Các nhà thờ là “nhà của Thiên Chúa” chứ không phải là cái chợ hoặc những triển làm mang tính xã hội và đầy ắp tinh thần “thế gian”. Khởi đi từ bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan 2,13-22, Đức Thánh Cha giải thích động cơ phía sau hành động mạnh mẽ của Chúa Giêsu khi Người đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ. Con Thiên Chúa được thúc đẩy tình yêu, lòng nhiệt thành đối với Nhà Cha, vốn đã bị biến thành cái chợ.
Những ngẫu tượng nô lệ hoá
Bước vào đền thờ, nơi người ta bán bò, cừu, bồ câu, cho đến sự xuất hiện của những kẻ đổi tiền, Chúa Giêsu biết rằng nơi này đã trở thành nơi cư ngụ của những ngẫu tượng, những con người sẵn sàng phục vụ cho “tiền bạc” hơn là Thiên Chúa. Đằng sau tiền của là ngẫu tượng, những thứ ngẫu tượng luôn luôn bằng vàng. Và đó là những ngẫu tượng nô lệ hoá.
Điều này khiến ta chú ý và suy nghĩ về cách ta hành xử với những đền thờ, những thánh đường của chúng ta. Liệu đó có thực sự là nhà của Thiên Chúa, nhà của cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa; liệu các tư tế đền thờ có khuyến khích điều đó. Và liệu nhà thờ có giống cái chợ không. Tôi không biết… đôi khi tôi thấy, – không phải ở Roma này, nhưng ở một nơi khác – tôi thấy bảng giá. “Nhưng người ta trả giá cho các Bí tích như thế nào?” – Không, đó là một sự dâng cúng mà.” Nhưng liệu họ có muốn dâng cúng không – hay họ phải làm điều đó – hay người ta đặt nó trong các hòm dâng cúng, trong bí mật và không ai nhìn thấy nó có bao nhiêu. Cũng vậy, cũng có nguy cơ này trong thời đại ngày nay: “Nhưng chúng ta phải bảo trì Nhà thờ. Đúng thế, thực sự là thế.” Các tín hữu bảo trì nó, nhưng trong các hòm dâng cúng, đừng đi kèm với bảng giá.
Các nhà thờ không trở thành cái chợ
Hãy đề phòng và chống lại những cám dỗ của tinh thần thế tục.
Chúng ta thử nghĩ về một vài buổi đại lễ cử hành Bí tích nào đó, hoặc những cuộc tưởng niệm, nơi bạn đến và thấy: bạn có biết rằng liệu Nhà Thiên Chúa là nơi thờ phượng hay nơi triển lãm mang tính xã hội. Một vài buổi đại lễ bắt đầu chìm vào tinh thần thế gian. Đúng là các đại lễ thì phải đẹp, đẹp nhưng không phải theo tinh thần thế gian, bởi cách thức trần thế lại dựa vào đồng tiền. Đó thực sự là một ngẫu tượng. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ, và ta tự hỏi: lòng nhiệt thành đối của ta dành cho thánh đường, lòng tôn trọng mà ta có dành cho nơi mà chúng ta tiến vào đang ra sao?
Đền thờ của con tim
Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, ngài cho thấy rõ rằng con tim của mỗi chúng ta là “một đền thờ, đền thờ của Thiên Chúa.” Cũng như trong việc nhận biết rằng chúng ta đều là những tội nhân, thì mỗi người cũng cần tự hỏi con tim của mình để thẩm định xem liệu nó có đang “theo tinh thần thế gian và tôn thờ ngẫu tượng” hay không.
Tôi không hỏi lỗi của bạn, hay tội của tôi là gì. Tôi chỉ hỏi liệu trong tâm hồn bạn có thứ thần tượng nào không, liệu có ông thần tiền không. Bởi khi đó có tội lỗi và cũng có Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót, Đấng sẽ tha thứ nếu bạn đến với Ngài. Nhưng nếu có một ông thần khác – ông thần tiền – bạn là một người thờ ngẫu tượng, nghĩa là kẻ hư hoại: chưa phải là một tội nhân, nhưng đang sai lạc. Tâm điểm của việc sai lạc này chính là thờ ngẫu tượng: đó chính là đã bán linh hồn mình cho thần tiền, thần tài. Đó chính là tôn thờ ngẫu tượng.
Trần Đỉnh, SJ