Nhật ký KAKUMA (1): Vào trại

Dongten.net xin giới thiệu đến quý bạn đọc loạt bài Nhật Ký Kakuma, về cuộc sống những người tị nạn, của thầy Nguyễn Văn Yên, Dòng Tên đang phục vụ tại trại tị nạn Kakuma, miền bắc Kenya, Châu Phi, nơi có hơn 150 người tị nạn từ nhiều nước đang bị đe doạ bởi chiến tranh và xung đột như Nam Sudan, Somalia, Ethiopia… Ước mong những chia sẻ này cho chúng ta thêm tình liên đới với những anh chị em tại Kakuma này nói riêng và những người đang bị gạt ra ngoài lề xã hội nói chung!

——-
Bắt đầu đặt chân đến trại tị nạn Kakuma. Lần đầu tiên đi trên một chiếc máy bay nhỏ như một chiếc xe buýt (36 chỗ) của Liên Hiệp Quốc và sân bay rải bằng đá dăm chứ không đổ nhựa như sân bay thường.

Ba giờ đồng hồ dạo thăm 4 khu trại từ khu cũ nhất đến khu mới nhất, quả là quá lớn. Người ở đây đông nghẹt và cũng không có việc làm nên họ lang thang suốt ngày trên đường và trên các bãi trống.

Những ngôi nhà mới xây
Những ngôi nhà mới xây

Ở khu cũ nhất, đa số đã đến đây cả mười mấy hai mươi năm rồi. Và họ cũng không biết tương lai của họ sẽ ra sao. Mỗi gia đình có một mảnh đất nhỏ để dựng tạm cái nhà (thực ra là cái chòi nhỏ) để ở. Ở khu mới nhất, họ mới đến đây một vài tháng để tránh những trận chiến gần đây. Những người mới đến được cấp cho một khoảnh đất nhỏ vài mét vuông để làm nhà. Khi tôi đến, họ đang đào đất để làm gạch. Tường nhà của họ cao khoảng 1,6-1,7m. Muốn bước vào nhà phải cúi mình. Đất thì họ đào tại chỗ, nhồi với nước để đúc thành gạch. Chỗ họ đào lõm xuống trở thành nền nhà, thấp hơn mặt bằng đất bên ngoài khoảng 50-60cm để giảm bớt cái nóng. Gạch chẳng cần nung, chỉ cần phơi nắng cho cứng là được. Mà có muốn nung thì chỗ nào và ai nung cho họ! Họ xếp gạch thành những bức tường tương đối đẹp, còn “xi măng” cũng chính là đất họ nhồi làm gạch. Chỉ cần trét lên cho nó dính là được. Ít nhất cũng thành cái nhà để trú nắng. Chỉ sợ mưa! Nếu mưa lớn một chút là tường gạch cũng trôi theo nước mưa. Thật ra thì cũng hiếm khi có mưa. Năm nay có vài trận mưa lớn khiến họ cũng phải lao đao, nhưng đã ba năm rồi bây giờ mới có những giọt mưa như thế.

Gạch tự làm
Tự làm gạch để xây nhà

Việc xây nhà thật đơn giản. Chỉ cần có công nhồi đất, chất gạch là thành bốn bức tường cao đến ngang đầu, chẳng cần khung cây gì hết. Khi làm xong, họ chờ Liên Hiệp Quốc cho một tấm bạc để phủ lên, nếu may mắn thì có tôn để lợp. Vậy là có được một “ngôi nhà” để ở. Nhưng cũng cần tưởng tượng cái nắng chói chang của vùng xích đạo dội trên mái tôn hay mái bạc của ngôi nhà. Họ sống trong những ngôi nhà như thế, và có lẽ đời họ cũng sẽ gói gọn trong những ngôi nhà này: không việc làm, không được di chuyển đi nơi khác, không ai nói cho họ được tương lai là gì… vì một lý do duy nhất: họ là những người tị nạn.

Có một bệnh viện ở trung tâm với sự dã chiến từ cổng đến từng chiếc giường bệnh nhân. Mọi sự đều rất thô sơ, đến nỗi ghế ngồi làm bằng những bệ đất được gạt cho phẳng. Cũng có các giường bệnh nhưng nhìn là thấy thương rồi. Trường học thì có những trường cấp I và cấp II với những học sinh đầu trần chân đất và trọng lượng không thể nào nhẹ hơn. Trường cấp II thì thường được xây kiên cố hơn (nhưng vẫn lụp sụp so với các trường bình thường), còn trường cấp I thì hầu như làm bằng bạc và lều trại. Các lớp học thì khoảng 80-100em/lớp, nhưng cũng có lớp lên đến 200. Và giáo viên thì hầu hết được đào tạo tại chỗ với trình độ là những kiến thức phổ thông. Cũng có một số tình nguyện viên là những giáo viên thực thụ, nhưng so với con số học sinh thì chẳng đáng vào đâu.

Trung tâm y tế của LHQ
Trung tâm y tế

Vì là tu sĩ Dòng Tên nên tôi đến thăm các trung tâm của Jesuit Refugee Service (JRS) với những trung tâm tư vấn, mục vụ, học hành (JC:HEM), trạm xá… và gặp các “chuyên gia trường làng” về trị liệu, y tế, giáo dục… Mỗi người đều dấn thân theo khả năng của họ để mang lại cho cộng đồng một lợi ích chung nào đó. Dù kiến thức của hầu hết họ không bao nhiêu, nhưng có một điều thật rõ ràng là: rất đáng trân trọng.

Có một điều rất đẹp lưu lại: Chỗ nào người ta cũng rất hớn hở và nồng nhiệt, họ chào đón “hai người lạ” (Laura – cô gái người Mỹ và tôi) mọi nơi, dù trên xe hay đến bắt tay họ, đến nỗi Laura phải thốt lên: “họ rất thân thiện và ân cần”. Tôi đã đùa với Laura: “ở nước bạn, chưa chắc bạn được đón tiếp như thế, nhưng ở đây bạn là người lạ nhưng lại rất được đón tiếp!” Laura rất thú vị về điều này. Quả thật, đến với người nghèo dường như mình luôn nhận được nhiều hơn là mình cho đi!

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Lời Chúa có quan trọng đối với Bạn không?

Với 7 câu hỏi sau đây bạn có thể tự phản tính về tầm quan …

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *