Đừng sợ! Hãy mở cửa cho Chúa Kitô!

Đây là niềm vui mà đêm nay chúng ta được mời gọi để chia sẻ, để cử hành, để công bố. Niềm vui mà Thiên Chúa với lòng thương xót vô biên, đã ôm lấy chúng ta là kẻ ngoại đạo, là kẻ tội lỗi, là người xa lạ, và Chúa cũng thôi thúc chúng ta làm như Ngài đã làm. Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ như thế trong thánh lễ canh thức Chúa Giáng Sinh tại Đền thờ thánh Phêrô đêm 24.12.2017. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

Đức Maria đã sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con và đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ trọ (Lc 2,7). Với những lời đơn sơ và rõ ràng ấy, thánh Luca chỉ dẫn chúng ta đến với tâm điểm của đêm cực thánh này: Đó là Đức Maria đã hạ sinh con trai đầu lòng. Người Con ấy là ánh sáng cho trần gian. Mẹ Maria đã trao ban cho chúng ta Đấng là Ánh Sáng. Lời kể đơn sơ ấy đã bao trùm chúng ta trong niềm hy vọng chan hòa. Niềm hy vọng ấy đã mãi mãi thay đổi lịch sử nhân loại. Trong đêm cực thánh này, tất cả đã trở thành nguồn hy vọng.

Chúng ta hãy trở lại một chút nơi câu chuyện Tin Mừng. Theo lệnh của hoàng đế, Đức Maria và thánh Giuse buộc lòng phải lên đường. Các ngài phải rời bỏ người thân, rời bỏ ngôi nhà, rời bỏ xứ sở, để lên đường trở về nguyên quán vì cuộc kiểm kê dân số. Trong lòng các ngài, tràn đầy hy vọng vì một người con sắp chào đời. Cùng với đó, các ngài cũng trải nghiệm sự không chắc chắn, các ngài phải đối diện với nguy hiểm của những người buộc phải lên đường rời khỏi nhà mình.

Sau đó các ngài đã gặp phải điều tệ hại nhất. Đến với Belem, các ngài đến với một vùng đất không chờ mong các ngài. Đến với Belem, các ngài đã phải đến với một vùng đất không tiếp đón mình, không có chỗ cho mình.

Và ngay tại nơi ấy, ngay tại thực tế rất thách đố ấy, Đức Maria đã trao tặng Đấng Emmanuel cho chúng ta. Người Con của Thiên Chúa đã phải sinh hạ trong nơi như thế, vì chính người nhà không tiếp đón. Thánh sử Gioan đã viết trong Tin Mừng rằng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà đã chẳng đón tiếp” (Ga 1,11). Thế đó… Giữa bầu không khí ảm đạm của thành phố, không có chỗ cho người lạ từ xa tới, giữa sự ảm đạm của một thành phố, tràn đầy chuyển động xoay vần và dường như luôn muốn quay lưng lại với tha nhân. Thế mà trong bối cảnh ấy, đã bùng nổ cuộc cách mạng về sự dịu hiền của Thiên Chúa. Tại Belem đã tạo ra một lối mở nhỏ cho những ai bị mất đất của mình, cho những ai bị mất quê hương, cho những ai bị mất ước mơ, cho những ai phải chịu cảnh chèn ép ngạt thở là hậu quả của lối sống khép kín.

Từ những bước chân của thánh Giuse và Mẹ Maria, chúng ta có thể thấy nhiều bước chân khác. Chúng ta hãy nhìn những bước chân của các gia đình buộc lòng phải ra đi, phải lên đường. Chúng ta nhìn thấy bước chân của hàng triệu người tuy không muốn, nhưng buộc lòng phải rời xa người thân và xứ sở. Họ bị đuổi khỏi vùng đất của họ. Nhiều trường hợp, những cuộc xuất cư ấy, những cuộc lên đường ấy đi tìm hy vọng, hy vọng vào tương lai. Nhiều trường hợp khác, cuộc lên đường chỉ có một cái tên vỏn vẹn: đó là sự sinh tồn. Đó là sự sinh tồn, đó là sự sống sót mà người ta phải đối diện trước cảnh những vị vua như Herođe ra tay áp đặt quyền lực và kiếm tìm sự giàu có trên việc đổ máu người vô tội.

Vì không có chỗ trọ, nên Đức Maria và thánh Giuse là những người đầu tiên đón nhận Con Thiên Chúa chào đời. Người Con ấy là Đấng ban cho chúng ta giấy chứng nhận công dân của Nước Trời. Những ai nghèo khó và bé nhỏ tỏ cho chúng ta thấy rằng, quyền năng đích thực và tự do chân thực chính là việc tôn trọng và nâng đỡ sự mong manh của những người bé nhỏ nhất.

Trong đêm ấy, Người không có nơi để hạ sinh, điều ấy cho chúng ta thấy, Người đã không có chỗ trên bàn ăn và cũng chẳng có chỗ trên các con phố. Các mục đồng là những người đầu tiên nhận được Tin Vui Giáng Sinh. Với công việc của mình, họ là những người nam người nữ phải sống nhờ vào phúc lợi xã hội. Điều kiện sống và nơi mà họ buộc phải ở, những điều ấy không cho phép họ giữ các quy tắc và nghi lễ tôn giáo về sự thanh sạch, và vì thế họ bị coi là ô uế. Những điều ấy, kể từ nước da, từ quần áo, từ mùi hôi, từ cách nói chuyện, hoàn cảnh xuất thân, những điều ấy cản ngăn họ. Tất cả những điều ấy tạo nên sự nghi ngờ. Họ là những người nam người nữ mà người ta cần tránh xa, phải xa lánh. Họ bị coi là người ngoại ngay giữa các tín hữu. Họ bị coi là tội lỗi ngay giữa những người công chính. Họ bị coi là ngoại kiều ngay giữa các công dân. Thế nhưng, trong bối cảnh ấy, sứ thần của Thiên Chúa lên tiếng nói: Đừng sợ, vì này ta báo cho các ngươi một niềm vui trọng đại: hôm nay, tại thành của Đavít, sẽ hạ sinh cho chúng ta Đấng Cứu Thế, Người là Đức Kitô là Chúa chúng ta (Lc 2,10-11).

Đây là niềm vui mà đêm nay chúng ta được mời gọi để chia sẻ, để cử hành, để công bố. Niềm vui mà Thiên Chúa với lòng thương xót vô biên, đã ôm lấy chúng ta là kẻ ngoại đạo, là kẻ tội lỗi, là người xa lạ, và Chúa cũng thôi thúc chúng ta làm như Ngài đã làm.

Đức tin của đêm nay dẫn chúng ta đến chỗ nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong tất cả những cảnh huống, mà nơi đó chúng ta cho rằng Ngài đang vắng mặt. Ngài là một trong những người khách thường khó có thể nhận ra. Ngài đi qua các đường phố của chúng ta. Ngài đi trên xe buýt với chúng ta. Ngài gõ cửa nhà chúng ta.

Và cùng với niềm tin này, chúng ta được thôi thúc để trao tặng một không gian cho một xã hội mới, nơi không còn phải sợ hãi, nơi không còn phải sợ thử nghiệm những hình thức mới của các mối tương quan xã hội. Để nơi đó, không còn ai cảm thấy rằng, vùng đất này không có chỗ dành cho mình. Giáng Sinh là thời điểm để biến đổi sức mạnh của sợ hãi thành sức mạnh của đức mến, một sức mạnh được củng cố bởi dung mạo mới của đức mến. Đức mến không coi những bất công là điều tự nhiên, nhưng đức mến có sự can đảm ngay giữa những căng thẳng và xung đột, để có thể trở nên ngôi nhà đầy bánh cho mọi người, trở thành vùng đất hiếu khách. Thánh Gioan Phaolô II nhắc chúng ta rằng: “Đừng sợ! Hãy mở ra, hãy mở cửa cho Chúa Kitô!” (Bài giảng Thánh Lễ đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng, 22.10.1978).

Nơi Hài Nhi Belem, Thiên Chúa đã đến gặp gỡ chúng ta, để làm cho chúng ta tích cực chia sẻ cuộc sống với mọi người xung quanh. Người đã trao tặng chính mình cho chúng ta, để chúng ta có thể bồng ẵm trên tay, có thể nâng Người lên, có thể ôm lấy Người. Để trong Người, chúng ta không còn sợ hãi, chúng ta sẽ không sợ khi dang tay đón nhận, nâng lên, và ôm lấy những ai đói khát, những người khách lạ, những người trần truồng, người đau ốm, người bị tù đầy (x. Mt 25:35-36). “Đừng sợ! Hãy mở cửa cho Chúa Kitô!” Trong Hài Nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên sứ giả cho niềm hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở thành người nâng đỡ những ai đang chịu áp bức và sức nặng khổ đau do phải đối diện với những cánh cửa đóng kín. Trong Hài Nhi này, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân về lòng hiếu khách của Ngài.

Chúng con rất cảm động trước niềm vui mà Người tặng ban, lạy Hài Nhi bé nhỏ thành Belem! Chúng con cầu mong, tiếng khóc của Người có thể phá tan sự dửng dưng của chúng con và mở mắt chúng con để nhìn thấy những ai đang khổ đau. Xin cho lòng từ nhân dịu hiền của Người thức tỉnh tâm hồn chúng con, giúp chúng con nhận biết ơn gọi của chúng con, để chúng con nhìn thấy Người tại những nơi mà Người đi tới trong thành phố chúng con, trong lịch sử đời con, trong cuộc sống của con. Nguyện xin sự dịu hiền từ nhân mang tính cách mạng của Người thuyết phục lòng con, mời gọi con trở thành chứng nhân cho niềm hy vọng và sự dịu hiền của Người cho muôn dân.

Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ 
Truyền Thông Vatican

Sau đây là Video thuyết minh tiếng Việt:
Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh tại Tòa Thánh Vatican 24.12.2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ đêm Giáng Sinh 24.12.2017

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *