“Đức Phanxicô gọi cho tôi. Hay đúng hơn ngài gọi lại cho tôi…”

Jorge-MiliaZenit.org, Jorge Milia, 12-7-2013
Hélène Ginabat dịch

Đức Phanxicô gọi cho tôi. Hay đúng hơn ngài gọi lại cho tôi… ngài than là thư của tôi dài 12 trang!

Đức Phanxicô gọi cho tôi. Hay đúng hơn ngài gọi lại cho tôi… Tôi biết nói ra như thế này thì chẳng khiêm tốn chút nào, nhưng để nói những chuyện như thế này thì không cách nói trại nào khác…

… Đúng là tôi được ưu đãi và chính vì được ưu đãi mà tôi phải chia sẻ nó với những ai yêu thích, vì khi được chia sẻ thì niềm vui được nhân lên.

“Mười hai trang. Một lá thứ mười hai trang!”, ngài than như vậy về lá thư tôi viết cho ngài.

“Nhưng cha không thể chối là con đã làm cha cười…”, tôi trả lời với ngài như vậy.

Ngài cười. Vì những lý do mà không ai có thể giải thích được, tôi cũng không giải thích được, ngài dung thứ cho văn vẻ của tôi, giống như ngày xưa khi ngài còn làm giáo sư và tôi là sinh viên của ngài. Tôi cho ngài biết tôi bắt đầu đọc Tông huấn Ánh sáng Đức tin (Lumen Fidei) và ngài khước từ mọi danh dự cá nhân. Ngài nói Đức Bênêđictô XVI đã làm xong phần lớn công trình, ngài là nhà tư tưởng gia vĩ đại, nhiều người không biết và không hiểu ngài.

“Bây giờ cha ở với một hiền nhân lớn tuổi…” Ngài nói về Đức Bênêđictô XVI theo cách nói Argentina với lòng trìu mến mà với chúng tôi nó còn mang nghĩa “chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều; tôi thật thích thú khi trao đổi tư tưởng với ngài”.

Và đúng vậy, khi nói về Đức Ratzinger, ngài nói với lòng biết ơn và hiền dịu. Tôi mến ai khi họ tìm lại bạn cũ, bạn đồng lớp, những người thỉnh thoảng gặp lại, những người lớn hơn mình một năm, hai năm ở trường, một cách nào đó, chúng tôi mến phục họ, có thể với một chút khác biệt mà thời gian đã làm xóa mờ, đã xoa dịu.

“Con không thể nào hình dung được tính khiêm tốn và đức khôn ngoan nơi con người này”, Đức Phanxicô nói thêm.

“Vậy thì cha giữ ngài ở gần cha…”, tôi trả lời với ngài như vậy.
“Cha không thể nào mà không nghe lời khuyên của một người như vậy, nếu không nghe thì cha đúng là… xuẩn!”

Tôi nói với cha, điểm khác biệt giữa hai cha là với cha, giáo dân cảm thấy mình gần với cha, họ có thể nói chuyện với cha, sờ đến cha…

“Tại sao lại không? Đương nhiên họ có thể làm như thế! Bổn phận của cha là phải nghe họ, an ủi họ, cầu nguyện cho họ, bắt tay họ để họ không cảm thấy đơn độc… », ngài nói. Nhưng ngài cho tôi biết, thật không dễ để làm vừa lòng tất cả những người ở chung quanh ngài.

Ngài cười to khi tôi nhắc đến ông bà Carrara của tôi nếu họ còn sống, họ thấy tôi xưng hô thân mật với cha thì họ sẽ ngưng không cầu nguyện cho tôi và họ sẽ xem tôi là thắng cháu hư đốn. Với họ, giáo hoàng là người không thể nào đụng tới được, người xa cách cũng như cha mẹ tổ tiên của họ.

Rồi ngài lặp lại với tôi: “Jorge, ở đây không phải dễ, giáo hoàng có nhiều “ông chủ” và họ có nhiều thâm niên công vụ.”
Sau đó ngài kể cho tôi nghe các thay đổi ngài đã làm, ngài đã phải cố gắng nhiều (tôi ngờ rằng, các kẻ thù…). Trong tất cả những cố gắng này, cái khó nhất là ngài không chấp nhận họ quản lý lịch làm việc của ngài. Chính vì vậy mà ngài không muốn sống trong dinh thự vì nhiều giáo hoàng cuối cùng đã trở thành “tù nhân” cho các thư ký của họ.

“Chính cha quyết định ai là người cha muốn gặp chứ không phải các thư ký của cha quyết định… Đôi khi cha không thể gặp những người cha thích vì cha phải gặp những người muốn gặp cha”.

Câu này làm cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi, tôi không phải là giáo hoàng, tôi không có quyền uy của ngài, tôi cảm thấy tim tôi đập mạnh khi tôi chờ một người bạn thân và tôi không biết tôi sẽ nhường chỗ này cho người nào khác không. Còn ngài thì ngược lại, ngài nhịn không gặp người mình thích mà gặp người muốn gặp mình. Ngài nói với tôi, trong nhiều thế kỷ, các giáo hoàng bị cô lập nhưng bây giờ thì không được, chỗ của chủ chăn là ở với đàn chiên… sau đó thì chúng tôi nói hai, ba chuyện cá nhân.

Lúc nào ngài cũng lo lắng cho nước Argentina của mình, ngài không thể tin là Argentina thiếu bột mì để làm bánh mì. Tôi nhớ lại câu thơ nghịch lý: “Dân không thể chết đói trong xứ sở được ban phúc cho bánh mì”. Ngài lộ vẻ buồn nhưng ngài không chỉ trích ai.

Rồi cuối cùng khi nào cũng vậy, ngài xin tôi cầu nguyện cho ngài. Nói đúng hơn, chúng tôi đang nói chuyện và tôi thì không muốn mình kết thúc câu chuyện, rồi, bỗng ngài nói với tôi: “Thôi, hẹn lát nữa, không phải hẹn chút nữa đọc thư của con. Chào con, cẩn thận nhé… và cầu nguyện cho cha”.

Tôi vẫn còn cầm điện thoại trên tay. Và tôi nghĩ: Phanxicô đã gọi mình, giáo hoàng đã gọi mình. Tôi hơi sững sờ. May thay tôi còn nhớ câu của ngài: “Jorge, không có gì quan trọng hết, chỉ là một người bạn nói chuyện với con thôi”.

Jorge Milia, ký giả, nhà văn, cựu sinh viên của hồng y Jorge Mario Bergoglio

Nguyễn Tùng Lâm dịch

CTV truyền thông Dòng Tên Việt Nam

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *