ĐTC Tiếp Phái đoàn Liên Hiệp Tin Lành Luther Thế Giới: Chúa Ki-tô Đồng Hành Với Chúng Ta Trên Hành Trình Hướng Tới Sự Hiệp Thông

ĐTC bắt tay Tổng Giám mục Panti Filibus Musa, Chủ tịch Liên Hiệp Tin Lành Luter Thế Giới 

Vatican 25/6/2021 – Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Luther Thế giới nhân dịp kỷ niệm Bản Tuyên xưng đức tin Augsburg lần thứ 491 và khích lệ các tín hữu Công Giáo và Tin Lành tiếp tục vượt qua xung đột để hướng đến sự hiệp thông.

Trong bài diễn văn của mình, ĐTC Phanxicô nhắc đến ngày kỷ niệm và ngỏ lời cám ơn phái đoàn đã đến Roma để “nuôi dưỡng sự hiệp nhất”.

Bản Tuyên xưng đức tin Augsburg là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự chia rẽ của Kitô giáo Tây phương, và sau đó đã trở thành bản tuyên xưng đức tin đầu tiên của Tin Lành Luther bao gồm những điều mà các tín hữu Tin Lành Luther tuyên xưng và giảng dạy.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện các tín hữu Công giáo và Tin Lành Luther đã gặp nhau vào năm 1980 và cùng nhau thừa nhận đức tin chung mà cả hai bên tuyên xưng trong Bản tuyên xưng đức tin Augsburg vốn nhấn mạnh đến “một thân thể… một phép rửa, một Thiên Chúa”

Một Thiên Chúa

Sau đó, ĐTC đã suy tư về ba yếu tố này. Ngài bắt đầu với niềm tin chung của chúng ta vào một Chúa Ba Ngôi, một tín điều đã được đề cập tại Công đồng Nicea năm 325.

“Kinh Tin Kính Nicea là một lời tuyên xưng đức tin không chỉ của người Công Giáo, Tin Lành Luther mà còn của cả anh chị em Chính Thống giáo và nhiều cộng đoàn Kitô giáo khác. Đó là một gia sản mà chúng ta cùng nhau nắm giữ,” ĐTC nói.

ĐTC khuyến khích mọi người kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicea vào năm 2025 như một “động lực mới cho hành trình đại kết”.

Một phép rửa trong Đức Ki-tô

ĐTC Phanxicô tiếp tục lưu ý đến “một phép rửa tha tội” nhằm hiệp nhất tất cả các Kitô hữu.

“Phép rửa là món quà nguyên uỷ của Thiên Chúa ngay chính nền tảng của những nỗ lực tôn giáo và dấn thân của chúng ta để đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn,” ĐTC nói.

Ngài cũng nói thêm rằng tất cả tiến trình hướng tới việc vượt qua những chia rẽ, việc chữa lành ký ức và sự hòa giải đều được đặt nền tảng trên một phép rửa tha tội này.

ĐTC chỉ ra rằng đại kết là một “hành trình ân sủng”, hơn là một hoạt động ngoại giao của Giáo Hội.

“Đại kết không dựa vào các cuộc đàm phán và thỏa thuận của con người, mà dựa vào ân sủng của Thiên Chúa vốn thanh tẩy ký ức và con tim, vượt ra khỏi những thái độ cứng rắn và hướng tới sự hiệp nhất được canh tân: không hướng tới các thỏa thuận lược bớt hoặc các hình thức của chủ nghĩa đồng bộ có tính thỏa hiệp, nhưng hướng tới một sự hiệp nhất hòa giải giữa những khác biệt. ”

Đồng thời, ngài khuyến khích tín hữu Công giáo và Tin Lành Luther hãy kiên trì đối thoại để đạt được sự hiệp nhất lớn hơn giữa các chi thể trong thân thể của Chúa Kitô.

Một thân thể

ĐTC tiếp tục suy tư về chủ đề “một thân thể” của Chúa Ki tô đang bị tổn thương vì sự chia rẽ của chúng ta.

ĐTC nói: “Khi chúng ta đau đớn vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, chúng ta đến gần với kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu khi thấy các môn đệ của Người vẫn bị chia cắt, chiếc áo của Người bị xé rách.”

ĐTC Phanxicô nói thêm rằng chúng ta cảm nghiệm được cuộc khổ nạn của Chúa khi không thể chia sẻ cùng một bàn thờ, mặc dù chúng ta có đầy lòng nhiệt huyết tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.

Từ xung đột đến hiệp thông

Sau đó, ngài khuyến khích mọi người tiếp tục “với lòng nhiệt thành trên hành trình vượt qua xung đột để tiến tới sự hiệp thông,” khi người Công giáo và Tin Lành Luther khám phá ra “những mối dây hiệp nhất Giáo Hội, sứ vụ và Bí tích Thánh Thể”.

“Thật quan trọng khi xét lại những hoàn cảnh dẫn tới những chia rẽ bằng sự khiêm nhường mang tính thiêng liêng và thần học. Mặc dù thật khó để vãn hồi những sự kiện đáng buồn trong quá khứ, nhưng chúng ta xác tín rằng chúng ta có thể giải thích lại những sự kiện ấy như một phần của lịch sử đã được hoà giải.”

 Được Chúa đồng hành

 Cuối cùng, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu Tin Lành Luther và Công Giáo rằng chúng ta không đơn độc khi chúng ta vượt ra khỏi xung đột để tiến tới hiệp thông: “Chúa Ki-tô đồng hành với chúng ta”. Ngài mời gọi những người hiện diện cùng đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho “sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Ki-tô hữu.”

Chuyển ngữ: Học viên JB Hoàng Lê Công Đức, SJ

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *