Giáo xứ Giuse Thợ Tạo Tác – trong năm Thánh Dòng Tên dự kiến có 4 cuộc hành hương trong ngày, thăm viếng các giáo xứ:
1. Tháng 03/2014: Hành hương gần, thăm viếng các giáo xứ: Hà Đông – Đa Thiện – TTMV
2. Tháng 06/2014: Hành hương xa, thăm viếng các giáo xứ: Cầu Đất – Lạc Viên – Dòng Châu Sơn
3. Tháng 08/2014: Hành hương xa, thăm viếng các giáo xứ: Thánh Tâm – Vạn Thành – Tà Nung.
4. Tháng 12/2014: Hành hương gần, thăm viếng các giáo xứ: Thánh Mẫu – Tùng Lâm – Langbiang.
Chúa nhật 16-03-2014, lúc 7g45: buổi hành hương đầu tiên của giáo xứ Tạo Tác trong Năm Thánh Dòng Tên, với mục đích: Tĩnh tâm và học hỏi về “Ngọn lửa và những bước chân Loan Báo Tin Mừng”.
Trong nghi thức khai mạc buổi hành hương, Cha xứ Giuse chia sẻ về mục đích – ý nghĩa của việc hành hương qua tông sắc “Mầu nhiệm Nhập thể”, của Đức Cố Thánh Cha Gioan Phao-lô II (hiện nay là Chân Phước):
“Qua dòng lịch sử, việc thiết định Năm Thánh Toàn Xá càng giàu những dấu chỉ chứng nhận lòng tin và trợ giúp lòng đạo đức của dân Ki-tô giáo.
Trong số những dấu chỉ đó, trước hết phải kể đến việc hành hương. Việc hành hương gợi nên thân phận của con người ưa miêu tả cuộc đời của mình như một cuộc đăng trình. Từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, mỗi người đều sống trong thân phận lữ hành.
Lịch sử Giáo Hội là một nhật ký sống động về một cuộc hành hương chưa hề chấm dứt.
Hành hương luôn luôn là một thời điểm ý nghĩa trong cuộc đời các tín hữu… Nó gợi lên hành trình riêng biệt của người tín hữu dõi theo bước chân Đấng Cứu Chuộc: đó là một thực hành khổ chế đầy lợi ích, là ăn năn vì những yếu đuối con người, là liên tục tỉnh thức trước sự dòn mỏng của bản thân, là sửa soạn tâm hồn để cải biến tâm tư.
Nhờ tỉnh thức, chay tịnh và cầu nguyện, người hành hương tiến triển trên đường trọn lành Ki-tô giáo, nhờ sự nâng đỡ của ân sủng Thiên Chúa, họ cố gắng đạt đến “tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Eph 4, 13)
8g00: Cha xứ Giuse, quí Thầy Dòng Tên, quí Soeur cùng với với khoảng 100 giáo dân giáo xứ Tạo Tác người lên đường hành hương.
8g15: ĐIỂM HÀNH HƯƠNG I: NHÀ THỜ HÀ ĐÔNG
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19)
1. Hà Đông thuộc khóm Ðông Tĩnh, nằm về phía Bắc Thị xã Đàlạt, là một trong những địa sở kỳ cựu nhất của Đàlạt.
Năm 1950 các cha dòng Chúa Cứu Thế ở Cité Decoux (Vạn Kiếp) đã dựng cho các giáo dân Hà Ðông một ngôi nhà nguyện 4mx10m vách gỗ, lợp ngói, mặt tiền được xây. Năm 1970, một nhà thờ mới 8mx24m như ngày nay được chính bà con giáo dân cùng với cha xứ Thánh Mẫu xây dựng. Sau thời gian này, với sự có mặt của Tiểu chủng viện Simon Hòa Đàlạt, các cha Tiểu chủng viện đã thay nhau xuống làm lễ. Sau năm 1975, giáo sở lại được trao cho các cha Chủng viện Minh Hòa phụ trách.
Năm 1994, ngày lễ thánh Giuse, Giáo họ Hà Đông được Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm nâng lên hàng giáo xứ và đặt cha Phaolô Bùi Văn Đọc làm Quản xứ tiên khởi. Giáo xứ nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu làm quan thầy. HIện nay, giáo xứ Hà Đông do cha Tôma Vũ Kim Long SDB coi sóc, có khoảng 40 hộ gia đình với khoảng hơn 250 nhân danh. Từ năm 2007, giáo xứ được các thầy từ học viện Don Bosco đến cộng tác trong việc mục vụ cho thanh thiếu niên.
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, giáo xứ Hà Đông đã dâng hiến cho Giáo Hội một linh mục là cha Gioan Nguyễn Trọng Thành. Hiện nay ngài đang làm cha quản xứ giáo xứ Lạc Nghiệp, Đơn Dương.
2. Học hỏi chủ đề: Khái quát về lịch sử truyền giáo tại Viêt Nam – theo chân các Cha Dòng Tên
Nhìn lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, nhất là lịch sử 400 năm Dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam, trước hết chúng ta không thể không dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì đã sai các nhà truyền giáo đến gieo vãi hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Việc các nhà thừa sai dòng Tên đầu tiên đến Hội An, tưởng chừng như là một sự tình cờ, chỉ để chăm sóc các tín hữu Công giáo Nhật Bản chạy qua Việt Nam nhằm trốn tránh cơn bách hại tại Nhật Bản. Thế nhưng đó lại nằm trong chương trình của Thiên Chúa để hạt giống Đức Tin được gieo vãi trên quê hương Việt Nam một cách có kế hoạch và hữu hiệu hơn.
Lịch sử hình thành giáo xứ Tạo Tác cũng có nét tương tự như vậy. Việc khởi đầu của giáo xứ, việc các cha dòng Tên hiện diện tại Tạo Tác không phải là một sự tình cờ. Nó nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, để hạt giống đức tin được gieo vãi ngày càng được phát triển tại thành phố du lịch này.
9g15: ĐIỂM HÀNH HƯƠNG II: TRUNG TÂM MỤC VỤ GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8,35)
1. Đôi nét về Trung Tâm Mục Vụ – Nơi Đào Tạo Giáo Dân của Giáo Phận Đà Lạt.
Sau 15 tháng thi công miệt mài với 66 ngàn công lao động trong thời điểm gặp biết bao khó khăn về thời tiết, thời giá… và việc Đức cha Phêrô được thuyên chuyển ra làm Tổng Giám mục phó Hà Nội, ngày 27/11/2010 Trung tâm Mục vụ giáo phận Đà Lạt đã được long trọng khánh thành với Thánh lễ do chính Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự.
Trung tâm mục vụ giáo phận Đà Lạt nằm trên trên một khu đồi thuộc phường 8 – thành phố Đà Lạt với khuôn viên rộng 6ha. Khu đất này nguyên trước đây là sân bóng đá và vườn cà phê của chủng viện Minh Hòa.
Trung tâm mục vụ gồm 6 khối nhà ở và nhà nguyện cùng với Hội trường chính với trên 300 chỗ ngồi, trong một kiến trúc độc đáo theo kiểu nhà Rông cao nguyên, mái tôn đỏ màu ngói, là đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Trung tâm mục vụ chủ yếu là nơi đào tạo giáo dân của Giáo phận. Các hội đoàn cũng có thể đến để tĩnh tâm hoặc tổ chức các buổi hội thảo, học hỏi, v.v…. Ngoài các hoạt động được tổ chức cho giáo dân theo chương trình hàng năm, trung tâm còn nhận trách nhiệm đào tạo giáo dân tại các khu vực, các giáo hạt ở xa để giúp cho đời sống đạo của người giáo dân được nâng tầm, ngày càng trở nên chứng nhân Tin Mừng của Đức Kitô trên đất nước Việt Nam hôm nay.
Đặc biệt tại Trung tâm mục vụ có Phòng Truyền Thống Giáo phận Đà Lạt. Đây là Phòng Trưng bày văn hoá Tây Nguyên rộng hơn 100m2, chia làm 3 góc với 3 chủ đề chính mô phỏng đời sống của 3 dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên ở Lâm Đồng là K’Ho, Chu Ru, và Mạ.
Hiện nay cha Giám đốc Trung tâm mục vụ là cha Đaminh Nguyễn Mạnh Tuyên.
2. Học hỏi chủ đề: Chân Phước Andre Phú Yên đón nhận Đức Tin – và cộng tác với các Cha Thừa Sai.
Ngọn lửa Đức Tin Công Giáo tại quê hương Việt Nam đã được thắp lên, và rồi, kế tiếp ngọn lửa ấy, ngàn ngàn ngọn lửa tiếp theo. Anrê Phú Yên đã nằm xuống, nhưng ngài đã làm bùng lên ngọn lửa Đức Tin: “Lấy tình yêu đáp trả tình yêu, dâng sự sống báo đền sự sống”; “Hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời … Mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên đất Việt, chúng ta sẽ nối tiếp ngọn lửa của Anrê Phú Yên như thế nào?
10g15: ĐIỂM 3: NHÀ THỜ ĐA THIỆN
“Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban”. (1 Cr 3,5)
1. Đôi nét về Giáo Xứ Đa Thiện
Giáo xứ Đa Thiện nằm trong phường 8 thành phố Đà Lạt, giáp ranh với các giáo xứ Thánh mẫu, Thiện Lâm và Hà Đông.
So với các giáo xứ trong giáo phận, Ða Thiện chỉ là một giáo xứ nhỏ bé với số dân hiện nay khoảng 160 người, nhưng lại là một giáo xứ đã có hơn 40 tuổi đời.
Giáo xứ Đa Thiện bắt đầu hình thành năm 1956, với 2 gia đình Công giáo đến lập cư tại Đa Thiện. Một năm sau đó, giáo họ Đa Thiện được thành lập, thuộc giáo xứ Thánh Mẫu, với 90 nhân khẩu thuộc 22 gia đình, dưới sự hướng dẫn của cha Phêrô Mạnh Trọng Bých.
Ðến năm 1958, để giáo xứ có điều kiện sinh hoạt về phụng vụ, cha xứ Thánh Mẫu cùng với bà con giáo dân tại đây đã hợp lực kiến thiết một nguyện đường bằng gỗ. Từ đó mỗi Chúa Nhật đều có thánh lễ. Từ 1960 đến 1969, các cha Deslières, Jean Marie Motte và Joseph Chen Dòng Tên, thuộc Giáo Hoàng Học Viện thay nhau mỗi cha một tháng đến dâng lễ các ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Năm 1969, Cha Bernađô Nguyễn Tiến Huân, giáo sư Tiểu Chủng Viện Simon Hòa, phụ trách giáo họ và sau ngày được bổ nhiệm (1971) chẳng những cha về ở luôn tại giáo xứ mà còn xúc tiến việc xây cất ngôi thánh đường mới. Năm 1974 công việc xây dựng hoàn tất, giáo xứ hân hoan khánh thành ngôi nhà thờ mới và chọn Ðức Mẹ Mân Côi làm Bổn Mạng.
Từ 21.2.1012 đến nay, cha Giuse Nguyễn Văn Quý được cử làm cha quản xứ giáo xứ.
Tuy nhỏ bé, giáo xứ cũng đã đóng góp cho Giáo Hội 2 linh mục và 5 nữ tu Mến Thánh Giá.
2. Học hỏi chủ đề: Cha Đắc Lộ và công cuộc Loan Báo Tin Mừng bằng chữ Quốc Ngữ
Cử hành năm thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên đất Việt, chúng ta, nhất là các bạn trẻ, không thể không suy nghĩ lời của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trong Lời tựa viết cho quyển “Có một vườn tho Đạo”, tập 1: Thi sĩ của Thánh Giá, năm 2012. Ngài viết như sau: “Tình trạng viết văn tiếng Việt của các bạn trẻ ngày nay thật đáng suy nghĩ! Mấy chục năm thời chiến, vừa học vừa nấp bom tránh đạn, thì thước đo trí thức lấy cộng trừ nhân chia làm chính. Hòa bình lập lại, cả thầy lẫn trò bị hút vào vi tính và ngoại ngữ, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ bị bỏ quên, chẳng còn mấy ai chuyên chăm luyện văn, tập viết. Tiếng Việt là gia tài cha ông để lại cho con cháu luyện tập để chuyển tải Tin Mừng cứu độ cho thiên hạ lại “bị bỏ quên hoặc coi thường”, trong khi thiên hạ biết tôi luyện và tận dụng tiếng Việt để chuyển đạt các tư tưởng làm méo mó hình ảnh Chúa và Giáo Hội. Thảm thương thay! Đắc tội với cha ông và lỗi đạo với hậu thế! Trên thương trường và các mặt khác của xã hội, tình trạng yếu kém tiếng Việt chẳng trở ngại gì lắm, nhưng trên cánh đồng của Chúa mà cứ thế, thì người của Chúa lấy đâu văn chương chữ nghĩa mà rao giảng Tin Mừng?”
Tạ ơn Chúa vì giáo xứ đã có cuộc hành hương ngắn ngủi nhưng bổ ích . Biết ơn các vị thừa sai, chúng con cũng được mời gọi làm cho hạt giống đức tin được triển nở trong đời sống mỗi người, trong mỗi gia đình, trong giáo xứ cũng như nơi chúng ta sinh sống. Đặc biệt trong Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên đất Việt, xin cho mỗi người chúng con ý thức được rằng chúng con được mời gọi trở nên những nhà thừa sai cho những người trong gia đình, cho anh chị em trong giáo xứ, cho những người chưa biết Chúa Kitô trong giới hạn của mình, nhưng với lòng yêu mến, bình an, khiêm tốn, và niềm vui. Amen.
Ban Truyền Thông GX Tạo Tác
Tháng 03-2014