Ngày nay, khi nghe tới lập gia đình nhiều bạn ngán ngẩm. Ngán ngẩm vì mất lòng tin giữa con người với nhau, về Chủ nghĩa thực dụng, về giá trị gia đình, về hiện trạng ngày nay có nhiều gia đình đổ vỡ, nhiều người bị tổn thương vì gia đình,… Phải chăng ngày nay không cần có gia đình? Người ta tiến dần tới lối sống tạp giao và Chủ nghĩa cung cầu? Không phải thế đâu các bạn, nhiều người có nhận thức rằng Giáo hội Công giáo luôn đề cao và tôn vinh gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội và Giáo hội, mãi mãi là như vậy. Không còn gia đình thì những giá trị xã hội, giá trị nhân bản con người cũng sẽ mất hết.
Đứng ở góc nhìn nhỏ của một gia đình Công giáo, tôi xin được chia sẻ cùng các bạn trẻ đang muốn tiến tới đời sống hôn nhân một vài kinh nghiệm về đời sống gia đình. Gia đình là một mầu nhiệm, không thể hiểu gia đình với lối sống hời hợt, góp gạo thổi cơm chung, tới đâu hay tới đó, mà phải có niềm tin và dấn thân phục vụ gia đình mình. Đức tin phải chịu thử thách và phục vụ trong hy sinh. Tôi cũng như nhiều gia đình khác không tránh khỏi những sóng gió, có những lúc tưởng như không kiềm giữ nỗi gia đình mình, có những lúc trắng đêm suy tư về gia đình, nhiều khi đau khổ vì gia đình. Những sóng gió đó rồi từ từ qua đi trong yêu thương và trong cầu nguyện. Quay lại những thước phim trải nghiệm đó tôi chợt nhận ra ba kinh nghiệm gìn giữ gia đình: Đó là Bí tích Thánh Thể, giờ kinh gia đình và bữa cơm chung mỗi ngày là những nhân tố gìn giữ gia đình tôi.
Bạn vui lòng chỉ cho tôi thấy những người thường xuyên tham dự thánh lễ, rước lễ, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể quanh nhà bạn mà đời sống gia đình đổ vỡ không? Ơn Chúa ban cho tôi và những thành viên trong gia đình tôi nhận ra mầu nhiệm ẩn sâu trong bí tích Thánh Thể. Tôi và một người con gái của tôi mỗi ngày đến với Thánh Thể, các thành viên còn lại thì một tuần 2 đến 3 lần tham dự thánh lễ. Sự cố gắng mỗi ngày qua mỗi lần cam kết với Chúa và dần dần nó trở nên một thói quen đến với Chúa. Ngày nào không đến được với Ngài, tôi như cảm thấy còn thiếu một điều gì đó chưa chu toàn, chưa an tâm để bước vào ngày mới. Đến được với Chúa là cả một sự cố gắng lớn của bản thân như: tìm kiếm sự hòa giải với Chúa, hoà giải với vợ con trước khi đến với Ngài, loại bỏ những ngăn trở để đón rước Chúa. Đến với thánh lễ là để được nghe và lập lại những lời kinh, những bài hát và những Lời Chúa dạy, như một trẻ thơ đang tập nói. Đứa trẻ mới sinh làm sao hiểu được tiếng “Cha”, “Mẹ”. Nhưng đến một lúc nó bông nhiên hiểu và cảm nhận được hai tiếng mà nó từng bập bỏm từ trước. Lời Chúa đối với tôi cũng vậy, tôi bổng nhiên được hiểu biết, được nếm cảm và no thoả trong Lời ấy lúc nào tôi không hay biết.
Khi bắt đầu lập gia đình tôi đã có ý hướng duy trì giờ kinh gia đình, việc làm này nhiều lần bị gián đoạn do giận vợ con, buồn ngủ, công việc… Sau đó chúng tôi làm lại và đến nay là 17 năm có giờ kinh gia đình. Giờ kinh gia đình nghe thấy dễ, nhưng không đơn giản các bạn! Tôi có hỏi một người hàng xóm, gia đình anh có giờ kinh chung chứ, anh có thể duy trì việc đó không? Anh ta trả lời rằng, nếu bắt anh ta làm việc gì cũng được, thậm chí nhảy vào lửa, chứ anh ta không thể xây dựng giờ kinh gia đình. Qua đó cho ta thấy duy trì giờ kinh gia đình không phải chuyện đơn giản. Làm sao để mọi thành viên hiện diện đầy đủ mỗi giờ kinh, làm sao giờ kinh không gây nhàm chán, áp lực, lập đi lập lại các kinh quen thuộc? Đó là điều mà mỗi gia đình cần cố gắng nỗ lực mỗi ngày với ơn của Chúa.
Nhiều gia đình có bữa cơm chung vào buổi tối, nhưng họ không thể tận dụng nó làm tiền thân của giờ kinh gia đình. Ví dụ đọc kinh Lạy Cha trước khi ăn chẳng hạn, một lời nguyện tắt trước khi dùng bữa. Rồi cơ hội tới với gia đình nhân sự kiện nào đó, ta có thể tổ chức luôn giờ kinh gia đình. Bữa cơm chung và giờ kinh gia đình là điều kiện quan trọng để duy trì mái ấm gia đình. Nói tới điều này ai cũng biết nhưng để hiểu giá trị của nó thì không dễ. Bữa cơm gia đình và giờ kinh chung là nơi cầu nguyện, bày tỏ, chia sẻ quan tâm cho nhau. Nơi đó mọi người hiểu nhau, cảm nhận về nhau và phát sinh tình yêu thương lẫn nhau. Một thành viên không có mặt cả gia đình lo lắng, thăm hỏi, kêu gọi, an ủi nhau. Nếu việc ai nấy làm, chuyện ai nấy lo, tự ai náy ăn thì còn gì là gia đình nữa. Mỗi lần có việc gì thì giờ kinh gia đình cũng là lúc cầu nguyện cho nhau, hướng đến nhau; mỗi lần có người đi xa là cơ hội hỏi han nhau “đã đến nơi chưa?”, “có vui không?”… điều ấy trở nên thắm thiết biết chừng nào!
Cuối cùng, Thánh Thể, giờ kinh gia đình và bữa cơm chung cứ lập đi lập lại, nếu không để ý sẽ chẳng thấy ý nghĩa chi hết, nhưng lắng đọng một chút chúng ta sẽ cảm nghiệm được giá trị của nó. Gia đình có Chúa không bao giờ thất bại: “Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”, “Ở đâu có hai ba người tụ họp lại mà nhân danh Ta thì có Ta ở giữa”… Trong niềm tin đó chúng ta mạnh dạn xây dựng gia đình có Chúa. Thánh Thể, giờ kinh gia đình và bữa cơm chung là cách rèn luyện mỗi cá nhân trong gia đình trở nên hiền lành, yêu thương và thánh thiện. Khi học ngoại ngữ, chng ta có thói quen cứ lập đi lập lại các câu nói, đến một lúc nó trở thành của mình, khi cần là nó xuất hiện ngay và nó ăn sâu trong tiềm thức của ta không ai lấy đi được. Lời kinh, lời yêu thương cũng vậy, đừng ngại lập đi lập lại ngay cả những lúc buồn ngủ hay lúc vô thức, nhưng đến một lúc nó sẽ trở thành là vật sở hữu, là nhân cách của ta, sẽ làm cho toàn thân ta thay đổi đáng kể từ trong tiềm thức cho đến bên ngoài. Từ đó, mỗi thành viên trở nên dần “đẹp” hơn và gia đình trở nên “đẹp” hơn trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau.
Minh Giảng.
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)