực hiện :

  • Các tông đề kể lại cho Đức Giê-su biết « mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy»
  • Đức Giê-su « dạy dỗ họ nhiều điều », vì họ như bầy chiên không người chăn dắt và Người « chạnh lòng thương ».

Vì thế, chúng ta có thể phân chia bản văn Tin Mừng thành ba đoạn và đặt tựa cho mỗi đoạn như sau :

  1. Việc làm được « kể lại » (c. 30)
  2. Nơi thanh vắng (c. 31-32)
  3. « Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều » (c. 33-34)

Sứ vụ của các tông đồ khởi đi từ sứ vụ của Đức Giê-su, hướng tới sứ vụ của Đức Giê-su và có khuôn mẫu là chính sứ vụ của Đức Giê-su.

Để đạt được điều này, các ngài cần theo lời gọi của Người và cùng với Người « nghỉ ngơi nơi thanh vắng ».

1. Việc làm được « kể lại » (c. 30)

a. « Tụ họp chung quanh Đức Giê-su »

Khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm (nghĩa là dùng nhị quan nhìn và nghe, và nếu có thể, áp dụng ngũ quan : nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng) hình ảnh các môn đệ ngồi chung quanh Đức Giê-su :

Các Tông Đồ tụ họp
chung quanh Đức Giê-su.

(c. 30a)

Ngài sai các ông đi, và bây giờ các ông trở về tụ họp chung quanh Thầy của mình. Hình ảnh thật đẹp của sự hiệp nhất : Thầy là điểm khởi và là điểm tới, Thầy là trung tâm qui tụ, nghĩa là các môn đệ hiệp nhất với Thầy, và hiệp nhất với nhau ở trong Thầy. Sự hiệp nhất mà chúng ta được gọi kinh nghiệm và làm chứng, vì hiệp nhất là dấu chỉ của Tin Mừng, của Đức Ki-tô đang hiện diện ; thực vậy, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Cha : « Xin cho họ nên một như chúng ta là một ».

Khi chiêm ngắm, chúng ta hãy cảm nếm và để cho mình được đụng chạm bởi bầu khi thân mật, chia sẻ và hiệp thông. Và bầu khí này cũng là mẫu mực của bầu khí của mọi nhóm, cộng đoàn, gia đình. Đến qui tụ quanh Đức Giêsu, sẽ làm cho chúng ta hiệp nhất với nhau. Trong đời sống cộng đoàn, và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, cả nhóm cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ hoa trái của kinh nghiệm lắng nghe và gặp gỡ Chúa là một dấu chỉ của sự hiệp nhất, được tác tạo bởi chính sự hiện diện của Chúa ngang qua Lời của Ngài.

b. « Kể lại cho Người biết… »

Tiếp đến, chúng ta hãy lắng nghe các Tông Đồ, chắc cũng « lao xao » như khi các nhóm chia sẻ, nhận ra và cảm nếm những cảm xúc rất đa dạng diễn ra trong lòng các ông :

Các ông kể lại cho Ngài mọi việc các ông làm
và điều các ông dạy.

(c. 30b)

Khi lắng nghe, chúng ta có thể tự hỏi : các môn đệ kể lại những gì và trong tinh thần nào ?

  • Chắc chắn không phải là báo cáo thành tích để được Thầy thưởng công và để được các bạn nể phục ; và chắc cũng không phải là trình bày mọi sự cho Thầy và anh em để được lượng giá và góp ý.
  • Có lẽ đó là bầu khi chia sẻ, như khi chúng ta chia sẻ với nhau và tin rằng có Đức Kitô phục sinh hiện diện. Bầu khí của chia sẻ là lắng nghe, cảm thông và hiểu biết nhau trong tình mến.
  • Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu những lời của các môn đệ ở một mức độ khác : các ông trao lại cho Thầy tất cả những gì mình đã làm và đã nói, những gì thuộc về mình. Cả nhóm vây quanh Thầy với tâm tình của Kinh Dâng Hiến: « Chúa đã ban cho con tất cả, giờ đây, con xin dâng lại Chúa tất cả. Mọi sự đều là của Chúa ».

Điều là lạ lùng là chính khi trao lại, từ bỏ quyền sở hữu, như lời Chúa nói, chúng ta sẽ nhận lại được, và nhận lại gấp trăm. Còn khư khư giữ lấy, thì sẽ không sinh hoa kết quả, và rốt cuộc sẽ mất luôn cái mình có. Chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày như thế đó ; được sai đi và đến tối trở về bên Chúa với tâm tình của Kinh Dâng Hiến : « Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại cho Chúa tất cả ; tất cả đều là của Chúa ».

Chúa đón nhận tất cả, vì Chúa nhìn ra chuyển động của con tim hơn là những thành tích, những công việc được thực hiện hoàn hảo. Vì thế Ngài không xét đoán, nhưng mời gọi các môn đệ đi nghỉ ngơi nơi thanh vắng. Chúa mời gọi các ông đi nghỉ ngơi ngay lúc người ta lui tới tấp nập. Cảm nếm sự dịu dàng của Chúa và cả sự tự do của Ngài nữa trước áp lực của đám đông.

2. « Nơi thanh vắng »

Cho dù trong bối cảnh Tin Mừng, Đức Giê-su và các môn đệ không thực hiện được thời gian nghỉ ngơi nơi thanh vắng. Tuy nhiên, lời mời gọi của Đức Giê-su hiện diện ngay trung tâm của trình thuật Tin Mừng và lời mời gọi này của Người đã và luôn được ngỏ với tất cả các môn đệ đi theo Người : « Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút (c. 31)… Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng » (c. 32).

Tôi hiểu lời mời gọi này của Đức Giệ-su như thế nào, trong hành trình đi theo Chúa trong đời sống ơn gọi của tôi ? Tôi đã đáp lại và ước ao đáp lại ra sao ?

3. “Đức Giê-su chạnh lòng thương”

Chúng ta hãy dõi theo con thuyền vội vàng rời bến, rồi êm ả trôi trên mặt hồ, hướng về bờ bên kia, vì ở đó có nơi thanh vắng. Nhưng rút cục, Thầy nói các môn đệ đi nghỉ, hay ít nhất là tạm nghỉ, còn Chúa thì tiếp tục làm việc, có thể nói, ngài « gánh » việc cho các môn đệ. Và sau này, với mầu nhiệm Thập Giá, Người gánh hết, vác hết « nặng nợ » cho mỗi người và loài người chúng ta ; chúng ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng ở nơi Đức Giêsu là như vậy (x. Mt 11, 28-30).

Hãy chiêm ngắm đám đông tìm cách đi theo thuyền của thầy trò Giêsu, họ từ các nơi khác nhau, đi đường bộ, đến trước cả con thuyền, chen lấn, lộn xộn : « họ như bầy chiên không người chăn dắt ». Họ đi tìm gì ? Nhưng dù họ đi tìm gì đi nữa, Đức Giêsu cũng chạnh lòng thương, nghĩa là « thương xót » và ban Lời Thiên Chúa cho họ.

Lời Chúa vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày để tiếp tục sáng tạo chúng ta và nhất là tái sinh chúng ta cho sự sống mới và gia đình mới, Gia Đình Hiệp Nhất của Vị Mục Tử Nhân Lành, là Đức Ki-tô, « Hiện Thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ».

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 26-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 26/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Lòng trung thành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *