Giáo Hội Công Giáo với chữ Quốc ngữ

(Đỗ Quang Chính, S.J.)

Ngoài những hoạt động tín ngưỡng được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, trên đất nước Việt Nam hiện nay có 15 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận, trong số này có Giáo hội Công giáo[1].

Đạo Công giáo bắt đầu “chính thức” được truyền giảng ở Việt Nam đầu thế kỷ 17. Thời ấy và sau này ở nước ta quen gọi Tam giáo để chỉ cho Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo là ba đạo đã ăn sâu vào xã hội, ảnh hưởng rộng lớn, sâu xa trong đất nước Con Rồng Cháu Tiên, dù ba đạo trên đều có nguồn gốc từ hai nước châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ; còn Tin Lành, Cao đài, Hoà Hảo chưa có mặt ở Việt Nam thời kỳ ấy.

Đạo Công giáo cũng có nguồn gốc từ châu Á, nhưng trong thực tế đã mặc lấy văn hóa Âu châu rồi; cho nên vào thế kỷ 17 lúc khởi sự “chính thức” truyền đạo vào Việt Nam do những người Âu châu, đạo này bị nhiều người coi là “đạo Tây” hay ít ra cũng bị coi là “đạo nước ngoài”, hơn nữa “tà giáo”. Tuy gặp biết bao khó khăn do “Tây với Ta” mới gặp gỡ nhau, hai bên chưa hiểu nhau, nhưng số người Việt theo đạo này cũng không phải là quá ít, nhất là ở Đàng Ngoài năm 1659 đã có 240 nhà thánh tức là nhà thờ[2] và sau 36 năm truyền giáo (1627-1663), đã có tới 350.000 người tòng giáo.

Các tôn giáo cũng như nhiều hoạt.động tín ngưỡng ở Việt Nam, nhìn chung, đem lại nhiều lợi ích cho dân tộc. Thực ra, nhiều người tùy theo trình độ hiểu biết của mình, nhận định khác nhau về rất nhiều mặt của các tín ngưỡng, tôn giáo; hơn nữa, cũng còn tùy theo thời kỳ lịch sử của đất nước mà một tôn giáo, hay họat động tín ngưỡng được đề cao hoặc bị đánh giá rất thấp, thậm chí đáng phải triệt hạ.

Đạo Công giáo được giới thiệu với xã hội và dân tộc Việt Nam không thuận lợi và dễ dàng như tại nhiều nước khác. Nhưng dù ở trong nhiều hoàn cảnh văn hoá, xã hội, chính trị khó khăn, Giáo hội Công giáo vẫn kiên trì theo đuổi con đường đã được vạch ra từ 2000 năm nay.

Trong số những công việc của Giáo hội Công giáo, thì xem ra việc sáng tao chữ Quốc ngữ được hầu hết dân tộc ta đánh giá cao nhất. Hiện nay ai đó có thể thiếu thiện cảm với Công giáo, hơn nữa không tán thành việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong cả nước, nhưng vẫn phải dùng chữ Quốc ngữ khi giao lưu với đồng bào mình; vì chữ Quốc ngữ đã ra đời từ gần bốn trăm năm nay và từ lâu đã trở thành chữ viết chính thức của cả dân tộc Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lai cách tổng quát chữ Quốc ngữ từ xưa đến nay.

Ở đây chúng tôi nói đến chữ Quốc ngữ abc do các nhà truyền giáo Tây phương sáng tạo, chứ không nói đến chữ Nôm cũng là chữ Quốc ngữ của Việt Nam xưa mà chúng ta biết là do ông Hàn Thuyên lập ra.

Những năm đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ

Nhờ nhiều tư liệu chính xác về thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ cách nay gần 400 năm, chúng ta đều biết được những ai, trong hoàn cảnh nào và bằng phương thức nào, đã sáng tạo chữ Quốc ngữ. về những điểm này chúng ta có thể tìm thấy ở nhiều sách báo ngày nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin phép nhắc lại đôi ba dòng sau đây:

Nhóm người đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ là các giáo sĩ Dòng Tên đến truyền giáo tại Đàng Trong (từ 18-1- 1615) và Đàng Ngoài (từ 19-3-1627). Họ là những người thuộc quốc tịch Bồ Đào Nha, Ý, Nhật, Trung Quốc và Toà thánh .v.v… (nên nhớ từ 11-2-1929 mới chính thức gọi là Toà thánh Vatican), đa số là người Bồ Đào Nha.

Giáo sĩ thành thạo tiếng Việt nhất trong nhóm này là Francisco de Pina (1585-1625)[3] người Bồ Đào Nha. Ông đến Đàng Trong năm 1617, thế mà năm 1620 đã soạn ra được một tập giáo lý bằng ngôn ngữ bản địa Đàng Trong (lingoa da terra, Cocincinensi idiomate) và ông đã dạy giáo lý mà không cần thông dịch viên, khác với tất cả giáo sĩ khác đến đây từ năm 1615. Vào năm 1623, Pina viết một báo cáo bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi về bề trên ở Áo Môn (Macau, Macao): “Tôi đã soạn một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt] và tôi đang bắt tay vào việc soạn cuốn ngữ pháp”[4]. Hồi giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) bắt đầu đến Đàng Trong vào đầu tháng 2-1625, cũng đã trở thành học trò của Pina về tiếng Việt.

Còn giáo sĩ thứ hai trong nhóm này thành thạo tiếng Việt là Gaspar d’Amaral cũng là người Bồ Đào Nha. Ông ở Thăng Long từ 1629-1630 và 1631-1638. Nhưng ngay từ cuối tháng 12-1632, trình độ chữ Quốc ngữ của ông lúc ấy hơn cả Đắc Lộ vào năm 1636[5]. Chính Amaral đã soạn cuốn từ điển Việt-Bồ mà Đắc Lộ nhắc đến trong từ điển của ông.

Một nhân vật khác rất quen thuộc với chúng ta là giáo sĩ Đắc Lộ[6], người đã có công hoàn thành chữ Quốíc ngữ, đặc biệt hơn hết đó là người đầu tiên đã cho in 3 sách chữ Quốc ngữ tại Roma năm 1651 1. Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum; 2. Linguae annamiticae seu Tunchinensis brevis declaratio (Ngữ pháp tiếng Việt)[7]; 3. Cathechismus – Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chiụ phép rứa tội, muốn biết đạo thánh đức Chúa blời.

Từ đó trở đi, chữ Quốc ngữ vẫn được một số rất ít người sử dụng. Có thể nói, từ giai đoạn Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, 1741-1799) viết cuốn từ điển Dictionarium anamitico-latinum vào năm 1772-1773 cho tới ngày nay tức là sau 232 năm, cách ký âm chữ Quốc ngữ hầu như giống nhau hoàn toàn. Xưa nay có nhiều người đề ra một số cải cách chữ Quốc ngữ, nhưng xem ra không được đại đa số tán thành.

Tại sao có chữ Quốc ngữ?

Khi các nhà truyền giáo bước chân vào VN từ đầu thê kỷ 17, VN có hai loại chữ viết: chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán là văn tự chính thức trong việc giáo dục, học hành, thi cử và mọi lãnh vực khác suốt từ triều đình vua Lê, chúa Trịnh, Nguyễn cho đến làng xã; nhưng trong giao tiếp hàng ngày, từ vua chúa đến người dân đều dùng ngôn ngữ Việt. Còn chữ Nôm là thứ chữ VN vay mượn nhiều hình thức chữ Hán để lập ra một thứ chữ riêng của VN, không được trọng dụng và phổ biến, lại còn bị đa số người Việt khinh thường. Chữ Hán thì khó học, phải ròng rã 10 năm cũng chẳng đọc hết được mọi chữ, vì có tới 60.000-80.000 chữ, mặc dù chỉ cần thuộc lòng 3.000-4.000 chữ là đủ dùng; đến chữ Nôm cũng chẳng dễ dàng tí nào. Bao nhiêu năm đèn sách, dùi mài kinh sử mới đạt được kết quả ! Chính vì muốn có một thứ chữ viết dễ dàng hơn, không lệ thuộc vào dạng Hán tự (khó nhớ), nên các nhà truyền giáo với sự cộng tác của một số người Việt trong tu hội Thầy giảng, như thầy Phanxicô Đức, thầy I Nhã, thầy Bento Thiện, các ông đã dần dần hoàn thành chữ Quốc ngữ. Đúng ra là các nhà truyền giáo đầu tiên có sáng kiến này, còn những người Việt mình chỉ là cộng tác viên trực tiếp hay gián tiếp.

Xem ra các giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo ở nước ta từ đầu thế kỷ 17 muốn bắt chước các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Nhật Bản để sáng tạo chữ viết theo mẫu tự La tinh. Thời kỳ đó, bên Nhật đã xuất bản vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp dạng mẫu tự abc[8].

Mục đích chính và thực tế của việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là để các nhà truyền giáo nước ngoài học tiếng Việt dễ dàng hơn (qua mẫu tự abc) cho sứ vụ truyền giáo, đồng thời để một số rất ít người Việt cũng qua mẫu tư abc trong chữ Quốc ngữ, làm quen với tiếng Bồ Đào Nha, La tinh, nhất là La tinh[9] văn tự chính thức của Giáo hội Công giáo toàn cầu, vẫn còn được sử dụng trong các Đại học nổi tiếng ở châu Âu thời đó, như Cọmbra, Salamanca, Paris, Kưln, Bologna, Oxford.

Theo chúng tôi biết, căn cứ vào những sử liệu hiện còn lưu trữ ở Lisbõa, Roma, Madrid, Paris, khi sáng tạo chữ Quốc ngữ, các thừa sai không dám có cao vọng dùng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, Nôm đã được sử dụng từ lâu đời ở VN. Các ông chỉ muốn coi đó là dụng cụ cho việc truyền đạo.

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *