Giải mã Đức Giáo Hoàng Dòng Tên

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường được coi là một người bí ẩn. Nhiều người trong số các giáo sĩ và giáo dân đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thậm chí là sửng sốt trước tầm nhìn và hành động của vị Giáo Hoàng người Argentina đối với Giáo hội Công giáo. Một số nhầm lẫn này có thể là do phong cách của Đức Phanxicô rất khác với hai vị tiền nhiệm trước đó. Tuy nhiên, những người khác có thể cố tình hiểu sai về vị Giáo hoàng hiện tại vì nhiều lý do: để thúc đẩy một xu hướng tự do hơn hoặc để chống lại một xu hướng tự do như vậy. Tuy nhiên, chìa khóa để mở ra bí ẩn về Đức Phanxicô có thể nằm ở dòng tu mà ngài đã sống phần lớn cuộc đời của mình: Dòng Tên.

CNS photo/Vatican Media)

Để hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta phải nhìn ngài qua lăng kính của quá trình huấn luyện các tu sĩ Dòng Tên. Trước hết, điều này có nghĩa là xem sự lãnh đạo của Đức Phanxicô trong mối liên hệ với việc áp dụng sự vâng phục có tính tham vấn của Dòng. Chúng ta cũng nên biết một chút về cách tiếp cận của Dòng Tên đối với đời sống cộng đoàn xét như là sự thống nhất giữa các đối cực và sự đa dạng. Và, cuối cùng, chúng ta cần hiểu sự nhấn mạnh của Dòng trong việc chăm sóc con người cách cá vị, hay còn gọi là cura personalis.

Trước hết, sự vâng phục có tính tham vấn trong bối cảnh này cần quy chiếu đến tính tham vấn của việc lãnh đạo trong Dòng Tên, so với tính phẩm trật của việc lãnh đạo bên giáo phận. 

Ví dụ, khi một linh mục triều nhận bài sai đến một giáo xứ, có thể có một số cuộc trò chuyện trước khi nhận bài sai đó, nhưng điều này không nhất thiết phải là tiêu chuẩn. Bài sai có thể đến mà không có gì đáng ngạc nhiên. Mặt khác, các tu sĩ Dòng Tên phải gặp gỡ bề trên giám tỉnh và bề trên cộng đoàn ít nhất mỗi năm một lần. Nội dung trong cuộc gặp có thể là trao đổi về sứ vụ và các điều liên quan khác.

Phương pháp tiếp cận của Dòng Tên đối với đức vâng phục tiền giả định sự tin tưởng và sự trong suốt. Trong cuộc gặp gỡ trực tiếp với bề trên cộng đoàn hoặc bề trên giám tỉnh, hay còn gọi là một cuộc cởi mở lương tâm, các tu sĩ Dòng Tên có thể chia sẻ bất cứ điều gì trong tâm hồn như: niềm vui, ước muốn, khao khát, nỗi buồn, cám dỗ, nghi ngờ và sợ hãi…theo tinh thần hào hiệp trong Linh Thao: “Sẽ rất lợi ích cho những ai làm Linh Thao với một lòng quảng đại và hào hiệp với Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình và dâng cho Ngài trọn cả ý chí và tự do, để Đấng Toàn Năng có thể định đoạt anh và tất cả những gì anh sở hữu, theo ý muốn thánh thiện nhất của Ngài.”

Dòng Tên mời gọi các bề trên của Dòng chăm sóc đồng hành với mỗi tu sĩ Dòng Tên bằng cách chăm chú lắng nghe những gì Thánh Thần đang nói và làm việc trong đời sống và ơn gọi của mỗi người và những đáp trả dựa trên tình yêu thương xót của Chúa Kitô mà họ đã kinh nghiệm được trong Linh Thao.

Hiến Pháp Dòng Tên nhấn mạnh rằng mục đích của việc cởi mở lương tâm là để các tu sĩ bày tỏ với bề trên bất cứ giới hạn và khao khát cá nhân nào, để giúp bề trên có thể biết và phân định đường lối hành động thích hợp với nhu cầu của Dòng cũng như của từng anh em.

Minh họa dưới đây có thể giúp hiểu ý nghĩa của tiến trình này:

Một giám tỉnh có thể tin rằng một tu sĩ Dòng Tên, vốn là một giáo viên và quản trị viên xuất sắc, sẽ trở thành hiệu trưởng tuyệt vời của một trường học. Nhưng khi lắng nghe tu sĩ này chia sẻ về những vật lộn của anh với chứng stress và những tác động mà nó gây ra đối với huyết áp và sức khỏe của anh, giám tỉnh sẽ quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm này. Quyết định này thể hiện sự quan tâm cách riêng đối với chính tu sĩ này và các sứ vụ của Dòng.

Nhìn lại quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận rằng trong tư cách là giám tỉnh Dòng Tên, ngài đã là một người có phần độc đoán hơn là một người đồng hành. Chính cách lãnh đạo này cuối cùng đã dẫn đến việc cha Jorge Bergoglio bị thuyên chuyển đến Córdoba. Thời gian sống âm thầm này đã biến đổi ngài và dần định hình cách lãnh đạo tham vấn nơi ngài.  

Đối với những ai đã làm Linh Thao 30 ngày, kinh nghiệm này không chỉ là một sự kiện diễn ra một lần mà là một quá trình biến đổi liên tục. Córdoba tiếp tục cuộc hoán cải của Đức Phanxicô trong Linh Thao. Sự thinh lặng, cô độc, khiêm nhường mà ngài trải qua ở Córdoba đã định hình trong vị Giáo hoàng hiện tại một trái tim sẵn sàng lắng nghe hơn là ra lệnh.

Khi chúng ta đặt mô hình vâng phục trong đối thoại của Dòng Tên với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về tính hiệp hành trong quản trị Giáo hội, điều này gợi ra một viễn cảnh rõ ràng về điều bí ẩn được cho là phong cách quản trị của Giáo hoàng. Trong bình luận về mô hình thượng hội đồng giám mục của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Joseph Tobin nhấn mạnh khao khát của Đức Phanxicô muốn đặt lòng thương xót và sự lắng nghe lên hàng đầu trong Giáo hội, qua đó giới thiệu “một kiểu mẫu Giáo hội mà Chúa mong đợi cho chúng ta trong thiên niên kỷ này ”.  

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn thấm nhuần sự lãnh đạo Giáo hội với tính thực tế của tình yêu thương xót và sự lắng nghe chú tâm mà các bề trên Dòng Tên đã được huấn luyện và được kêu gọi thực hiện.

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi về sự thống nhất giữa những đối cực.

Trong khi các tu sĩ Dòng Tên thường được coi là tự do, bất cứ ai biết các cộng đồng Dòng Tên đều có thể chứng thực rằng trong một nhà có mười tu sĩ Dòng Tên thì có thể có mười ý kiến ​​khác nhau.

Tôi tin rằng kinh nghiệm của cộng đoàn Dòng Tên, đặc biệt là một số chia rẽ đã xảy ra trong thời gian ngài làm giám tỉnh, đã tác động đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những người chống đối tham gia vào cuộc đối thoại. Cuộc hoán cải ở Córdoba cũng giúp ngài có cái nhìn sâu sắc để tham gia thay vì phản đối.  

Nhất quán với nghệ thuật đồng hành, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy mô hình đa diện của Giáo hội và khuyến khích các đối cực gắn kết hơn là củng cố sự chia rẽ.

Ở đây mô hình của chúng ta không phải là hình cầu, không lớn hơn các phần của nó, nơi mọi điểm đều cách đều tâm và không có sự khác biệt giữa chúng. Thay vào đó, nó là khối đa diện, phản ánh sự hội tụ của tất cả các bộ phận của nó, mỗi bộ phận đều bảo tồn tính đặc biệt của nó. Hoạt động mục vụ và chính trị đều tìm cách thu thập những gì tốt nhất của mỗi khối trong khối đa diện này. Có chỗ cho người nghèo và văn hóa của họ, khát vọng và tiềm năng của họ. Ngay cả những người có thể được coi là đáng ngờ về lỗi lầm của họ cũng có một cái gì đó để cung cấp mà không thể bị bỏ qua. Đó là sự hội tụ của các dân tộc, mà trong trật tự phổ quát vẫn duy trì tính cá nhân của riêng họ; đó là tổng thể con người trong một xã hội theo đuổi lợi ích chung, một xã hội thực sự có chỗ đứng cho tất cả mọi người. 

Ngoài ra, trong cuốn Chúng ta hãy ước mơ, Đức Phanxicô khuyến khích mọi người tham gia vào sự căng thẳng nảy sinh từ các quan điểm và hệ tư tưởng đối lập. Sự phân cực không phải là câu trả lời, cũng không chỉ đơn thuần liên quan đến những khác biệt như “xung đột”. Đúng hơn, ngay cả khi sự đồng thuận dường như khó đạt được, việc học cách xem những khác biệt như vậy như là những mâu thuẫn cho phép chúng ta gắn chúng vào “một sự căng thẳng sáng tạo và hiệu quả”.

Về điều này, Đức Phanxicô đã bị ảnh hưởng bởi thần học của Romano Guardini.

Nhận xét về Đức Jorge Mario Bergoglio của giáo sư Massimo Borghesi trong cuốn : Una biografia intellettuale, cha Mark Bosco, S.J đưa ra mối liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và thần học gia Guardini. Ngài nói rằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và thần học gia Guardini đã dẫn đến việc Đức Giáo hoàng hình dung lại khái niệm lịch sử của Hegel theo đường lối đối thoại hơn là biện chứng. Hegel đề xuất sự hiểu biết về lịch sử được đặc trưng bởi sự hoàn hảo và tiến bộ. Tuy nhiên, thần học gia Guardini đã đề xuất một cách hiểu khác về lịch sử, một cách hiểu có thể được gọi là “tư duy hòa giải”, không phải là một quá trình tiến bộ ngây thơ, lạc quan mà là sự tổng hợp các mặt đối lập trong một bình diện siêu việt hơn.

Sử dụng công trình của thần học gia Guardini, Đức Giáo Hoàng đề cao tầm quan trọng của việc tiếp cận các đối cực, không phải như các thực thể cùng tồn tại tĩnh mà như các thực tại sống động, với các khả thể năng động khi được thực hiện với sự phân định tốt. Khi chúng ta làm như vậy, không bên nào bị thần dữ tác động, một quá trình mà Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý là hoạt động của thần dữ. Đúng hơn, thần lành kêu gọi cả hai bên tiến tới tình huynh đệ và đoàn kết.

Nhưng cha Bosco nói thêm rằng Đức Phanxicô “đã bị thu hút bởi ý tưởng về sự căng thẳng mang tính xây dựng của các đối cực qua Linh Thao của thánh I- Nhã. Linh Thao khuyến khích một người cùng lúc có đức tin như thể tất cả phụ thuộc vào Thiên Chúa, nhưng hãy hành động như thể mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta. Lập trường hội nhất các mặt đối lập rất Dòng Tên này cho phép người môn đệ Chúa Kitô chìm sâu trong thế giới, nhưng vẫn mở ra cho sự siêu việt, để trở thành những con người chiêm niệm trong hoạt động.” 

Sự đồng hành và cam kết dấn thân cũng bắt nguồn từ một giá trị cốt lõi khác của Dòng Tên, đó là cura personalis, hay còn gọi là sự quan tâm đến từng cá nhân.

Như một mô hình mang tính sư phạm Dòng Tên, cura personalis bao gồm “sự quan tâm cá nhân đến sự phát triển trí tuệ, tình cảm, đạo đức và thiêng liêng của mỗi con người. . . sẵn sàng lắng nghe những bận tâm và lo lắng của họ về ý nghĩa của cuộc sống, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của họ, để giúp họ phát triển cá nhân và các mối quan hệ liên vị. ”

Áp dụng điều này trong bối cảnh mục vụ, tính nội tại của cura personalis nằm ở mỗi người là độc nhất, không thể thay thế và do đó, sự chăm sóc được cung cấp về bản chất không phải là đồng nhất nhưng là đặc thù với từng người được phục vụ.

Ngoài ra, cura personalis cũng được lồng trong Linh Thao: “Nếu người cho Linh Thao nhận thấy rằng người tập đang ở trong tình trạng sầu khổ và bị cám dỗ thì đừng đối xử nghiêm nghị và cứng rắn với anh ta, nhưng hãy nhẹ nhàng và tử tế.”

Từ Linh Thao, các tu sĩ Dòng Tên học cách đối xử với những người được họ chăm sóc với sự chu đáo và hòa nhã, nhìn nhận những năng khiếu cá nhân của một người cùng với những cuộc đấu tranh và thử thách đặc trưng của họ. Các tu sĩ Dòng Tên học cách nhìn con người như Chúa nhìn và chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng cho những người mà họ chăm sóc mục vụ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thể hiện cura personalis khi đưa ba gia đình tị nạn người Syria đến Rome và khi ngài viết trong Amoris Laetitia “rằng những người ly dị gia nhập một cộng đoàn mới nên được cảm thấy là một phần của Giáo hội”.

Cura personalis được cắm rễ trong sự phân định, tính nhạy cảm và lòng thương xót. Đức Phanxicô đặt cura personalis làm trọng tâm của triều đại Giáo hoàng của ngài để dẫn dắt Giáo hội trong sự phản ánh trái tim của Chúa Kitô.

Những người Công giáo thành tâm muốn hiểu về Đức Phanxicô phải nhìn ngài trước hết là một tu sĩ Dòng Tên đã được định hình qua Linh Thao trước khi trở thành giám mục. Đời sống Dòng Tên của ngài, ngay cả những dịp dẫn đến chia rẽ, cung cấp bối cảnh cho cuộc hoán cải và sự biến đối của ngài để dẫn dắt Giáo hội về bí ẩn của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa bằng cách thúc đẩy lối tiếp cận tham vấn trong phân định và lãnh đạo Giáo hội, khuyến khích sự tham gia của các mặt đối lập và quản trị với tinh thần cura personalis.

Hoàng Toàn, S.J. (Theo The Tablet)

https://www.thetablet.co.uk/blogs/1/1910/decoding-the-jesuit-pope

Kiểm tra tương tự

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *