Dừng bước giữa cơn đại dịch, chiêm ngắm dung mạo của người Tôi Trung

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

“Người sẽ không kêu to, không nói lớn,

không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42,2).

 

Trong Tuần Thánh Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc lại các bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, để qua đó chúng ta khám phá dung mạo tuyệt vời của Chúa Giê-su, người Tôi Trung của Thiên Chúa.

Trong tâm tình này, chúng ta cùng hướng về Chúa Giê-su và chiêm ngắm Ngài qua bài ca thứ nhất thật đẹp được tiên tri I-sai-a diễn tả trong chương 42,1-9.

 

Bài ca được mở đầu với lời của Thiên Chúa phán với dân Người, như là lời giới thiệu của Thiên Chúa về Người Tôi Trung, Đức Giê-su, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng.

 

“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến,
Ta cho thần khí Ta ngự trên người ;
người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”
.

 

Nhắc đến từ ngữ “tôi trung” thì phải nhắc đến sự vâng lời trong tình yêu. Tinh thần vâng lời trong tình yêu, chúng ta nhận ra nơi chính Chúa Giê-su, như Thánh Phao-lô diễn tả:

 

6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

 

Trước sự vâng lời trong tình yêu của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã rất hài lòng, như lời của Thiên Chúa vang lên trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).

 

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban tặng Chúa Giê-su cho chúng con. Trong vâng phục, Ngài đã đi xuống với chúng con, mặc lấy thân nô lệ, xác phàm hèn của chúng con. Trong vâng phục và vì tình yêu, Ngài đã trút bỏ mọi vinh quang Ngài có, và bước đi trên đường lối của chúng con.

 

Trong vâng phục Ngài đã đón nhận tất cả mọi chén đắng, cả những chén đắng mà nhân loại chúng con chối từ. Trong vâng phục và vì muốn cứu độ chúng con, Ngài đã gánh vác tội lỗi chúng con trên đôi vai của Ngài. Đó là thập giá bất nhân chúng con đặt trên đôi vai của Ngài.

 

Ôi lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, vì chúng con đã hành xử quá bất nhân và ác độc với Con của Chúa, Đức Giê-su Ki-tô.

 

Trong tinh thần vâng lời và yêu thương, Chúa Giê-su tiến bước trên con đường của nhân loại. Ngài bước đi như thế nào? Ngài sống ra sao?

 

“Người sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi”
.

 

Ngắm nhìn Chúa trên hành trình bị bắt, bị tra khảo trước các toà án, bị đánh đập và chế diễu, bị điệu đi đóng đinh trên Thánh Giá và chịu chết trên Thánh Giá, chúng ta chẳng thấy Chúa bào chữa cho mình, dù Chúa hoàn toàn vô tội. Chúa không la lớn, không than van, khi Chúa ra trước vành móng ngựa và khi Chúa bước đi trên phố xá với Thánh Giá trên vai. Sự hiền lành của Chúa Giê-su được tỏ lộ và sống động thật sự trên con đường thương khó.

 

Đấng hiền lành và khiêm nhường lặng lẽ đón nhận thập giá mà con người bất nhân trao cho. Đấng hiền lành khiêm nhường phải ngã té vì sức nặng của thập giá ngập tràn tội lỗi của nhân loại đè nặng. Đấng hiền lành và khiêm nhường sẵn lòng để cho một kiếp người phụ giúp Ngài vác thập giá một chặng đường.

 

Chúa Giê-su ơi, tất cả những gì Chúa Giê-su diễn tả trên đường Thánh Giá, Chúa đã cho chúng con nhận ra dung mạo hiền lành và khiêm nhường vô cùng của Chúa, Đấng chú ý đến từng tim đèn leo lét, Đấng nâng niu và chở che, để tim đèn đó là những phận người đang gặp khổ đau không bị tắt đi bởi sự dữ, bởi ma quỷ.

Chúa cũng quan tâm đến từng cây Lau bị giập, và Chúa không bao giờ bẻ gẫy cây Lau đó, mà Chúa dừng bước băng bó, xức dầu và đưa tới quán trọ, đưa tới thảm cỏ xanh, để chúng con, những phận người đang đau khổ trong cơn đại dịch, được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.

Ôi chúng con tri ân cảm tạ Chúa vô ngần.

 

Chúa Giê-su hiền lành và tràn đầy lòng thương xót là vậy đấy. Nhưng không chỉ vậy, mà Chúa còn trung thành và mạnh mẽ trong sứ mạng của Chúa.

 

“Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
Người không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu”
.

 

Sự trung thành trong sứ mạng được diễn tả thật rõ rệt trong vườn Cây Dầu. Mang thân phận con người, Chúa cũng đã hãi sợ, Chúa cũng đã xin cho đừng phải uống chén đắng trước mặt. Nhưng kế bên sự hãi sợ đó là lời cầu nguyện của người Tôi Trung luôn sống tinh thần vâng phục trong tình yêu: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

 

Trong yếu đuối và hãi sợ luôn ẩn dấu một lòng trung kiên và vâng phục. Điều đó đã làm cho Chúa mạnh mẽ, Chúa không quy phục trước cả những gì dã man và ghê rợn nhất sẽ xảy đến với Chúa. Tất cả Chúa hướng về tinh thần sống yêu thương để cứu độ nhân loại, tất cả Chúa muốn sống sự công chính thi hành trọn vẹn ý Cha trên trời.

 

Lạy Chúa Giê-su, ngắm nhìn Chúa, suy tư và cầu nguyện về con đường của Người Tôi Tớ là con đường của chính Chúa bước đi, chúng con chẳng biết phải diễn tả thế nào để ca tụng tôn vinh Chúa được. Hơn nữa, chúng con đang bận bịu quá nhiều với đại dịch chúng con đang chịu. Chúng con đang hoang mang và loay hoay về chính sự an toàn của chúng con, cũng như những vấn đề chúng con cần phải giải quyết. Xin Chúa giúp chúng con ý thức sống tuần thánh này như là bước vào cuộc tĩnh tâm với Chúa, nghĩa là dành nhiều giờ cho Chúa, sống kết hiệp với Chúa, và đưa tất cả mọi lo toan, mọi khốn đốn và khổ đau của chúng con trong cơn đại dịch này vào con đường khổ nạn của Chúa, vì chúng con tin rằng, chỉ khi chúng con đặt tất cả mọi khổ đau vào trong khổ đau của Chúa, vào trong các vết thương Chúa chịu, thì chúng con mới tìm được sự giải thoát và bình an.

 

Vâng, Chúa ơi, lời của Mẹ Tê-rê-sa thật quý, khi Mẹ giải thích cho chúng con về ý nghĩa của tĩnh tâm, ý nghĩa của thời gian sống kết hiệp mật thiết với Chúa trên đường thương khó: “Đối với tôi, tĩnh tâm không phải là khóa mình ở chỗ tối, mà là cho phép Chúa Giê-su sống cuộc thương khó của Ngài, tình yêu của Ngài, sự khiêm nhường của Ngài trong ta, cầu nguyện cùng ta, ở bên ta và Thánh hóa qua ta”.

 

Xin Chúa cho chúng con được bước vào cuộc tĩnh tâm tuần thánh, được bước vào con đường thương khó với Chúa, được sống thân mật với Chúa, Chúa nhé,

Vì như thánh Tê-rê-sa Avila nói: “Được sống thân mật với Chúa Giê-su là một diễm phúc”.

 

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *