Đã đến lúc khép lại phần lược khảo vắn vỏi và còn nhiều dang dở về những vấn đề của triết học, nên trong phần kết luận này, chúng tôi thấy cần phải thẩm định lại giá trị và lý do cần nghiên cứu triết học. Việc xem xét này càng trở nên cần thiết hơn khi thực tế cho thấy có nhiều người, do chịu ảnh hưởng của khoa học hay những công chuyện thực tiễn, nên có khuynh hướng nghi ngờ, cho rằng triết học có là điều gì tốt hơn ngoài những lối phân biệt ngây ngô, vô bổ, tầm thường, “chẻ sợi tóc ra làm tư” và rút cục là những cuộc tranh luận chỉ tổ liên quan đến những đề tài tri thức hết sức vẩn vơ.
Quan điểm như thế về triết học có lẽ một phần do nhận thức sai lầm về mục đích của cuộc sống, phần khác do cách hiểu thiên lệch về kiểu sản phẩm mà triết học cố gắng đạt được. Khoa học vật lý nhờ vào những phát minh của nó mà hữu dụng đối với vô số người vốn chẳng biết gì về nó. Cho nên người ta khuyến khích nghiên cứu vật lý không chỉ vì, hay ít là lúc đầu, những lợi ích trên sinh viên, nhưng đúng hơn là vì hiệu quả đối với nhân loại nói chung. Như thế, tính hữu dụng không thuộc về triết học. Nếu nghiên cứu triết mang lại giá trị cho số đông người khác, hơn là cho sinh viên khoa triết, thì điều đó phải diễn ra cách gián tiếp, thông qua những hiệu quả đối với đời sống của những ai truy tầm nó. Do đó, chính nơi những hiệu quả ấy mà người ta phải truy tìm trước tiên giá trị của triết học, hơn là bất cứ chỗ nào khác.
Nhưng nghĩ rộng hơn, nếu chúng ta không muốn gặp thất bại trong nỗ lực xác định giá trị của triết học, thì trước hết chúng ta phải giải thoát tâm trí mình ra khỏi những định kiến về điều được hiểu cách méo mó là con người “thực dụng”. Người “thực dụng”, đúng theo nghĩa thường dùng, là người chỉ thừa nhận những nhu cầu vật chất, là người nhận thấy rằng con người phải cần đến thực phẩm cho cơ thể, nhưng lại quên mất đòi hỏi hiển nhiên là cung cấp lương thực cho trí tuệ. Nếu mọi người đều sung túc, nếu nghèo đói và bệnh tật giảm xuống mức thấp nhất, thì ta vẫn còn rất nhiều thứ cần làm để tạo ra một xã hội có giá trị; thậm chí, trong thế giới hiện tại, lương thực của trí tuệ ít ra cũng quan trọng tương đương với lương thực dành cho cơ thể. Chính ở trong số những loại lương thực dành cho trí tuệ này mà ta tìm thấy giá trị của triết học; và chỉ những ai không khinh xuất những loại lương thực ấy mới có thể tin chắc rằng nghiên cứu triết học không phải là chuyện chỉ tổ mất thời gian.
Cũng như mọi loại hình nghiên cứu khác, triết học trước hết nhắm đến tri thức. Tri thức mà triết học mưu cầu là loại tri thức tạo nên tính thống nhất và tính hệ thống cho toàn thể các ngành khoa học; và là loại tri thức phát xuất từ quá trình kiểm định những nền tảng liên quan đến những xác quyết, định kiến và niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, ta không thể khư khư cho rằng triết học lúc nào cũng được trang bị các phương tiện xuất sắc để cung cấp những câu trả lời rốt ráo cho các câu hỏi mà nó đặt ra. Nếu bạn đặt cho một nhà toán học, một nhà khoáng vật học, một sử gia hay bất cứ học giả nào khác câu hỏi rằng ngành khoa học của họ đã đạt được những chân lý cố định nào, thì ông ta sẽ thao thao trả lời bao lâu bạn còn muốn nghe. Ngược lại, nếu bạn hỏi một triết gia cũng câu hỏi đó, và giả như ông ta là bậc minh trượng, thì ông buộc phải thừa nhận rằng nghiên cứu của ông không mang lại những kết quả thực chứng như những ngành khoa học khác. Điều này phần nào dễ hiểu bởi thực tế là ngay khi ta đạt đến hiểu biết xác định liên quan đến một đề tài nào đấy, thì tri thức đó sẽ hết được gọi là triết học nữa, rồi sau đó nó sẽ trở thành một ngành khoa học tách biệt. Toàn bộ nghiên cứu về bầu trời bây giờ thuộc về ngành thiên văn học, nhưng nó đã từng thuộc về triết học; hay công trình nghiên cứu vĩ đại của Newton từng mang tên là “Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên”. Tương tự như thế, chuyện nghiên cứu tâm trí con người đã có thời là một phần của triết học, nhưng bây giờ đã ra riêng để trở thành khoa tâm lý học. Vì vậy, nói rộng ra, sự không chắc chắn của triết học mang tính biểu kiến hơn là thực tại: những câu hỏi nào đã hàm chứa khả năng đưa ra câu trả lời rõ ràng rồi thì nằm trong các ngành khoa học đặc thù, còn những câu hỏi cho đến giờ chỉ có thể có câu trả lời “cầm chừng” thì vẫn được giữ trong môi trường có tên gọi là triết học.
Tuy nhiên, điều đó chỉ là một phần của sự thật liên quan đến tính bất quyết (uncertainty) của triết học. Có nhiều vấn đề và trong số đó, có những vấn đề mang lại lợi ích sâu sắc nhất cho đời sống tinh thần của chúng ta – những vấn đề ấy, trong tầm nhìn hiện nay của chúng ta, vẫn còn là nan đề đối với trí năng của con người, trừ phi sức mạnh của trí năng chuyển sang một cấp trật hoàn toàn khác với chúng lúc này. Vũ trụ có là sự thống nhất nào về kế hoạch hoặc mục đích không, hay đó chỉ là một sự hội tụ ngẫu nhiên của các nguyên tử? Ý thức có phải là một phần thường hằng của vũ trụ và là nguồn hy vọng cho khôn ngoan lớn mãi hay không, hay nó chỉ là một tuỳ thể tạm thời trên một hành tinh nhỏ bé mà ở đó cuối cùng sự sống sẽ bất khả dĩ? Thiện và ác có quan trọng với vũ trụ không hay chỉ đối với con người mà thôi? Những câu hỏi kiểu như thế thường được triết học đặt ra và sẽ có những câu trả lời khác nhau đến từ nhiều triết gia khác nhau. Nhưng xem chừng rằng, dù có thể tìm ra câu trả lời hay không, thì trong số những câu trả lời do triết học gợi ý, không có câu nào được chứng minh là đúng cả. Đã đành đi tìm câu trả lời là một hy vọng mong manh, nhưng triết học vẫn mang mối bận tâm không ngừng xem xét những câu hỏi như thế, gây ý thức về tầm quan trọng của chúng, nghiên cứu mọi cách thức tiếp cận, giữ lửa đối với mối quan tâm tư biện về một vũ trụ đang có nguy cơ bị giết chết bởi việc chúng ta tự giới hạn mình trong phạm vi tri thức có thể nắm bắt được cách xác định.
Quả đúng là có nhiều triết gia đã quan niệm rằng triết học có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn đúng cho những câu hỏi nền tảng như trên. Họ mặc nhiên rằng những gì quan trọng nhất trong niềm tin tôn giáo phải được thực chứng bằng các luận cứ chặt chẽ. Để đánh giá những nỗ lực đó, cần thiết phải có cái nhìn khái quát về tri thức con người, xây dựng quan điểm và phương pháp cũng như chỉ ra giới hạn của nó. Thật là thiếu khôn ngoan nếu ta dùng kiểu nói giáo điều trong những đề tài kiểu này; nhưng nếu những nghiên cứu trong những chương trước của chúng ta không dẫn chúng ta đi lạc hướng, thì chúng ta sẽ buộc phải từ bỏ hy vọng tìm ra bằng chứng triết học cho những niềm tin tôn giáo. Vì vậy, bất kỳ câu trả lời xác định cho những câu hỏi như trên không được kể như có phần trong bảng giá trị của triết học. Do đó, cần khẳng định thêm một lần nữa là giá trị của triết học không phụ thuộc vào bất cứ hệ tri thức nào, dù đã được nhà nghiên cứu chứng thực một cách xác định.
Giá trị của triết học thực ra cần được tìm kiếm sâu rộng ngay trong tính bất quyết của nó. Người nào chưa khoác chiếc áo triết học vào thì vẫn kéo lê một cuộc sống còn bị giam giữ trong những tiên kiến đến từ dư luận, từ những niềm tin sáo mòn của thời đại hay của đất nước anh ta, và từ những xác quyết thâm căn cố đế trong trí tuệ của anh mà không hề có sự hợp tác hay đồng thuận của lý trí tham biện. Với một người như vậy, thế giới có khuynh hướng trở nên xác định, hữu hạn, hiển nhiên; những đối thể phổ biến chẳng gợi lên cho anh nghi vấn nào, và những khả thể ngoại thường của chúng bị anh loại bỏ không thương tiếc. Ngược lại, ngay khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu triết học, thì chúng ta nhận ra, như đã nói trong các chương mở đầu, là thậm chí những điều thường nhật nhất cũng dẫn đến những vấn đề mà người ta chỉ có thể đưa ra những câu trả lời rất bất toàn. Mặc dù triết học không thể nói với chúng ta cách chắc chắn đâu là câu trả lời đúng cho những nghi ngờ mà nó đặt ra, nhưng triết học có thể khơi gợi ra nhiều khả năng mở rộng tư tưởng của ta và giải phóng chúng khỏi sự chuyên quyền của lề thói. Vì vậy, trong khi giảm trừ cảm giác chắc chắn về cách biết các sự vật, triết học nâng cao tri thức của chúng ta lên tầm những điều khả thể; nó loại bỏ thói giáo điều ngạo mạn của những kẻ chưa từng bước vào cảnh vực của những cung cách hoài nghi mang lại tự do, và nó nuôi dưỡng khả năng đặt vấn đề của chúng ta bằng cách trình bày những gì bình thường một cách khác thường.
Ngoài lợi ích trong việc chỉ cho ta những khả thể đáng tin cậy, triết học còn có một giá trị – có thể đây là giá trị chủ đạo của nó – nhờ vào sự vĩ đại của các đối thể mà nó chiêm niệm, và sự tự do khỏi những mục tiêu thiển cận và tư dụng đến từ sự chiêm niệm đó. Cuộc đời của con người thuần bản năng bị đóng khung trong phạm vi của những bận tâm riêng: có thể bao gồm gia đình và bạn bè, còn thế giới ngoại quan lại không được xem xét, trừ phi nó giúp ích hay gây cản trở cho tất cả những gì diễ ra trong phạm vi những ước muốn bản năng ấy. Trong một cuộc đời như thế, có cái gì đó xáo động và bó buộc, trong khi đó, đời sống triết lý thì tự do và yên bình. Thế giới riêng của những mối bận tâm theo bản năng là một thế giới nhỏ bé, nằm giữa một thế giới bao la, hùng mạnh, là thế giới sớm hay muộn gì cũng nhất định làm cho thế giới riêng của chúng ta tàn lụi. Nếu chúng ta không thể mở rộng những bận tâm của chúng ta để bao quát được toàn bộ thế giới ngoại quan, thì chúng ta luôn giống như một đội quân đang ở trong pháo đài bị vây hãm và biết rằng mình đang bị kẻ thù ngăn cản không cho đào tẩu và cuối cùng buộc phải đầu hàng. Sống như vậy không thể có bình an, mà chỉ có sự giằng co liên tục giữa áp lực của mê vọng và tình cảnh lực bất tòng tâm. Bằng cách này hay cách khác, nếu muốn cuộc sống được cao cả và tự do, thì chúng ta nhất thiết phải thoát ra khỏi ngục tù và sự giằng co đó.
Việc chiêm niệm triết học là một lối vượt thoát. Trên diện rộng, chiêm niệm triết học sẽ không chia vũ trụ thành hai thái cực đối nghịch nhau – bạn bè và kẻ thù, tốt bụng và thù hằn, thiện chính và ác tà – chiêm niệm triết học nhìn toàn thể mọi sự cách vô tư. Chiêm niệm triết học khi đạt đến mức thuần khiết thì không nhắm chứng minh rằng phần còn lại của vũ trụ na ná giống con người. Mọi lĩnh hội tri thức đều mở rộng Bản-ngã, những sự mở rộng này chỉ đạt được cách tối ưu khi nó không được trực tiếp theo đuổi. Bản-ngã được mở rộng chỉ khi khát vọng tri thức có hiệu lực, thông qua một nghiên cứu mà không có nguyện vọng biết trước bất kỳ đặc tính nào của các đối thể của nó, nhưng muốn làm cho Bản-ngã thích ứng với những đặc tính được nhận thấy trong các đối thể của nó. Sự mở rộng Bản-ngã đó sẽ không xảy ra, nếu, trong khi xem Bản-ngã như nó là, chúng ta cố gắng chỉ ra rằng thế giới tương cận với Bản-ngã đó đến mức mà tri thức về nó là chuyện khả dĩ, mà không cần nhìn nhận những gì có vẻ ngoại thường. Khát khao chứng minh – đó là một dạng tự khẳng định chính mình, và giống như bao sự tự khẳng định khác, nó là một rào cản để cho Bản-ngã lớn lên như nó mong ước và nhận ra khả thể của mình. Tự khẳng định chính mình trong tư biện triết học hay ở bất cứ lĩnh vực nào, cũng đều nhìn thế giới như một phương tiện để đạt tới mục đích tối hậu của mình; vì vậy, nó làm cho thế giới không xứng tầm như Bản-ngã, và Bản-ngã thiết lập phạm vi cho sự cao cả của những sự vật trong tầm ngắm của nó. Ngược lại, trong khi chiêm niệm, chúng ta sẽ khởi xuất từ Phi-ngã, và qua cái vô biên của nó, bờ cõi của Bản-ngã được mở rộng; nhờ vào tính vô tận của vũ trụ mà trí tuệ đang chiêm ngưỡng, nó được thông phần vào sự vô tận ấy.
Vì lẽ đó, sự cao cả của tâm hồn không được dung dưỡng bởi các triết thuyết vốn đánh đồng vũ trụ với con người. Tri thức là một hình thức liên kết của Bản-ngã và Phi-ngã; cũng như mọi liên kết khác, liên kết này không dễ bị phá vỡ bằng quyền lực hay bằng mọi nỗ lực cưỡng ép vũ trụ phải giống với những gì chúng ta nhận thấy trong chính bản thân mình. Có một khuynh hướng triết học hiện đang phổ biến đối với quan điểm cho rằng con người là thước đo của vạn vật, chân lý là sản phẩm nhân tạo, không gian, thời gian và thế giới của những phổ biến niệm chỉ là những đặc tính của trí tuệ, và điều gì không do trí tuệ tạo ra thì không thể nhận biết và hoàn toàn vô ích đối với chúng ta. Nếu những gì chúng ta nói từ đầu đến giờ là đúng, thì quan điểm này là sai lầm; chẳng những sai lầm mà nó còn tước đoạt khỏi chiêm niệm triết học tất cả những gì mang lại giá trị cho nó, vì nó kiềm hãm sự chiêm niệm trong phạm vi của Bản-ngã. Những gì mà nó gọi là tri thức thì không liên hệ gì đến Phi-ngã, nhưng đó là một loạt những tiên kiến, thói quen, ước muốn, chúng tạo nên một một bức màn ngăn cách bất khả xuyên thấu giữa chúng ta và thế giới bên kia. Kẻ nào lấy làm sung sướng trong kiểu lý thuyết tri thức như thế thì chẳng khác gì người chưa bao giờ rời khỏi nội vi nhà mình, vì sợ rằng lời nói của anh ta không còn là chuẩn mực nữa.
Trái lại, chiêm niệm triết học thực thụ tìm thấy được sự vui thoả trong mọi cách mở rộng của Phi-ngã, trong tất cả những gì nâng tầm những đối thể được chiêm ngưỡng, và qua đó nâng tầm chính chủ thể chiêm ngưỡng. Trong chiêm niệm, tất cả những gì là cá nhân hay riêng tư, tất cả những gì phụ thuộc vào tập quán, tư lợi hay hoài vọng thì xuyên tạc đối thể và vì thế mà phá vỡ mối liên kết mà trí năng đang tìm kiếm. Như vậy, khi tạo ra rào cản giữa chủ thể và đối thể, những thứ mang tính cá nhân và riêng tư như thế trở thành tù ngục cho trí năng. Còn trí năng tự do sẽ nhìn như Thiên Chúa nhìn, đó là cái nhìn không bị giới hạn trong không gian và thời gian, không hoài vọng và sợ hãi, không bị cản trở bởi những xác tín lề thói và tiên kiến truyền thống, nhưng bình tĩnh, vô tư, ngay trong chính khát khao tri thức vị tri thức ấy – là thứ tri thức đại đồng, thuần tuý chiêm niệm và trong tầm tay con người. Vì lẽ ấy mà trí năng tự do sẽ lấy tri thức trừu tượng và phổ quát làm trọng, là loại tri thức mà các ngẫu biến của sử liệu tư riêng không đặt chân vào được, coi chúng có giá trị hơn tri thức do ngũ quan mang lại và tự bản chất phụ thuộc vào quan điểm cá nhân độc đoán và vào thân hình bao gồm các giác quan vốn khám phá bao nhiêu thì xuyên tạc bấy nhiêu.
Trí tuệ một khi đã quen với sự tự do và công tâm của chiêm niệm triết học sẽ bảo tồn những thành quả của nó bằng chính sự tự do và công tâm ấy trong thế giới của hành vi và cảm xúc. Nó sẽ xem những mục đích và khát vọng của nó như những bộ phận của cái tổng thể, mà không bị áp lực do việc nhìn vào những mục đích và khát vọng ấy như là những miếng mảnh vô cùng nhỏ bé trong một thế giới mà tất cả phần còn lại không bị ảnh hưởng bởi hành vi của bất cứ cá thể nào. Trong chiêm niệm, tính vô tư là khát vọng thuần tuý về chân lý, là phẩm tính bất biến của trí tuệ mà trong hành vi, nó là công lý, còn trong cảm xúc, nó là tình yêu phổ quát có thể được trao ban cho tất cả mọi người, không chỉ cho những ai được xét thấy hữu ích hay đáng ngưỡng mộ. Vì vậy, chiêm niệm mở rộng không chỉ những đối thể của những suy tư của chúng ta, mà còn cả những đối thể của các hành vi và cảm xúc của chúng ta nữa: nó làm cho chúng ta trở thành công dân của vũ trụ, chứ không chỉ là công dân của một thành trì được vũ trang đang giao chiến với những thành khác. Tự do đích thực của con người cũng như sự giải phóng con người khỏi tình trạng nô lệ của những ước vọng hèn hạ và những nỗi sợ hãi thì cốt ở tư cách công dân vũ trụ như vừa nói.
Vì thế, để kết thúc cuộc bàn luận về giá trị của triết học, ta nói rằng triết học cần phải được nghiên cứu không nhằm đưa ra những câu trả lời xác định cho các câu hỏi, vì theo lệ thường, không câu trả lời xác định nào có thể được nhìn nhận là chân xác, nhưng nghiên cứu triết học đúng hơn là vì bản thân những câu hỏi; bởi những câu hỏi đó mở rộng nhận thức của chúng ta về những gì là khả thể, làm phong phú trí tưởng tượng của chúng ta, và giảm trừ sự xác quyết mang tính giáo điều vốn giam hãm khả năng tư biện của trí tuệ; nhưng hơn hết đó là nhờ vào sự vĩ đại của vũ trụ mà triết học chiêm ngưỡng, trí tuệ cũng được mở rộng và có khả năng liên kết với vũ trụ là cái vốn làm nên điều tuyệt hảo tối thượng của nó.
(Bertrand Russell, Trích Những vấn đề của triết học, Người dịch: Petrus Phạm Hữu Cường, chủng sinh Gp. Kontum, Hiệu đính: Giuse Bùi Quang Minh, SJ)