Đức Phanxicô – Giáo hoàng và Giêsu hữu

Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Gesù ở Rôma vào ngày 3/1/2014. Thánh lễ được cử hành nhằm lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu, tạ ơn nhân dịp tuyên thánh của Thánh Phêrô Faber, một tu sĩ Dòng Tên. (Ảnh: Paul Haring, CNS)

 

Buổi sáng yên bình của những công việc thường ngày hôm ấy đã bị phá vỡ bởi dòng tin: Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Chúa gọi về. Sức khoẻ của ngài đã trở nên suy yếu từ vài tuần trước, khuôn mặt hốc hác cho thấy sự mệt mỏi, nhưng không ai nghĩ rằng khoảnh khắc ngài ra đi lại đến nhanh như vậy. Tin buồn khiến lòng người trào dâng những cảm xúc phức tạp: nỗi buồn tiếc thương vì sự ra đi đột ngột của vị cha chung, xen lẫn lòng biết ơn vì điều tốt đẹp ngài đã để lại cho đàn chiên. Những tiếng chuông nhà thờ vang lên, lòng trầm lại, khơi dậy trong lòng người tín hữu lời nguyện cầu dành cho ngài. 

 

Ngay sau đó, những dòng thông tin dồn dập xuất hiện. Người ta tò mò về việc chuyện gì sẽ xảy ra sau khi vị lãnh đạo tối cao của Công Giáo qua đời. Các chuyên gia giải thích về các nghi thức sẽ diễn ra, về ý nghĩa các nghi thức, về tình trạng trống tòa, về những chuẩn bị cần thiết cho lễ an táng ngài cùng thời khắc của cái gọi là “Mật Nghị”, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử để tìm vị chủ chăn mới cho Giáo Hội. Những đồn đoán cũng lan rộng khắp nơi về những gương mặt tiềm năng làm cho khoảng thời gian này càng trở nên đầy kịch tính.

 

Nhưng lan rộng hơn cả là những gì liên quan đến chính vị Giáo Hoàng này. Lịch sử cuộc đời ngài được tái hiện với những thông tin cá nhân. Các thống kê về những gì ngài đã làm cho Giáo hội và thế giới: những Tông huấn, bài giảng, chia sẻ, thuyết trình, chuyến tông du, cuộc phỏng vấn, thư mục vụ, những nỗ lực của ngài trong việc cải cách Giáo hội, hàn gắn xung đột giữa các vùng chiến tranh, mời gọi con người hướng về lòng thương xót của Chúa, bảo vệ mái nhà chung. Người ta cũng trình chiếu lại các video ngắn, trong đó có những câu nói viral của ngài, với những thông điệp ngắn gọn nhưng truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu người. Khắp nơi là những bài viết bày tỏ sự tri ân, xúc động trước tấm gương vĩ đại của vị mục tử đã rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng chính lối sống của mình. Không thiếu những áng thơ, bài hát được cất lên… Tất cả như để thay lời muốn nói. 

 

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên ra mắt với tư cách Giáo Hoàng tại ban công Vatican, ngài đã cho thấy sự giản dị và gần gũi của mình. Không một diễn từ dài dòng, nhưng chỉ lời chào giản dị (“buona sera”). Ngài đã ngay lập tức mời gọi mọi người hướng về Đức Biển Đức XVI, rồi ngài cúi đầu xin mọi người cầu nguyện và chúc lành cho mình. Trong quá trình hoạt động mục vụ, ngài dành sự ưu tiên đặc biệt cho những người rốt cùng hết: các tù nhân, người tị nạn, người nghèo, người già, trẻ em, những người LGBT… Chứng tá Tin Mừng sống động của ngài được thể hiện qua những lần ngài dâng lễ, hôn chân các tù nhân, ôm và chúc lành cho các bệnh nhân, gọi điện hỏi thăm người này người khác, tặng những phần quà bất ngờ cho họ.

