Sáng Chúa nhật 13-3-2016, tại Học Viện Dòng Tên, cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. đã chia sẻ với các bạn sinh viên Công Giáo Thủ Đức về chuyên đề: “Đức Tin và Giới Trẻ”. Cha giải đáp nhiều thắc mắc của các bạn trẻ. Chúng tôi xin trích nơi đây những bận tâm ấy.
- Tìm lại đức tin đã mất
Bạn nữ nhóm Khiết Tâm hỏi:
Thưa cha, các bạn trẻ phải làm thế nào để giữ vững đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh cuộc sống?
Cha chia sẻ:
Đức tin vào Thiên Chúa giống như một ngọn lửa, có lúc bừng sáng, có lúc leo lét, có lúc tưởng như tàn lụi. Để giữ ngọn lửa đức tin luôn cháy sáng cần châm thêm củi luôn, nghĩa là cần có đời sống cầu nguyện nghiêm túc, cần kiên trì học hỏi về đức tin, cần tiếp xúc với những người có đức tin vững vàng, và cần can đảm sống đức tin của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Đừng để ngọn lửa đức tin tắt ngúm mới chịu đi châm thêm củi. Nếu lỡ đã mất đức tin thì cần kiên trì xin ơn Chúa nhóm lại lửa. Dù khi mất đức tin, ta chẳng còn hứng thú muốn cầu nguyện, đi lễ hay sống theo lời Chúa nữa, nhưng nếu ta cứ khiêm tốn làm những điều phải làm, thì sớm muộn Chúa cũng ban lại đức tin lại cho ta.
- Xin mà chưa được
Một bạn nhóm Khiết Tâm hỏi:
Khi con xin Chúa điều gì đó, nhưng không được nhận lời. Lúc đó phải làm gì và suy nghĩ như thế nào để không bị suy yếu đức tin?
Cha chia sẻ:
Lúc đó ta nghĩ rằng chỉ vì yêu ta mà Chúa đã không ban ơn ta xin hoặc chưa ban ơn ta xin.
– Có thể điều ta xin là có hại mà ta không biết nên Chúa không ban.
– Có thể Chúa muốn ban cho ta một ơn khác lớn hơn điều ta nghĩ.
– Có thể Chúa sẽ ban, nhưng Chúa muốn chúng ta kiên trì chờ đợi thêm một thời gian nữa để ta có lòng tin cậy mạnh mẽ hơn, ví như trường hợp Thiên Chúa hứa cho cụ Abraham, sinh một con trai.
- Thoát khỏi mê tín
Một bạn nhóm Khiết Tâm hỏi:
Làm sao để thoát khỏi những tư tưởng mê tín, mặc dù con không tin nhưng những tư tưởng ấy cứ ám ảnh con?
Cha chia sẻ:
Để thoát khỏi mê tín thì cần củng cố đức tin của mình vào Thiên Chúa. Khi đức tin yếu, con dễ rơi vào mê tín để tìm chỗ dựa an toàn, để tránh khỏi những xui xẻo rủi ro. Khi đức tin con mạnh lên, con sẽ chẳng sợ gì, nên cũng hết ám ảnh.
- Đối thoại tôn giáo
Bạn nam nhóm Thiên Ân hỏi:
Thưa cha, có cách thức nào để đối thoại với anh em thuộc các tôn giáo khác trong sự bình an và hy vọng?
Cha chia sẻ:
Để đối thoại với người khác tôn giáo cần biết những điều sau đây: – Đây là người được Chúa dựng nên và yêu thương như tôi. – Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, kể cả người đang đứng trước tôi đây. – Dù chưa biết Chúa, nhưng người này có thể đã sống theo lương tâm, như tiếng nói thầm kín của Chúa. – Một người chưa biết Chúa vẫn nhận được ơn Chúa nâng đỡ và soi sáng cách nào đó của Chúa rồi, tuy không trọn vẹn. – Người thiện chí này đang trên đường tìm kiếm khuôn mặt chân thực của Thiên Chúa. – Tôi có bổn phận tạo điều kiện để người này tiếp cận với Chúa và Giáo Hội. Tôi phải giới thiệu niềm tin của tôi, nhưng tôi cũng phải tôn trọng tự do chọn lựa của người ấy. – Đừng quên cầu nguyện cho người bạn gặp.
- Người Kitô hữu theo duy tâm hay duy vật
Một bạn nhóm Thiên Ân hỏi:
Khi người khác hỏi mình về việc theo học thuyết chủ nghĩa duy tâm hay duy vật thì câu trả lời khôn ngoan là như thế nào?
Cha chia sẻ:
Đây là câu trả lời: chúng ta là người Kitô hữu, chẳng duy tâm, cũng chẳng duy vật. Duy vật tin rằng chỉ có những sự vật vật chất (material things) mới hiện hữu, mới có thật. Còn duy tâm lại coi chỉ những ý tưởng của chúng ta (our ideas) mới hiện hữu, mới có thật.
Chúng ta không duy vật vì chúng ta tin rằng có những thực tại hiện hữu không phải là vật chất (thí dụ: Thiên Chúa, linh hồn, đời sau). Chúng ta không duy tâm vì chúng ta coi vật chất quanh ta là có thật. Nhiều người nghĩ rằng tôn giáo thuộc về duy tâm. Điều đó không đúng. Người Kitô hữu không coi thường Vật Chất, vì Vật Chất là quà tặng của Thiên Chúa.
Biên tập: Tứ Quyết, S.J.