[Đường lối con tim] Bước 6 : Đức Ki-tô ở lại trong chúng ta

  1. Lời Chúa

“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14,20)

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,4.9)

“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)

“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cl 3,16)

“Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha.” (1 Ga 2,24)

“Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái.” (Ep 2,17)

“Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó.” (2Cr 3,18)

 

  1. Suy Niệm

Bên cạnh tình yêu bao la mà Ngài dành cho ta, Thiên Chúa còn khao khát được ở lại trong trái tim của chúng ta. Chúa Giê-su đã hứa điều này với các Tông đồ trước khi Ngài chịu chết. Ngài muốn ở lại trong mỗi chúng ta. Thánh Phao-lô làm chứng cho lời hứa này khi ngài nói “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đây là nhận thức cơ bản nhất về việc Chúa Thánh Thần dẫn dắt đời sống đức tin của ta.  Ngài nỗ lực biến các tín hữu nên giống Chúa Kitô về thể xác, linh hồn và tinh thần. Chúng ta ao ước điều này. Và chúng ta xin điều này với một con tim khiêm tốn, ý thức rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được do sức lực của ta. Chúng ta tin chắc rằng ta được biến đổi một cách đặc biệt qua Chúa Giê-su Thánh Thể. Chúa Giê-su đã ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Thịt và Máu Ngài, uốn nắn trái tim ta như giống trái tim Ngài. Nhờ đó, chúng ta có thể trở nên giống Ngài và hành động như Ngài.

 

  1. Suy Sâu Hơn – Going Deeper

 

Như một người tông đồ của Chúa Giêsu, phần tôi là ở lại trong Ngài, là cận kề bên Thánh Tâm Ngài.

  • Cầu Nguyện và Lời Chúa

Điều này chỉ có thể thực hiện được khi ở lại trong Lời của Chúa Giêsu: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. (Ga 14,23) Ngài nhắc lại: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” Để suy ngẫm Lời Chúa, nhìn lên Ngài và lắng nghe Ngài trong Tin Mừng thì không những phải cận kề trái tim Ngài nhất có thể; nhưng quan trọng nhất, là sự kết hợp thâm sâu với Ngài. Như cành nho liên kết với thân nho, chúng ta hãy để Ngài biến đổi chúng ta.

Phải, ấy là ở lại với Lời của Ngài để nhận ra với trọn con tim mình, hòng được bước vào Tình yêu của Ngài, và nhận ra tiếng Ngài giữa muôn vàn thanh âm ồn ã đang thét gào trong con tim của ta.

Mỗi ngày, tôi dành bao nhiêu thời gian để cầu nguyện, để được ở riêng với Ngài và suy gẫm Lời Ngài? Ai thấy mình được dưỡng nuôi bằng Lời của Ngài, siêng năng gẫm suy Tin Mừng, Kinh Thánh, thì người ấy sẽ được bước vào chiều cao, chiều rộng và chiều sâu của Tình Yêu Ngài.

  • Được sinh ra để sống trong Thần Khí

Để có thể ở lại trong Chúa Giêsu, và để Ngài ở lại trong tôi, đến độ tôi có thể thốt lên những lời như của thánh Phao-lô rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2,20), tôi phải bước vào cuộc sống của Thần Khí.

Bạn có nhớ người thanh niên đã từng hỏi Chúa Giêsu “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17-21) không? Sau khi trìu mến nhìn anh, một người vẫn luôn tuân giữ các giới răn từ thuở nhỏ, thì Ngài trả lời anh rằng: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Chúa Giêsu mời gọi anh, một người trung thành tuân giữ Lề Luật của Chúa theo như sách Ngũ Thư, hãy vượt lên từ sự vâng phục chỉ theo lề luật mà đến với một cuộc sống trong Thần Khí. Trung thành với lề luật Chúa là một điều tốt lành, nhưng cần đi sâu hơn, tiến xa hơn thế. Lề luật, các giới răn thì thủ cựu. Người ta có thể cho rằng chỉ cần tuân giữ lề thuật theo từng con chữ là đủ để có được sự sống đời đời rồi; và người ta có thể dễ bị sa vào vấn đề tự kỷ luật quá mức, cho rằng mình có thể đạt được sự sống vĩnh cửu bằng sức mạnh của chính mình. Chúa Giêsu mời gọi tôi hãy đi sâu hơn, tiến xa hơn. Ngài mời tôi “hãy theo Ngài”.

Theo Ngài đến đâu, khi nào? Ngài không nói gì về điều đó cả. Duy chỉ mỗi việc là “theo Ngài” mà thôi. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)  Bước theo Chúa Giêsu tức là bước vào một cuộc sống trong Thần Khí. Là rời xa bờ và đến chỗ nước sâu, là rời bỏ nơi quen thuộc mà đến nơi xa lạ, bỏ lại sự ổn định mà đến với những thay đổi; cuộc sống là một hành trình, luôn di chuyển.

“Hãy theo Thầy!” Đến đâu? “Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đó là bắt đầu một chuyến hành trình mà ta chẳng biết nơi mình sẽ đến. Là hoàn toàn vâng phục theo Chúa Thánh Thần mà không cố gắng tự điều khiển đời mình. Tôi tin chắc mình có thể làm được điều này. Bởi trong cuộc đời mình, tôi đã khám phá ra rằng: Ngài là Đấng thành tín. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Ki-tô là để cho Thần Khí dẫn dắt mình phân định không ngừng việc sống trung thành với Tin Mừng như thế nào trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Thật vậy, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô (Ga 3), câu hỏi được đặt ra là “được sinh ra một lần nữa,” “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Ni-cô-đê-mô là một con người của luật Mô-sê. Ông biết sự khôn ngoan của Lề Luật, nhưng dẫu cho thông thạo bao nhiêu, ông cũng vẫn còn u mê. Bởi lẽ, để trở thành một phần trong Vương Quốc của Thiên Chúa, của Thế Giới Mới thì vấn đề không phải là việc tuân giữ bề ngoài, hoặc do tri thức, nhưng là bởi được sinh ra. Trau dồi nhân đức này hoặc nhân đức kia, hay thậm chí là tuân giữ Lề Luật và các giới răn để có đời sống thiêng liêng trọn vẹn thôi thì chưa đủ. Đúng hơn, điều cần thiết là trở nên quen thuộc với đời sống nội tâm của mình, và dần dần, học cách thấu hiểu nội tâm mình, để bản thân hoàn toàn vâng phục theo Chúa Thánh Thần.

Để làm điều đó cần phải có sự lắng nghe. Sự thường, chúng ta hay sống theo bề nổi, theo hành động, việc làm, sự kích động tức thời, tiếng lải nhải ầm ĩ trong lòng, nhưng lại chẳng chịu lắng nghe điều đang diễn ra trong nội tâm mình. Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần nói với chúng ta qua tiếng vọng cảm xúc từ những trải nghiệm và gặp gỡ trong đời sống của ta. Tất cả những gì ta trải qua đều sinh ra trong ta một điều gì đó: bình an, vui mừng, buồn bã, lạc lõng; Tựa như anh thanh niên giàu có kia đã “buồn rầu bỏ đi” khi nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu vậy. Chúa Thánh Thần nói với ta qua những biến cố trong cuộc sống, và nơi đó, chúng ta phải biết phân định cho đúng.

Ai bước vào cuộc sống trong Thần Khí thì biết học cách đón nhận những chuyển động nội tâm này; ngày một quen thuộc với thế giới nội tâm mình hơn và dần dần thành công trong việc thấu hiểu, phân định, và nhận ra tiếng của Đấng hằng muốn nói với chúng ta.

Người ta kể rằng thánh I-nhã Loyola “luôn vâng theo Chúa Thánh Thần, chẳng tự ý đi đằng trước, chẳng biết nơi mình đang đi… thánh nhân vâng theo Ngài với tất cả lòng tin tưởng tột bậc, dâng trọn con tim với lòng đơn sơ chân thành.”

Chúa Thánh Thần đưa chúng ta ngày một đến gần và gắn chặt với con tim của Chúa Giêsu.

  • Gần gũi với Con tim của Chúa Giêsu hơn

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta phân định điều gì là Tình Yêu đích thực: yêu kẻ thù và tha thứ cho kẻ sỉ nhục ta. Tình yêu dẫn chúng ta đến với chiều sâu của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tình yêu là người thông dịch cho chính nó. Chiều cao của tình yêu vô bờ này thể hiện nơi Thập Giá Chúa Giêsu: “Dưới chân Thập Giá, chúng ta hãy để chính mình được biến đổi bởi sức mạnh của tình yêu, một tình yêu được biểu lộ qua cái chết tự hiến này và nơi lòng khoan dung dành cho những kẻ hành quyết. Chính từ tình yêu điên cuồng này mà chúng ta có được sức mạnh để trung thành tuân theo những đòi hỏi của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta.” (Michel Rondet, S.J. Laissez-vous guidez par I”esprit, Ed. Bayard).

“Chẳng phải ngẫu nhiên mà Trái Tim bị đâm thâu để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta của Chúa Giêsu lại trở thành biểu tượng của tình yêu. Thánh Phao-lô, sau khi được hoán cải đã kêu lên rằng: “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20) – Dany Dideberg: Le Coeur de Jésu, source de vieTrái Trái Chúa Giê-su là nguồn mạch sự sống.

“Chẳng ai có thể thực sự biết Đức Giêsu Ki-tô nếu không bước vào trái tim của Ngài, nghĩa là, bước vào chiều sâu thẳm nhất của bản tính Thiên Chúa và bản tính con người nơi Ngài.” (Thánh Gioan Phao-lô II, ngày 15 tháng 5 năm 2004).

“Thật vậy, chúng ta chỉ có thể trở thành một người Ki-tô hữu bằng cách hướng ánh nhìn chăm chú lên Thập Giá Đấng Cứu Độ chúng ta, “lên Đấng mà người ta đã đâm thâu.”  (Benedic XVI, Ngày 15 tháng 5 năm 2006)

“Trái tim của Vị Mục Tử Nhân Lành không chỉ là trái tim chỉ cho ta thấy lòng thương xót, nhưng là hiện thân của chính lòng thương xót. Nơi đây, tình thương của Thiên Chúa Cha chiếu giãi; Nơi đây, tôi biết mình được chào đón và được thấu hiểu như chính tôi là; Nơi đây, với tất cả những tội lỗi và yếu đuối đơn hèn, tôi biết chắc rằng tôi được chọn và được yêu thương. Chiêm niệm trái tim ấy, tôi làm mới lại tình yêu ban sơ của mình: kỷ niệm lúc Thiên Chúa chạm vào linh hồn tôi và gọi tôi theo Ngài, kỷ niệm của niềm vui tung mình thả lưới vì Lời Chúa (cf. Lc 5,5).” (ĐGH. Phanxicô, ngày 3 tháng 6 năm 2016).

Người môn đệ được thương mến, người hiểu con tim của Chúa Giêsu nhất, người tựa đầu vào lòng Ngài (Ga 13,23), cũng là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh ở bờ hồ Ga-li-lê (Ga 21,7). Ai càng gần gũi với con tim của Chúa Giêsu, thì người ấy càng nhận ra những  niềm vui và nỗi đau khổ của Ngài đối với các người nam, người nữ và trẻ em trên thế giới này; và nhận ra sự hiện của Ngài đang làm việc trên thế giới này, hôm nay cũng như hôm qua.

“Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa hiện ở nơi nao khi sự dữ ngập tràn thế giới này, khi mà biết bao đàn ông và phụ nữ đang phải đói khát, không nhà, lưu đày và tị nạn? Thiên Chúa ở đâu khi mà bao người vô tội phải chết vì bạo động, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi các căn bệnh khủng khiếp cướp đi mạng sống và phá vỡ tình cảm? Hay khi các trẻ em bị bóc lột và coi thường, phải đau đớn vì bệnh hiểm nghèo? Thiên Chúa ở đâu giữa nỗi thống khổ của những người bị giày vò bởi sự hoài nghi, buồn phiền trong tâm hồn…? Câu trả lời của Chúa Giêsu là thế này: “Thiên Chúa đang ở trong họ.” Chúa Giêsu ở trong họ; Ngài đau khổ trong họ và giống như mỗi người trong số họ một cách sâu sắc. Ngài liên kết với họ cách sâu xa để nên một với họ, giống như ‘một thân thể’ vậy.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngày 29 tháng 7 năm 2016).

Càng gần với Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta càng lưu tâm hơn với những gì xung quanh, càng muốn được cùng Chúa Giêsu hiến mình cho sứ mạng của lòng thương xót cho thế giới này.

 

  1. Thực Hành

Trước Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi tự vấn lòng mình: “Trái tim của tôi hướng về đâu? Trái tim tôi đặt ở đâu, chỉ về đâu? Nó đang tìm kiếm thứ kho báu nào? Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Đức Giáo Hoàng  Phanxicô, ngày 3 tháng 6 năm 2016

Kiểm tra tương tự

[Đường lối Con tim] Bước 9: Mạng lưới cầu nguyện và phục vụ cho nhu cầu của nhân loại

  Lời Chúa “Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến …

[Đường lối Con tim] Bước 8: Sứ mạng của lòng thương xót

  Lời Chúa “Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *