Trong suốt một thời gian dài, câu hỏi “Ngài là ai?” cứ mãi trong đầu tôi. Tôi miên man mà không thể nào nói về Ngài bằng cảm nhận và suy nghĩ tầm thường của con người yếu đuối và tội lỗi của mình được. Hôm nay, câu hỏi ấy lại vang lên thật mạnh mẽ một lần nữa trong tâm thức tôi, “Đối với tôi, Đức Giêsu là ai?”, và điều đó đã đưa tôi trở về với thời thơ ấu của mình.
Cũng vào khoảng thời gian này, lúc con người đang tất bật mua sắm những món quà thật đắt tiền để dành tặng cho nhau vào ngày Sinh Nhật của Chúa Hài Đồng, thì tại quê Ngoại của tôi, các giáo xứ, xóm đạo cũng đang nô nức, đua nhau làm hang đá Chúa Hài Đồng. Trước Lễ Giáng Sinh vài ngày, Cha Mẹ tôi thường cho chị em chúng tôi một ít tiền, để chúng tôi có thể tặng quà cho Chúa Hài Nhi khi đi “ngắm” hang đá. Tôi còn nhớ rất rõ, có rất nhiều Hang đá lớn, nhỏ, rất đẹp, được trưng bày ở khắp mọi nơi; từ những ngôi Thánh Đường, đến xóm đạo và cả những gia đình giáo dân nữa. Trong lúc đi ngắm hang đá, tôi bị thu hút khi đứng trước một hang đá rất đơn sơ, chẳng có ai ngoài Hài Nhi Jesus, nằm bơ vơ trong máng cỏ gần một hồ nước. Nét mặt Ngài thật vui tươi, hồn nhiên và dường như đang dang rộng cánh tay muốn ôm trọn lấy tôi. Tự dưng lúc đó tôi cảm thấy thương Hài Nhi quá! Tôi đứng ngắm nhìn Hài nhi rất lâu, và đã quyết định tặng tất cả số tiền dưới chân Hài Nhi. Hình ảnh đó đã đi với tôi suốt cuộc đời cho đến giờ, mỗi khi mùa Giáng Sinh lại đến. Ngài là ai? Sao có thể bỏ ngai vàng để mang lấy thân phận con người nghèo nàn, nhỏ bé, và đơn sơ đến thế? Ngài là ai? Sao có thể chỉ vì yêu thương loài người, đến để chịu đau khổ, chịu sỉ nhục và chịu chết cho những con người tội lỗi và đầy yếu đuối như tôi và bạn?
Cũng như bao người con gái khác, tôi vào đời với bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ và tràn đầy niềm hy vọng, thì bất chợt những trận cuồng phong, bão tố ập xuống cuộc đời tôi. Tôi chới với, hoang mang, và lo sợ. Tâm tư tôi bắt đầu gào thét, “Tại sao Chúa ơi? Tại sao điều đó lại xảy ra cho con? Chúa ơi, Ngài ở đâu?” Và rồi chính lúc đó, Ngài bắt đầu xuất hiện. Ngài đã “tỏ ra” cho tôi thấy về Ngài, và mời gọi tôi “đụng chạm” đến Ngài. Ngài đến bên cạnh tôi như một người Cha đầy bao dung, nhân từ và nhẫn nại. Qua cầu nguyện, tôi nhận ra được Ngài luôn bên cạnh tôi, ngay trước mặt tôi, và luôn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường, kể cả những lúc bóng đêm bao trùm cuộc đời tôi. Tôi lần mò trong bóng đêm, nhưng luôn kiên nhẫn vì biết được rằng tôi không cô đơn một mình, và tôi đã học được bài học “nhẫn nại” với những người xung quanh tôi hơn. Tôi được múc đầy tình yêu thương dạt dào của Ngài, để từ đó tôi có thể tha thứ và chấp nhận yêu thương ngay chính kẻ thù của mình. Tôi, như cô công chúa nhỏ vì Cha tôi là vị Vua đầy quyền uy nhưng giàu lòng xót thương, đã có thể yêu thương những người sỉ nhục và làm hại mình.
Ngài là “Người Yêu lý tưởng”, là vị “Hoàng Tử Bạch Mã” của lòng tôi. Ngài còn cho tôi nếm được vị ngọt của Tình Yêu, khi tôi yêu và được yêu, để tâm hồn tôi ngất ngây vì tình yêu đó. Ngài lắng nghe tôi than thở, tâm sự hằng ngày, ngày giờ mà không bao giờ mệt mỏi. Ngài ân cần chăm sóc, an ủi, vỗ về những khi tôi mệt mỏi, chán nản hay thất vọng. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi tôi, mỗi khi tôi chạy theo thế thái nhân tình, quên đi tình yêu của Ngài. Ngài yêu chiều tôi mỗi khi tôi “nũng nịu”, dù chỉ thầm mong ước một điều gì đó mà không dám nói, thì Ngài đã ban cho tôi rồi. Vâng, tình yêu của Ngài thật tuyệt vời biết bao. Một tình yêu dám thí mạng sống mình vì người yêu. Một tình yêu vĩ đại, mà tôi đã tìm kiếm suốt cả cuộc đời của mình. Một tình yêu can đảm, dù biết trước con đường sẽ gập ghềnh, đau khổ và nhiều gian nan, nhưng Ngài vẫn vững bước đi trọn con đường Tình Yêu Thập Giá ấy.
Nói đến đây, tôi tự hỏi, tôi là gì mà sao Ngài lại yêu thương tôi đến thế? Hình ảnh về câu chuyện Đức Giêsu, người phụ nữ ngoại tình và những kẻ tố cáo (Ga 8, 2-11) hiện ra trong tâm trí tôi.
1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” 11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! “
Qua câu chuyện trên, tôi nhận ra Ngài là một người rất tỉ mỉ, tế nhị, nhân hậu, giàu lòng xót thương và thấu rõ tâm can của từng người chúng ta. Với những kẻ tố cáo, mặc dù Ngài biết rõ, họ không phải vì có tâm tốt để giúp người phụ nữ kia giữ lề luật, mà dùng lề luật để lên án người khác, kể cả họ đang có tâm địa xấu để nhằm tố cáo Ngài. Vì thế, dường như Ngài không quan tâm đến họ, mà Ngài “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Ngài viết gì, không ai biết chỉ khi Ngài bảo họ, “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Một thái độ im lặng, không đôi co của Ngài đã làm cho tôi phải tự hỏi chính mình, “đã bao nhiêu lần tôi cũng như những người kinh sư, và Pha-ri-sêu, chỉ nhìn thấy hành vi bên ngoài đã vội vã lên án anh chị em của mình? Đã bao nhiêu lần tôi có thể chỉ mang lề luật ra phán xét anh chị em tôi?”
Còn về người phụ nữ, khi bị các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn ra trước mặt Đức Giêsu và mọi người. Có lẽ chị ta rất sợ hãi, xấu hổ và sẵn sàng chờ đợi những lời luận tội của Đức Giêsu và mọi người ở đó. Thế nhưng, Ngài chỉ nói, “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Ngài không hỏi tại sao, cũng không hỏi vì đâu dẫn đến hành động như thế, cũng không bao che cho chị, mà Ngài thấu hiểu những điều sâu kín trong chị, để rồi Ngài không trách mắng, không phán xét, không lên án, mà Ngài mang đến cho chị một niềm an ủi vô bờ bến – đó là Tình Yêu vô biên của Ngài dành cho chị, cho tôi, và cho bạn.
Vâng, Chúa ơi, con chẳng là gì và cũng chẳng xứng đáng để được Chúa yêu thương như thế. Chỉ có Tình Yêu thương vô bờ bến, và như không của Chúa dành cho con, đã làm cho trái tim của con mềm yếu, tan rã và muốn được Ngài chiếm trọn trái tim con, và trọn cuộc sống của con nữa.
“Lạy Chúa, con không chịu nổi cảnh phải sống vắng bóng Chúa đâu” (St. Phanxico Xavie).
Mai Phương