 

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ các linh mục Dòng Tên đến từ Indonesia trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican ngày 21 tháng 9 năm 2022. (Ảnh: Paul Haring, CNS)

 

Đức Phanxicô được biết đến như sứ giả hoà bình. Đã không biết bao nhiêu lần, ngài xin các nhà lãnh đạo quốc gia trong những vùng đang có chiến tranh hãy cố gắng thương thuyết để đi đến hoà bình. Ngài quỳ xuống hôn chân các lãnh tụ quốc gia, hoặc đã mời gọi họ cùng cầu nguyện chung. Mới đây, trong lễ an táng của ngài, người ta nhìn thấy hai vị lãnh tụ đang có xung khắc ngồi nói chuyện với nhau. Điều này làm chúng ta nhớ đến Tin Mừng, nơi tường thuật về sự hàn gắn của hai nhân vật vốn đang hiềm thù sau cuộc hội ngộ với Giêsu trong cuộc thương khó (cf. Lc 23,12). Đức Phanxicô, ngay cả nơi cái chết của mình, cũng là một cơ duyên làm nên sự đối thoại hướng đến hoà bình, hệt như Chúa Giêsu năm xưa. 

 

Đức Phanxicô là một vị mục tử có nhiều thao thức vì đàn chiên. Ai mà không nhớ khoảng thời gian cách đây vài năm, khi dịch Covid hoành hành khắp thế giới, một mình ngài đơn côi giữa quảng đường trong cơn mưa chiều và sự ảm đạm của thời tiết, gửi đôi lời nhắn nhủ đến các tín hữu và âm thầm cầu nguyện cho tất cả. Ngài bước đi lặng lẽ, mang trên vai gánh nặng của toàn nhân thế. Trong cách quản trị, ngài đã nói lên nỗi lòng của biết bao tín hữu, mong muốn các mục tử của mình “ngửi được mùi chiên”. Ngài mạnh mẽ chống lại thói “giáo sĩ trị”. Ngài khảng khái tuyên bố rằng mình mong muốn một Giáo hội bị bầm dập, ra đi đến vùng biên cương, hơn là một Giáo hội chỉ biết tìm sự an toàn cho mình. Ngài không ngần ngại chỉ trích những căn bệnh mà các giáo sĩ đang có. Lối quản trị đầy cứng rắn với những quyết định bất ngờ đã khiến nhiều người phải sốc, thậm chí là phản đối, nhưng rồi, ai ai cũng phải thừa nhận tầm nhìn của ngài cùng nỗi khát vọng mà ngài có trong lòng dành cho Giáo hội và toàn thế giới.

 

Về bản thân, ngài luôn mặc lấy lối sống giản dị, đơn sơ hết mức có thể. Ngài không ngại bán chiếc xe đắt đỏ người ta dành tặng để giúp người nghèo. Ngài chọn sống ở nhà trọ Matta. Khi nhận chức Giáo Hoàng, ngài vẫn đeo cây thánh giá cũ. Mới đây, những thông tin và hình ảnh được công bố đã không khỏi làm người ta thán phục về sự khó nghèo của ngài. Căn phòng của ngài chỉ vừa đủ để nghỉ ngơi và làm việc. Chiếc giường ngài nằm nghỉ không hề mang dáng vẻ gì của sự sang trọng. Ngài dành toàn bộ số tiền mình có cho việc tông đồ, chỉ còn vỏn vẹn 100 USD. Đặc biệt hơn, người ta chú ý đến đôi giày đã sờn và thủng lỗ mà ngài mang khi nằm trong quan tài. Đôi giày ấy đã theo ngài trong suốt bao năm tháng qua, cũng hao mòn đi cùng với thân xác kiệt quệ của ngài. Trong di chúc thiêng liêng, ngài xin được cử hành an táng cách đơn giản, bia mộ cũng không cầu kỳ, bên trên là hoạ khắc cây thánh giá hình mục tử của ngài và một dòng chữ duy nhất “Franciscus”. Sự khó nghèo của ngài được thể hiện cả khi sống lẫn khi nằm xuống.

 

 

 

Đối với các tu sĩ dòng Tên, Đức Phanxicô không chỉ là vị cha chung, vị bề trên tối cao, nhưng còn là một người anh em. Trong những chuyến tông du, ngài luôn dành thời gian để thăm viếng các Giêsu hữu ở đó, với tất cả sự gần gũi và thân thiện vốn có, như một người anh cả. Ngài thăm hỏi, chia sẻ, dặn dò, khích lệ, động viên… có đôi khi còn đưa ra những gợi hứng cho hoạt động tông đồ. Các thành viên tham dự Tổng Hội 36 đã không quên được khoảnh khắc được ngài viếng thăm và cho những ánh sáng, giúp khai thông những bế tắc của mình. Khi cha Tổng Quyền trình cho ngài 4 ưu tiên tông đồ của Dòng, ngài đã nhấn mạnh đến vai trò của việc đưa mọi người đến với Chúa bằng Linh Thao và phân định, xem nó như là điểm cốt yếu và nền tảng cho các ưu tiên còn lại. Những gì ngài mong muốn nơi các giáo sĩ nói chung, ngài cũng ao ước nơi các anh em Giêsu hữu của mình.

 

Đức Phanxicô là một tu sĩ dòng Tên. Dù ngài có thể hiện cách minh bạch hay không, chúng ta vẫn thấy những dấu ấn của linh đạo Inhã nơi đời sống và hoạt động của ngài. Trước hết sự giống nhau giữa ngài và thánh Inhaxio. Cả hai đều có lòng sùng kính dành cho Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và lòng yêu mến Đức Mẹ nói riêng. Ngày khấn cuối của Đức Phanxicô trùng với ngày lễ Mẹ Dòng Tên. Trước và sau những chuyến tông du, ngài thường đến đây để cầu nguyện. Ngài cũng ước ao được yên nghỉ tại nơi này. Inhaxio ngày xưa cũng rất yêu quý Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả. Ngài ao ước được dâng lễ mở tay ở đây. Trong các quyết định của mình, Inhaxiô thường cầu nguyện với Đức Trinh Nữ, phó dâng mọi sự và xin sự chuyển cầu của Mẹ lên Chúa Giêsu. Ngoài ra, hình ảnh đôi giày rách của Đức Phanxicô cũng làm chúng ta nhớ đến đôi giày của Inhaxio (TT 55). Cả hai đều khơi lên ý hướng về một cuộc hành hương bước theo Chúa Kitô khó nghèo, khiêm hạ và chịu sỉ nhục. 

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Gesù ở Rôma vào ngày 3/1/2014. Thánh lễ được cử hành nhằm lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu, tạ ơn nhân dịp tuyên thánh của Thánh Phêrô Faber, một tu sĩ Dòng Tên. (Ảnh: Paul Haring, CNS)

 

Sự khó nghèo mà Đức Phanxicô theo đuổi mang đậm dấu ấn Tin Mừng, và nó cũng phản chiếu điều mà Inhaxiô khao khát nơi các tu sĩ dòng Tên. Có thể nói, sống khó nghèo thực sự không phải là chủ nghĩa anh hùng, không đơn thuần là sở thích; nó trước hết là lời mời gọi của Chúa Giêsu và người ta cảm thấy được cuốn hút để sống và trở nên giống Ngài hơn (LT 98.147). Inhaxiô muốn các tu sĩ dòng Tên phải yêu mến sự khó nghèo như yêu mẹ của mình (HP 287), vì khó nghèo là thành luỹ và tấm khiên bảo vệ đời tu (HP 553.816). Đời sống khó nghèo của Đức Phanxicô có lẽ cũng xuất phát từ tinh thần này của Đấng Tổ Phụ. 

 

Chúng ta cũng thấy phảng phất cách cầu nguyện của Linh Thao nơi Đức Phanxicô. Ngài thường mời gọi mọi người tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của một nhân vật trong Tin Mừng: tưởng tượng mình ngôi trên thuyền đầy sóng gió, tưởng tượng các nhân vật trong cuộc Thương Khó. Ngài nhấn mạnh việc xét mình và phân định, vốn là hai hoạt động đầy tính Inhã. Trong cách quản trị, ngài chú trọng đến việc để mình được Thánh Thần hướng dẫn, chứ không nên chỉ bám víu vào luật lệ. Mọi quyết định cần được thực hiện trong bầu khí của sự đối thoại, lắng nghe từ nhiều phía, để tiếng nói của Thánh Thần có thể được vang lên trong trái tim. Chính vì thế, Đức Phanxicô luôn tổ chức những cuộc họp các cố vấn, các Thượng Hội Đồng với sự tham gia của nhiều nhân vật đến từ bối cảnh khác nhau. Ngài thậm chí còn không ngần ngại bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí quan trọng của giáo triều, với sự xác tín rằng họ sẽ giúp tìm ra sự hướng dẫn của Thánh Thần một cách nhanh chóng và đúng đắn hơn. Điều này phản ánh chính xác những gì Inhaxiô nói đến trong Hiến Pháp khi bàn về vị bề trên. Đó phải là con người của bác ái phân định, luôn đặt mình dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần, luôn trong trạng thái tỉnh thức và sẵn sàng để lắng nghe tiếng Người.

 

Ngoài ra, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy tinh thần magis nơi Đức Phanxicô. Inhaxiô là một con người luôn có những ước muốn và tham vọng táo bạo trong việc rao giảng Tin Mừng. Sự tầm thường và thu mình không bao giờ có chỗ trong tâm trí ngài. Vinh quang Thiên Chúa phải luôn được mở rộng. Phải luôn luôn “hơn, hơn nữa”. Đó cũng là điều mà Đức Phanxicô đã sống và hướng đến. Giáo hội phải không ngừng nắm tay nhau để tiến xa hơn trong tình yêu thương, trong sự phục vụ, để mở rộng Nước Trời. Chính các vị chủ chăn phải đi tiên phong trong điều này. Một Giáo hội an nhàn và tự hài lòng với bản thân để trốn tránh những dấn thân tông đồ là một Giáo hội hèn kém và đánh mất đi căn tính của mình. Giống như Inhaxiô, Đức Phanxicô đã luôn tìm Chúa trong mọi sự, trong sự kết hiệp thâm sâu của những phút giây riêng tư, lẫn trong hoạt động tông đồ đầy nhiệt huyết dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần. Inhaxiô có lẽ đã rất hài lòng về người con ưu tú này của mình khi đón ngài tại cánh cổng Thiên Đàng để dẫn vào diện kiến Ba Ngôi Chí Ái.

 

Giống như Inhaxiô, Đức Phanxicô đã luôn tìm Chúa trong mọi sự, trong sự kết hiệp thâm sâu của những phút giây riêng tư, lẫn trong hoạt động tông đồ đầy nhiệt huyết dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.

 

Vị Cha Chung của chúng ta đã tạ thế, lìa cõi đời này để tiến về cõi vĩnh hằng, đi vào trong trái tim đầy nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài ra đi, để lại cho chúng ta những lời chứng sống động về Tin Mừng, về con đường nên thánh. Qua những lời nói và việc làm trong sự khó nghèo và phục vụ không mệt mỏi, ngài chỉ muốn mình được nhỏ đi, để Chúa được lớn lên. Tiếc thương ngài là điều không thể thiếu, nhưng noi gương ngài mới là điều cần thiết. Mong sao tất cả chúng ta có thể thấm đẫm Tin Mừng như ngài và sống trọn vẹn kiếp người như ngài, vì vinh danh Chúa và hạnh phúc của con người. Xin ngài, khi về trời cao, chuyển cầu cùng Chúa cho từng người trong chúng con được ơn trung kiên và bền đỗ theo chân Chúa giống như ngài, để đôi giày có thể mòn đi nhưng con tim thì luôn bừng sáng. 

 

Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J.

Kiểm tra tương tự

Bài tập Mùa Phục Sinh – Bài 34: Lên đường

Bài tập 34: LÊN ĐƯỜNG   Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm …

Khuôn mặt người môn đệ Đức Giêsu – Suy tư Tin Mừng CN III Phục Sinh năm C

  Các bạn thân mến! Giáo Hội vừa trải qua biến cố lớn liên quan …