Đức Thánh Cha trả lời về việc rước lễ của các chính trị gia ủng hộ phá thai

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các giám mục hãy chăm sóc các chính trị gia ủng hộ phá thai “theo đường lối của Thiên Chúa.’ Điều đó có nghĩa gì trong thực hành?

 

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay vào thứ Tư khi kết thúc chuyến tông du đến Hungary và Slovakia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi của phóng viên Tòa Thánh người Mỹ, Gerard O’Connell, về việc Rước lễ của các chính trị gia ủng hộ phá thai. Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã không làm – và thực tế là ngài đã từ chối làm – đó là giải quyết câu hỏi này một cách phổ quát và dứt khoát.

Thay vào đó, câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cấu trúc gồm ba phần: 1) khẳng định giáo huấn luân lý về sự bất công của phá thai; 2) khẳng định rằng mọi người có thể đặt mình ra ngoài cộng đoàn giáo hội và do đó họ không thể rước lễ một cách xứng hợp; 3) chỉ ra rằng cuộc tranh luận về việc liệu có nên từ chối cho rước lễ thì không phải do những bất đồng về những nguyên tắc thần học ở điểm một và điểm hai mà là một vấn đề mục vụ về cách áp dụng hai nguyên tắc ấy. Đức Phanxicô đã dành phần lớn câu trả lời của mình để cảnh báo rằng nếu các Giám mục không thể  giải quyết vấn đề mục vụ này như là những mục tử, thì rất có thể các ngài sẽ “hành xử như là những chính trị gia”, điều này không mang lại kết quả tốt đẹp cho Giáo hội.

Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã không làm – và thực tế là ngài đã từ chối làm – đó là giải quyết câu hỏi này một cách phổ quát và dứt khoát.

Trước đây, tôi đã viết về những vấn đề này hai lần rồi. Vào tháng 5, Bộ trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi một lá thư đề xuất một tiến trình đối thoại sâu rộng trước khi các giám mục Hoa Kỳ cố gắng đưa ra hướng dẫn quanh vấn đề Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai. Vào thời điểm đó, ngay cả khi tất cả các giám mục đồng ý việc cấm các chính trị gia ủng hộ phá thai rước lễ, tôi đã giải thích tại sao một chính sách như thế sẽ không đạt được mục đích chính trị của việc tăng cường ủng hộ luật chống phá thai. Vào tháng 6, các giám mục đã bỏ phiếu để tiến tới việc soạn thảo một tài liệu về sự nhất quán trong Thánh lễ mà không dành thời gian cho tiến trình đối thoại được khuyến nghị. Sau đó, tôi cũng nói rằng những người Công giáo chống lại quyết định cấm các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đều có thể được quan tâm chăm sóc mục vụ.

Tôi nghĩ rằng cả những phân tích trước đây của tôi đều phù hợp với trọng tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề mục vụ được trình bày trong câu hỏi này. Nhưng câu trả lời của ngài làm nổi bật hai điểm giúp tôi nhận ra rằng các vấn đề mục vụ rất dễ bị rơi vào cách giải quyết theo lối chính trị, trong khi các vị hữu trách vẫn nghĩ rằng các ngài đang hành động theo những gì mà sự thật luân lý và thần học đòi hỏi.

Đầu tiên, Đức Phanxicô nói rằng một mục tử “phải là mục tử theo đường lối của Thiên Chúa,” tức là phải có “sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng”. Ngài nói thêm rằng đòi hỏi này áp dụng ngay cả trong mối tương quan mục vụ đối với những người bị vạ tuyệt thông, và Kinh thánh đã chỉ ra “đường lối” thiêng liêng này. Khi kết thúc câu trả lời của mình, Đức Phanxicô một lần nữa đề cập đến bộ ba là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, đồng thời nói rằng những nguyên tắc mục vụ này “xuất phát từ thần học, chăm sóc mục vụ là thần học và thuộc về Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt bạn [hành động mục vụ] theo cách thức của Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhấn mạnh rằng sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng chính là chân lý thần học về việc Thiên Chúa là ai trong tương quan với con người.

Ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng không phải là những hạn chế mục vụ về cách một người nhiệt thành công bố những chân lý thần học, nhưng chính là những chân lý thần học về việc Thiên Chúa là ai trong tương quan với con người. Hành động mục vụ “theo đường lối của Chúa” không đối nghịch với việc thẳng thắn nói ra sự thật luân lý của việc phá thai là bạo lực bất công và, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định, “bất cứ ai thực hiện phá thai đều giết người”, “chấp nhận phá thai đồng nghĩa với chấp nhận việc sát nhân. ” Hành động mục vụ theo đường lối của Thiên Chúa không có nghĩa là đạp đổ những sự thật này. Thay vào đó, tìm mọi cách để duy trì sự gần gũi, như Chúa thực hiện, ngay cả với những người từ chối hoặc không chấp nhận những sự thật luân lý này.

Thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến những lý lẽ ngụy biện và tranh cãi về cuộc thảo luận trong “Amoris Laetitia” về việc đồng hành mục vụ cho các cặp vợ chồng ly hôn. (Một nhóm các nhà thần học đã đi xa đến mức buộc tội giáo hoàng là dị giáo.) Bởi vì trước đây Đức Phanxicô đã không tham gia vào cuộc tranh luận cụ thể của người Mỹ về việc liệu Tổng thống Biden có nên rước lễ hay không — và ngay cả trong câu trả lời hôm qua, ngài đặc biệt tránh đề cập đến những chi tiết đặc thù trong bối cảnh của Hoa Kỳ — ban đầu tôi cảm thấy khó hiểu khi tham chiếu đến “Amoris Laetitia”. Vấn đề ở đây là vấn đề mà các giám mục Hoa Kỳ không đồng ý với nhau, chứ không phải với đức giáo hoàng, và cũng không liên quan gì đến hôn nhân.

Nhưng khi suy tư, tôi nhận ra rằng cả hai cuộc tranh luận này đều nảy sinh do không tin tưởng vào phán đoán mục vụ hơn là bất đồng chính thức về thần học. Thần học về hôn nhân trong “Amoris Laetitia” hoàn toàn phù hợp với truyền thống Công giáo. Nhưng một số người nghĩ rằng lời kêu gọi đồng hành mục vụ cho các cặp vợ chồng ly hôn, với việc phân định tùy theo hoàn cảnh cá nhân, sẽ bị áp dụng sai khiến làm suy yếu giáo huấn về sự xứng hợp khi rước lễ. Nói cách khác, họ không sẵn lòng tin tưởng cách thức các mục tử áp dụng những giáo huấn của Giáo hội, chứ không phải họ nghi ngờ về chính những giáo huấn.

Đức Thánh Cha Phanxicô có một tầm nhìn rộng hơn — và tôi cũng muốn nói là can đảm hơn — một tầm nhìn về ý nghĩa của việc là một mục tử .

Tương tự, trong cuộc tranh luận hiện tại của giáo hội Hoa Kỳ về việc các chính trị gia ủng hộ phá thai rước lễ, tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là sự bất đồng về giáo huấn của giáo hội trong việc phá thai, hoặc việc bác bỏ giáo huấn ấy có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng xứng hợp khi rước lễ. Không có giám mục nào phủ nhận một trong hai tuyên bố này. Thay vào đó, một số người Công giáo có xu hướng coi những phán quyết mang tính mục vụ về việc áp dụng những giáo huấn này là tương đương với dị giáo, nếu các phán quyết ấy không đủ nghiêm khắc.

Thông thường, một số người có lập trường kiểu này lý luận rằng các nguyên tắc thần học đã quá rõ ràng đến nỗi họ chỉ chấp nhận một kết luận rất thực tế: cấm không được rước lễ. Vì thế, bất kỳ ai không đồng ý với phán quyết này, thì họ đều cho rằng người ấy đã không sẵn sàng để hoàn toàn chấp nhận những nguyên tắc thần học, chứ không hề nghĩ rằng người ấy đang thực hiện những phán đoán mang tính mục vụ nhằm tìm ra cách thức tốt đẹp nhất để tiếp tục ở bên đồng hành với những người từ chối hoặc chống lại một số chi tiết trong giáo huấn của Giáo hội. Khi phân tích chi tiết như thế, ta nhận ra sự ngờ vực độc hại như thế nào. Những kết luận xuất phát từ sự ngờ vực luôn mang tính đóng khung khép kín, tức là bất kỳ ai có một phán đoán mục vụ khác lạ về một vấn đề quan trọng nào đó thì đều bị quy cho là đã chối bỏ những chân lý thần học.

Đức Thánh Cha Phanxicô có một tầm nhìn rộng hơn – và tôi muốn nói là cũng can đảm hơn –  một tầm nhìn về ý nghĩa của việc là một mục tử . Và tôi nghĩ rằng tầm nhìn đó cũng dành cho các giám mục, với tư cách là các mục tử, được có những khác biệt trong việc phân định xem cách thức mục vụ nào là tốt đẹp nhất, xét một cách chung và cả trong từng trường hợp cụ thể. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các vị mục tử hãy tin tưởng Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt họ biết chăm sóc đàn chiên “theo đường lối của Chúa”. Bằng cách này, ngài cũng nhắc nhở toàn thể giáo hội rằng chính Thiên Chúa, trước hết và trên hết, là Đấng tiếp chạm đến chúng ta bằng “sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng” để định hình việc chăm sóc mục vụ của giáo hội, đặc biệt là đối với những người dường như đang lang thang xa đàn.

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2021/09/17/pope-francis-communion-abortion-241458
Chuyển ngữ: Văn Pháp, S.J.

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *