[Giới thiệu sách] “THẦN HỌC BẢN VỊ HÓA & NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN” – Linh mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ

“Bản vị hóa” hay “hội nhập văn hóa vào tâm thức Việt” là một mô hình muốn hội nhập đức tin vào nền văn hóa địa phương, như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, tự không-hóa mình (kenose), tự gạt bỏ mình để chân nhận một nền văn hóa mới. Bản vị hóa (inculturatio) đặt nền tảng trên mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô và trong sức năng động của Thánh Thần. Chính vì thế, văn hóa mới có chiều hướng phát triển và niềm tin mới có những nét cụ thể.

Tại Việt Nam, tác giả cho thấy bản vị hóa cần phải chú ý đến những tồn tại của lịch sử truyền giáo như tranh chấp lễ nghi, hay nói tổng quát hơn là vấn đề tôn kính tổ tiên. Như vậy, bản vị hóa không những chỉ nhìn theo khía cạnh của địa phương nhưng cũng cần phải đặt suy tư thần học vào hoàn cảnh mới của thế giới hiện đại với tất cả những quan tâm và thách đố hằng ngày của nó. Dưới quan điểm như thế, thần học không thể tách rời khỏi lịch sử cũng như khỏi cái nhìn của xã hội đang thay đổi thời nay. Đứng trước quan điểm Thần Học Bản Vị Hóa Việt Nam, chúng ta có lẽ cần chú trọng tới tinh thần của Công Đồng Vatican II đã mở ra cho Giáo hội hoàn vũ cách chung và những quan điểm của Giáo hội Việt Nam, nhất là vấn đề truyền giáo, sứ mạng của Dân Chúa. Tất cả những quan điểm đó như những viên gạch để xây dựng Thần Học Bản Vị Hóa.

Tập sách “THẦN HỌC BẢN VỊ HÓA & NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN” của Linh mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ như một đóng góp nền tảng cho thần học tại Việt Nam. Tác phẩm này được đúc kết qua nhiều năm sống, suy tư và giảng dạy Thần học và Triết học tại môi trường Á Châu của tác giả, cụ thể là tại các nước chịu ảnh hưởng tới tư tưởng Khổng-Lão-Phật, vốn là một yếu tố lớn trong “tầng nền tâm thức người Việt”.

Trong tác phẩm này, “tác giả đưa ra những đường nét nền tảng cho một định hướng căn bản cho Giáo hội Việt Nam là bản vị hóa diễn tả thần học của chân lý đức tin cho người Việt Nam ngày nay, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đây quả là một nhiệm vụ mà đối với Giáo hội Việt Nam nói chung và những những người tham gia vào việc đào tạo thần học nói riêng, là một nỗi khắc khoải và một dự án chưa được khởi đầu vì chưa biết khởi đầu như thế nào.” (Lm. Nguyễn Hai Tính, SJ)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách này. Hy vọng những tư tưởng Thần Học Bản Vị Hóa sẽ được tiếp tục suy tư và nghiên cứu, để một ngày không xa, chúng ta sẽ có một nền thần học mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Công Trình, SJ

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …