Lc 16,1-13
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè , phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ tiếp rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”(Lc 16,9). Phải chăng Chúa lại chỉ dạy người khác hành động cách bất lương như thế? Đâu là ý nghĩa của từ ngữ “Tiền của bất chính” ở đây? Chúng ta tìm hiểu dụ ngôn về người quản gia bất lương và sau đó tìm cách thức áp dụng vào cuộc sống đức tin để được tiếp rước vào nơi vĩnh cửu.
Trước hết trong dụ ngôn, chúng ta thấy rằng sự “bất chính’’của tiền của có liên hệ mật thiết với ‘’sự bất lương’’ của con người. Quả vậy, khi có nguy cơ bị sa thải mất công ăn việc làm, người quản gia nhận thức rõ rằng anh không hy vọng cáng đáng được chính cuộc sống của mình. Bởi lẽ “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (Lc 16,3). Anh ta đã vận dụng kế sách gian xảo để tạo lấy bạn bè và cứu lấy mạng sống. Vì thế anh đã gọi con nợ của chủ mình đến tính sổ và thương lượng mà giảm nợ cho họ, để một khi họ mang ơn anh, chính họ sẽ tiếp rước anh về nhà họ.
Như vậy, tiền của tự nó không xấu, nó chỉ lây nhiễm sự xấu xa và trở nên bất chính do ý hướng gian xảo và bất lương của chính người sử dụng nó. Chính nơi kế sách gian xảo này mà người quản gia bất lương đã cứu được mạng sống mình và xây dựng được tình bạn. Cho dù bị thiệt thòi, ông chủ vẫn khen anh ta đã hành động cách khôn khéo (Lc 16,6) và chính Chúa Giêsu trước khi kết thúc câu chuyện cũng phải thốt lên rằng: “con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16,9).
Thứ đến Chúa Giêsu dạy người môn đệ biết áp dụng vào đời sống đức tin của mình: Tự bản chất người môn đệ là những tội nhân, nhưng đã được Chúa thương giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi để đi theo Chúa và trở nên con cái Thiên Chúa với Ngài. Là tội nhân, chính họ cũng là những người hành xử cách gian manh như người quản gia bất lương không hơn không kém, nghĩa là chiếm đoạt của cải của người khác mà mưu cầu lợi ích cho bản thân. Như vậy Tiền Của trần thế cũng trở nên của cải bất chính trong tương quan với họ. Không chỉ thế, của cải còn có nguy cơ trở nên ngẫu tượng khiến họ bị lệ thuộc bằng mọi cách chiếm đoạt bằng mọi giá. Cuối cùng chính của cải dẫn họ đến sự diệt vong vì họ tự đánh mất phẩm giá của mình.
Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ hoán cải để biến của cải bất chính đó thành thứ của cải đem lại cho họ sự sống đời đời. Lúc đó, nguyên tắc hành xử của người môn đệ phải ngược lại: thay vì tìm cứu mạng sống đời này, phải dám hy sinh nó cho sự sống đời đời – thay vì thu gom của cải trần thế để bảo tồn mạng sống, phải từ bỏ của cải ấy để bảo tồn phẩm giá thần linh – thay vì xây dựng tình bạn cách gian manh khiến người khác bị thiệt hại, phải xây dựng tình bạn cách chân thật khi lấy của cải của chính mình và cả đến mạng sống mình mà dâng hiến cho tha nhân. Đó là cách hành xử của chính Đức Giêsu, Đấng là Ánh Sáng mà người môn đệ phải trung thành noi theo. Vì lẽ ấy, chính Chúa Giêsu tuyên bố: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? – nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em (Lc 16,11-12)?”
Chúng ta cùng cầu nguyện ho nhau và giúp nhau mỗi ngày sống đúng với tư cách của mình là môn đệ của Đức Giêsu, nhờ đó chúng ta thoát khỏi cách hành xử cách khôn khéo của con cái trần gian, nhưng hành xử cách khôn ngoan của con cái Nước Trời. Sự khôn ngoan ấy vốn có chuẩn mực sống là tìm kiếm và xây dựng phẩm giá làm con Thiên Chúa của sự hiến tế chứ không mưu ích bản thân của lòng vị kỷ. Amen.
Giuse Lê Quang Chủng, SJ