Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ tại Beirut, Liban

BEIRUT – Trong Thánh lễ trước hàng trăm ngàn tín hữu sáng Chúa Nhật 16-9-2012 tại thủ đô Beirut, ĐTC đã kêu gọi quốc tế, nhất là các nước Ảrập giúp tìm một giải pháp hoà bình cho chiến cuộc tại Syria.

Khi vực hành lễ gọi là Waterfront, bờ biển, toạ lạc giữa bến tàu du lịch và trung tâm thành phố Beirut. Cũng tại nơi đây, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ cho hàng trăm ngàn tín hữu vào ngày 11-5 cách đây 15 năm. Tại đây có bố trí nhiều màn hình khổng lồ để các tín hữu có thể tham dự thánh lễ, dù ở xa lễ đài.

Đến nơi vào lúc 10 giờ, ĐTC đã được ông Đô trưởng Beirut đón tiếp và trao tặng ngài chìa khoá thành phố. Ngài dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện. Số người được ước lượng từ 400.000 đến 500.000 người, mặc dù thoạt đầu ban tổ chức chỉ hy vọng có khoảng 75.000 người đến dự lễ.

Tại đây cũng có Tổng thống Michel Sleiman và Phu nhân, cùng với nhiều vị lãnh đạo trong chính quyền. Nhiều phái đoàn tín hữu từ các nước Trung Đông cũng đến đây tham dự Thánh lễ cùng với các vị chủ chăn liên hệ dưới bầu trời nắng. Cha Shamir Khalil Shamir, SJ, nhận định rằng đây là buổi lễ đông đảo chưa từng có tại Liban.

Đồng tế với ĐTC có 300 giám mục Trung Đông và hàng trăm linh mục trong áo chùng thâm với dây stola màu trắng ngồi trước lễ đài.

Đầu Thánh lễ, Đức Thượng phụ Béchara Rai, Giáo chủ Công giáo Maronit, đã đại diện mọi người chào mừng và gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là một biến cố diễn ra dưới dấu hiệu hoà bình, một nền hoà bình mà mọi người mong ước, nhất là tại Trung Đông này. Đức Thượng phụ cũng gọi Thượng HĐGM Trung Đông với Tông huấn sau đó dẫn đưa Giáo Hội tại đây vào một “Mùa Xuân tinh thần của Kitô giáo”, như báo trước và chuẩn bị cho Mùa Xuân Ảrập mà mọi người mong ước.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô đã tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô”. Và Chúa loan báo trước việc Ngài sẽ chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại. Chúa đã khiển trách Phêrô vì đã chống lại ý định này của Chúa. ĐTC cũng mời gọi toàn thể Giáo Hội và từng tín hữu hãy dấn thân phục vụ hoà bình và hoà giải.

Ngài nói: “Bước theo Chúa Giêsu là vác thập giá của mình để tháp tùng Chúa trên con đường của Ngài, một con đường cam go, không phải là con đường của quyền lực hoặc vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhất thiết dẫn tới sự từ bỏ bản thân, mất mạng sống mình vì Chúa Kitô và Tin Mừng, để cứu mạng sống ấy. Vì chúng ta được cam kết rằng con đường ấy dẫn đến sự phục sinh, đến sự sống đích thực và chung kết với Thiên Chúa. Quyết định tháp tùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên Người Tôi Tớ của mọi người, đòi phải sống ngày càng thân mật hơn với Ngài, chăm chú lắng nghe Lời Ngài để kín múc sự soi sáng cho các hành động của chúng ta. Khi tuyên bố Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào ngày 11-10 tới đây, tôi đã muốn rằng mỗi tín hữu có thể dấn thân một cách mới mẻ trên con đường hoán cải tâm hồn. Vì thế, trọn Năm Đức Tin, tôi nồng nhiệt khuyến khích anh chị em hãy đào sâu suy tư về đức tin để làm cho đức tin có ý thức hơn để củng cố lòng gắn bó của anh chị em với Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người.

Anh chị em thân mến, con đường mà Chúa Giêsu muốn dẫn chúng ta đi là con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang của Chúa Kitô được tỏ hiện chính vào lúc mà, trong nhân tính, Ngài tỏ ra yếu đuối nhất, đặc biệt là khi nhập thể và trên thập giá. Chính qua đó mà Thiên Chúa biểu lộ tình thương của Ngài, khi trở nên Người Tôi Tớ, khi hiến thân cho chúng ta. Đó chẳng phải là một mầu nhiệm lạ thường, nhiều khi khó chấp nhận sao? Chính Thánh Phêrô cũng chỉ hiểu được điều đó về sau này.”

Dấn thân cho công lý và hoà bình

ĐTC cũng nhắc đến bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Giacôbê, theo đó việc theo Chúa Giêsu đòi phải có những hành động cụ thể “vì qua các hành vi tôi chứng tỏ cho bạn đức tin của tôi” (Gc 2,18).

Từ đó ĐTC khẳng định: “Một đòi hỏi khẩn thiết đối với Giáo Hội là phục vụ, và đối với các tín hữu Kitô, là phải trở thành những người phục vụ đích thực theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong căn tính các môn đệ của Chúa Kitô (x. Ga 13,15-17). Ơn gọi của Giáo Hội và của Kitô hữu là phục vụ, như chính Chúa đã làm, một cách nhưng không và cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Vì thế, phục vụ công lý và hoà bình, trong một thế giới không ngừng gia tăng chết chóc và tàn phá, là một điều cấp thiết để dấn thân cho một xã hội huynh đệ hơn, để kiến tạo tình hiệp thông!

Anh chị em thân mến, tôi đặc biệt cầu xin Chúa ban cho vùng Trung Đông những người phục vụ hoà bình và hoà giải để tất cả mọi người có thể sống an bình và trong phẩm giá. Đó là một chứng tá thiết yếu mà các tín hữu Kitô phải làm ở đây, trong sự cộng tác với tất cả mọi người thiện chí. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy hoạt động cho hoà bình. Mỗi người theo cấp độ và tại nơi mình đang sống.

Việc phục vụ cũng phải ở trọng tâm đời sống của chính cộng đoàn Kitô. Mọi thừa tác vụ, mọi trách vụ trong Giáo Hội, trước tiên là phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình! Chính tinh thần ấy phải linh hoạt mọi tín hữu đối với nhau, nhất là qua sự dấn thân thực sự nâng đỡ những người nghèo nhất, những người bị gạt ra ngoài lề, những người đau khổ, để phẩm giá bất khả nhượng của mỗi người được bảo tồn.

Anh chị em là những người đang chịu đau khổ trong thân xác hoặc trong tâm hồn, sự đau khổ của anh chị em không phải là vô ích! Chúa Kitô người tôi tớ đã trở nên gần gũi mọi người đau khổ. Người hiện diện cạnh anh chị em. Ước gì anh chị em tìm được trên đường những người anh em, chị em, biểu lộ cụ thể sự hiện diện yêu thương của Chúa, không thể bỏ rơi anh chị em! Anh chị em hãy tràn đầy hy vọng vì Chúa Kitô!

Và tất cả anh chị em là những người đến dự Thánh lễ này hãy cố gắng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên Người Tôi Tớ của mọi người để thế giới được sống. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Liban, chúc lành cho tất cả mọi dân tộc tại vùng Trung Đông yêu quý và ban cho miền này được ơn bình an của Chúa.”

Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Ảrập, Anh, Arméni và Hylạp, cầu cho ĐTC, cho các tín hữu, các nhu cầu của Giáo Hội, nhất là công lý, hoà bình và sự hoà giải.

Trao Tông huấn

Cuối Thánh lễ, Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng Thư ký Thượng HĐGM, đã cám ơn ĐTC và xin ngài trao Tông huấn cho các vị Thượng phụ Công giáo Đông phương, cùng với các vị Chủ tịch HĐGM Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Chủ tịch HĐGM Bắc Phi, và hàng chục đại diện giáo dân nam nữ.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC cám ơn tất cả các nghị phụ đã góp phần vào Thượng HĐGM Trung Đông với chủ đề “Giáo hội Công giáo tại Trung Đông: Hiệp thông và Chứng tá. Đông đảo những người trở thành tín hữu đồng tâm hiệp ý với nhau” (Cv 4,32).

Ngài nói: “Với việc trao Tông huấn này, bắt đầu công việc học hỏi và hấp thụ của tất cả mọi người giữ vai chính trong Giáo Hội, các vị mục tử, những người thánh hiến và giáo dân, để mỗi người tìm được niềm vui mới mẻ theo đuổi sứ mạng của mình, được khích lệ và củng cố để thi hành sứ điệp hiệp thông và chứng tá, theo những khía cạnh khác nhau: nhân bản, đạo lý, Giáo Hội, linh đạo và mục vụ được trình bày trong Tông huấn này. Tôi cầu chúc Tông huấn là cuốn chỉ nam để tiến bước trên những nẻo đường đa dạng và phức tạp mà Chúa Kitô đã đi trước anh chị em.”

ĐTC cũng cầu chúc cho Giáo Hội tại Trung Đông tiến bước theo cha ông của mình trong đức tin, những người đã mở ra con đường của nhân loại đáp lại mạc khải của Thiên Chúa qua sự kiên trì và trung thành của các ngài. Ngài mời gọi Giáo Hội tại đây tìm được trong sự khác biệt huy hoàng của các thánh đã tươi nở tại đây những tấm gương và những vị chuyển cầu, soi sáng cho Giáo Hội địa phương đáp lại tiếng gọi của Chúa tiến bước về Jerusalem Thiên quốc, nơi Chúa sẽ lau sạch mọi nước mắt của chúng ta (x. Kh 21,4).

Kinh Truyền Tin và kêu gọi hoà bình cho Syria

Sau khi trao bản Tông huấn cho các vị Đại diện Hàng Giáo phẩm và Giáo dân, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin, dâng lên Đức Mẹ Liban vốn được cả các tín hữu Kitô và Hồi giáo tôn kính.

Ngài nói: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta với Chúa Con, đặc biệt là cho dân chúng tại Syria và các nước láng giềng đang cầu khẩn ơn hoà bình. Anh chị em biết rõ thảm trạng xung đột và bạo lực đang gây ra bao nhiêu đau khổ. Đáng tiếc thay tiếng súng đạn vẫn tiếp tục, cũng như tiếng kêu của các goá phụ và cô nhi! Bạo lực và oán thù xâm chiếm cuộc sống, và các phụ nữ, trẻ em là những nạn nhân đầu tiên. Tại sao bao nhiêu kinh hoàng như thế? Tại sao bao nhiêu chết chóc như vậy? Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế! Tôi kêu gọi các nước Ảrập, trong tư cách là các nước anh em, hãy đề nghị những giải pháp có thể thi hành được, tôn trọng phẩm giá của mỗi người, các quyền và tôn giáo của họ! Ai muốn kiến tạo hoà bình thì phải ngưng coi tha nhân như một sự ác phải loại trừ. Thật không dễ coi người khác như một người cần tôn trọng và yêu thương, nhưng phải làm như thế nếu ta muốn kiến tạo hoà bình, nếu muốn tình huynh đệ (x. 1 Ga 2,10-11; 1 Pr 3,8-12). Xin Chúa ban cho đất nước của anh chị em, cho Syria và Trung Đông hồng ân an bình của các tâm hồn, cho tiếng súng đạn im bặt và chấm dứt mọi bạo lực! Ước gì con người hiểu rằng mọi người là anh chị em với nhau! Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, hiểu những lo âu và nhu cầu của chúng ta. Cùng với các vị Thượng phụ và Giám mục hiện diện, tôi đặt Trung Đông dưới sự bảo vệ Từ Mẫu (x. Prop. 44). Với ơn phù trợ của Chúa, ước gì chúng ta có thể hăng say làm việc cho sự thiết lập hoà bình cần thiết cho một cuộc sống hoà hợp giữa anh chị em với nhau, bất luận họ thuộc gốc gác và theo xác tín tôn giáo nào.”

Thánh lễ kết thúc lúc hơn 12 giờ trưa, giờ địa phương, sau đó ĐTC đã về Toà Sứ thần Toà Thánh ở Harissa cách đó 30 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: RV

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *